Tòa Bạch Ốc: TT Biden yêu cầu Trung Quốc xem xét giải phóng dự trữ dầu thô trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu
Tòa Bạch Ốc cho biết hôm thứ Năm (18/11) rằng, chính phủ của Tổng thống (TT) Biden đã yêu cầu Trung Quốc xem xét khả năng giải phóng dầu thô dự trữ trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu nguồn cung.
Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết trong một cuộc họp báo rằng các thành viên của đội an ninh quốc gia của TT Biden đã “thảo luận với một loạt quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, về nhu cầu đáp ứng nhu cầu nguồn cung ở đó.”
Bà Psaki nói với các phóng viên, “Nhưng đó là một cuộc trao đổi đang diễn ra và là cuộc trao đổi chúng tôi đang có một với một số đối tác.”
Theo báo cáo của Reuters, trích dẫn một số người quen thuộc với các yêu cầu này, những bên tiêu dùng lớn khác mà chính phủ đã tổ chức các cuộc thảo luận như vậy bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, và Nam Hàn.
Bloomberg đưa tin, hôm thứ Ba (15/11) ông Biden đã nêu vấn đề giải phóng kho dự trữ dầu thô trong cuộc gặp trên trực tuyến với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Một phát ngôn viên của Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược Quốc gia Trung Quốc nói với Bloomberg rằng “Cục đang tiến hành công việc giải phóng dầu thô vào lúc này”, tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc đã có kế hoạch làm như vậy chưa hay liệu kế hoạch này có bị thúc đẩy bởi yêu cầu của ông Biden hay không.
Người phát ngôn của Cục Dự trữ cho biết: “Chúng tôi sẽ công bố thêm chi tiết về khối lượng và ngày bán trên trang web của chúng tôi, giống như chúng tôi đã làm trong cuộc đấu giá công khai đầu tiên.”
Nếu việc giải phóng dự trữ được tiến hành, điều đó sẽ đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập cảng [dầu] lớn nhất, tham gia vào một đợt giảm [dự trữ] phối hợp với Hoa Kỳ.
Cả Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn đều có chung mối lo ngại về giá dầu và nhiên liệu ngày càng tăng cũng như mức lạm phát gia tăng, hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 1990 tại Hoa Kỳ.
Các cuộc thảo luận chung hy vọng sẽ mang lại sự ổn định cho thị trường năng lượng toàn cầu và diễn ra sau khi giá dầu thô đạt mức cao nhất trong nhiều năm vào tháng trước.
Trung Quốc đã sử dụng đến kho dự trữ quốc gia của mình trong năm nay với nỗ lực hạ giá dầu thô trong nước. Vào tháng Chín, nước này lần đầu tiên tổ chức đấu giá công khai trữ lượng dầu cho một nhóm các nhà máy lọc dầu trong nước.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã từ chối yêu cầu của ông Biden về việc tăng sản lượng trong bối cảnh nguồn cung giảm và giá năng lượng tăng.
Tòa Bạch Ốc đã gây áp lực trở lại OPEC vào tháng Tám để thúc đẩy sản xuất dầu nhanh hơn, tuyên bố rằng thỏa thuận trước đó vào tháng Bảy để tăng sản lượng mỗi tháng thêm 400,000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng Tám cho đến tháng 11 “đơn giản là không đủ” trong một “thời điểm quan trọng của sự phục hồi toàn cầu.”
Nhưng OPEC và các đồng minh sản xuất dầu thô, OPEC-cộng, hôm 04/11 đã đồng ý duy trì kế hoạch nâng dần sản lượng dầu thô lên 400,000 thùng mỗi ngày mỗi tháng, coi sự phục hồi kinh tế [hiện nay] là quá bất ổn để biện minh cho nguồn cung nhiều hơn.
Tổ chức gồm 13 thành viên này đang có kế hoạch loại bỏ dần phần còn lại của việc cắt giảm sản lượng bắt đầu vào năm 2020 để đối phó với đại dịch COVID-19 và nhu cầu đang suy giảm.
OPEC cho biết trong một tuyên bố, “Cuộc họp tái khẳng định cam kết tiếp tục của các Quốc gia tham gia trong Tuyên bố Hợp tác (DoC) nhằm đảm bảo một thị trường dầu ổn định và cân bằng, cung cấp hiệu quả và an toàn cho người tiêu dùng và cung cấp sự rõ ràng cho thị trường vào những thời điểm khi các phần khác của Tổ hợp năng lượng bên ngoài ranh giới của các thị trường dầu mỏ đang trải qua nhiều biến động và bất ổn, và để tiếp tục áp dụng cách tiếp cận chủ động và minh bạch nhằm mang lại sự ổn định cho các thị trường dầu mỏ.”
Hoa Kỳ có dự trữ dầu mỏ chiến lược được báo cáo lớn nhất thế giới ở mức 727 triệu thùng trong khi Trung Quốc không công bố thông tin liên quan đến mức dự trữ chiến lược của mình, mặc dù Consultancy Energy Aspects hồi đầu năm nay ước tính rằng dự trữ dầu nhà nước của Trung Quốc chứa khoảng 220 triệu thùng dầu thô, tương đương với 15 ngày nhu cầu.
Nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ đồng ý thực hiện hành động chung đối với dầu thô, thì hành động này có thể tác động đến giá dầu toàn cầu.
Reuters đã đóng góp vào báo cáo này.
Bà Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bà đưa tin tức và kinh doanh cho Đại Kỷ Nguyên, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: