TNS Cotton: Việc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hủy bỏ ‘Sáng kiến Trung Quốc’ thể hiện ‘sự yếu đuối’
Quyết định gần đây của Bộ Tư pháp (DOJ) về việc hủy bỏ “Sáng kiến Trung Quốc”, một nỗ lực từ thời cựu Tổng thống (TT) Trump nhằm phá vỡ hoạt động gián điệp kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), là “một ví dụ khác về sự yếu đuối” của chính phủ TT Biden, một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cho biết.
“ĐCSTQ đã đánh cắp hàng ngàn tỷ dollar tài sản trí tuệ của Mỹ, làm mất hàng triệu việc làm của người Mỹ, và biến các sinh viên và các nhà nghiên cứu đang học tập tại Hoa Kỳ thành gián điệp nước ngoài,” Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) cho biết trong một tuyên bố hôm 23/02.
“Nhưng hôm nay, chính phủ TT Biden thông báo họ sẽ hủy bỏ sáng kiến có nhiệm vụ chống lại sự phá hoại và công kích chưa từng có ở trong nước của chính quyền Trung Quốc vì họ cho rằng đó là phân biệt chủng tộc.”
Ông cũng nói rằng việc chấm dứt chương trình này cho thấy “một ví dụ khác về sự yếu đuối của một chính phủ quan tâm đến việc đúng đắn về mặt chính trị hơn là bảo vệ người Mỹ.”
DOJ đã thông báo hủy bỏ Sáng kiến Trung Quốc vào hôm 23/02 sau khi có một cuộc đánh giá các hoạt động của sáng kiến này vốn xuất phát từ các cáo buộc về phân biệt chủng tộc và các trường hợp bị xử lý sai.
Chương trình này đã được chính phủ TT Trump khởi động vào năm 2018 để chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia bắt nguồn từ việc ĐCSTQ sử dụng hoạt động gián điệp, lừa đảo, và tội phạm mạng chống lại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chương trình đã chịu áp lực rất lớn từ giới học thuật và những người Mỹ gốc Hoa, những người tin rằng sáng kiến này có sự phân biệt đối xử và ảnh hưởng tiêu cực đến việc nghiên cứu.
Trợ lý Tổng chưởng lý Matthew Olsen, người dẫn đầu cuộc đánh giá này, nói rằng cuộc đánh giá đã không phát hiện ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho những tuyên bố về sự thành kiến, nhưng “nhận thức” về sự thành kiến là đã đủ gây tai hại để bảo đảm cho việc hủy bỏ chương trình này.
Ông Olsen nói trong một tuyên bố: “Đừng nhầm lẫn, chúng tôi sẽ không ngừng bảo vệ đất nước chúng ta khỏi Trung Quốc”.
“Nhưng cuộc đánh giá của chúng tôi đã thuyết phục chúng tôi rằng cần phải có một cách tiếp cận mới để giải quyết các mối đe dọa nghiêm trọng nhất từ một loạt các quốc gia thù địch.”
Ông Olsen cho biết sáng kiến này sẽ được thay thế bằng một chiến lược rộng lớn hơn tập trung vào một loạt các mối đe dọa do các quốc gia gây ra.
Ông Ian Prior, từng là phó giám đốc phụ trách công tác công vụ của DOJ khi sáng kiến này lần đầu tiên được công bố, cho biết chương trình này đã đóng vai trò quan trọng trong việc phơi bày chiến lược đánh cắp nghiên cứu và công nghệ trên quy mô lớn của ĐCSTQ.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 24/02 với The Epoch Times tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở Orlando, Florida, ông Prior nói rằng những trường hợp chẳng hạn như việc ĐCSTQ cố gắng lấy cắp gạo biến đổi gene đã chứng minh những nỗ lực gián điệp như vậy xâm nhập sâu rộng như thế nào.
“Tôi nghĩ việc đó dẫn chính xác tới động cơ của họ, tại điểm mà [ĐCSTQ] sẽ tìm cách đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta một cách hiệu quả để gia tăng quyền lực của họ, để gia tăng chế tạo sản xuất, và tăng cường công nghệ của họ,” ông Prior cho biết.
Ông nói thêm rằng ĐCSTQ khác với các đối thủ tiềm năng khác chẳng hạn như là Nga, ở chỗ nước này không theo đuổi chiến lược gieo rắc hỗn loạn và bất hòa, mà là liên tục lượm lặt và đánh cắp.
“Mô hình của Trung Quốc là ra ngoài kia và cải thiện bản thân bằng cách đánh cắp của Mỹ”, ông Prior nói. “Đánh cắp các bí mật thương mại, đánh cắp tài sản trí tuệ, [đưa] các khoa học gia đến và làm việc cho các công ty và sau đó đưa những bí mật này về Trung Quốc.”
“Điều đó cuối cùng sẽ tạo ra một tình huống mà trong đó tài sản trí tuệ và giá trị kinh tế của những thứ đang diễn ra ở Mỹ sẽ được chuyển cho Trung Quốc thông qua hoạt động gián điệp.”
Nhận xét của ông Prior trùng với quan điểm của các chuyên gia như ông Timothy Heath, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp của Rand Corporation, người cho rằng Sáng kiến Trung Quốc là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia trước hoạt động gián điệp của ĐCSTQ.
“[ĐCSTQ] không giấu giếm khát vọng thống trị các công nghệ và các ngành công nghiệp tân tiến nhất của mình, và họ đã chỉ thị các cơ quan hành chính và quan chức của họ phải kiếm được những công nghệ đó thông qua bất kỳ phương tiện nào cần thiết,” ông Heath cho biết.
Bất chấp những nhận xét chẳng hạn như của ông Cotton, ông Prior bày tỏ một số hy vọng rằng quyết định hủy bỏ Sáng kiến Trung Quốc này không phải là một quyết định đảng phái, và rằng Hoa Kỳ sẽ hành động để giảm bớt các cuộc tranh đấu nội bộ của mình và tập trung nhiều hơn vào thế giới rộng lớn hơn.
“Tôi chắc chắn hy vọng rằng hệ tư tưởng chính trị và đảng phái chính trị sẽ không đóng vai trò trong các hoạt động an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp, đặc biệt là khi nói đến các địch thủ của chúng ta”, ông Prior nói.
“Không ai thực sự nghĩ về những loại vấn đề này cho đến khi chúng ta gặp phải tình huống như hiện tại, nơi mà quý vị có Nga và Ukraine,” ông nói thêm. “Nói chung, đó là cách nó luôn hoạt động ở Mỹ, khi đó họ tập trung vào trong nước, chứ không phải lo lắng về bối cảnh toàn cầu.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Bản tin có sự đóng góp của David Zhang
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: