Tình trạng thỉnh thoảng thiếu lương thực ở Hoa Kỳ khiến người nhập cư lo lắng
Khi những người nhập cư Venezuela ở Hoa Kỳ nhìn thấy hàng hóa không có trên các kệ hàng, họ lo lắng về đường hướng của Hoa Kỳ và nhớ đến những kệ hàng trống ở quê nhà khi Venezuela chuyển sang chủ nghĩa xã hội.
Từng là quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ, ngày nay nhiều người ở Venezuela rơi vào cảnh nghèo khó và nhiều người phải bỏ xứ ra đi để sinh tồn. Nhưng trước đây tình hình không hẳn như thế. Bà Patricia Andrade ở Miami, Florida là người sáng lập Venezuela Awareness, một tổ chức bất vụ lợi giúp những người Venezuela đến Hoa Kỳ bắt đầu với những nhu cầu căn bản. Bà đến Hoa Kỳ khoảng 35 năm trước. Bà Andrade nói với The Epoch Times rằng lúc bấy giờ các cuộc bầu cử diễn ra tự do, và đó là một đất nước bình thường.
Bà nói: “Chúng tôi sẽ đi đến siêu thị và tìm mọi thứ chúng tôi muốn,” Nhưng trong năm 2013-2014, nền kinh tế sụp đổ, và mọi thứ đã thay đổi hẳn.
“Họ bắt đầu nhận thấy, ở Venezuela, các kệ hàng trống trơn. Họ sẽ đến một cửa hàng và một phần của cửa hàng trống trơn,” bà Andrade nói. “Nếu quý vị cố gắng tìm những thứ căn bản, quý vị không thể tìm ra. Không chỉ một sản phẩm; mà là nhiều sản phẩm. Chẳng hạn: quý vị không thể tìm thấy ngũ cốc, sữa, sốt cà chua — những thứ căn bản. Kem đánh răng, xà phòng, chất khử mùi — tôi nhớ con trai tôi nói rằng chúng sợ ra ngoài mà không có chất khử mùi. Dầu gội đầu, dầu ăn, tôi nhớ đến đường — rất nhiều lần quý vị không thể tìm thấy đường ở siêu thị. ”
Bà nói tình huống này đột ngột xảy ra, chứ không phải từng chút từng chút một. Và đối với những người đã chứng kiến an ninh lương thực tiêu vong một quốc gia, thì tình trạng thiếu hụt ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như sữa công thức trẻ em, là điều đáng lo ngại. Gần đây, cửa hàng bách hóa của bà đã hạn chế số lượng kem pho mát mà khách hàng có thể mua, và đôi khi họ bán hết sạch. Bà nhận thấy các kệ bày bán trang phục thưa thớt tại các trung tâm bách hóa, ít có các lựa chọn về giày dép hơn, nhiều khoảng không trống giữa các sản phẩm hơn tại cửa hàng thủ công mỹ nghệ.
Bà nói, điều này đặc biệt khiến những người vừa đến từ Venezuela thấy nản lòng, họ lo sợ rằng những vấn đề khiến họ tháo chạy lại đang len lỏi vào Hoa Kỳ.
“Mọi người đang lo lắng. Họ nói họ tin rằng chủ nghĩa xã hội đã phá hủy Venezuela, rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội ở Hoa Kỳ, và chúng ta sắp sửa lặp lại câu chuyện này ở Hoa Kỳ.”
Anh Esteban Hernandez, 26 tuổi, nhớ lại thời thơ ấu của mình trên hòn đảo Margarita, Venezuela, nơi tình trạng thiếu lương thực và mất điện kéo dài. Đất nước phân phối điện và họ phải lên kế hoạch để khu vực nơi anh ở sẽ có điện trong vài tiếng. Anh nói, đôi khi chỉ có điện bốn tiếng trong ngày.
