Tòa án Hồng Kông từ chối đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho các cựu biên tập viên Stand News
Hôm 30/12, một tòa án Hồng Kông đã bác đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho hai cựu biên tập viên cao cấp của Stand News bị buộc tội âm mưu xuất bản tài liệu “xúi giục nổi loạn.” Họ là một trong số bảy người bị bắt một ngày trước đó trong một cuộc đàn áp của cảnh sát lên kênh truyền thông ủng hộ dân chủ của họ vốn đã thu hút sự lên án của quốc tế.
Hôm thứ Năm (30/12), ông Chung Phái Quyền (Chung Pui-kuen), cựu tổng biên tập của tờ báo, là bị cáo duy nhất xuất hiện tại Tòa sơ thẩm Cửu Long Tây.
Hôm thứ Tư (29/12), ông Lam Bách Linh (Patrick Lam), người đang giữ chức quyền tổng biên tập của tờ Stand News tại Hồng Kông đã bị bắt trước khi từ chức, [sau đó] nộp đơn xin bảo lãnh qua luật sư của mình khi ông đang nằm viện.
Cáo buộc tương tự cũng được đưa ra đối với Best Pencil (Hong Kong) Limited, tổ chức đứng sau Stand News hiện đã bị đóng cửa. Kênh truyền thông trực tuyến độc lập này đã thông báo họ sẽ ngừng hoạt động vào thứ Tư, vài giờ sau khi 200 nhân viên an ninh quốc gia đột kích vào văn phòng của họ, phong tỏa tài sản trị giá khoảng 7.8 triệu USD, đồng thời bắt giữ hai biên tập viên hiện tại và các cựu biên tập viên cũng như bốn cựu thành viên hội đồng quản trị.
Những người bị bắt đã bị buộc tội tham gia vào “âm mưu xuất bản các ấn phẩm mang tính xúi giục nổi loạn” theo một sắc lệnh thời thuộc địa.
Bốn cựu thành viên hội đồng quản trị, bao gồm ca sĩ nhạc pop kiêm nhà hoạt động Denise Ho (Hà Vận Thi), luật sư Margaret Ng (Ngô Ái Nghi), và cô Christine Fang (Phương Phương), đã được cảnh sát thả ra vào chiều thứ Năm, theo các phương tiện truyền thông địa phương. Họ vẫn chưa bị kết tội.
Bà Trần Bội Văn (Chan Pui-man), vợ của ông Chung và là một cựu biên tập viên của tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily hiện đã đóng cửa, vẫn bị giam giữ sau khi bị bắt lại hôm thứ Tư.
Phiên tòa tiếp theo dành cho ông Chung và ông Lam được ấn định vào ngày 25/02. Nếu bị kết tội, họ có thể phải đối mặt với hai năm tù giam và khoản tiền phạt lên tới 5,000 dollar Hồng Kông (640 USD).
Vụ bắt giữ và hoạt động quy mô lớn của cảnh sát đã thu hút sự lên án từ phía Hoa Kỳ cũng như các chính phủ khác. Các nhóm nhân quyền cũng đã nêu lên những lo ngại về tự do báo chí đang bị thu hẹp của thành phố này sau khi nhà cầm quyền Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia hà khắc vào năm ngoái.
Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken kêu gọi chính quyền Bắc Kinh và Hồng Kông “ngừng nhắm mục tiêu vào các phương tiện truyền thông độc lập và tự do của Hồng Kông và trả tự do ngay lập tức cho những nhà báo và nhà điều hành truyền thông đã bị giam giữ và buộc tội một cách vô cớ.”
Ông Blinken nói trong một tuyên bố: “Một chính phủ tự tin không sợ sự thật sẽ đón nhận một nền báo chí tự do.”
Ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã bảo vệ cảnh sát Hồng Kông trong một cuộc họp báo thường nhật hôm 30/12, nói rằng hành động này “không liên quan gì đến tự do báo chí hoặc tự do ngôn luận” mà là để “duy trì trật tự xã hội ở Hồng Kông.”
Ông Triệu đã lên án sự chỉ trích của quốc tế, nói rằng “không có quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào có quyền can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông.”
Trong khi đó, ông Triệu nói với các phóng viên tại cuộc họp báo rằng chế độ cộng sản này đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 5 vị quan chức hiện tại và cựu quan chức Hoa Kỳ, để đáp lại những nỗ lực của Hoa Thịnh Đốn nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh về việc đàn áp dân chủ ở Hồng Kông. Trong các mục tiêu [của lệnh trừng phạt này] có cả cựu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Chủ tịch Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc Carolyn Bartholomew.
Hôm 20/12, Hoa Thịnh Đốn đã áp lệnh trừng phạt lên 5 phó giám đốc Văn phòng Liên lạc của Trung Quốc tại Hồng Kông vì làm xói mòn nền dân chủ và tự do ở thuộc địa cũ của Anh này. Năm quan chức Trung Quốc đó đã phải chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Không như các thành phố khác ở đại lục, Hồng Kông đã từng được hưởng quyền tự do báo chí, được bảo vệ bởi hiến pháp thu nhỏ của thành phố này, được gọi là Luật Cơ bản. Chính quyền Trung Quốc đã hứa sẽ duy trì quyền này và các quyền khác được bảo đảm theo Luật Cơ bản khi thành phố này được chuyển giao từ sự cai trị của Anh Quốc vào năm 1997.
Trong những năm qua, chế độ này đã đưa ra một loạt các biện pháp khiến cho quyền tự chủ và dân chủ của thành phố này bị suy giảm dần, đặc biệt là sau khi có luật an ninh quốc gia. Kể từ khi đạo luật với những lời lẽ mơ hồ này có hiệu lực, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ hơn 100 người ủng hộ dân chủ, dẫn đến hơn 60 cáo buộc — phần lớn là đối với các chính trị gia dân chủ, nhà hoạt động, nhà báo, và sinh viên.
Vụ bắt giữ hôm thứ Tư đã thu hút sự quan tâm từ nhiều nhóm nhân quyền quốc tế. Bà Julie Trébault, giám đốc của Artists at Risk Connection tại PEN America, cho biết: “Thông qua những vụ bắt giữ thu hút sự chú ý rộng rãi này, chính quyền Hồng Kông đang sử dụng luật pháp như một vũ khí kiểm duyệt và buộc họ phải im lặng.”
Phó tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế Kyle Ward cũng chỉ trích rằng chính quyền Hồng Kông “vũ khí hóa hệ thống luật pháp của Hồng Kông bằng cách viện dẫn một luật có từ thời thuộc địa về ‘xuất bản ấn phẩm xúi giục nổi loạn.’”
Đáp lại, một phát ngôn viên của chính quyền Hồng Kông cho biết quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí “có thể bị hạn chế vì các lý do trong đó có bảo vệ an ninh quốc gia.”
Các nhà chức trách này nói thêm rằng họ sẽ “đề phòng mọi hành vi gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia và sẽ đưa bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào vi phạm pháp luật ra trước công lý bất kể [lý lịch] xuất thân.”
Hôm thứ Năm, giám đốc văn phòng của Stand News tại Anh Quốc, ông Dương Thiên Soái (Yeung Tin-shui), đã thông báo trên trang Facebook của mình rằng văn phòng ở đó cũng đã ngừng hoạt động. Ông Dương nói thêm rằng ông cũng đã từ chức.
Việc đóng cửa Stand News diễn ra chỉ nửa năm sau vụ đóng cửa của Apple Daily. Tờ báo địa phương nổi tiếng Apple Daily, vốn thường xuyên chỉ trích chính quyền thành phố và chế độ cộng sản ở Bắc Kinh, đã in ấn bản cuối cùng vào tháng Sáu sau khi 500 cảnh sát đột kích vào tòa soạn này, và bắt giữ 5 nhà điều hành, và phong tỏa các tài sản quan trọng. Các nhà chức trách nói rằng hàng chục bài báo của tờ báo này có thể đã vi phạm luật an ninh quốc gia.
Người sáng lập Apple Daily, ông trùm truyền thông Jimmy Lai (Lê Trí Anh), hiện đang thụ án 20 tháng tù vì tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2019. Ông cũng đang chờ xét xử về 3 tội danh liên quan đến an ninh quốc gia. Theo luật này, ông Lê có thể phải đối mặt với án tù chung thân.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Bản tin có sự đóng góp của Hong Kong Epoch Times Staff và The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: