Tòa Bạch Ốc: Mối lo ngại về khả năng Nga xâm lược Ukraine vẫn cao sau các cuộc đàm phán
Hôm thứ Ba (18/01), tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói với các phóng viên rằng chính phủ Tổng thống (TT) Biden tiếp tục coi sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine là “một tình huống vô cùng nguy hiểm.”
Nhận xét này được đưa ra sau ba vòng đàm phán cao cấp vào tuần trước bao gồm Hoa Kỳ, Nga và một số quốc gia Âu Châu nhằm hạ nhiệt căng thẳng và tìm ra một con đường ngoại giao cho tương lai.
Trong những tuần vừa qua, Nga đã dồn khoảng 100,000 quân dọc theo biên giới với Ukraine và ở đảo Crimea do Nga sáp nhập. Gần đây nhất, Nga đã công bố các cuộc tập trận quân sự chung với nước láng giềng Belarus, nơi cũng có chung đường biên giới với Ukraine.
Bà Psaki cho biết: “Hiện chúng ta đang ở giai đoạn mà tại bất kỳ thời điểm nào Nga cũng có thể tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine.”
Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói chuyện với người đồng cấp Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov, và hai người đã đồng ý gặp nhau tại Geneva, Thụy Sĩ vào cuối tuần này.
Ông Blinken sẽ đến Kyiv vào thứ Tư (19/01) để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, và sau đó sẽ đến Berlin trước khi gặp ông Lavrov vào thứ Sáu (21/01), theo Bộ Ngoại giao. Các quan chức nói rằng chuyến đi này nhằm thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraine và đưa ra một lời kêu gọi khác để Nga giảm leo thang và theo đuổi chính sách ngoại giao.
Sự kiện này sẽ diễn ra sau khi một phái đoàn quốc hội lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã đến Kyiv để gặp ông Zelensky vào ngày thứ Hai (17/01) để tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraine.
Tổng thống Joe Biden đã nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Nga Putin trong những tuần gần đây. Trong các cuộc điện đàm này, ông Biden nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga nếu nước này xâm lấn thêm nữa.
Hôm 05/01, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã đến Hoa Thịnh Đốn để trình bày về một mặt trận thống nhất với ông Blinken khi nói rằng việc Nga tăng cường quân đội gần biên giới Ukraine đang đặt ra một “thách thức cấp bách và tức thời” đối với an ninh Âu Châu và rằng bất kỳ sự can thiệp nào cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Đức đã đình chỉ quá trình chứng nhận đối với đường ống Nord Stream 2 chưa được chấp thuận có khả năng vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức mỗi năm nếu được các cơ quan quản lý chấp thuận.
Ông Blinken cho biết khí đốt có khả năng sẽ không chảy qua đường ống Nord Stream nếu Nga xâm lược Ukraine.
Các quan chức Hoa Kỳ cũng cáo buộc Nga thực hiện một “chiến dịch cờ giả” và chiến dịch truyền thông xã hội để lấy cớ cho một cuộc xâm lược Ukraine. Nga đã phủ nhận điều này.
Hôm Chủ Nhật (16/01), các quan chức Ukraine cho biết Nga đã đứng sau một cuộc tấn công mạng nhằm phá hoại các trang web của chính phủ Ukraine.
Tháng trước (12/2021), Moscow đã đệ trình các dự thảo văn kiện an ninh yêu cầu NATO từ chối tư cách thành viên đối với Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ khác, đồng thời rút lại các hoạt động khai triển quân sự ở vùng Trung và Đông Âu.
Hôm thứ Hai, ông Lavrov, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, đã bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ rằng đất nước của ông đang chuẩn bị một cái cớ để xâm lược Ukraine. Nói với các phóng viên, ông bác bỏ tuyên bố của Hoa Kỳ được ông cho là “thông tin sai lệch hoàn toàn.
Ông Lavrov tái khẳng định rằng Nga mong đợi một lời phản hồi bằng văn bản trong tuần này từ Hoa Kỳ và các đồng minh đối với yêu cầu của Moscow về những bảo đảm ràng buộc rằng NATO sẽ không ủng hộ Ukraine hoặc bất kỳ nước nào khác thuộc Liên Xô cũ hoặc đặt lực lượng và vũ khí của họ ở đó.
Ông Nick Ciolino đưa tin về Tòa Bạch Ốc.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: