Tình yêu là đáp án: Đưa Hoa Kỳ vĩ đại trở lại
Nhiều năm qua, môn lịch sử được giảng dạy trong các trường công lập của Hoa Kỳ có vai trò như một cái bao đấm bốc cho chính trị và ý thức hệ. Trong đó, hầu hết các võ sĩ đều đến từ bên trái của võ đài.
Vài năm trước, một số giáo viên và phụ huynh đã chỉ trích bài Kiểm tra Xếp lớp Nâng cao (Advanced Placement Test) của môn lịch sử Hoa Kỳ vì nó không đặt trọng tâm vào chính trị và tôn vinh những nhân vật lịch sử có lời nói và hành động khiến Hoa Kỳ vĩ đại. Thay vào đó, các khóa học lịch sử tập trung nhiều hơn vào lịch sử xã hội, đặc biệt là nhóm người thiểu số, nữ quyền, những sai lầm và thất bại của Hoa Kỳ trong suốt chặng đường lịch sử.
Gần đây, Dân biểu tiểu bang Illinois, ông LaShawn K. Ford đề xuất rằng các trường công lập đã cất giữ những cuốn sách lịch sử mãi mãi hoặc ít nhất là cho đến khi họ thay thế chúng bằng những cuốn tập trung nhiều hơn vào người thiểu số, phụ nữ, nhóm LGBT và các nhóm khác. Ông Ford cho rằng sách giáo khoa hiện nay dạy về phân biệt chủng tộc, đặc quyền của người da trắng, điều này có phần khó tưởng tượng được nếu tính đến sự thay đổi của các công ty xuất bản trong 40 năm qua.
Ví như, nhiều trường học đã coi cuốn “Lịch sử dân tộc Hoa Kỳ” (“A People’s History of the United States”) của tác giả Howard Zinn như một phần trong chương trình giảng dạy, một văn bản bị chỉ trích về cả tính chính trị cấp tiến lẫn thông tin sai lệch của nó. “Dự án 1619” của The New York Times đã được giảng dạy ở hàng nghìn lớp học, với nội dung tuyên bố rằng, những Tổ Phụ Lập Quốc của chúng ta đã ly khai khỏi Vương quốc Anh vì người dân Hoa Kỳ muốn chiếm giữ nô lệ của họ. Lẽ nào Dân biểu Ford muốn lấn sân sâu hơn nữa sang phe cánh tả?
Sơ lược về lịch sử
Người xưa đã chỉ cho chúng ta những tiêu chuẩn để sử dụng cho việc ghi chép lịch sử ngày nay: Tầm quan trọng của việc ghi chép các sự kiện trong quá khứ, tính khách quan và giá trị của việc sử dụng các nhân vật lịch sử làm hình mẫu.
Herodotus là “Cha đẻ của Lịch sử”, ông không chỉ viết về cuộc chiến giữa người Hy Lạp và người Ba Tư mà còn ghi lại nhiều câu chuyện do người khác kể cho ông. Ông thường xuyên bị các nhà sử học cổ đại khác gán tội thêu dệt một số câu chuyện nhằm mang đến sự giải trí cho độc giả, Herodotus bị một số người gán cho biệt danh “Cha đẻ của những lời nói dối”. Cuộc điều tra thời hiện đại đã tiết lộ sự thật đằng sau nhiều báo cáo về nhà sử học đầu tiên này.
Thucydides là một trong những người chỉ trích Herodotus. Đối với [việc ghi chép] sử sách của chính mình về cuộc chiến giữa Sparta và Athens, Thucydides đã áp dụng một phương pháp nghiên cứu rất nghiêm ngặt, kiểm tra chéo các nguồn khi có thể, viết theo một phong cách trang trọng và đơn giản hơn. Những tiêu chuẩn cao quý này của ông vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
Các nhà sử học khác muốn sử dụng nhân vật của họ như những hình mẫu đáng để noi theo hoặc như những hình tượng phản diện có những tính xấu cần phải tránh xa. Plutarch là sử gia nổi tiếng nhất về viết tiểu sử, trong cuốn “Những mảnh đời” (“Lives”) của mình, ông đã so sánh và đối chiếu 48 người Hy Lạp và La Mã nổi tiếng, như Alexander Đại đế với Julius Caesar.
Cho đến thế kỷ 20, hầu hết lịch sử Hoa Kỳ tập trung vào chính trị và các cá nhân, chủ yếu là nam giới và người da trắng. Kể từ đó, các sử gia đã mở rộng phạm vi lịch sử, một số họ đã trở nên nổi tiếng vì quan điểm của mình. Chẳng hạn, Frederick Jackson Turner được biết đến với “Luận văn về biên giới”, tuyên bố chấm dứt phong trào hướng về phía Tây và ý tưởng về một biên giới của Hoa Kỳ.
Will Durant, và sau đó có sự tham gia của vợ ông là Ariel, đã dành rất nhiều tâm sức để biên soạn bộ “Câu chuyện của nền văn minh” (“The Story of Civilization”). Bộ lịch sử thế giới này gồm 11 tập và mang về cho vợ chồng Durant Huân chương Tự do của Tổng thống.
80 năm vừa qua đã trao cho chúng ta những trang sử tuyệt vời về chế độ nô lệ, phong trào Dân quyền và những thành tựu của người dân Hoa Kỳ gốc Phi. Các tiểu sử gia đã nghiên cứu sâu sắc về cuộc đời của những nhân vật nổi tiếng như Thomas Jefferson, Lyndon Johnson, Abigail Adams, và Booker T. Washington, soi rọi cho chúng ta những đức tính và cả những khiếm khuyết của họ.
Sự nguy hiểm của việc tuyên truyền
Tất nhiên, những cuộc điều tra nghiên cứu này có ảnh hưởng xuyên suốt trong hệ thống sách giáo khoa của chúng ta. Tôi chắc chắn rằng cuốn sách lịch sử Hoa Kỳ mà tôi học ở lớp 11 năm 1968 tập trung nhiều vào chính trị và chiến tranh hơn là về các nhóm thiểu số và các phong trào xã hội. Kể từ đó, sách giáo khoa của chúng ta cung cấp một sân khấu lớn hơn nhiều cho những nhân vật trong quá khứ — người da đen, da trắng và da nâu, đàn ông và phụ nữ — sự thay đổi xã hội, và thậm chí những diễn giải mâu thuẫn về các sự kiện trong quá khứ. Chúng ta nên tán dương những thay đổi này.
Tuy nhiên mối nguy hiểm xuất hiện khi lịch sử trở thành công cụ tuyên truyền, khi chúng ta phớt lờ một số anh hùng trong quá khứ vì giới tính hoặc màu da của họ, khi chúng ta lý giải các sự kiện theo cách tồi tệ nhất, khi chúng ta bỏ quên việc xem xét hành động và lý tưởng của cha ông chúng ta căn cứ theo tiêu chuẩn trong thời đại của họ và thay vào đó chúng ta phán xét họ bằng các giá trị đạo đức và hành vi của chúng ta ngày nay.
Thêm vào mối nguy hiểm của lịch sử lừa dối này là sự thiếu hiểu biết trầm trọng của giới trẻ Hoa Kỳ về quá khứ. Trong bài viết trực tuyến của Annie Holmquist “Bỏ dạy lịch sử khiến chúng ta dính mắc vào mớ lộn xộn này” (“Abolishing History From the Classroom Is What Got Us Into This Mess”), cô đặt câu hỏi cho những người trẻ tuổi: “Nếu họ không biết điều gì xảy ra trước khi họ được sinh ra, hoặc hậu quả do những sự kiện lịch sử trước đó gây ra, thì làm sao chúng ta có thể mong đợi họ làm điều gì đó ngoài việc chạy theo đám đông với vô số điều tệ hại? Và nếu đầu óc họ không thể hiểu được những điều này, thì làm sao chúng ta có thể mong đợi họ bầu ra hay lãnh đạo một chính phủ mà có chăng chỉ là sự suy thoái?”
Lịch sử rất quan trọng. Sự hiểu biết và nhận thức rõ giá trị của quá khứ là điều thiết yếu đối với sự vững mạnh của đất nước chúng ta, cũng như quan điểm của chúng ta về các sự kiện thực tế và hiện tại. Không có sự hiểu biết và trân trọng đó, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia chìm trong biển cả đầy giông bão của chủ nghĩa cấp tiến và những âm mưu chống Hoa Kỳ như ngày nay.
Vậy chúng ta có thể làm gì? Làm thế nào chúng ta có thể truyền đạt cho giới trẻ một cách cân bằng về lịch sử trong quá khứ của chúng ta?
Miền đất Hy vọng
Năm ngoái, tôi đã có bài bình phẩm sách trên The Epoch Times cho cuốn “Miền đất hy vọng: Lời mời đến với câu chuyện vĩ đại của Hoa Kỳ” (“Land of Hope: An Invitation to the Great American Story”) của tác giả Wilfred McClay. Trong bài bình phẩm về cuốn sách lịch sử xuất sắc này, tôi đã viết:
“Do cách tiếp cận không thiên vị này, ‘kẻ xấu’ và ‘người tốt’ là một điều hiếm thấy trong ‘Miền đất hy vọng’. Tác giả McClay phân tích các nhân vật lịch sử không chỉ bằng kỹ năng và kiến thức về chủ đề của mình, mà còn nhận ra rằng con người của quá khứ không phải là những nhân vật được khắc họa bằng những nét bút đơn giản, mà là những sinh mệnh sống động, đang thở; con người ở thời đại của họ không có quả cầu pha lê để nhìn thấu tương lai, mà động cơ của họ, giống như của chúng ta, là một tập hợp những thứ khác nhau của cả cá nhân lẫn tầm nhìn xa trông rộng.”
Tôi cũng cung cấp cho độc giả một trích dẫn từ tác giả McClay:
“Một trong những tội lỗi tồi tệ nhất của thời hiện tại – không chỉ của thời đại chúng ta mà của bất kỳ thời đại nào – là xu hướng hạ thấp quá khứ. Điều này vốn dễ thực hiện hơn nhiều khi một người chẳng cần biết toàn bộ bối cảnh của quá khứ hoặc cố gắng nắm bắt bản chất của những thử thách [trong quá khứ].”
Tôi tin chắc rằng “Miền đất hy vọng” sẽ có một chỗ đứng trong mọi lớp học, trong mọi ngôi nhà trên đất nước của chúng ta.
Và bây giờ một kho báu thứ hai từ Wilfred McClay đã xuất hiện. Cuốn “Chỉ dẫn của giáo viên đến vùng đất hy vọng” (“A Teacher’s Guide to Land of Hope”) được viết với sự hợp tác của giáo viên bậc thầy John McBride, cuốn sách gần đây được gửi đến cho tôi qua đường bưu điện và bây giờ đang ở sát cạnh tôi khi tôi viết những dòng này. Đây là một trong những cuốn sách hướng dẫn của giáo viên hay nhất mà tôi từng thấy, với hàng trăm bài phát biểu, bài hát, nhận xét, tóm tắt, câu hỏi dành cho học sinh và các gợi ý cho việc viết lách. Cùng với cuốn sách giáo khoa của McClay, cuốn “Chỉ dẫn của giáo viên đến vùng đất hy vọng” mang lại cho học sinh trung học và tất cả chúng ta một công cụ tinh tế tuyệt vời để khám phá quá khứ.
Hãy nhớ chúng ta đã và đang là ai
Trong “Phần kết” của cuốn sách hướng dẫn, các tác giả giải thích rằng người dân Hoa Kỳ trò chuyện không ngừng về lịch sử của họ.
“Để cuộc trò chuyện đó trở nên thực tế và trung thực, nó phải bao gồm cả điều hay, điều dở, cái xấu, và cả những lần chúng ta thất bại và không đạt được kỳ vọng, chứ không chỉ là những gì vuốt ve lòng tự tôn dân tộc của chúng ta.
Vì lẽ ấy, câu chuyện tuyệt vời, mạch chủ đề mà chúng ta chia sẻ không nên bị lạc lối trong một trận bão tuyết của các chi tiết hoặc một trận mưa đá của những lời khiển trách. Người dân Hoa Kỳ có, và vẫn còn, một miền đất của hy vọng, một miền đất mà phần lớn mọi người trên thế giới đều khao khát ghé thăm.”
Trong phần Hỏi và Đáp của “Phần kết” là câu trích dẫn của G.K. Chesterton: “Người ta không yêu Rome vì nó tuyệt vời. Rome tuyệt vời vì họ đã yêu mảnh đất ấy.”
Nếu chúng ta loại bỏ tình yêu đất nước ra khỏi sách lịch sử, ra khỏi văn hóa và cuộc trò chuyện của chúng ta, chúng ta sẽ để lại những cay đắng và tuyệt vọng cho thế hệ trẻ. Nếu chúng ta không dạy thế hệ trẻ lịch sử của mình — cả những điều tồi tệ, xấu xa và tốt đẹp — thì cuối cùng chúng ta sẽ thấy mình đang ở trong một chính phủ và nền văn hóa suy đồi.
Dù có lỗi lầm và thất bại ra sao, Hoa Kỳ vẫn là đất nước của “quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Đã đến lúc chúng ta cho phép ý nghĩa đầy đủ của những dòng chữ này thấm nhuần trong thế hệ con cái của chúng ta.
Tác giả: Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt. Trong 20 năm qua, ông đã dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh qua các buổi hội thảo cho học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, N.C. Hiện ông cộng tác viết bài trên Front Royal, Va. Hãy truy cập trang JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Jeff Minick
Minh Vi biên dịch
Xem thêm: