Toàn cầu hóa khi Trung Quốc phải đối mặt với ảnh hưởng của ‘chiến tranh và dịch bệnh’
Các nền kinh tế đã trải qua những thay đổi đau đớn trong vài năm qua do các cuộc khủng hoảng quốc tế.
Đầu tiên, đó là phản ứng với một loại virus có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, khiến một số người phải suy nghĩ lại về toàn cầu hóa.
Giờ đây, những hậu quả gần đây hơn của cuộc chiến Nga-Ukraine đã tiếp tục thêm vào các cuộc thảo luận về thương mại toàn cầu, với một ví dụ là những tư tưởng của nhà kinh tế vĩ mô người Đức Gustav Horn.
Hiện tại ở Trung Quốc, nhiều người bị áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt vốn cũng đang gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc, một số tổn hại này được tiết lộ trong các số liệu du lịch trong “tuần lễ vàng” mà quý vị có thể đọc thêm bên dưới. Các số liệu này đưa ra một bức tranh tổng quát về sức khỏe kinh tế Trung Quốc, điều mà các nhà tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn che giấu.
‘Chính sách thương mại nên dựa trên giá trị’
Hôm 26/04, ông Horn đã có một bài bình luận trên Zeit Online, với tiêu đề “Đức cần các quy tắc mới cho thương mại toàn cầu”, nơi ông lập luận rằng cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm rõ ràng rằng “toàn cầu hóa như chúng ta biết là đã chết.”
Ông Horn nói, trong tương lai, khi kinh doanh với “các đối tác thương mại đang vận hành”, chẳng hạn như Nga và Trung Quốc, nơi “không hẳn tồn tại một bộ giá trị chung”, thì chúng ta phải sử dụng “sự thận trọng và tầm nhìn xa.”
Ông chia sẻ, hẳn là “không có sự phụ thuộc nào không thể sửa được hoặc khó sửa. Do đó, nên khẳng định rằng mỗi đối tác thương mại này có thể bị thay thế bởi những đối tác thương mại khác bất cứ lúc nào.”
Thương mại xuyên quốc gia không còn “chỉ dựa trên lợi nhuận ngắn hạn của sàn giao dịch. Thay vào đó, nhà nước và hiến pháp xã hội của các đối tác thương mại cũng phải đóng một vai trò quyết định. Ông nói, chính sách thương mại nên dựa trên giá trị trong tương lai. Mục tiêu cuối cùng là làm cho giao dịch an toàn hơn và — dựa trên các giá trị được chia sẻ — công bằng hơn.”
Ông Horn gợi ý rằng cần phải chia các đối tác thương mại trong tương lai thành ba loại:
Những quốc gia hàng xóm có các [quan điểm] về giá trị giống nhau và sự gần gũi về địa lý nằm trong nhóm đầu tiên là các đối tác ưu tiên.
Các quốc gia cách xa nhau về địa lý nhưng có các giá trị tương tự, tạo thành lớp thứ hai.
Các quốc gia mà giao dịch với họ “chỉ phục vụ lợi nhuận của họ,” là những đối tác thương mại ít được mong muốn nhất và phải được “đối xử thận trọng hơn nhiều trong tương lai.”
Ông Horn kết thúc bài báo bằng cách nói rằng thương mại định hướng giá trị toàn cầu trong tương lai nên “là một thương mại không còn chỉ dựa trên các tính toán kinh tế, mà còn phải đáp ứng các tiêu chí như an ninh nguồn cung cấp và bảo vệ chống lại đe dọa chính trị. Tuy nhiên, trên tất cả, một chính sách thương mại theo định hướng giá trị [cần] kết nối lại thương mại với hòa bình.”
Tuần lễ vàng mất đi sự tỏa sáng
Một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất của toàn cầu hóa trong nhiều thập kỷ qua là Trung Quốc và ĐCSTQ của nó. Nền kinh tế của Trung Quốc hiện đang đối mặt với một số thách thức, trong đó có sự phục hồi COVID với du lịch địa phương là một ví dụ về lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều của các biện pháp nghiêm ngặt chống COVID.
Từ hôm 30/04 đến hôm 04/05 là ngày lễ Lao động của Trung Quốc, được gọi là “tuần lễ vàng”, thường là một tuần du lịch rất bận rộn. Nhưng hôm 28/04, người phát ngôn của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, với 100 triệu chuyến đi dự kiến trong năm nay, là đã giảm khoảng 62% so với cùng kỳ năm 2021. Lưu lượng giao thông trung bình trên đường cao tốc hàng ngày cũng dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 49% so với năm ngoái.
Trong cuộc họp báo hôm 28/04, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết: “Tình hình chống và kiểm soát dịch hiện nay ở các khu vực khác nhau của Trung Quốc rất phức tạp, và mức độ sẵn sàng đi du lịch của du khách là thấp do ảnh hưởng của đại dịch”. Theo thông tin đặt vé hàng không, lượng đặt vé trung bình hàng ngày của các hãng hàng không trong các kỳ nghỉ lễ là khoảng 400,000 lượt, giảm 77% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Hôm 25/03, trong Báo cáo Tổng quan về Doanh nghiệp Trung Quốc của mình, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings cho biết, tốc độ phục hồi trong ngành du lịch của Trung Quốc đã chậm lại kể từ giữa năm 2021 do áp đặt các hạn chế du lịch trên toàn quốc do sự quay trở lại và sẽ vẫn bất ổn của COVID-19 vào năm 2022.
Báo cáo cho biết, trong nửa đầu năm 2021, lượng khách du lịch nội địa và doanh thu du lịch của Trung Quốc chỉ phục hồi lên hơn 60% so với mức năm 2019, trước khi giảm xuống khoảng 50% cho cả năm 2021 và quá trình phục hồi này sẽ vẫn yếu vào năm 2022.
Fitch Ratings tin rằng các chính sách phòng chống đại dịch của các nhà chức trách đã quyết định phần lớn con đường phục hồi của ngành này, và sự lây lan của COVID-19 có khả năng tiếp tục hạn chế các hoạt động du lịch, do đó làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế Trung Quốc.
“Chiến tranh và dịch bệnh” báo hiệu sự sụp đổ
Hôm 18/04, hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đã hạ thấp tính nghiêm trọng về tình hình kinh tế của Trung Quốc trong một bài báo có tiêu đề “10 câu hỏi về nền Kinh tế Hiện tại của Trung Quốc”, nói rằng Trung Quốc có đủ khả năng để đối phó với suy thoái vì nền kinh tế và quy mô thị trường lớn.
Ông Shi Shan, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự và truyền thông cấp cao ở Hoa Kỳ, đã gọi tuyên bố này là “sự tự thôi miên của ĐCSTQ.”
Ông Shi cho biết khi một xu hướng suy thoái kinh tế đã hình thành, rất khó để đảo ngược nó thông qua các lực lượng bên ngoài. Mặc dù Trung Quốc là một nền kinh tế lớn và sẽ không dễ dàng bị đổ, nhưng một khi đã sụp đổ, sẽ rất khó để vực dậy.
Thậm chí ông Shi còn dự đoán khả năng ĐCSTQ sụp đổ. Ông nói trên kênh tin tức của mình rằng hai sự kiện đồng thời có khả năng kích hoạt sự sụp đổ của ĐCSTQ—chiến tranh và dịch bệnh.
Ông nói: “Trong lịch sử, những sự sụp đổ cấu trúc lớn trong xã hội loài người thường đi kèm với hai nhân tố này, và cả hai nhân tố đều đã xuất hiện rồi.”
Mặc dù chiến tranh Nga-Ukraine ở Âu Châu là xa xôi, nhưng ông Shi nói, “Trong thời đại toàn cầu hóa, không ai có thể trốn thoát được.”
Ông Shi nói trong hầu hết các trường hợp, chiến tranh và dịch bệnh tàn phá các xã hội chủ yếu bằng cách phá hủy các nền kinh tế.
“Các cuộc chiến tranh và dịch bệnh không nhất thiết ảnh hưởng trực tiếp đến con người, mà thông qua sự tàn phá kinh tế. Không ai có thể trốn thoát được.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Cô Julia Ye là một phóng viên người Úc, gia nhập The Epoch Times vào năm 2021. Cô đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: