Tòa Bạch Ốc tiết lộ các chi tiết về cách G7 sử dụng tài sản Nga
Tổng số tiền vay 50 tỷ USD sẽ được gửi đến Ukraine trong năm nay, với việc hoàn trả các khoản vay lấy từ lợi tức trong tài sản bị thu hồi của Nga.
BARI, Ý—Hôm 14/06, Tòa Bạch Ốc đã phác họa một vài khía cạnh chuyên môn của kế hoạch đã được các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy Nước (G7) đồng tình nhằm cấp các khoản vay cho Ukraine bằng cách sử dụng các tài sản quốc gia bị đóng băng của Nga.
“Mỗi quốc gia G7 sẽ thực hiện phần việc của mình,” một quan chức chính phủ cấp cao cho biết trong một cuộc điện đàm với các phóng viên. “Một số quốc gia sẽ đóng góp vào khoản vay. Những nước khác sẽ đóng góp vào việc trả nợ. Những nước khác vẫn sẽ cung cấp những bảo đảm cho việc hoàn trả nếu dòng thu nhập không đủ để trả lãi và trả toàn bộ khoản vay.”
Vị quan chức chính phủ cấp cao này cho biết: “Tất nhiên, đã có sự thống nhất rằng khi nói đến tài trợ cho việc phục hồi sau cùng của Ukraine, thì điều công bằng duy nhất là Nga đứng ra thanh toán hóa đơn, chứ không phải người đóng thuế của chúng ta.”
Dưới đây là một số chi tiết của kế hoạch này:
Các nước tham gia
Hoa Kỳ đang sẵn sàng cam kết lên tới 50 tỷ USD, nhưng vị quan chức chính phủ cấp cao này xác nhận rằng nước này sẽ không phải là bên cho vay duy nhất. Canada đã hứa sẽ đóng góp 5 tỷ USD, và cả châu Âu lẫn Nhật Bản đều đang cân nhắc xem họ muốn đóng góp bao nhiêu.
Trong khi đó, Vương quốc Anh đang cân nhắc một biện pháp để bảo đảm việc hoàn trả các khoản vay này, và Liên minh Âu Châu sẽ đóng “một vai trò rất lớn” trong việc cung cấp thu nhập lãi suất từ tài sản của Nga. Tuy nhiên, có một bước quan trọng mà người Âu Châu cần phải thực hiện.
Pháp, Đức, và Ý sẽ phải kêu gọi các thành viên khác của Liên minh Âu Châu bảo đảm việc tiếp tục thu hồi tài sản của Nga. Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống Biden tỏ ra tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo ở châu Âu sẽ bảo đảm duy trì tình trạng thu hồi.
Vị quan chức này cũng chỉ ra rằng một phần đáng kể số tài sản bị thu hồi này nằm ở Bỉ và do đó nước này “sẽ tiếp tục đóng một vai trò rất mang tính xây dựng với tư cách là những đối tác trong nỗ lực này.”
Ukraine sẽ nhận được tiền như thế nào?
Hướng đi của khoản vay sẽ khác nhau tùy thuộc vào người cho vay. Chẳng hạn, trong khi châu Âu muốn chuyển khoản đóng góp cho vay của mình cho quân đội Ukraine, thì Nhật Bản lại có một yêu cầu pháp lý để tránh sử dụng các khoản đóng góp của họ cho các mục đích quân sự.
Các nhà lãnh đạo G7 nói trong tuyên bố chung: “Chúng tôi dự định giải ngân khoản tiền này thông qua nhiều kênh để chuyển nguồn tiền cho nhu cầu về quân sự, ngân sách, và tái thiết của Ukraine—nằm trong các giới hạn của hệ thống pháp lý và các yêu cầu quản lý tương ứng của chúng tôi.”
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times