Tơ hồng xao động, đợi ở hàn diêu – tẩy sạch phấn son, 18 năm chờ đợi
Rất nhiều người mơ ước có được một cuộc hôn nhân viên mãn, một người chồng, người vợ chung thủy sắt son. Nhưng mấy ai dám vì người phụ nữ mình yêu mà vào sinh ra tử, chinh chiến suốt 18 năm ròng? Mấy ai vì người đàn ông mình yêu mà vứt bỏ vinh hoa để sống nơi bần hàn? Lại vì lời thề non hẹn biển mà ròng rã đợi chờ suốt 18 xuân thì?
Người ta vẫn nói: “Thử thách của người phụ nữ là lúc bần hàn, thử thách của người đàn ông là khi phú quý”. Nếu quả có tình yêu như thế, phải chăng chỉ có trong tiểu thuyết hay phim ảnh mà thôi?
Ấy vậy mà câu chuyện này lại hoàn toàn có thật. Hơn 1000 năm đã trôi qua, nhưng tình yêu ấy vẫn còn lưu lại dấu ấn trên tấm biển “Cổ Hàn Diêu”, nghĩa là “Động Cổ Lạnh”, treo ở lối vào căn nhà hầm cũ rách ở thôn Ngũ Điển, vùng Khúc Giang, tỉnh Tây An, Trung Quốc, nơi người vợ trẻ vò võ đợi chờ chồng.
Dưới đây câu chuyện có thật, đã được truyền tụng trong dân gian hơn 1000 năm qua:
Thời vua Đường Thái Tông, gia đình Vương thừa tướng sinh được một bé gái tên là Vương Bảo Xuyến. Cô bé mặt mũi xinh đẹp, tấm lòng lương thiện, được cha mẹ nâng niu như châu ngọc.
Bảo Xuyến lớn lên xứng đáng là bậc quốc sắc thiên hương, rất nhiều công tử nhà trâm anh thế phiệt tới cầu hôn nhưng thảy đều không khiến nàng ưng ý.
Một hôm, Bảo Xuyến nằm mơ thấy mình đứng trên đài cao, cầm tú cầu ném xuống. Chàng trai bắt được tú cầu là một trang nam nhi tuấn tú, thần thái hiên ngang, khí phách anh hùng. Đến khi nàng tỉnh mộng, ánh mắt sáng ngời của chàng trai vẫn còn hiện trước mắt, khiến Bảo Xuyến ngượng ngùng lấy khăn che mặt. Thế nhưng bất kể thế nào, khuôn mặt kia vẫn hiện lên trước mắt nàng.
Sau đó Bảo Xuyến lên chùa dâng hương bái Phật rồi rút một quẻ. Trên lá thăm viết:
“Tơ hồng xao động, đợi ở hàn diêu
Tẩy sạch phấn son, 18 năm chờ đợi
Chinh chiến khốn cùng, chồng quý vợ vinh”
Đúng lúc ấy, Phương trượng Không Giác Đại Sư bước vào, ngài mỉm cười và nói: “Nhân duyên đã khởi, thí chủ chớ nên chần chờ”. Rồi Phương trượng nói tiếp: “Thí chủ và người trong mộng là có duyên, đừng nên do dự. Ngày này 10 năm sau thí chủ lại tới đây, bần tăng sẽ nói rõ nguyên do, vạn mong thí chủ thường ngày chuyên cần niệm kinh, tăng thêm nhiều phúc đức, để phòng ngày sau cần dùng.” Nói xong, Phương trượng xoay người rời đi.
Ngày hôm sau khi thỉnh an phụ thân, Bảo Xuyến nói với cha mẹ: “Đêm qua con nằm mộng thấy mình đứng trên lầu giăng đèn kết hoa ném tú cầu, hy vọng phụ thân ân chuẩn cho nữ nhi ném tú cầu tìm người hữu duyên.” Vương thừa tướng đáp ứng thỉnh cầu của con gái, cũng không quên dặn gia nhân coi chừng các đầu đường, ai y phục ngăn nắp tuấn tú mới cho vào, còn người nghèo hèn thì đuổi đi.
Gặp gỡ rồi biệt ly
Lại nói, Tiết Nhân Quý vốn là cháu sáu đời của Tiết An Đô – một vị tướng đời Bắc Ngụy. Ông nội của Tiết Nhân Quý là Tiết Diễn, làm Trung đại phu thời Bắc Chu, còn cha là Tiết Quỹ, làm quan cho nhà Tùy. Khi Tiết Nhân Quý còn nhỏ, cha chàng mất sớm, gia cảnh sa sút, thế nhưng từ nhỏ chàng đã có hoài bão cao xa, đọc nhiều thi thư, khổ luyện võ công, chờ đợi một ngày có đất dụng võ.
Hôm đó, Tiết Nhân Quý đang cắm cúi bước đi thì thấy có vật lạ bay đến, theo bản năng chàng đưa tay chụp lấy, ngẩng đầu ngước lên đài cao thì thấy một thiếu nữ xinh đẹp đang mỉm cười nhìn mình. Chàng bất giác hiểu ra: mình đã bắt phải tú cầu của thiên kim tiểu thư tướng phủ, trong lòng chàng vô cùng bối rối. “Ta sống một mình đã gian nan, làm sao có thể kết duyên cùng thiên kim tiểu thư kia được?”. Vương thừa tướng vô cùng tức giận khi biết Tiết Nhân Quý là một kẻ bần hàn, ông liền sai người đưa tiền rồi đuổi tiểu tử nghèo này đi.
Bảo Xuyến thấy vậy, vội ngăn cha: “Thưa cha, con ném tú cầu kén chồng, có bao nhiêu người mà tú cầu lại trúng Tiết lang, phải chăng là thiên ý? Nếu như cha đổi ý, chuyện truyền ra e làng phố sẽ chê cười. Con không sợ bần hàn, nguyện gả cho Tiết lang, xin phụ thân thành toàn cho.”
Vương thừa tướng biết ý con nên lại càng nổi trận lôi đình, tuyên bố đoạn tuyệt tình cha con rồi đuổi cả hai đi.
Tiết Nhân Quý chỉ cảm thấy mơ mơ hồ hồ giống như trong giấc mộng. Mãi đến lúc vị tiểu thư xinh đẹp đi bên cạnh cầm khăn lau nước mắt, chàng mới định thần lại. Chàng nói: “Nàng hãy trở về tướng phủ, phụ thân sẽ tha thứ cho nàng. Còn ta là một kẻ nghèo khó, đi theo ta, nàng sẽ chịu không nổi khổ đâu”. Bảo Xuyến nói: “Ý thiếp đã quyết, sẽ không thay đổi, Tiết lang nói như vậy chẳng lẽ là ghét bỏ thiếp chăng?”. Tiết Nhân Quý không còn cách nào, chỉ có thể nắm tay tiểu thư đi tiếp chặng đường dài.
Bảo Xuyến mặc dù cảm thấy kỳ lạ, nhưng trong tâm lại vô cùng kiên định. Đến khi theo Tiết Nhân Quý bước vào mái nhà lụp xụp, nàng chợt nhớ lại dòng chữ trên quẻ thăm rằng “ở trong ngôi nhà bần hàn chờ đợi”, “tẩy sạch son phấn”, nàng bất giác hiểu ra: Chính là số phận đã an bài.
Tiết Nhân Quý vô cùng cảm kích tân nương khi nàng nguyện từ bỏ thân phận lá ngọc cành vàng để giao phó cả cuộc đời cho mình. Vì không muốn để thê tử phải sống cảnh thiếu thốn, nên 3 tháng sau khi kết hôn, Tiết Nhân Quý quyết định sẽ ra ngoài xông xáo một phen, thành tựu sự nghiệp.
Ngày chia tay lên đường, hai người cứ bồi hồi nấn ná, lưu luyến mãi không rời. Tiết Nhân Quý cố ngăn giọt lệ, Vương Bảo Xuyến khóc thấm ướt áo. Lần từ biệt này, nào ngờ ròng rã suốt 18 năm, bao nhiêu nước mắt chỉ có thể nuốt vào trong, bao nhiêu nhung nhớ chỉ có thể để trong lòng.
Bà lão ăn mày tặng vật báu
Tiết Nhân Quý vắng nhà biền biệt, Bảo Xuyến ở lại một mình phải sống những tháng ngày thiếu thốn. Không chỉ mang nỗi khổ tương tư, mà mọi việc từ ăn, mặc, đồ dùng… nàng đều phải tự thân bươn chải.
Cứ như vậy đến năm thứ 8, có một bà lão ăn mày đến xin nước uống. Thấy bà lão quần áo tả tơi, thân thể gầy gò, vô cùng đáng thương, nàng liền mời bà vào trong nhà. Nhưng bà lão vừa uống hết bát nước thì đột nhiên thở dốc, chân khuỵu xuống không đứng dậy được, nàng phải dìu bà lên giường. Vài ngày sau, đồ ăn trong nhà hết sạch, bà lão ăn mày toan ra ngoài xin cơm, nhưng Bảo Xuyến ngăn lại. Nàng vay tạm một ít gạo, vất vả gánh nước, đào rau, nỗ lực chăm sóc bà mỗi ngày.
Một tháng sau, bà lão nói với Bảo Xuyến: “Con gái à, ta phải đi rồi, không thể cứ làm phiền con mãi được. Ta có cái túi trăm mảnh, bên trong có một đồng tiền, con hãy cầm lấy. Ta còn có cái bát xin ăn, có thể đựng cơm gạo. Cái bát này là bát báu, con đừng quên lời ta”. Bà lão vừa khuất bóng, Bảo Xuyến đã nước mắt lưng tròng. Nàng nhớ lời bà dặn, đem một ít gạo thừa để vào trong bát, gạo chỉ xăm xắp đáy bát nhưng hôm sau đã đầy lên đến nửa bát. Nàng hiếu kỳ nhìn vào không thấy động tĩnh gì, nhưng mỗi khi đi gánh nước hoặc đào rau trở về, nàng lại phát hiện gạo đã tăng lên.
Chẳng bao lâu, trong vùng xảy ra thiên tai mất mùa, rất nhiều người buộc phải đi xin ăn. Mỗi ngày Bảo Xuyến đều nấu cháo, hễ thấy có người xin ăn nàng lại múc cho họ một bát, nhưng dù thế nào nồi cháo vẫn không hề vơi đi. Cứ như thế nàng đã giúp được nhiều người, ai nấy đều cảm kích. Họ kể lại rằng có một bà lão ăn mày nói cho bọn họ biết: Chỗ Tiết nương tử có cháo cứu tế.
Bảo Xuyến còn phát hiện: mỗi khi cho người ăn mày một đồng tiền, thì trong túi lại xuất hiện một đồng tiền mới. Thì ra chiếc túi này là túi báu, còn bà lão ăn mày lại chính là tiên nhân. Bảo Xuyến quỳ lạy hoàng thiên, hậu thổ, cảm tạ Thần linh phù hộ cho mình.
Một ngày nọ, cha mẹ nàng tới muốn đón nàng về. Vương thừa tướng thấy một đồng tiền trong túi trăm mảnh thì cười to chế giễu, còn Vương phu nhân thấy Bảo Xuyến mặc áo vải thô và ăn cháo loãng thì không cầm lòng được mà rơi nước mắt. Bà nói: “Con ta sao lại khổ như vậy, theo mẫu thân về nhà, không cần phải khổ sở ở ngôi nhà bần hàn này nữa”. Cha nàng nói: “Vâng lời cha, con đừng giao du với lũ ăn xin ăn mày kia nữa. Giữa lúc thiên tai, ai lại đi ăn cơm của ăn mày? Mất hết thể diện của tướng phủ! Con cũng đừng nhớ nhung gì Tiết Nhân Quý nữa, cha mẹ sẽ chọn cho con nhà khác khá giả hơn chỗ tiểu tử nghèo này nghìn vạn lần, con sẽ được nở mày nở mặt”. Bảo Xuyến một mực cự tuyệt ý tốt của cha mẹ, nàng nói: “Con đã làm vợ Tiết lang, trung trinh không hai lòng, nhất định sẽ chờ Tiết lang trở về”. Cha nàng giận dữ quát lớn: “Ta nghe nói tiểu tử kia tòng quân, sống chết cũng chẳng hay, con đừng có chờ đợi thêm nữa!”. Bảo Xuyến vẫn lắc đầu, Vương thừa tướng giận không kìm được, kéo tay phu nhân rời đi.
Cha mẹ đi rồi, Bảo Xuyến khóc òa lên, khóc đến mức trời đất quay cuồng. Không lâu sau, một người hành khất đến nói với nàng: “Tiết nương tử, tôi xin được một ít gạo, xin tặng cho Tiết nương tử, xin nàng đừng khóc nữa.” Lúc chạng vạng, lại có mấy người hành khất tới, nói: “Chúng tôi giúp việc cho một nhà kia, được ban cho một khối vải, xin tặng cho Tiết nương tử.” Một người trong họ nói thêm: “Đại ca ca tôi nói: ‘Tiết nương tử năm đó ở tiểu miếu cùng trượng phu nói lời chia tay, nói rằng sẽ đợi trượng phu trở về’. Đại ca ca nói, Tiết nương tử là người tốt.” Trong năm tháng bần hàn, những lời như vậy đã mang đến cho nàng niềm an ủi lớn lao.
Những vị Tiên trên trời vì cảm động trước tấm lòng thiện lương của nàng nên cũng muốn giúp đỡ. Một ngày, trong lúc đào rau dại Bảo Xuyến nhìn thấy một túi tiền, nhưng nàng không bận tâm, vẫn tiếp tục đào. Một con chuột nhỏ cắn mở túi ra để lộ ngân lượng bên trong, Bảo Xuyến nhìn thấy chỉ xoay người rời đi. Các vị Tiên trên trời nhìn thấy đều khen ngợi mãi không thôi.
Vì chồng nhường phúc
Có lần Vương Bảo Xuyến nằm mơ gặp lại Tiết Nhân Quý, chàng mặc áo bào trắng, tay cầm cây thương, dáng vẻ uy phong như thiên tướng nhà trời. Lần khác, nàng mơ thấy chàng đang trong vòng nguy hiểm, sau khi tỉnh lại, nàng vội vàng niệm kinh, khẩn cầu Thần Phật phù hộ Tiết lang vượt qua nguy nan. Trong thời gian ấy, nàng vì lo lắng cho chồng mà đã hai lần nhường phúc.
Lần đầu là năm thứ sáu sau khi ly biệt, Bảo Xuyến mơ thấy Tiết lang ốm nặng trên giường, nàng tỉnh dậy, liền quỳ xuống cầu Phật, nguyện dùng thân thể của chính mình chịu bệnh thay chồng. Sau đó nàng ốm nặng, mãi tới nửa tháng sau mới gắng gượng dậy nổi. Cũng may có cô bé ăn mày tên là Tiểu Bình đã chăm sóc cho nàng. Sau khi khỏi bệnh, Bảo Xuyến giữ Tiểu Bình lại, may quần áo cho cô bé, dạy cô bé nữ công, sau lại dặn Tiểu Bình đem thư đến tìm nha hoàn cũ của nàng lúc ấy đang quản lý cửa hàng vải “Kim Đô” trong thành.
Một lần khác là 10 năm sau khi ly biệt. Bảo Xuyến mơ thấy Tiết lang đang xung pha trận mạc, áo bào trắng nhuộm đỏ màu máu tươi. Nàng bỗng nhiên nhớ lời dặn dò của Phương trượng, rằng Tiết lang sẽ có kiếp nạn lớn, dặn nàng chuyên cần niệm kinh, cầu phúc cho chồng. Nghĩ đến đây, Bảo Xuyến vội vàng thành kính quỳ lạy Thần linh, nguyện ý cho đi phúc phận của bản thân để Tiết lang được bình an.
Hai lần nhường phúc ấy khiến Thần linh trên trời cũng phải cảm động. Có vị Thần cảm thán nói: nhân sinh quả là nơi tu hành! Bảo Xuyến ở ngôi nhà bần hàn chịu khổ, nhưng lại cầu cho phu quân bình an, thực sự là thế gian khó có ai làm được.
Sau này, Bảo Xuyến không dùng tiền trong chiếc túi trăm mảnh và gạo trong bát báu nữa. Bỗng đâu một giọng nữ nhỏ nhẹ nói với nàng: “Tiết nương tử không dùng tiền ở nơi tôi đây, biết thế nào cho phải?”. Lại có giọng nam ồm ồm nói: “Ai da, Tiết nương tử không ăn gạo ở nơi tôi đây, vậy phải làm sao bây giờ?”. Đến đêm, bà lão ăn mày hiện về trong giấc mộng nói với nàng: “Con của ta, ta đưa cho con chiếc túi trăm mảnh và bát xin cơm là để giúp con vượt qua những ngày gian khổ, con không nên chối từ”. Sáng sớm hôm sau, Bảo Xuyến nhìn túi trăm mảnh, lại nhìn bát xin cơm, và hiểu ra tất cả.
Một ngày, nàng nói với chiếc túi trăm mảnh và bát xin cơm: “Người ta đều nói vạn vật có linh, hình dáng thật của hai bạn là gì vậy?” Một giọng nhỏ nhẹ đáp: “Tiết nương tử chớ nên kinh ngạc nhé!”. Lời vừa dứt liền xuất hiện hai hình tượng: một người nữ mảnh khảnh, mặc trang phục ghép bằng trăm miếng vá; một người nam cao lớn, miệng rất to như chiếc bát. Người nữ nói với Bảo Xuyến: “Tôi nạp vàng sinh vàng, nạp bạc sinh bạc, nạp báu vật sinh báu vật, duy chỉ có đến nơi nương tử đây là nạp tiền đồng, có thể nói là thiên ý.”
Tiết Nhân Quý trên sa trường
Tiết Nhân Quý sau khi rời nhà đã ứng mộ tòng quân, từ lính rồi dần dần thăng thành tướng quân. Chàng anh dũng thiện chiến, nhiều lần lập được kỳ công, được Đường Thái Tông khen ngợi rằng: “Các tướng cũ của trẫm đều đã cao niên, không thể gánh vác nơi sa trường. Mỗi lần cần chọn bậc kiêu hùng, không ai được như khanh. Trẫm không vui vì được Liêu Đông, mà vui vì có được khanh vậy”.
Vào năm thứ sáu sau khi đầu quân, trong quân phát sinh dịch bệnh, Tiết Nhân Quý cũng nhiễm bệnh, đau ốm không dậy nổi. Trong hỗn loạn, chàng mơ hồ thấy Bảo Xuyến nói rằng nàng nguyện thay chàng chịu bệnh. Nhờ đó mà rất nhanh chàng có thể hồi phục. Trong lòng chàng vừa kinh sợ, lại vừa lo lắng liệu thê tử ở nhà có vượt qua được nạn này hay không, càng nghĩ chàng càng thấy hoảng hốt bất an. Đến khi khỏe mạnh trở lại, chàng tức tốc cưỡi ngựa đến chùa cầu khấn cho vợ. Từ đó, hễ gặp chùa là chàng lại bước vào khấn bái, cầu mong Bảo Xuyến được bình an.
11 năm sau khi xa nhà, Tiết Nhân Quý xông pha trong một trận ác chiến, đang lúc ra sức chiến đấu thì một cây thương đâm tới. Một người lính anh dũng là Nãi Nghiêm vì cứu chàng mà bị đâm trúng cánh tay trái. Tiết Nhân Quý đỡ người lính lên, rồi thúc ngựa xông pha trại địch, chàng chỉ cảm thấy trước mắt tựa hồ có bóng vợ lướt qua, hễ thấy bóng dáng vợ ở đâu, chàng lại nhằm phía đó mà giết địch, vì muốn bảo vệ cho nàng mà bị vây trong một loại trạng thái như điên cuồng, quân địch cũng bị khí thế chiến đấu của chàng làm cho khiếp đảm. Trong trận ác chiến này, chiến bào trắng của chàng đã nhuộm đỏ màu máu tươi.
Sau trận chiến, Tiết Nhân Quý coi Nãi Nghiêm là anh em sinh tử của mình. Người ta nói lúc say thì nói lời thật, mỗi lần cùng Nãi Nghiêm uống rượu chàng đều nhắc đến Bảo Xuyến. Chàng nhớ lúc vợ làm cơm, tay chân luống cuống, mồ hôi khắp mặt; nhớ lúc vợ nướng bánh, đem bánh ngon mời chàng, còn chiếc bánh cháy thì để nàng ăn. Một lần, chàng nắm tay vợ lên nhìn, phát hiện trên tay có vài vết đứt. Lúc mới kết hôn tay nàng trắng trẻo mềm mại, đến lúc này đã trở nên thô ráp. Châu ngọc cài trên đầu năm đó đều lần lượt bán cho hiệu cầm đồ, mọi thứ từ quần áo đến lương thực đều là vợ chuẩn bị cho chàng.
Tiết Nhân Quý nói: Bảo Xuyến đối với chàng có ân có nghĩa, để cho chàng cảm nhận được có gia đình là thế nào. Nàng cao quý trang nhã, mỹ lệ hiền thục, chăm lo từng li từng tí cho chàng. Vậy nên chàng muốn đảm đương chức trách của người đàn ông, dùng thân báo đáp để không cô phụ nàng. Lúc ly biệt, nàng nói: “Thiếp sẽ không hai lòng, nhất định đợi chàng về!”. Chàng nói: “Nguyện kiếm được vinh hoa phú quý, áo gấm về quê, để cho thê tử hưởng phúc!” Mỗi nhớ lại, Tiết Nhân Quý lại bất giác rơi lệ.
Những chuyện chàng kể, Nãi Nghiêm đều ghi tạc trong lòng. Một nữ nhân có thể buông bỏ vinh hoa phú quý, theo chàng lúc bần hàn, trung trinh tiết nghĩa thì quả là không tầm thường. Tiết Nhân Quý cũng vì nàng mà liều mạng nơi sa trường, ấy đều là vì muốn đền đáp với thê tử, chỉ có Bảo Xuyến mới xứng đáng để chàng hy sinh bản thân mình như vậy.
Vui mừng ngày đoàn tụ
Thấm thoắt đã 18 năm trôi qua, một ngày Bảo Xuyến mơ thấy bà lão ăn mày nói: “Con của ta, ta đem túi trăm mảnh và bát xin cơm tặng cho con, cũng là thuận thiên ý mà làm. Nay chúng đã hoàn thành sứ mệnh, đến lúc nên trở về rồi. Ngày mai con và chúng nói lời từ biệt nhé!” Sáng hôm sau, nguyên thân của túi trăm mảnh và bát xin cơm quỳ xuống trước mặt nàng và nói: “Chúng tôi phải quay về, xin từ biệt Tiết nương.” Bảo Xuyến cảm động, suýt chút nữa rơi lệ. Hai bảo vật cùng nói: “Cung tiễn nương tử ra ngoài đào rau.” Bảo Xuyến lưu luyến nhưng vẫn cầm giỏ thức ăn và dao đi đào rau, bước ra tới cửa, nàng không dám quay đầu lại, chỉ sợ vừa quay đầu thì không còn nhìn thấy hai bảo vật kia nữa.
Vào năm thứ mười tám, Tiết Nhân Quý công thành danh toại, áo gấm về quê, được phong tước Vương gia. Chàng mũ mão chỉnh tể muốn đi đón thê tử, trong khoảnh khắc, tâm tình khẩn trương lẫn xung động. Nãi Nghiêm hầu cận bên chàng, cảm thấy trang nghiêm và thần thánh, anh nghĩ: Tôi may mắn không chết trên chiến trường, ngày hôm nay lại được nghênh đón Vương gia và thê tử tương phùng, quả là sống không uổng phí!
Hôm ấy, nghe tiếng chim hỷ thước kêu rộn rã, Bảo Xuyến liền mang bàn ghế ra sân ngồi may vá xiêm y, bỗng từ phía xa có đoàn người đi tới. Khi nàng vừa mở cửa thì nhìn thấy một vị tướng, đứng phía sau vị tướng ấy chính là Tiết lang. Trong thoáng chốc, Bảo Xuyến trăm mối ngổn ngang, tựa hồ muốn nói rất nhiều nhưng lại sững sờ đến một câu cũng không nói được. Tiết Nhân Quý cũng vậy, có rất nhiều lời muốn nói nhưng lại đè nén nơi cổ họng, không thốt nên lời. Nãi Nghiêm thấy vậy bèn nhanh trí nói thay: “Vương gia chiến công hiển hách, áo gấm về quê, tới đón Vương phi hồi phủ!”. Tiết Nhân Quý nhìn vợ, trong mắt lấp lánh giọt lệ, giờ khắc này, dẫu nói gì cũng đều không quan trọng, chỉ cần gặp lại nhau là đã mãn nguyện rồi. Tiết Nhân Quý cầm tay vợ, nói: “Chúng ta về nhà thôi!”.
Trên đây là câu chuyện có thật xảy ra khi Hoàng đế Đường Thái Tông còn trị vì. Chuyện nàng Vương Bảo Xuyến một lòng trung trinh, giữ gìn tiết hạnh, một mực chờ chồng, dành cả 18 năm thanh xuân để thực hiện lời hẹn ước đã viết nên một huyền thoại về sự trung trinh và ân nghĩa giữa vợ và chồng.
Bảo Xuyến tin tưởng Thiên ý, vâng theo chỉ điểm mà gả cho Tiết Nhân Quý, đó gọi là “Nghĩa”. Nàng sẵn sàng từ bỏ giàu sang, không tham phú quý, trân trọng chồng từ thuở hàn vi, lại vì chồng mà chịu bệnh, nhường phúc, vợ chồng tuy hai mà một, vinh nhục có nhau, đó là “Ân”. Tiết Nhân Quý gánh vác trách nhiệm của người đàn ông, khi vinh hoa phú quý cũng không quên người vợ thuở cơ hàn, nguyện dành cả đời đền đáp “Ân” và “Nghĩa” của thê tử đối với mình, đó chính là bản lĩnh của người đàn ông.
Bảo Xuyến kham khổ ở ngôi nhà bần hàn chờ chồng, trước cám dỗ vẫn một dạ không hai lòng, đó là sự trung trinh của người vợ. Tiết Nhân Quý đạt được vinh hoa phú quý rồi vẫn không quên nguồn gốc, cũng là biểu hiện sự trung trinh với thê tử. Hai người đều giữ vững chuẩn tắc đạo đức, tuân theo đạo nghĩa, khiến hôn nhân không gì phá vỡ nổi.
Suốt 18 năm chờ đợi cho đến ngày tái ngộ đoàn viên, hai người đã triển hiện ra ân nghĩa sâu nặng, trung trinh giữa vợ và chồng. Ấy gọi là: Nam nhi trẻ tuổi, thao luyện trong quân ngũ, chiến công hiển hách; Nữ nhi má đào, kham khổ đợi ở ngôi nhà bần hàn, giữ gìn hẹn ước.
Hôn nhân của người xưa thấm đẫm Ân và Nghĩa, khiến rất nhiều người ngày nay không dám tin là thật. Ấy là bởi người hiện đại không còn coi trọng tu dưỡng đạo đức, chỉ muốn sống sao cho sung sướng, tha hồ phóng túng dục vọng. Nhân thế hỗn độn, lòng người ô trọc, mấy ai còn bận tâm Trung trinh là gì? Tiết liệt là gì? Ân nghĩa phu thê là gì? Chỉ khi quay về với văn hóa truyền thống, đề cao đạo đức, mới có thể viết nên những huyền thoại như thế.
Thảo Ngọc
(Theo bài viết của Tử Nhiên đăng trên Chánh Kiến)
Xem thêm: