Tổ chức tư vấn chính sách: Kinh tế Trung Quốc khó trở thành nền kinh tế thống trị
Một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Sydney cho biết, Trung Quốc sẽ không bao giờ có được “sự dẫn đầu có ý nghĩa” so với Hoa Kỳ và sẽ vẫn “kém thịnh vượng hơn nhiều” và có năng suất trên đầu người thấp hơn, kể cả đến giữa thế kỷ này.
Trong bài phân tích mới của mình, “ Điều chỉnh Giảm sự Trỗi dậy của Trung Quốc”, Viện Lowy cho biết họ tin rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại tổng thể ở mức trung bình từ 2 đến 3% từ nay đến năm 2050, theo các dự báo.
Đồng tác giả báo cáo và nhà kinh tế chính của Lowy, ông Roland Rajah cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt với một số hạn chế đáng kể đối với nền kinh tế của mình, bao gồm thách thức về nhân khẩu học, nhà ở và đầu tư công sụt giảm, và năng suất đang chậm lại.
Ông Rajah lưu ý rằng trong số 20 nghiên cứu gần đây, hầu hết cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể đạt trung bình khoảng 5% một năm cho đến năm 2030 trước khi giảm xuống khoảng 4% cho đến năm 2050.
Ông nói: “Kỳ vọng về sự trỗi dậy của Trung Quốc nên được điều chỉnh giảm xuống đáng kể so với hầu hết các nghiên cứu kinh tế hiện có và đặc biệt là kỳ vọng của những người đánh giá tác động rộng lớn hơn của sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với chính trị toàn cầu.”
Vì dữ liệu thực tế từ Trung Quốc là không thể có được, nên phân tích dựa trên các dự báo trung hạn mới nhất từ IMF và các dự báo dài hạn do OECD công bố vào năm 2018.
Các nhà kinh tế thường nghi ngờ về số liệu chính thức được công bố từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ví dụ, một số chuyên gia nhận thấy số liệu GDP của họ được dự báo quá cao và do đó không đáng tin cậy (pdf).
Nhân khẩu học
Yếu tố đóng góp rõ ràng nhất vào sự suy giảm tăng trưởng kinh tế dài hạn của Trung Quốc là nhân khẩu học.
Sau 37 năm áp dụng chính sách một con hà khắc của ĐCSTQ, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang tiếp tục giảm đáng kể.
Cuộc điều tra dân số quốc gia mới nhất của Trung Quốc cho thấy trong thập kỷ qua, tỷ lệ sinh đã giảm xuống 1.3 lần sinh trên một phụ nữ vào năm 2020, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thay thế.
Ông Rajah cho biết: “[Dự đoán của Liên hợp Quốc] cho thấy vào năm 2050, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 220 triệu người — khoảng 1/5 so với mức hiện tại.”
Hơn nữa, Trung Quốc có khả năng hạn chế để bù đắp triển vọng nhân khẩu học này. Trong khi các quốc gia phát triển phương Tây thường sử dụng nhập cư để bù đắp cho tỷ lệ sinh thấp, thì Trung Quốc không phải là lựa chọn phổ biến của người di cư.
Trên thực tế, nhập cư ròng của Trung Quốc là tiêu cực, với nhiều công dân bản địa muốn di chuyển ra ngoại quốc hơn so với những người nhập cư vào Trung Quốc.
Thị trường địa ốc
Khi dân số già đi và giảm xuống, nhu cầu về nhà ở cũng giảm theo. Kết quả là, thị trường nhà ở của Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự suy giảm.
Ông Rajah cho biết: “Thị trường nhà ở Trung Quốc [đang] trải qua một đợt khó khăn tài chính rung chuyển do cơ quan quản lý tạo ra sau nhiều thập kỷ tăng trưởng và đầu tư nhanh chóng.”
Trong vài thập kỷ qua, thị trường nhà ở của Trung Quốc đã bùng nổ, với đầu tư vào nhà ở ước tính đã tăng lên 14% GDP hoặc một nửa tổng vốn đầu tư cố định của tư nhân.
Ông Rajah cho biết: “Những lo ngại về tình trạng dư cung, đòn bẩy quá mức, đầu tư đầu cơ, và tăng giá nhanh có từ lâu. [Do đó], các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc gần đây đã bắt đầu kiềm chế thị trường nhà ở một cách quyết đoán hơn.”
Sự sụp đổ gần đây của Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc, công ty nắm giữ số nợ lên tới 3% GDP của Trung Quốc, là “thiệt hại lớn” đầu tiên trong các chính sách thắt chặt nhà ở của Bắc Kinh.
Ông Rajah lưu ý rằng nhiều công ty phát triển địa ốc khác có vẻ “dễ bị tổn thương về mặt tài chính” trong khi các điều kiện thị trường có thể sẽ trở nên khó khăn hơn.
Một vấn đề căn bản là tốc độ gia tăng dân số đô thị giảm, đồng nghĩa với việc xây dựng nhà ở đô thị “giảm mạnh.”
Một yếu tố khác là khoảng 90% hộ gia đình thành thị có đăng ký sở hữu ít nhất một bất động sản. Tăng trưởng kinh tế suy yếu cũng sẽ làm giảm cơ hội việc làm và ít khuyến khích di cư từ nông thôn ra thành thị.
Sự sụt giảm nhu cầu này kết hợp với các vấn đề dư cung kéo dài khiến triển vọng của ngành này càng trở nên tiêu cực hơn.
Năng suất
Khi Trung Quốc đối mặt với sự sụt giảm đáng kể dân số trong độ tuổi lao động, sự chú ý đã chuyển sang tăng năng suất, vốn tiếp tục giảm theo ước tính.
Ông Rajah nói, “Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng là: thực tế Trung Quốc có thể đạt được tốc độ hiệu quả năng suất nào?”
Trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ có năng suất làm việc ấn tượng. Ông Rajah lưu ý rằng, hiệu suất “năng suất cao” của Trung Quốc [chỉ] phản ánh nhiều hơn về “điểm xuất phát cực kỳ thấp.” của Trung Quốc
Khi so sánh nền kinh tế Trung Quốc với các giai đoạn phát triển tương tự của nền kinh tế 4 con hổ Á Châu, tăng trưởng năng suất ở Trung Quốc cho đến nay kém hiệu quả bởi một “biên độ đáng kể.”
Ông Rajah cho biết, “Trong khi các nền kinh tế thần kỳ Đông Á trước đây được hưởng lợi đáng kể từ việc tiếp cận tương đối thoải mái với các thị trường và công nghệ phương Tây, thì địa chính trị có nghĩa là Trung Quốc không còn có thể làm như vậy và thay vào đó phải đối mặt với viễn cảnh tăng việc ‘tách rời’ với Hoa Kỳ và các nền kinh tế phương Tây tiên tiến khác.”
Sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc kể từ khi nước này vượt qua Nhật Bản vào năm 2007 và đã dựa vào nền kinh tế tập trung của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua.
Việc tiếp tục phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm có thể sẽ không bền vững đối với sự tăng trưởng trong tương lai của các doanh nghiệp Úc.
Cuộc chiến thương mại có động cơ chính trị của ĐCSTQ, phát động vào giữa năm 2020, đã khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa ở những nơi khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Litva, Gabrielius Landsbergis, gần đây đã nói với người Úc rằng mặc dù việc phá vỡ sự phụ thuộc từ Bắc Kinh và Moscow sẽ khiến giá hàng hóa tăng lên, nhưng đó là cái giá mà thế giới cần phải trả để bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ.
Ông Landsbergis nói với Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia hôm 10/02 rằng, “Trong nhiều thập kỷ qua, đã có những người tin rằng có thể thông qua tự do hóa thương mại để mang lại các giá trị như pháp quyền và dân chủ cho những người khác. Thật không may, dường như điều đó không đúng — thực tế thì hoàn toàn ngược lại. ”
Ông nói: “Có vẻ như lợi nhuận đã tạo ra sự phụ thuộc, [còn] sự phụ thuộc hạn chế khả năng một bên đòi hỏi trách nhiệm từ bên kia.”
Bà Rebecca Zhu sống tại Sydney. Bà tập trung vào tin tức nền kinh tế, tài sản và giáo dục của Úc. Liên hệ với bà ấy tại [email protected].
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tư The Epoch Times
Xem thêm: