TNS Hawley: Ai trở thành Tổng thống ‘phụ thuộc vào những gì xảy ra’ vào ngày 06/01
Hôm thứ Hai (04/01), Thượng nghị sỹ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) cho biết rằng vấn đề ai trở thành tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ không phải là một kết luận rõ ràng mà phụ thuộc vào kết quả của phiên họp chung ngày 06/01 của Quốc hội, trong khi một số nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đã long trọng tuyên bố phản đối việc xác nhận một số phiếu đại cử tri được bầu cho ứng cử viên tổng thống Đảng Dân Chủ Joe Biden.
Thượng nghị sỹ Hawley đưa ra nhận xét trong khi trả lời các câu hỏi của người dẫn chương trình Bret Baier của Fox News, người đã hỏi thượng nghị sĩ tiểu bang Missouri liệu rằng mục đích của nỗ lực của Đảng Cộng Hòa đưa ra các phản đối có phải là nhằm lật ngược kết quả của cuộc bầu cử và giữ Tổng thống Donald Trump ở lại Tòa Bạch Ốc hay không.
Đáp lại, ông Hawley cho biết các cử tri của ông đã nêu lên “những lo ngại lớn, lớn về tính liêm chính và công bằng của cuộc bầu cử này.”
“Họ mong đợi tôi đứng lên và nêu lên những lo ngại đó,” ông nói thêm. “Và đây là diễn đàn duy nhất tôi phải làm điều đó.”
Thượng nghị sỹ Hawley là một trong số khoảng hơn mười thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã kêu gọi Quốc hội chỉ định một ủy ban bầu cử để tiến hành cuộc thanh tra khẩn cấp kéo dài 10 ngày về kết quả bầu cử.
Khi kêu gọi cuộc thanh tra 10 ngày, các thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa, do Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) đứng đầu, cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc bầu cử năm 2020 “đã đưa ra những cáo buộc chưa từng có về gian lận cử tri, vi phạm và thực thi lỏng lẻo luật bầu cử, và những điều bất bình thường khác trong cuộc bầu cử.”
Các thượng nghị sỹ nói rằng các cáo buộc gian lận và những điều bất bình thường trong cuộc bầu cử năm 2020 “vượt quá bất kỳ điều gì trong cuộc đời của chúng ta”, đồng thời nói thêm rằng “sự ngờ vực sâu sắc” này đối với các quy trình dân chủ của Hoa Kỳ “sẽ không biến mất một cách kỳ diệu” và “nên là mối quan tâm của tất cả chúng ta,” cho dù có hay không các quan chức được bầu chọn hoặc các nhà báo tin vào các cáo buộc này.
“Điều này đặt ra mối đe dọa liên tục đối với tính hợp pháp của bất kỳ chính quyền tiếp theo nào”, các thượng nghị sỹ cho biết trong tuyên bố của họ, đồng thời nói thêm rằng họ có ý định phản đối các cuộc bỏ phiếu trừ khi và cho đến khi cuộc thanh tra khẩn cấp kéo dài 10 ngày được hoàn thành.
Ông Hawley nói với Fox News rằng các cử tri của ông mong muốn một cuộc điều tra về những bất thường trong bầu cử và đã kêu gọi các biện pháp [bảo vệ] tính liêm chính trong bầu cử.
“Họ muốn các luật bầu cử mới để bảo đảm rằng các cuộc bầu cử của chúng ta diễn ra an toàn trong tương lai,” ông nói. “Đây là cơ hội để tôi đứng lên và nói thay họ. Và ai đó phải nhìn nhận mối quan tâm của họ một cách nghiêm túc và lên tiếng. Và đó là những gì tôi sẽ làm.”
Ông Baier sau đó hỏi thượng nghị sỹ Hawley liệu ông có tin rằng, “kể từ ngày 20/01, rằng Tổng thống Trump sẽ là tổng thống [nhiệm kỳ tiếp theo].”
“Điều đó phụ thuộc vào những gì xảy ra vào thứ Tư (06/01),” ông Hawley trả lời. “Ý tôi là, đây là lý do tại sao chúng ta có cuộc tranh luận, đây là lý do tại sao chúng ta có phiếu bầu.”
Ông Baier phản bác lại bằng cách nói, “Không, nó không phải như vậy.”
“Các tiểu bang, theo Hiến pháp, nói rằng họ chứng nhận cuộc bầu cử, họ đã chứng nhận nó. Theo Hiến pháp, Quốc hội không có quyền lật ngược chứng nhận. Ít nhất là như hầu hết các chuyên gia đã đọc nó,” ông Baier nói.
Thượng nghị sỹ Hawley trả lời bằng cách nói rằng Tu chính án thứ 12 của Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ đạo Quốc hội kiểm đếm phiếu đại cử tri và theo quy trình này, các nhà lập pháp có cơ hội đưa ra phản đối và tranh luận về số phiếu bầu.
Ông Hawley cho biết, “Đây là cơ hội duy nhất của tôi trong suốt quá trình này để đưa ra ý kiến phản đối và để được lắng nghe,” và nói thêm rằng, “Tôi có trách nhiệm, trong phiên họp chung này của Quốc hội, để nói rằng “Tôi không có vấn đề gì với điều này” hoặc “Tôi thực sự có vấn đề với điều này.”
Trong phiên họp chung, các chứng nhận phiếu bầu của Đại cử tri đoàn từ các tiểu bang sẽ được đọc. Sau khi đọc một chứng nhận, phó tổng thống sẽ kêu gọi sự phản đối, nếu có. Mỗi phản đối phải được lập thành văn bản, phải nêu rõ lý do phản đối và phải có chữ ký của ít nhất một thượng nghị sỹ và một dân biểu.
Nếu các yêu cầu được đáp ứng, lưỡng viện sẽ rút khỏi phiên họp chung và tổ chức một cuộc tranh luận kéo dài hai giờ, sau đó là bỏ phiếu. Một phản đối sẽ được thi hành nếu giành được đa số phiếu.
Theo tính toán của The Epoch Times, hiện có khoảng 25 thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa chống lại nỗ lực phản đối các cuộc bỏ phiếu, bao gồm hầu hết các thành viên của ban lãnh đạo Thượng viện Đảng Cộng Hòa. Không có đảng viên Đảng Dân Chủ nào cho thấy ý định ủng hộ các phản đối. Trừ khi hầu hết các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện – các Thượng nghị sỹ lên tiếng phản đối các phiếu bầu đại cử tri đang tranh chấp – khiến họ thay đổi ý kiến, nếu không, các phản đối sẽ không thành công.
Bản tin có sự đóng góp của Zachary Stieber.
Tom Ozimek
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: