Tinh thần mùa lễ hội theo phong cách phương Đông
Khoảng thời gian này trong năm luôn nhắc nhở tôi về những điều thiêng liêng. Tất nhiên ngày Giáng Sinh của Chúa Giê-su là tâm điểm của mùa lễ, nhưng kỳ nghỉ này cũng khiến tôi nhớ về những điều thiêng liêng của phương Đông. Tôi xem buổi biểu diễn múa cổ điển Trung Hoa của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun hàng năm, và họ thường bắt đầu chuyến lưu diễn của mình vào thời điểm này trong năm.
Trang web của Shen Yun viết rằng: “Trải nghiệm sự hồi sinh của văn hóa thần truyền.” Nhưng năm nay, tôi đã gặp may hay đơn giản là được ban phước. Trước khi xem Shen Yun, tôi đã được biết đôi chút về văn hóa thần truyền của Trung Hoa cổ đại thông qua một sự kiện hoàn toàn không liên quan: Tôi đã đến xem triển lãm của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan “Another World Lies Beyond: Chinese Art and the Divine” (“Một thế giới khác: Thần và Nghệ thuật Trung Hoa”).
Tấm bích chương của triển lãm đã thu hút tôi ngay lập tức. Bảy vị Thánh khổ hạnh khoác trên mình những chiếc áo choàng có sắc hồng và tím rực rỡ được vẽ tinh tế trên một chiếc lá. Họ đứng trên vách đá bao quanh bởi những tán cây xanh tốt, dường như họ đang làm phép thần thông để mở ra cánh cửa đến Thiên quốc.
Bức tranh này thuộc bộ sưu tập gồm 18 tranh vẽ rất đẹp trên lá bồ đề, được bảo tồn một cách kỳ diệu trong suốt ba thế kỷ. Bộ sưu tập có tên là “La Hán”, quả vị đầu tiên của nhà Phật, khi một đấng Giác giả đã buông bỏ được mọi dục vọng nơi thế gian.
Đây là “Câu chuyện kể về các vị La Hán đang thi triển nhiều phép thần thông”, giám tuyển của triển lãm Joseph Scheier-Dolberg cho biết qua email. Anh là giám tuyển của Hiệp Hội Oscar Tang và Agnes Hsu-Tang về hội họa Trung Hoa tại Khoa Nghệ thuật Á Châu của The Met.
Lá bồ đề, trông giống như một trái tim quay ngược, có nguồn gốc từ một loại cây thuộc chi đa đề. Được các tín đồ Phật giáo tôn vinh là cây Giác Ngộ, nó có tên là “cây Bồ Đề” kể từ khi Đức Phật khai ngộ dưới gốc cây bồ đề vào thế kỷ thứ 5 TCN.
“Ở Trung Quốc, các họa sĩ đã sử dụng lá bồ đề để vẽ các bộ tranh như thế này, việc vẽ trên nền lá gắn liền với sự giác ngộ của Đức Phật, tạo thêm thần lực cho bức tranh,” theo chú thích của trang web.
Ý tưởng “thêm thần lực” vào bức tranh của một họa sĩ ẩn danh dường như phản ánh không chỉ tư tưởng của các nghệ sĩ Trung Hoa cổ đại mà còn của cả xã hội nói chung.
Scheier-Dolberg cho biết: “Với nhiều người Trung Quốc trước thời kỳ hiện đại, thế giới tâm linh luôn tồn tại. Từ việc một người tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên và các lễ hội Phật Giáo được tổ chức hàng năm, đến các nghi thức tiên tri của Đạo Giáo; dòng chảy thời gian từng ngày, tháng, năm của một người đều được định đoạt bởi sự gắn kết tâm linh.”
Nguyên lý cốt lõi của Đạo Phật: Thiện
Quả vị cao hơn La Hán là Bồ Tát, là “một vị Giác giả có thành tựu tâm linh vĩ đại, người trì hoãn viên mãn để phụng sự việc cứu độ thế nhân”, theo chú thích tại triển lãm. (Quả vị cao hơn tiếp theo là Như Lai, một số học giả cho rằng đây là đắc chính quả, bởi vì các bậc Giác giả ở tầng thứ này có trách nhiệm cai quản thế giới riêng của họ và cứu độ chúng sinh).
Dù tất cả các vị Bồ Tát trong lịch sử đều có lòng từ bi vĩ đại và cứu độ chúng sinh, nhưng Quán Âm Bồ Tát được xem là người nhân từ nhất; bà “luôn phù hộ các tín đồ trong giờ phút đen tối nhất của họ.” Lòng từ bi vô bờ của bà với tất cả chúng sinh, ở khắp mọi nơi trong mọi thời điểm, được thể hiện trong tên của bà, Quán Âm Bồ Tát có nghĩa là ‘Người Lắng Nghe’,” theo chú thích tại triển lãm.
Vào thế kỷ 17 thời nhà Minh có bức tranh treo cuộn có tên “Quán Âm nghìn tay nghìn mắt” vẽ Bồ Tát có 10 đầu dọc theo thân thể. Một nghìn cánh tay với mỗi bàn tay có một con mắt ở giữa đang dang về các hướng và giữ những pháp khí khác nhau, chẳng hạn như rìu chiến, hoa sen, cung tên và các loại thảo mộc. Phía trên đầu thứ 10 của bà là một Phật Bà Quán Âm nhỏ khác với hai chân bắt chéo trong tư thế kiết già, ngồi trên một đài sen.
Xung quanh Quán Thế Âm Bồ Tát là vô số chúng sinh, gồm cả những hình tượng không thuộc Đạo Phật, chẳng hạn như Thần Sấm và Thần Sét là một trong những hộ pháp của Bồ Tát.
Phật Bà Quán Âm có nhiều đầu và tay thể hiện uy lực vô biên của Thần Phật, có thể triển hiện dưới nhiều hình thức và cách thức khác nhau để cứu độ chúng sinh.
Scheier-Dolberg nói: “Đây là một trong số ít những bức tranh tâm linh còn khá nguyên vẹn được bảo tồn đến thời kỳ này.” Còn có hai yếu tố hiếm gặp khác góp phần vào tầm quan trọng của tác phẩm là: Chữ ký của cố họa sĩ lừng danh Chu Bang Chương và thời gian đề năm 1629.
Đừng phán xét một thứ qua vẻ bề ngoài
Khi đề cập đến các vị Thần ở Trung Hoa cổ đại, không thể không nhắc đến Đạo gia, hệ thống tín ngưỡng do Lão Tử sáng lập, được biết đến với biểu tượng âm dương, thể hiện sự hài hòa giữa các loại năng lượng hoặc lực lượng đối lập.
Scheier-Dolberg nói: “Khái niệm của Đạo gia về khí [năng lượng] lan tỏa và điều hòa vũ trụ đã trở nên mạnh mẽ và phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc thời tiền hiện đại. Hệ thống tín ngưỡng này lập luận rằng vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều kết nối và tương tác tại mọi thời điểm. Trong một thế giới quan như vậy, con người và thiên nhiên không tách rời nhau mà là các yếu tố của một hệ thống.”
Tác phẩm “Tiên Đạo Lý Thiết Quải đón khách” vào thế kỷ 15 cho thấy những người tu luyện này đã tập trung vào việc kết nối với Đạo một cách nghiêm túc như thế nào. Có chuyện kể rằng Tiên Đạo Lý Thiết Quải nhập định thâm sâu và hồn rời khỏi xác rong chơi. Một lần nọ, hồn của ông đi quá lâu nên vị đệ tử tưởng rằng ông đã qua đời và đem xác của ông đi hỏa táng. Khi trở về, phát hiện xác của mình đã tiêu tán, ông bèn mượn xác của một người ăn xin đi bằng nạng sắt, do đó ông được gọi là “Lý Thiết Quải”.
Vẻ ngoài què quặt, bù xù và ngông cuồng của Lý Thiết Quải trong tác phẩm này được đặt cạnh hình ảnh một vị quan y phục chỉnh tề đang bái lạy ông để bày tỏ sự kính trọng. Đó là một lời nhắc nhở quan trọng cho ngày lễ – những món quà đích thực trong mùa lễ không phải là những món quà bóng bẩy nhất, mà là những món quà có giá trị tinh thần.
J.H. White là một nhà báo viết về lĩnh vực Nghệ thuật, Văn hoá và Thời trang sống ở New York.
J.H. White
Phương Du biên dịch
XEM THÊM: