Tờ báo ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông buộc phải đóng cửa sau chiến dịch đàn áp mở rộng của Trung Cộng
Apple Daily, một tờ báo khổ nhỏ độc lập ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông được biết đến với lập trường chỉ trích Trung Cộng, đã trải qua các cuộc truy quét của cảnh sát và người sáng lập tờ báo này đã bị bỏ tù. Tuy nhiên, sinh nhật lần thứ 26 có thể là sinh nhật cuối cùng của tờ báo.
Chính phủ Hồng Kông, dưới sự hậu thuẫn của Bắc Kinh, đã nhắm vào tờ báo này. Tuần trước (14-20/06), 500 cảnh sát đã ập vào tòa soạn, thu giữ máy điện toán và tài liệu, đồng thời bắt giữ 5 giám đốc điều hành của ấn phẩm này. Hai giám đốc hiện phải đối mặt với cáo buộc thông đồng với lực lượng ngoại quốc, một hành vi phạm tội không rõ ràng theo luật an ninh quốc gia hà khắc do Bắc Kinh áp đặt hồi năm ngoái.
Tồi tệ hơn nữa, nhà chức trách đã phong tỏa tài sản của tờ báo như một phần của cuộc điều tra. Tờ báo cho biết, với tài sản trị giá 18 triệu HKD (2.32 triệu USD) đang bị phong tỏa trong các ngân hàng địa phương, hiện giờ họ không thể trả lương cho hơn 800 nhân viên của mình và có thể chỉ còn vài ngày nữa là đóng cửa,.
Một nhân viên cao cấp của Apple Daily sử dụng bút danh Mary, nói với The Epoch Times rằng việc hãng thông tấn này sắp đóng cửa “đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên.” “Phần đáng thất vọng là, chúng tôi đóng cửa không phải vì độc giả không thích hoặc chúng tôi quản lý không tốt. Chúng tôi có rất nhiều người ủng hộ và lẽ ra có thể tiếp tục.”
“Thật đáng buồn. Sự việc này khiến quý vị tự hỏi tại sao tình hình ở Hồng Kông lại trở nên như thế này.”
Công ty đánh dấu 26 năm thành lập vào hôm 20/06. Ngày hôm sau, người dẫn bản tin đã gửi lời chào tạm biệt tới 36,000 người xem tập cuối cùng của chương trình phát sóng trực tiếp vào buổi tối. Công ty đã ngừng cập nhật trang báo trực tuyến Anh ngữ và mục tài chính của trang web Hoa ngữ.
Apple Daily thông báo họ sẽ in ấn bản cuối cùng vào ngày 24/06. Ngày 25/06 sẽ là ngày làm việc cuối cùng của tờ báo nếu chính phủ từ chối kháng nghị gỡ bỏ phong tỏa một số quỹ của họ. Tờ báo đã cho nhân viên của mình lựa chọn từ chức ngay lập tức mà không cần thông báo trước một tháng theo thông lệ. Theo các tin tức địa phương, nhiều người đã rời đi, nhưng một số người muốn ở lại.
Cô Mary cho biết các độc giả đã hỗ trợ bằng cách gửi đồ ăn, thức uống và thiệp cảm ơn hoặc mua các bản báo in của tờ báo. Sự khích lệ của họ chính là động lực để cô tiếp tục bước tiếp.
Cô nói, “Tôi chỉ thấy rằng mình cần phải có trách nhiệm với những độc giả này. Nếu có những người vẫn đọc báo của mình, thì mình cần phải tiếp tục viết.”
Apple Daily được thành lập tại Hồng Kông vào năm 1995 bởi nhà bất đồng chính kiến và là nhà tài phiệt ngành dệt may Trung Quốc Jimmy Lai, một tiếng nói đối lập hàng đầu với Trung Cộng, người hiện đang bị bỏ tù vì tham gia một hội đồng ủng hộ dân chủ vào năm 2019. Ủy ban Protect Journalists đã vinh danh ông Lai với giải thưởng tự do báo chí Gwen Ifill hôm 21/06, nói rằng ông ấy “không chỉ là một nhà vô địch của báo chí tự do, ông ấy còn là một chiến binh tự do báo chí.”
Chủ tịch hội đồng quản trị của Ủy ban Kathleen Caroll cho biết, “Ông ấy đấu tranh để tổ chức Apple News của mình được quyền xuất bản tự do, ngay cả khi Trung Quốc và những người hậu thuẫn chế độ này ở Hồng Kông sử dụng mọi công cụ để ngăn chặn tờ báo.”
Những gì đã xảy ra với Apple Daily là bằng chứng về tác hại của luật an ninh quốc gia đối với giới báo chí Hồng Kông, cô Mary cho hay. Kể từ khi có hiệu lực hồi tháng 7 năm ngoái (2020), luật đã được sử dụng để bắt giữ và buộc tội một loạt nhân vật chỉ trích Trung Cộng trong thành phố, làm tê liệt phong trào ủng hộ dân chủ của Hồng Kông.
Cô nói: “Có lẽ là để gửi một luồng khí lạnh tới ngành công nghiệp tin tức. Bởi vì cảnh sát và chính phủ đã không làm rõ những bài báo hoặc bài bình luận mà họ cho là vi phạm luật an ninh quốc gia, nên giờ đây mọi người sẽ rất cẩn thận với những gì họ viết và đưa tin.”
Để hỗ trợ cho các cáo buộc thông đồng, cảnh sát cho biết họ đã xác định được hơn 30 bài báo trên Apple Daily, bằng cả Hoa ngữ và Anh ngữ, kể từ năm 2019 kêu gọi ngoại quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc hoặc Hồng Kông, nhưng sẽ không tiết lộ chi tiết vì đang tiến hành các thủ tục pháp lý—lần đầu tiên các bài báo được trích dẫn là có khả năng vi phạm pháp luật.
Cô Mary nói, sự kiện này vẽ ra một tương lai ảm đạm cho giới truyền thông Hồng Kông.
“Điều này sẽ khiến nhiều ký giả sợ hãi vì quý vị không biết thế nào là bất hợp pháp.”
Tự do báo chí của Hồng Kông đã giảm mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực hồi tháng 7/2020. Theo chỉ số tự do báo chí do Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông tổng hợp, con số dành cho các nhà báo đạt mức thấp kỷ lục 32.1 vào năm ngoái— giảm so với mức 40.9 vào năm 2018.
Hôm 22/06, lãnh đạo Hồng Kông thân Bắc Kinh Carrie Lam đã bảo vệ cuộc đột kích của cảnh sát, đồng thời gọi những lời chỉ trích của phương Tây là nỗ lực “tô điểm” các hành động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Bà ta đã bỏ qua lời của một ký giả của Apple Daily, người đã hô to khi rời đi: “Bà nói luật an ninh quốc gia chỉ ảnh hưởng đến một số ít người. Nhưng hơn 800 nhân viên của công ty chúng tôi hiện đã bị buộc thôi việc. Bà có thể trả lời không?”
Vị ký giả này đang tham khảo các tuyên bố của giới chức Hồng Kông và Bắc Kinh, những người trước khi đưa ra luật tuyên bố rằng nó sẽ chỉ nhắm mục tiêu vào “một số lượng nhỏ tội phạm.”
Số phận của tờ báo là điều mà phó giám đốc điều hành tại Viện Nghiên cứu Ý kiến Công chúng Hồng Kông Chung Kim-wah đã thấy từ nhiều tháng trước.
Trong một chuyên mục hàng tuần của Apple Daily, ông Chung đã viết một bài báo hồi tháng 04/2021 với tiêu đề “Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu họ đánh sập ‘Apple Daily’?” trong đó ông ghi nhận sự thù địch của chính quyền này đối với tờ báo.
Ngay từ tháng 03/2021, Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao, một cơ quan trực thuộc quốc vụ viện của Trung Cộng, đã chọn riêng ông Lai là một trong những “lực lượng chống Hồng Kông” bị dự kiến “trừng phạt nghiêm khắc.”
Khi đề cập đến ngày kỷ niệm 100 năm thành lập Trung Cộng, ông nói: “Lập trường của chính phủ không thể rõ ràng hơn. Tôi đã biết trước trong đầu cách đây hai tháng rằng chúng tôi sẽ mất Apple Daily trước hôm 01/07. Chính quyền này chắc chắn sẽ hạ gục các vị trước kỷ niệm 100 năm thành lập đảng … vấn đề chỉ là họ làm như thế nào.”
“100% là Đảng Cộng sản Trung Quốc buộc Apple Daily phải đóng cửa, điều này đã rõ ràng từ lâu,” một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc–ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin)–đã đào tẩu sang Úc hơn một thập kỷ trước cho biết.
Ông chỉ ra rằng hàng loạt vụ bắt giữ các nhà tổ chức biểu tình nổi tiếng trong năm 2020 làm bằng chứng cho thấy Trung Cộng đã phát huy ảnh hưởng của mình đối với Hồng Kông.
“Hồng Kông đã thất thủ từ lâu,” ông nói với The Epoch Times. “Cuối cùng, Hồng Kông sẽ trở thành một thành phố của Trung Quốc, và từ ‘đặc khu hành chính’ sẽ [là] không còn nữa—nó sẽ chỉ là thành phố Hồng Kông của Trung Quốc.”
Bất chấp mọi thứ [đang xảy ra], ông Chung tin là vẫn còn cơ hội để hy vọng.
Ông Chung đã dùng ví dụ về sự tưởng nhớ hàng năm của thành phố về vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, thường thu hút hàng chục ngàn người dân địa phương thắp nến tưởng niệm tại Công viên Victoria.
Ông Chung nói rằng mặc dù các nhà chức trách năm nay đã cấm hoạt động thắp nến tưởng niệm này trong năm thứ hai Trung Cộng điều hành và điều động hơn 7,000 cảnh sát để phong tỏa công viên, nhưng nhiều người dân Hồng Kông đã có những cách sáng tạo để đánh dấu sự kiện này, chẳng hạn như chiếu sáng bằng đèn flash điện thoại và thắp nến gần đó. Ông cũng đã đến địa điểm này.
Ông cho hay, “Dù là chính quyền Hồng Kông hay Bắc Kinh, tôi không nghĩ rằng họ có thể hoàn toàn bóp nghẹt mọi không gian cho quyền tự do ngôn luận. Cả thế giới đang đổ dồn ánh mắt vào Hồng Kông.”
Về phía các chuyên gia truyền thông ở Hồng Kông, cô Mary cho biết cô hy vọng họ có thể kiên định với những gì họ tin tưởng.
“Đêm đông thì sẽ lạnh, nhưng mọi người cần phải giữ vững kiên định của mình.”
Do Eva Fu thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: