Tòa Bạch Ốc thừa nhận về thị trường chứng khoán
Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết chính phủ ông Biden không theo dõi thị trường chứng khoán một cách thường xuyên khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1,100 điểm hôm thứ Tư (18/04).
Nói với các phóng viên, bà Jean-Pierre cho biết hôm thứ Tư rằng “không có gì thay đổi về cách chúng tôi nhìn nhận thị trường chứng khoán,” đó là “điều mà chúng tôi không để mắt đến hàng ngày, vì vậy tôi sẽ không bình luận về điều đó từ đây.”
Nasdaq Composite giảm gần 5% trong khi Dow Jones giảm 4% vào thứ Tư. Vào sáng thứ Năm, chỉ số Dow Jones giảm hơn 440 điểm trong suốt phiên giao dịch buổi sáng.
Trước đó trong năm 2022, cựu Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã nói rằng Tổng thống Joe Biden “không coi thị trường chứng khoán như một phương tiện để đánh giá nền kinh tế.”
Thị trường chứng khoán lao dốc một phần là do cổ phiếu của Target, Walmart, và các nhà bán lẻ khác bị thua lỗ đáng kể trong những ngày gần đây. Ví dụ, Target đã mất khoảng 25% giá trị sau khi báo cáo thu nhập của họ không đạt được mức mà các nhà phân tích đã dự báo, cụ thể là do chi phí vận chuyển đã tăng cao hơn do giá nhiên liệu cao và lạm phát.
Lãi suất tăng, lạm phát cao, chiến tranh ở Ukraine và suy thoái kinh tế Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư xem xét lại mức giá họ sẵn sàng trả cho nhiều loại cổ phiếu, từ các công ty công nghệ đang rất thành công cho đến các nhà sản xuất xe hơi truyền thống.
Thị trường giá xuống gần nhất đã xảy ra chỉ hai năm trước, nhưng đây vẫn sẽ là lần đầu tiên đối với những nhà đầu tư bắt đầu giao dịch trên điện thoại của họ trong thời kỳ đại dịch. Trong nhiều năm, phần lớn nhờ vào các hành động bất thường của Cục Dự trữ Liên bang, chứng khoán dường như chỉ đi theo một hướng: tăng giá. Giờ đây, tiếng kêu gọi tập hợp quen thuộc để “mua khi giá giảm” sau mỗi lần thị trường chao đảo đang nhường chỗ cho nỗi lo sợ rằng sự sụt giảm đang biến thành miệng núi lửa.
Cục Dự trữ Liên bang đang cố gắng kiềm chế tác động của lạm phát cao nhất trong 40 năm bằng cách tăng lãi suất. Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng đang làm điều tương tự. Nhưng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã mắc kẹt với chính sách lãi suất thấp của mình và chênh lệch giữa lãi suất cơ bản của nền kinh tế lớn nhất thế giới và lớn thứ ba thế giới đã đẩy giá trị của đồng dollar lên so với đồng yên Nhật.
Việc tăng lãi suất có xu hướng tạo ra lãi suất cao hơn cho cả khoản vay kinh doanh lẫn khoản vay tiêu dùng, điều này khiến nền kinh tế chậm lại. Một số vị CEO hiện nay và cựu CEO đã bày tỏ lo ngại rằng lạm phát kết hợp với lãi suất cao có thể gây ra suy thoái trong những tháng tới.
Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức của The Epoch Times tại New York.
Bản tin có sự đóng góp của Associated Press
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: