TNS Sinema công bố kế hoạch dẫn đầu chuyến đi lưỡng đảng tới biên giới Hoa Kỳ
Thượng nghị sĩ (TNS) Kyrsten Sinema (Độc Lập-Arizona) đang dự trù đưa một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng cùng tham gia một chuyến đi đến biên giới phía nam Hoa Kỳ để họ có thể tận mắt chứng kiến cuộc khủng hoảng đang xảy ra.
“Một phần của vấn đề này là nhiều người ở Hoa Thịnh Đốn chưa bao giờ dành thời gian để thực sự tận mắt chứng kiến biên giới của chúng ta,” bà Sinema nói trước Thượng viện hôm 20/12. “Nếu không chứng kiến tất cả sự đa dạng và những thách thức của biên giới, thì người ta có thể dễ dàng dựa vào các luận điểm mang tính đảng phái thay vì tập trung vào các giải pháp thực tế, có ý nghĩa.”
“Đó là lý do tại sao khi chúng ta trở lại Quốc hội vào tháng Một tới, một trong những điều đầu tiên tôi sẽ làm, cùng với TNS Tillis, là triệu tập một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng, những người sẵn sàng và cam kết hoàn thành một việc nào đó.”
“Chúng tôi sẽ đưa họ đến biên giới. Chúng ta sẽ chứng kiến những gì người dân Arizona chứng kiến mỗi ngày, bởi vì một cuộc khủng hoảng lớn như thế này thì không nên và không thể bỏ qua.”
Nỗ lực của bà Sinema nhằm nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng biên giới diễn ra khi số phận của chính sách biên giới Đề mục 42 vốn được ban hành trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đang bị treo lơ lửng. Chính sách này dự kiến hết hiệu lực hôm 21/12, nhưng Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết hôm 19/12 để tạm hoãn lệnh bãi bỏ, sau khi 19 tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo nộp đơn khẩn cấp đề nghị một hành động như vậy.
Hôm 20/12, chính phủ Biden đã yêu cầu Tối cao Pháp viện ra phán quyết bất lợi cho những tiểu bang đã khởi tố lên Pháp viện nhưng yêu cầu giữ nguyên chính sách biên giới này cho đến ngày 27/12.
Bà Sinema cho biết: “Sự kết hợp giữa một biên giới không an toàn, một Lực lượng Tuần tra Biên giới làm việc quá sức và thiếu nguồn lực, cùng với mức độ chưa từng thấy lượng người nhập cư trái phép, những người xin tị nạn, và các nỗ lực phối hợp buôn lậu đã phá hỏng hoàn toàn một hệ thống vốn đã suy yếu này.”
Đầu tháng này, bà đã tuyên bố rời Đảng Dân Chủ và ghi danh là một TNS độc lập.
Đề mục 42
TNS Sinema cảnh báo rằng một khi Đề mục 42 hết hiệu lực, cuộc khủng hoảng biên giới sẽ trở nên tồi tệ hơn, mở đường cho “hàng ngàn di dân tràn vào Arizona, Texas, và các tiểu bang biên giới khác mà không có các thủ tục, kế hoạch, hoặc cơ sở hạ tầng phù hợp.”
“Tôi xin nói rõ: Đây là một cơn ác mộng về nhân đạo và an ninh,” bà khẳng định.
Đề mục 42 được áp dụng từ tháng 03/2020 như một lệnh do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ ban hành. Chính sách này được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, vì những người nhập cư bất hợp pháp có thể nhanh chóng bị từ chối ở biên giới phía nam, thay vì được giải quyết tại các cơ sở giam giữ người nhập cư theo luật nhập cư Đề mục 8.
Hôm 14/12, Quận Yuma, nằm ở góc phía tây nam của Arizona, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các khu vực không có chính quyền địa phương của quận do một “cuộc khủng hoảng y tế và nhân đạo” ở biên giới phía nam. Theo một tuyên bố, quận này đang thực hiện “bộ ba điều trị” COVID-19, virus hợp bào hô hấp, và cúm.
“Các nhân viên Lực lượng Biên giới của Yuma đã thực hiện hơn 300,000 vụ bắt giữ trong năm tài khoá 2022,” tuyên bố viết. “Số lượng người xin tị nạn và di dân dự kiến sẽ tăng từ 40% trở lên sau khi Đề mục 42 hết hiệu lực.”
“Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép có thêm sự linh hoạt và các nguồn lực để giải quyết vấn đề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng này.”
Theo dự kiến, thành phố biên giới San Luis của Arizona sẽ có nhiều người ngoại quốc nhập cư đến sau khi Đề mục 42 hết hiệu lực. Hôm 15/12, thị trưởng thành phố, ông Nieves Riedel, đã ký một tuyên bố và ban bố tình trạng khẩn cấp, nói rằng nhiều người ngoại quốc sẽ gây áp lực lên “các dịch vụ nhân đạo do các tổ chức bất vụ lợi, dịch vụ y tế, và các cơ quan chính phủ khác cung cấp tại địa phương hiện đã quá tải.”
“Sự an toàn và sức khỏe của cộng đồng vẫn là ưu tiên hàng đầu của tôi,” ông Riedel nói. “Với nguồn lực hạn chế, cư dân của chúng tôi cần được chăm sóc trước tiên.”
Cuộc khủng hoảng
“Ở Arizona, tác động này là rất rõ ràng. Các thị trấn nhỏ dọc biên giới của chúng tôi như San Luis, Nogales, Naco, Yuma, và Ajo bị quá tải hàng ngày, họ phải vất vả để chăm sóc cư dân của họ trong lúc quản lý cả dòng người di cư ngày càng tăng lên hàng trăm người mỗi ngày,” bà Sinema nói.
TNS Arizona này đã dẫn chứng San Luis, lưu ý rằng dịch vụ y tế của thành phố này đang hoạt động quá mức như thế nào.
“Ở San Luis — một cộng đồng nhỏ với khoảng 37,000 người ngay trên biên giới Arizona–Mexico — mới đây trưởng phòng cứu hỏa đã nói với chúng tôi rằng ba trong số năm xe cứu thương của ông ấy được sử dụng dành riêng cho việc chăm sóc những di dân gặp khó khăn, chỉ để lại hai xe cứu thương cho toàn bộ cộng đồng địa phương vào bất kỳ đêm nào.”
Thượng nghị sĩ này lưu ý rằng dòng chảy fentanyl cũng là một mối lo ngại lớn khi chỉ ra một vụ tịch thu 1.5 triệu viên thuốc fentanyl mới đây tại cảng nhập cảnh Nogales.
Giám đốc cảng Michael Humphries thông báo về vụ tịch thu này hôm 12/12, cho biết các viên thuốc có nhiều màu sắc khác nhau, bao gồm xanh dương, đa sắc, và bảy sắc cầu vồng.
Hôm 19/12, ông Humphries công bố một vụ tịch thu khác, cho biết các quan chức biên giới đã phát hiện khoảng 10,400 viên thuốc fentanyl và 6.4 pound (3 kg) ma túy đá.
Các băng đảng Mexico đã mua tiền chất hóa học từ Trung Quốc để sản xuất fentanyl và vận chuyển thành phẩm đến Hoa Kỳ. Hồi tháng Mười, cựu Tổng thống Donald Trump đã sử dụng tài khoản Truth Social của mình để thúc giục chính phủ ông Biden đương đầu với Trung Quốc về cuộc khủng hoảng fentanyl của Hoa Kỳ.
Cũng hôm 20/12, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, bà Sinema đã chỉ trích Tổng thống Joe Biden vì đã không đến thăm biên giới.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times