Tòa án chặn lấy lời khai của 3 quan chức thuộc chính phủ Tổng thống Biden
Một tòa án phúc thẩm liên bang đã chặn, ít nhất là tạm thời, việc lấy lời khai của ba quan chức chính phủ cao cấp trong vụ án thông đồng giữa chính phủ với các Đại công ty Công nghệ (Big Tech).
Thẩm phán Tòa Địa hạt liên bang Terry Doughty, người đã ra lệnh lấy lời khai, đã không xem xét liệu các phương pháp khác nhau để thu thập thông tin được tìm kiếm đã đủ hay chưa, tòa phúc thẩm nêu trong lệnh hôm 21/11.
“Do đó, trước khi thực hiện bất kỳ việc lấy lời khai nào, tòa án địa hạt phải phân tích xem liệu thông tin được tìm kiếm có thể thu được thông qua các phương tiện thay thế ít xâm phạm hơn, chẳng hạn như ban hành văn bản yêu cầu tiết lộ thông tin hoặc lấy lời khai từ các quan chức cấp thấp hơn hay không,” một hội đồng của Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 5 cho biết trong phán quyết. “Cần phải nhập các phát hiện bằng văn bản về tính sẵn có và đầy đủ của các lựa chọn thay thế.”
Hội đồng này đã đưa ra phán quyết sau khi các luật sư của chính phủ yêu cầu lệnh hoãn thi hành một phần đối với lệnh lấy lời khai của ông Doughty.
Các luật sư của chính phủ đã lập luận trong một bản kiến nghị rằng các nguyên đơn trong vụ án này không nên có khả năng lấy lời khai của Tổng Y sĩ Vivek Murthy, Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Jen Easterly, và phó phụ tá Rob Flaherty của Tổng thống Joe Biden.
Trong số các nguyên đơn của vụ kiện có Tổng chưởng lý Missouri Eric Schmitt và Tổng chưởng lý Louisiana Jeff Landry, cả hai đều thuộc Đảng Cộng Hòa.
Ông Doughty đã cho các nguyên đơn khả năng lấy lời khai tám quan chức, với những lựa chọn thay thế được liệt kê cho ông Easterly — là bà Lauren Protentis, một quan chức cấp thấp hơn trong cơ quan an ninh mạng — và cho ông Flaherty — là cựu cố vấn phòng dịch COVID-19 của Tòa Bạch Ốc Andrew Slavitt.
Các luật sư của chính phủ cho biết ông Murthy, ông Easterly, và ông Flaherty đều là các quan chức cao cấp của chính phủ và việc lấy lời khai sẽ yêu cầu các quan chức phải chuyển hướng thời gian khỏi công việc của họ và “không thể tránh được việc bị phân tâm” khỏi “các nhiệm vụ quan trọng và nhạy cảm về thời gian — ví dụ, trong đó có việc giám sát các nỗ lực của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy an ninh và khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng bầu cử của Quốc gia đối với các mối đe dọa mạng, đe dọa vật lý, và các mối đe dọa khác — và do đó sẽ gây ra những tổn hại không thể khắc phục được.”
Các nguyên đơn cho biết không ai trong số các quan chức này là cao cấp và chỉ ra rằng ông Doughty đã nhận thấy gánh nặng việc của tiến hành lấy lời khai là lớn hơn do nhu cầu thu thập thêm thông tin về chiến dịch kiểm duyệt trước khi ông đưa ra phán quyết về một kiến nghị yêu cầu một lệnh hoãn thi hành sơ bộ [từ phía chính phủ].
Hội đồng xét xử phúc thẩm đã đứng về phía chính phủ khi kết luận rằng cả ba quan chức trên đều là quan chức cao cấp.
Ông Murthy và ông Easterly đã được ông Biden bổ nhiệm, hội đồng cho biết. Ông Flaherty chỉ dưới ông Biden hai cấp.
Hội đồng cho biết, “Chúng tôi thấy rằng những quan chức này ít nhất cũng có thứ hạng cao như những người khác mà chúng tôi đã công nhận.”
Điều đó có nghĩa là các nguyên đơn phải chứng minh rằng có “các tình huống phi thường” tồn tại. Một trong những yếu tố để xác định điều đó là liệu thông tin được tìm kiếm có thể được lấy từ các nhân chứng khác hay không.
“Đối với từng quan chức trong số ba quan chức này, chúng tôi không nhận thấy tòa án địa hạt ra lệnh xem xét rồi sau đó bác bỏ nguồn thay thế cho các các thông tin được tìm kiếm. Thật vậy, lệnh của tòa án địa hạt đã cho các nguyên đơn một lựa chọn, nhưng không yêu cầu họ, lấy lời khai từ các quan chức cấp thấp hơn thay cho hai ông Easterly và Flaherty — do đó điều này cho thấy rằng có sẵn các nguồn thay thế. Hơn nữa, đối với ông Flaherty, có vẻ như các nguyên đơn đã không đưa ra bất kỳ văn bản yêu cầu tiết lộ thông tin nào,” hội đồng cho biết, trước khi trích dẫn phán quyết của một vụ án khác.
“Như tòa án địa hạt nhận thấy, việc những quan chức này có ‘hiểu biết cá nhân’ về một số trao đổi nhất định là chưa đủ. Những thông tin đó có thể được chia sẻ rộng rãi hoặc chỉ có tầm quan trọng nhỏ so với ‘gánh nặng tiềm tàng’ áp đặt lên người làm chứng.”
Cân nhắc khác
Hội đồng cũng lưu ý rằng chính phủ đã đưa ra “văn bản yêu cầu tiết lộ thông tin có phạm vi rộng” hoặc câu trả lời bằng văn bản đối với các câu hỏi và tài liệu như thư điện tử. Chính phủ tuyên bố rằng việc tiết lộ thông tin này không cho thấy bất kỳ vi phạm nào đối với Tu chính án thứ Nhất, trong khi các nguyên đơn nói rằng có. Chính phủ cũng đã nói rằng ông Doughty lẽ ra nên trì hoãn phán quyết về các lời khai cho đến khi ông quyết định về kiến nghị bác bỏ của chính phủ. Kiến nghị đó đã được rút lại sau khi bên nguyên nộp một đơn kiện sửa đổi. Các nguyên đơn lưu ý rằng một kiến nghị mới vẫn chưa được đệ trình.
“Tòa án địa hạt nên đánh giá mức độ thận trọng của phán quyết đầu tiên về kiến nghị bác bỏ sắp tới của Chính phủ trước khi cho phép lấy thêm lời khai,” hội đồng xét xử phúc thẩm cho biết. “Nếu tòa án địa hạt thấy rằng việc xem xét kiến nghị của Chính phủ là không cần thiết trước khi lấy các lời khai này, thì nên giải thích lý do tại sao.”
Hội đồng đã gửi lại vấn đề cho ông Doughty để xem xét trong khi bác bỏ kiến nghị của chính phủ về việc hoãn để chờ phán quyết về kiến nghị kể trên.
Hội đồng cho biết: “Chúng tôi không đưa ra phán quyết nào đối với kiến nghị… vào lúc này.”
Ban hội thẩm bao gồm các Thẩm phán Khu vực Edith Brown Clement và Leslie Southwick, cả hai người đều được bổ nhiệm bởi ông George W. Bush; và ông Stephen Higginson, một người được ông Barack Obama bổ nhiệm.
Việc lấy lời khai đã được lên lịch vào đầu tháng Mười Hai.
Năm lần lấy lời khai khác đã diễn ra hoặc vẫn đang được lên lịch.
Trước đó, ông Doughty cho biết hôm 21/11 rằng bà Jen Psaki, cựu tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc, phải ngồi lại để lấy lời khai, trong khi cũng từ chối nỗ lực che chắn cho ông Elvis Chan, một đặc vụ FBI, khỏi việc trả lời các câu hỏi theo lời tuyên thệ.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times