TNS Mike Braun: TT Trump nên phủ quyết Dự luật Quốc phòng nếu Điều 230 không bị bãi bỏ
Thượng nghị sỹ Mike Braun (Cộng Hòa-Indiana) ủng hộ việc Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ phủ quyết dự luật quốc phòng trong bối cảnh Tổng thống đang nỗ lực giới hạn các điều luật bảo vệ những công ty Internet khỏi các trách nhiệm pháp lý. Tổng thống cáo buộc rằng các công ty này đã tuỳ ý kiểm duyệt và kiểm soát nội dung.
TT Trump cho biết trong một tweet đăng ngày 1/12 rằng ông sẽ ngăn chặn Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) trị giá 740 tỷ dollar nếu nó không bãi bỏ Mục 230 của Đạo luật về Khuôn phép Truyền Thông. Đây là một điều khoản bảo vệ các công ty truyền thông mạng xã hội khỏi trách nhiệm pháp lý đối với hầu hết nội dung được đăng tải trên nền tảng của họ trong khi vẫn cho phép họ kiểm duyệt nội dung.
Ông Braun, trong lời bình luận gửi đến Just The News, nói rằng TT Trump đã đúng khi đòi hỏi NDAA đưa ra các quy định loại bỏ Mục 230. “Nếu đạo luật không có những quy định đó, thì theo tôi ông ấy có lý khi phủ quyết nó.”
Nhiều tweet gần đây của TT Trump đã bị gắn nhãn cảnh báo sau khi ông đề cập đến nhiều cáo buộc gian lận bầu cử và gian lận cử tri. Tổng thống cũng thường xuyên thể hiện sự phản đối của mình đối với Mục 230 và coi đó là một điều khoản “đầy nguy hiểm và bất công”. Thậm chí vào hôm 3/12 trong dòng tweet của mình, TT Trump còn cảnh báo sẽ phủ quyết dự luật quốc phòng vì vấn đề này.
“Có vẻ như một số Thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa đang thiếu dũng khí trong việc hủy bỏ Mục 230 dành cho Big Tech, một điều bắt buộc phải thực hiện để bảo đảm An ninh Quốc gia và Sự Toàn vẹn của Cuộc Bầu cử. Trong nhiều năm qua, tất cả đều chỉ là những lời nói suông mà không có hành động. Việc bãi bỏ điều luật đó phải được đưa vào Dự luật Quốc phòng!!!”, TT Trump viết, có lẽ là ám chỉ đến một số phản đối từ các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện James Inhofe (Cộng Hòa-Oklahoma) tuyên bố rằng “[Mục] 230 chẳng liên quan gì đến quân đội. Tôi đồng ý với quan điểm của Tổng thống, chúng ta nên loại bỏ mục 230 – nhưng quý vị không thể làm điều đó trong dự luật này”, theo The Hill.
Còn Thượng nghị sỹ Mike Rounds (Cộng Hòa-South Dakota) phát biểu khi đề cập đến lời cảnh báo phủ quyết của TT Trump, “Tôi hy vọng rằng ông ấy sẽ không thực sự theo đuổi điều đó đến cùng vì NDAA là rất quan trọng,” The Hill đưa tin.
Mặc dù vậy, ông Braun không đơn độc khi lên tiếng ủng hộ đề xuất của TT Trump về Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng. Thượng nghị sỹ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) cho biết ông cũng sẽ không ủng hộ NDAA nếu nó không bãi bỏ Mục 230, và Dân biểu Tulsi Gabbard (Dân Chủ-Hawaii) đã thúc giục TT Trump, “Xin đừng lùi bước. Tự do và tương lai của đất nước chúng ta đang bị đe dọa.”
Chủ tịch Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) cũng ủng hộ TT Trump về sáng kiến này. Tờ Politico đã trích dẫn lời của vị đảng viên Cộng Hòa nổi tiếng này nói rằng, “Nếu tôi là ông ấy, tôi sẽ tận dụng tất cả tầm ảnh hưởng mà tôi có [để làm điều đó].”
Chính phủ TT Trump đã lên tiếng về sự cần thiết phải thay đổi Mục 230 và cho rằng mục đích của việc này là buộc các công ty Internet phải quản lý và kiểm duyệt nội dung đăng trên nền tảng của họ một cách công bằng và có trách nhiệm. Họ đã cáo buộc các nền tảng trực tuyến như Facebook và Twitter tham gia vào việc kiểm duyệt một số quan điểm nhất định.
Mục 230 vấp phải sự phản đối từ cả hai đảng. Các đảng viên Dân Chủ thường tranh luận rằng nó cho phép các công ty công nghệ thoát khỏi trách nhiệm về việc không kiểm soát chặt chẽ nội dung phản cảm, như ngôn từ kích động thù địch và quấy rối. Trong khi đó, các đảng viên Cộng Hòa thường cho rằng nó tạo điều kiện cho các công ty công nghệ kiểm duyệt nội dung một cách tùy tiện, ngăn chặn tiếng nói của phe bảo thủ và kìm hãm quyền tự do ngôn luận. Các nhà lập pháp của lưỡng đảng đã báo hiệu ý định cải cách luật của họ, nhưng cho đến nay họ hầu như chẳng làm gì để thay đổi hiện trạng.
Có lẽ, một trong những nỗ lực được gọi là đáng kể nhất để cải cách Mục 230 đó là hồi tháng 6, Bộ Tư pháp (DOJ) đã công bố một gói đề xuất cải cách chi tiết để thay đổi Mục 230 bằng cách khuyến khích các nền tảng mạng xã hội giải quyết những nội dung trái phép trong khi thúc đẩy giao tiếp cởi mở và hoạt động minh bạch hơn.
Tổng Chưởng lý William Barr trong một tuyên bố đã kêu gọi Quốc hội thảo luận về vấn đề này. Ông nói rằng, “Tóm lại, những cải cách này sẽ bảo đảm rằng quyền miễn trừ theo Mục 230 sẽ khuyến khích các nền tảng trực tuyến trở thành những nhân vật có trách nhiệm. Những cải cách này nhằm vào các nền tảng mạng xã hội để bảo đảm rằng họ sẽ giải quyết thỏa đáng các nội dung trái phép và nội dung nhằm khai thác thông tin trong khi vẫn tiếp tục duy trì một mạng lưới Internet sôi động, cởi mở và cạnh tranh.”
Việc sửa đổi Mục 230 một lần nữa được thúc đẩy khi DOJ hồi tháng 10 thúc giục các nhà lập pháp thảo luận về vấn đề này, sau khi Twitter ngăn chặn một loạt các bài viết của New York Post tiết lộ về các giao dịch kinh doanh được cho là của Hunter Biden, con trai của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân Chủ Joe Biden.
“Những sự kiện diễn ra trong những ngày gần đây đã khiến cho việc cải cách điều luật này trở nên cấp thiết hơn”, Trợ lý Tổng Chưởng lý Stephen E. Boyd viết trong một lá thư (pdf) mà các hãng truyền thông thu thập được. “Các nền tảng trực tuyến lớn ngày nay nắm giữ quyền lực to lớn đối với những thông tin và quan điểm cung cấp cho người dân Hoa Kỳ. Do đó, điều quan trọng là họ phải trung thực và minh bạch với người dùng về cách họ sử dụng quyền lực đó. Và nếu họ không làm như vậy, thì điều quan trọng là họ phải chịu trách nhiệm.”
Ngành công nghệ đã chống lại những nỗ lực sửa đổi hoặc bãi bỏ Mục 230, nói rằng các đề xuất của DOJ có thể hạn chế khả năng người dùng thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội.
NDAA được Quốc hội thông qua hàng năm để tài trợ cho Bộ Quốc phòng và các chương trình an ninh quốc gia của Bộ Năng lượng.
Janita Kan và Jack Phillips đóng góp cho bài báo này.