“Luôn có một vài ngày, vài tuần, hoặc vài tháng mà quý vị không thể tìm thấy những sản phẩm cụ thể. Đôi khi khan hiếm đường. Đôi khi là dầu; đôi khi là cà phê, quý vị biết đấy, những thứ căn bản,” anh Hernandez nói với The Epoch Times. “Thông thường, quý vị sẽ không còn nhìn thấy những sản phẩm đó trong vài tuần, có thể là vài ngày, có thể là một tháng hoặc hai tháng, nhưng sau một thời gian nhất định, quý vị sẽ lại thấy nó trên kệ — có thể đắt hơn một chút — nhưng quý vị sẽ thấy nó được bổ sung.”
Anh Hernandez sống ở thành phố Sunrise, tiểu bang Florida, và dẫn một chương trình YouTube cho kênh Contra Poder 3.0, một nhà cung cấp tin tức tiếng Tây Ban Nha.
Gia đình anh đến Hoa Kỳ vào năm 2011 sau khoảng 3 năm sống trong những điều kiện tồi tệ.
“Chính phủ bắt đầu trở nên cấp tiến hơn khi đưa ra các chính sách nhất định, chẳng hạn như kiểm soát giá cả,” anh Hernandez nói. “Sau đó, họ bắt đầu chiếm đoạt tài sản tư nhân của các công ty thực sự sản xuất thực phẩm.” Ngay sau đó là các doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ sản xuất bột mì và các sản phẩm khác. Chính phủ định giá và kiểm soát lượng sản phẩm có sẵn.
Anh không hoàn toàn nhận thức được những thay đổi kinh tế đang diễn ra, nhưng ngay từ khi còn nhỏ, anh Hernandez đã biết có điều gì đó không ổn khi gia đình anh bắt đầu xếp hàng mua những món đồ căn bản.
Đến năm 2017, gia đình anh ở Mỹ nhưng họ nhìn thấy những bức ảnh chụp những người ở Venezuela đang ăn thực vật và tìm kiếm thức ăn trong thùng rác. Anh Hernandez cho biết, vào khoảng thời gian này, nhiều người đã sút cân ngoài mong muốn và gọi kiểu ăn uống này là “Chế độ ăn kiêng Maduro” theo tên Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Anh Hernandez nói rằng chuyện này đáng lo ngại trong thời kỳ đại dịch, khi chính phủ Hoa Kỳ đang yêu cầu các doanh nghiệp phải làm gì, và khi nào họ quyết định những doanh nghiệp nào là thiết yếu. Bây giờ anh thấy sữa công thức trẻ em bị thiếu trên các kệ hàng và thỉnh thoảng có những hàng hóa khác bị thiếu hụt. Anh Hernandez đã nói với gia đình rằng chuyện này dường như giống Venezuela.
“Khi chúng ta không tìm thấy thương hiệu mà chúng ta muốn, hoặc bất kỳ sản phẩm cụ thể nào, đối với tôi, điều đó có chút lo lắng,” anh Hernandez nói. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ không chuyển sang chế độ giống như ở Venezuela, nhưng tôi cho rằng chúng ta đang đi sai hướng.”
Anh lo ngại về các chính sách năng lượng như Thỏa thuận Xanh mới (Green New Deal), khi sống với nguồn năng lượng không ổn định.
“Đảng Dân Chủ đang trao tiếng nói cho những kẻ điên rồ — cho những người thực ra đang bào chữa cho hệ thống mà chúng ta hiện có,” anh Hernandez nói. “Và họ tự hỏi tại sao Đảng Dân Chủ lại mất các phiếu bầu của người gốc Tây Ban Nha. Đó là bởi vì họ đang đề nghị những thứ tương tự đã buộc rất nhiều người Tây Ban Nha từ bỏ đất nước của họ.”
Bất chấp những lo ngại của mình, anh Hernandez vẫn lạc quan về Hoa Kỳ vì nước này có nhiều hơn một đảng chính trị đang hoạt động. Anh cho biết miễn là có nhiều tiếng nói được cho phép và tham gia, thì sẽ có những người bảo vệ các ý tưởng tư bản chủ nghĩa và đứng lên đấu tranh cho nền dân chủ.
Nhiều người đã sống qua những năm đói kém nhất của Venezuela, như anh Jorge Galicia, quan tâm đến chính trị vì đó là nguyên nhân đằng sau các vấn đề.
Đối với anh Galicia, 26 tuổi, hiện đang cư ngụ tại Miami, 2014-2018 là những năm tồi tệ nhất. Anh Galicia nói với The Epoch Times: “Trong khoảng thời gian đó, tôi hoàn toàn không được ăn nhiều như mình muốn. Ví dụ như ở nhà tôi, chúng tôi ngừng ăn thịt vì không mua nổi hoặc không có. Tôi đã sụt cân rất nhiều trong những năm đó.”
Anh nhớ lại sự thiếu hụt của hầu hết mọi sản phẩm và hạn chế về số lượng mà quý vị có thể mua. Mọi người đã đứng xếp hàng hàng giờ đồng hồ và có khi cả ngày cho một miếng bánh mì.
Hôm nay, anh Galicia làm việc cho một tổ chức tư vấn, Quỹ Nghiên cứu Hoa Kỳ, và nói chuyện với các sinh viên tại các trường đại học về cách mà Chủ nghĩa xã hội thất bại ở Venezuela và lý do tại sao nó không nên được thực hiện ở Hoa Kỳ. Nhưng anh lưu ý rằng nhiều người trẻ ở Hoa Kỳ tin rằng Chủ nghĩa xã hội, đại học miễn phí và các thứ cho không khác là một ý tưởng hay.
Anh Galicia cho biết những món đồ biến mất trên các kệ hàng ở Hoa Kỳ gợi lại những ký ức về cuộc sống ở Venezuela, nhưng nó không giống với những cuộc khủng hoảng lương thực mà anh đã trải qua.
Anh nói: “Ý tôi là, đó là sự chết đói theo đúng nghĩa đen. Mọi người lục qua đống rác chỉ để ăn một chút.”
“Mặc dù chúng ta đang chứng kiến một số mức độ khan hiếm, nhưng tôi nghĩ đó không phải là vì những lý do tương tự,” anh Galicia nói thêm rằng ở Venezuela, chính phủ đã thực hiện việc kiểm soát giá cả vì siêu lạm phát, sau đó họ tiếp quản nhiều doanh nghiệp và sản xuất trong các nhà máy và nền nông nghiệp đã sa sút.
Anh Galicia nói: “Tôi sẽ không nói rằng điều đó đang xảy ra ngay lúc này ở Hoa Kỳ,” nhưng có những người ủng hộ các chính sách chẳng hạn như kiểm soát giá cả. “Tôi nghĩ điều đó rất nguy hiểm.”
“Chắc chắn có vẻ như đường hướng hiện tại mà Hoa Kỳ đang theo đuổi là luôn tăng [quyền lực] của chính phủ và tiếp tục chi tiêu nhiều hơn,” anh Galicia nói. “Nếu chúng ta tiếp tục theo đúng hướng mà chúng ta đang đi theo ngay lúc này, thì chúng ta có thể sẽ rơi vào một tình trạng kinh tế thực sự tồi tệ, mà ai biết được, có lẽ về lâu dài có thể tương tự như những gì đang diễn ra ở Venezuela. Chúng ta cần tiếp tục đấu tranh cho việc có trách nhiệm về tài khóa. Chính phủ không thể chi tiêu nhiều hơn những gì thu được.”
Bà Beth Brelje là một ký giả điều tra đưa tin về chính trị, tòa án, cũng như những tin tức thú vị nhất và đôi khi bị che giấu của khối thịnh vượng chung Pennsylvania. Quý vị có thể liên hệ với bà qua địa chỉ: [email protected]
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: