Tổ chức nghiên cứu của Úc đã phát hiện 380 trại tập trung ở Tân Cương
Một tổ chức nghiên cứu của Úc đã phát hiện rằng Trung Quốc dường như đang mở rộng mạng lưới các trung tâm giam giữ bí mật tại Tân Cương với nhiều cơ sở giống như nhà tù. Tân Cương là nơi tập trung phần lớn dân tộc thiểu số Hồi giáo bị nhắm tới trong một chiến dịch cưỡng bức đồng hóa [của Trung Quốc].
Căn cứ vào các hình ảnh vệ tinh và các hồ sơ thầu xây dựng chính thức, Viện Chính sách Chiến lược Úc đã lập dựng sơ đồ của hơn 380 cơ sở giam giữ bị nghi ngờ ở khu vực vùng Tây Bắc hẻo lánh của Trung Quốc, trong đó đáng chú ý là hình ảnh các trại giam, trại tạm giam và nhà tù được xây mới hoặc mở rộng kể từ năm 2017.
Bản báo cáo được xây dựng dựa trên bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã thay đổi chính sách từ giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác trong các tòa nhà công cộng tạm bợ sang xây dựng các cơ sở giam giữ hàng loạt lâu dài.
Điều này xảy ra bất chấp việc hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin vào cuối năm ngoái rằng “các học viên” đã tham gia “các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề” để xóa bỏ sự mông muội và “tất cả bọn họ đều tốt nghiệp”.
Ông Shohrat Zakir, người đứng đầu chính quyền địa phương nói rằng báo chí nước ngoài đưa tin về 1 triệu hoặc 2 triệu người theo học tại các trung tâm này là bịa đặt, mặc dù ông ấy không cung cấp bất kỳ số liệu nào để chứng minh.
Hôm 25/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân, đã bác bỏ báo cáo của Úc, cho đó là “thông tin sai lệch và vu khống thuần túy”, và nói rằng viện nghiên cứu của Úc “không có uy tín về học thuật”. Ông Uông nói với các phóng viên tại một cuộc họp giao ban hàng ngày rằng Trung Quốc không vận hành “cái gọi là trại tạm giam” ở Tân Cương.
Trích dẫn từ các bản tin của các hãng truyền thông và các cuộc điều tra của người dùng internet, ông Uông cho biết một trong những địa điểm trong báo cáo đã được xác định là một khu sản xuất điện tử và một địa điểm khác là một khu dân cư phức hợp năm sao.
“Vì vậy, chúng tôi cũng hy vọng rằng tất cả các ban ngành có thể phân biệt sự thật từ những lời giả dối và cùng nhau chống lại những khẳng định vô lý như vậy do các tổ chức chống Trung Quốc tạo ra”, ông Uông nói.
Phần lớn người thiểu số Hồi giáo ở khu vực Tân Cương đã bị nhốt trong các trại như một phần của chiến dịch đồng hóa của Trung Quốc. Chiến dịch này được phát động nhằm trừng phạt một số cuộc đấu tranh bạo lực của người dân địa phương chống lại sự cai trị của Trung Quốc trong vài thập kỷ vừa qua. Mặc dù các quan chức mô tả các trại này là các cơ sở “giống như trường nội trú” nhằm cung cấp đào tạo nghề miễn phí, nhưng những người từng bị giam giữ trước đây cho biết họ là nạn nhân của sự ngược đãi, giáo huấn chính trị, đánh đập, và đôi khi bị tra tấn về tâm lý lẫn thể chất.
Theo một cuộc điều tra của Associated Press, Bắc Kinh đã buộc người Duy Ngô Nhĩ phải triệt sản và phá thai theo hướng đồng hóa, và trong những tháng gần đây, họ đã ra lệnh cho người dân uống các loại thuốc Trung Y để phòng ngừa virus Vũ Hán.
Nhà nghiên cứu của Viện Chính sách Chiến lược Úc, ông Nathan Ruser, đã viết trong báo cáo được công bố vào cuối ngày 24/9 rằng, “Bằng chứng có sẵn cho thấy nhiều người bị giam giữ trái phép trong mạng lưới ‘cải tạo’ rộng lớn của Tân Cương hiện đang bị buộc tội chính thức và bị nhốt trong các cơ sở có mức độ an ninh cao hơn, bao gồm cả các nhà tù mới xây dựng hoặc được mở rộng, hoặc bị đưa đến các khu nhà máy có tường bao quanh để cưỡng chế lao động.”
Báo cáo cho biết, có ít nhất 61 khu giam giữ đã được xây mới và mở rộng trong năm tính đến tháng 7/2020. Trong số này có ít nhất 14 cơ sở vẫn đang được xây dựng trong năm nay.
“Trong số này, khoảng 50% là các cơ sở có mức độ an ninh cao hơn, để sau đó có thể chuyển đổi mục đích sử dụng: từ các ‘trung tâm cải tạo’ có mức độ an ninh thấp hơn thành các cơ sở kiểu nhà tù với mức độ an ninh cao hơn”, ông Ruser viết.
Báo cáo cho biết ít nhất 70 cơ sở dường như có an ninh kém hơn do bị dỡ bỏ hàng rào nội bộ hoặc các bức tường bao quanh.
Trong số này có 8 trại có dấu hiệu ngừng hoạt động và có thể đã bị đóng cửa. Trong số các trại bị dỡ bỏ cơ sở hạ tầng an ninh, 90% là các cơ sở có mức độ an ninh thấp hơn, báo cáo cho biết.
Phát hiện của Viện nghiên cứu Úc phù hợp với các cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn AP với hàng chục người từng bị giam giữ và người thân của họ tiết lộ rằng nhiều người trong trại đã bị kết án trong các phiên tòa bí mật, những phiên xử phi pháp, và bị chuyển đến các nhà tù có mức độ an ninh cao vì những lý do như tiếp xúc với người nước ngoài, có quá nhiều con, và theo đạo Hồi. Những người khác được coi là ít rủi ro hơn, như phụ nữ hoặc người già, đã bị chuyển sang hình thức quản thúc tại gia hoặc lao động cưỡng bức trong các nhà máy.