Tòa Bạch Ốc: Đại sứ Pháp sẽ trở lại Hoa Thịnh Đốn giữa tranh cãi ngoại giao
Đại sứ của Pháp tại Hoa Kỳ sẽ trở lại Hoa Thịnh Đốn sau một cuộc tranh cãi về thỏa thuận tàu ngầm nguyên tử với Úc, theo một tuyên bố chung được đưa ra bởi chính phủ Pháp và Tòa Bạch Ốc.
Tuyên bố chung được công bố hôm thứ Tư (22/09) cho biết, “Hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng tình hình lẽ ra sẽ được hưởng lợi từ các cuộc thảo luận cởi mở giữa các đồng minh về các vấn đề là mối quan tâm chiến lược đối với Pháp và các đối tác Âu Châu của chúng tôi. Tổng thống [Joe] Biden đã truyền đạt cam kết tiếp tục của mình về phương diện đó.”
Tuyên bố cho biết thêm rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Biden sẽ gặp nhau vào cuối tháng 10/2021, hai bên lưu ý rằng Tổng thống Macron cũng quyết định rằng Đại sứ Pháp Philippe Etienne sẽ trở lại Hoa Kỳ, vài ngày sau khi ông chỉ thị ông Etienne rời Hoa Thịnh Đốn.
Tuần trước (13-19/09), Tổng thống Biden đã công bố một thỏa thuận với Anh Quốc và Úc rằng Hoa Kỳ và Anh Quốc sẽ cung cấp cho Canberra các tàu ngầm nguyên tử. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là Úc sẽ phải thất hứa trong thỏa thuận của họ, được cho là trị giá 65 tỷ USD, với Pháp nhằm cung cấp cho nước này công nghệ tàu ngầm của Pháp.
Văn phòng Bộ Ngoại giao Pháp đã đưa ra một số tuyên bố giận dữ, cáo buộc ba quốc gia phản bội, trước khi rút các đại sứ của họ tại Hoa Thịnh Đốn và Canberra. Hiện không rõ liệu đại sứ Pháp tại Úc có trở lại trong tương lai gần hay không và tuyên bố chung được công bố hôm thứ Tư không đề cập đến vấn đề này.
Tuyên bố trên tiếp tục cho hay, ông Etienne “sau đó sẽ bắt đầu làm việc chuyên sâu với các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ” vì Tổng thống Biden đã tái khẳng định “tầm quan trọng chiến lược của sự tham gia của Pháp và Âu Châu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả trong khuôn khổ” của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU.
“Hoa Kỳ cũng nhận ra tầm quan trọng của một nền quốc phòng Âu Châu mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn, đóng góp tích cực vào an ninh xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu, đồng thời bổ sung cho NATO,” tuyên bố cho biết.
Rạn nứt ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Pháp, vốn là đồng minh trong phần lớn lịch sử của Hoa Kỳ, xảy ra khi Tổng thống Biden có bài diễn văn đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi ông ca tụng về ngoại giao trên vũ đài quốc tế. Chính phủ Tổng thống Biden cũng vấp phải phản ứng gay gắt về cách họ giải quyết cuộc rút quân và di tản hỗn loạn hàng ngàn người khỏi Afghanistan.
Người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell nói với các phóng viên rằng khối 27 quốc gia ủng hộ Pháp trong mối bang giao bị rạn nứt với Hoa Kỳ, Anh Quốc và Úc, đồng thời kêu gọi “hợp tác nhiều hơn, phối hợp nhiều hơn, ít chia rẽ hơn.”
“Đương nhiên, chúng tôi đã bị bất ngờ trước thông báo này,” ông Borrell nói, đề cập đến thông báo tuần trước.
Một quan chức khác của Liên minh Âu Châu, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel, nói rằng ông cảm thấy khó hiểu về quyết định của chính phủ Tổng thống Biden.
“Tại sao? Bởi vì với chính phủ mới của Tổng thống Joe Biden, Hoa Kỳ đã trở lại. Đây là thông điệp lịch sử được gửi bởi chính phủ mới này và bây giờ chúng tôi có các nghi vấn. Điều này có nghĩa là gì… Hoa Kỳ đã trở lại? Hoa Kỳ trở lại Hoa Kỳ hay một nơi nào khác? Chúng tôi không biết,” ông nói với các phóng viên ở New York trong tuần này.
Hôm thứ Hai (20/09), Bộ An ninh Nội địa cho biết họ sẽ giảm bớt các hạn chế đối với những du khách đã chích ngừa đầy đủ từ Liên minh Âu Châu mà đã được áp dụng kể từ khi đại dịch bắt đầu vào đầu năm ngoái. Các quan chức Tòa Bạch Ốc nói rằng quyết định đó là dựa trên các dữ liệu khoa học và không có động cơ chính trị.
Ông Jack Phillips là một phóng viên của The Epoch Times tại New York.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: