Tổ chức giám sát: 69% người nhận tài trợ của NIH không báo cáo tất cả mối liên hệ ở ngoại quốc
Theo một cuộc điều tra của Tổng Thanh tra Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS-IG), gần 3/4 số người nhận tài trợ của Viện Y tế Quốc gia (NIH) không báo cáo đầy đủ các mối liên hệ giữa những nhà nghiên cứu của họ với các quốc gia và các công ty ngoại quốc.
“Hơn 2/3 số người được tài trợ không đáp ứng một hoặc nhiều yêu cầu về việc tiết lộ tất cả các lợi ích và hỗ trợ tài chính ngoại quốc của các nhà điều tra. Những vấn đề này thường liên quan đến các yêu cầu tiết lộ các lợi ích vốn cổ phần không được giao dịch công khai từ các tổ chức ngoại quốc và tiết lộ các nguồn lực hiện vật, các liên kết chuyên môn, hoặc tham gia vào một chương trình ‘nhân tài’ ngoại quốc,” theo báo cáo của HHS-IG được công bố hồi đầu tháng Sáu.
“Các nhà điều tra” là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các cá nhân khác thực hiện nghiên cứu được hỗ trợ bằng tiền thuế liên bang mà những người nhận tài trợ từ NIH nhận được.
Báo cáo này cho biết thêm, “Một số người nhận tài trợ cũng không chắc chắn về việc liệu các yêu cầu công bố thông tin có được áp dụng cho các khoản tài trợ R13, vốn hỗ trợ cụ thể cho các hội nghị và cuộc họp khoa học hay không, hoặc các yêu cầu công bố thông tin này áp dụng cho các khoản tài trở R13 như thế nào. Ngoài ra, một số người nhận tài trợ đã không tuân thủ các yêu cầu của liên bang để đào tạo các nhà điều tra liên quan đến việc tiết lộ các lợi ích tài chính ngoại quốc. Hơn nữa, 10% người nhận tài trợ đã không thực hiện các đánh giá bắt buộc để xác định xem liệu các lợi ích tài chính ngoại quốc của các nhà điều tra có phải là các xung đột có thể làm sai lệch nghiên cứu của họ hay không.”
NIH có một khoản ngân sách thường niên gần 42 tỷ USD, trong đó khoảng 30 tỷ USD được phân bổ với số tiền khác nhau cho hơn 56,000 người được tài trợ thực hiện nghiên cứu y sinh trong hầu hết các lĩnh vực điều tra chính, bao gồm dị ứng, virus, di truyền, lão hóa, và các bệnh cụ thể.
Báo cáo của HHS-IG lưu ý rằng “việc một số nhà điều tra trong số những người nhận tài trợ này không công khai những đóng góp đáng kể về nguồn lực từ các tổ chức ngoại quốc (kể cả các chính phủ ngoại quốc) đã làm dấy lên những lo ngại về các mối đe dọa đến tính liêm chính của hoạt động nghiên cứu do NIH hỗ trợ.”
Báo cáo trên cũng cho thấy rằng “37% người nhận tài trợ báo cáo rằng khi họ xác định được sự hỗ trợ của các nhà điều tra, thì họ không phân biệt nguồn hỗ trợ có phải là một tổ chức ngoại quốc hay không … Hồi năm 2019, OIG (Văn phòng Tổng thanh tra) nhận thấy rằng NIH không thể xác định được liệu các xung đột tài chính của các nhà điều tra có liên quan đến những lợi ích ngoại quốc bằng cách sử dụng thông tin mà những người được tài trợ đã báo cáo cho NIH về các xung đột lợi ích tài chính hay không.”
Báo cáo này dựa trên một cuộc khảo sát của HHS-IG gửi đến 773 người nhận tài trợ được NIH lựa chọn ngẫu nhiên, trong đó có 617 người trả lời. 69% số người được hỏi không đáp ứng tối thiểu một trong các yêu cầu tiết lộ các mối liên hệ ngoại quốc theo các luật và quy định của liên bang.
Trong số các tiết lộ được yêu cầu có các quyền và lợi ích sở hữu trí tuệ như các bằng sáng chế và bản quyền thuộc sở hữu của một nhà điều tra và có giá trị vượt quá 5,000 USD. Các tiết lộ được yêu cầu này cũng bao gồm tiền lương và các khoản thanh toán cho các dịch vụ không được xác định rõ ràng là tiền lương, chẳng hạn như phí diễn thuyết, phí tư vấn và các quyền tác giả được trả có giá trị hơn 5,000 USD.
Các nhà điều tra cũng được yêu cầu tiết lộ nếu họ đã có bất kỳ chi phí đi lại nào được bên thứ ba đài thọ hoặc hoàn trả, cũng như bất kỳ lợi ích vốn cổ phần nào trong một tổ chức giao dịch công khai có giá trị vượt quá 5,000 USD và bất kỳ lợi ích vốn cổ phần nào trong bất kỳ tổ chức giao dịch không công khai nào hay không, bất kể của giá trị ước tính là bao nhiêu.
Báo cáo của HHS-IG theo sau tiết lộ lần đầu tiên được The Epoch Times đưa tin hồi đầu đầu năm nay rằng ước tính khoảng 350 triệu USD tiền bản quyền bí mật đã được chuyển cho hơn 1,600 quan chức NIH, nhà khoa học và nhà nghiên cứu từ các công ty bên ngoài không xác định từ năm 2010 đến năm 2020.
Những tiết lộ đó dựa trên các tài liệu và dữ liệu do openthebooks.org, một cơ quan giám sát chính phủ bất vụ lợi có trụ sở tại Chicago thâu thập được thông qua các vụ kiện theo Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA) của liên bang. NIH vẫn từ chối tiết lộ số tiền cụ thể được trả cho từng nhân viên hoặc tên của những người trả lương.
Hôm thứ Hai (20/06), ông Adam Andrzejewski, chủ tịch của cơ quan giám sát, nói với The Epoch Times rằng báo cáo của HHS-IG làm tăng thêm lo ngại về sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình của NIH.
“Mối lo ngại ở đây là về các mối đe dọa từ ngoại quốc đối với tính liêm chính và an ninh của nghiên cứu y sinh học của Hoa Kỳ. Không có cách nào để biết quy mô tuyệt đối từ tham nhũng ngoại quốc mà không có báo cáo tuân thủ,” ông cho biết.
“Hơn nữa, đó là một lời mời công khai dành cho những tác nhân xấu nhảy vào kiếm bộn tiền từ khoản tài trợ trị giá 31 tỷ USD của NIH. Nếu chúng ta không có báo cáo và dữ liệu rõ ràng thì không có cách nào để biết được bao nhiêu tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ có nguy cơ bị đánh cắp.”
Báo cáo của HHS-IG cũng được đưa ra khi các nghị sĩ của Thượng viện và Hạ viện đang tìm kiếm sự đồng thuận về các chi tiết của một báo cáo hội nghị nhằm khắc phục sự khác biệt giữa “Đạo luật về Cạnh tranh và Đổi mới Hoa Kỳ (USICA)” của Thượng viện và “Đạo luật CẠNH TRANH của Hoa Kỳ” của Hạ viện.
Thượng nghị sĩ Rob Portman (Cộng Hòa-Ohio), thành viên Đảng Cộng Hòa hàng đầu của Ủy ban An ninh Nội địa và Chính phủ Thượng viện (HSGAC) muốn những người tham gia hội nghị đưa Đạo luật Bảo vệ Sáng tạo Hoa Kỳ (SAIA) của lưỡng đảng, nhằm bảo vệ chống lại lợi ích ngoại quốc đánh cắp công nghệ của Hoa Kỳ vào báo cáo cuối cùng.
Đề xướng của ông Portman đã được Thượng viện đưa vào một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng hồi năm ngoái ủng hộ biện pháp của USICA, nhưng không phải là một phần trong đề xướng của Hạ viện, và do đó phải được những người tham gia hội nghị thông qua như một phần của báo cáo hội nghị của họ.
USICA “đầu tư hơn 100 tỷ USD từ quỹ của người đóng thuế để củng cố vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong đổi mới khoa học và công nghệ quan trọng đối với an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh kinh tế. “Đạo luật Bảo vệ Đổi mới của Mỹ”… sẽ bảo vệ khoản đầu tư hơn 100 tỷ USD cho nghiên cứu và IP khỏi các đối thủ toàn cầu, như Trung Quốc,” văn phòng của ông Portman cho biết trong một tuyên bố.
Báo cáo mới nhất của HHS-IG không phải là lần đầu tiên mà vấn đề NIH không kiểm soát được các mối liên hệ ngoại quốc của những người được cấp tài trợ nhận được sự quan tâm của Quốc hội.
Ông Portman, vốn không muốn tái tranh cử, đã giới thiệu đạo luật SAIA của mình sau khi đồng chấp bút với Thượng nghị sĩ Tom Carper (Dân Chủ-Delaware) về một phân tích hồi năm 2019 cho thấy “nghiên cứu được tài trợ từ tiền thuế của người dân Mỹ đã đóng góp như thế nào vào sự trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc trong 20 năm qua. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã công khai tuyển dụng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, và các chuyên gia Hoa Kỳ trong khu vực công và tư nhân để cung cấp cho Trung Quốc kiến thức và vốn tri thức để đổi lấy lợi ích tiền bạc và các lợi ích khác.
“Đồng thời, các cơ quan cấp tiền của chính phủ liên bang đã không ngăn chặn điều này xảy ra, FBI và các cơ quan liên bang khác cũng không khai triển một phản ứng phối hợp để giảm thiểu mối đe dọa này. Những thất bại đó tiếp tục làm suy yếu tính liêm chính của doanh nghiệp nghiên cứu Mỹ và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của chúng ta.”
Vào thời điểm báo cáo năm 2019, ông Portman là Chủ tịch Tiểu ban điều tra thường trực của HSGAC, trong khi ông Carper là thành viên Đảng Dân Chủ hàng đầu trong hội đồng nói trên.
Báo cáo năm 2019 lưu ý thêm rằng “NIH thừa nhận rằng ít nhất 75 cá nhân có khả năng liên kết với các kế hoạch tuyển dụng nhân tài ngoại quốc cũng đóng vai trò là những người bình duyệt trong vòng hai năm qua.”
Những người bình duyệt là những người đủ tiêu chuẩn từ cùng một lĩnh vực nghiên cứu của người nhận tài trợ và có ảnh hưởng lớn đến việc liệu một nghiên cứu cụ thể có được tài trợ hoặc được chấp nhận là đáng tin cậy hay không.
Báo cáo năm 2019 cũng cho biết, “Các hướng dẫn của NIH về việc kiểm tra các nhà bình duyệt về khả năng tham gia vào các kế hoạch tuyển dụng nhân tài ngoại quốc không yêu cầu các nhà nghiên cứu tiềm năng phải kiểm tra bất kỳ cơ sở dữ liệu chấp pháp nào. Thay vào đó, các quan chức NIH dựa vào việc ‘xem xét trang kết quả đầu tiên từ một tìm kiếm trên Google.’”
Ông Mark Tapscott là Thông tín viên Quốc hội cho The Epoch Times.