Tinh thần đáp đền tiếp nối của danh họa Benjamin West
Khi Benjamin West thành danh tại London, ông đã ghi nhớ lời hứa phải trao tặng lại vận may của mình cho những thế hệ họa sĩ trẻ, và ông đã đào tạo nên những bậc danh họa vĩ đại cho thế giới.
Vào năm 1784, khi cho một người đàn ông vay tiền, ngài Benjamin Franklin đã đưa ra yêu cầu như sau: “Khi anh gặp một người đàn ông lương thiện khác cũng rơi vào hoàn cảnh đau khổ như thế này, anh phải hoàn trả lại món nợ với tôi bằng cách cho người ấy mượn khoản tiền này.” Nói cách khác, Franklin không muốn được nhận lại số tiền ấy; ngài muốn người đàn ông này giúp đỡ ai đó theo cách tương tự mà ngài đã làm.
Ông Benjamin West (1738–1820), một họa sĩ người Mỹ thời kỳ đầu, là bạn thân của ngài Benjamin Franklin. West lớn lên trong một cộng đồng Quaker ở thuộc địa Pennsylvania, nơi chú trọng sự tương hỗ và tin tưởng lẫn nhau. Ông đã bắt đầu sự nghiệp của một họa sĩ nhờ những giá trị đó cùng sự giúp đỡ của những người tốt bụng khác. Và ông sẽ không bao giờ quên được điều đó.
Người Mỹ bản địa đã hướng dẫn West sản xuất sơn bằng cách kết hợp đất sét ở bờ sông và mỡ gấu. Những nhân vật có tầm ảnh hưởng ở thuộc địa Pennsylvania đã nhanh chóng nhận ra kỳ năng thiên bẩm của West. Một người thợ chế tác súng là William Henry, đã nâng đỡ và khuyến khích ông vẽ một bức tranh khắc gỗ. Quá trình này đã thu hút sự quan tâm của ngài Smith, giám đốc trường Cao đẳng Philadelphia. Ông đã trao cho West một cơ hội được học tập cũng như tạo dựng mối quan hệ với những nhân vật tiên phong khác.
Các thương gia giàu có ở Pennsylvania đã nhận ra tương lai đầy hứa hẹn của chàng trai trẻ Quaker với kỹ năng phác thảo và vẽ tranh điêu luyện. Ngài William Allen, thị trưởng Philadelphia, sau đó là chánh án tỉnh, và William Smith đã tài trợ cho ông chuyến hành trình đến Ý để được đào tạo bài bản. Tại nơi đó, vị họa sĩ trẻ đã được lĩnh hội những kỹ pháp vẽ tranh từ các danh họa bậc thầy người Ý. Ông cũng học hỏi những lý luận của nhà phê bình nghệ thuật Johann Winckelmann về chủ nghĩa tân cổ điển và bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm vẻ đẹp hoàn mỹ thông qua nghiên cứu nghệ thuật cổ điển.
West đã học tập những phương pháp vẽ phức tạp hơn từ những người thuộc địa Anh quốc là John Wollaston. Những kỹ năng này bao gồm khả năng vẽ thành thạo vải sa tanh và đôi mắt hình quả hạnh.
Một người Mỹ định cư ở London
Vào năm 1763, West đã nhập cư và lập nghiệp ở London. Đây là nơi vô cùng thời thượng và diễn ra nhiều điều thú vị. Đến năm 1768, Học viện Nghệ thuật Hoàng gia được thành lập, với ngài Joshua Reynolds là chủ tịch đầu tiên của trường. Thomas Gainsborough, John Constable, và tất nhiên, Reynolds đều là những bậc danh họa kỳ tài xuất hiện trong cái nôi nghệ thuật Anh quốc.
West đã tạo dựng danh tiếng của mình ở London bằng cách tái hiện những chủ đề về lịch sử theo phong cách tân cổ điển. Tuy nhiên ông đã kiếm thêm tiền chu cấp cho gia đình mình bằng cách vẽ chân dung cho những quý tộc giàu có, những người bị thu hút bởi sự quyến rũ và tài năng thiên bẩm của ông. Ngay sau đó, tiếng vang của ông đã truyền đến tai nhà vua và West bắt đầu vẽ những bức chân dung của gia đình hoàng gia.
West trở thành họa sĩ yêu thích của Vua George III (vâng, đó là Vua George), người đã chọn ông làm chủ tịch thứ hai của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia sau Reynolds.
Trả ơn mà không cần đền đáp
Khi West tạo dựng được tên tuổi của mình ở London, ông luôn ghi nhớ rằng mình phải trao tặng lại sự may mắn của mình cho những người khác. Ông đã tư vấn, truyền dạy và kết bạn với ba thế hệ họa sĩ người Mỹ sang Anh du học. West đã hỗ trợ mọi thứ, từ những lời khuyên bảo, những hướng dẫn, những lần cung cấp thức ăn cho đến chi phí cuộc sống. Và trong một số trường hợp, ông mời họ về làm trợ lý ở xưởng vẽ của mình. Nhà và xưởng vẽ của ông là nơi lưu giữ một bộ sưu tập các tuyệt tác của những họa sĩ bậc thầy, cũng như nhiều tác phẩm điêu khắc cổ điển. Những họa sĩ trẻ có thể có cơ hội nghiên cứu các tác phẩm của ông vào thời điểm mà bộ sưu tập chưa được trưng bày cho công chúng thưởng lãm.
Những họa sĩ trẻ tìm đến West đều thiếu thốn cả kỹ năng hội họa lẫn những mối quan hệ cần thiết để có thể gặt hái thành quả trong lãnh vực nghệ thuật. West đã sử dụng kỹ pháp và kinh nghiệm của mình để huấn luyện và cố vấn cho những họa sĩ này. Theo tiểu sử của West trên trang web của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, ông đã dạy họ “những bố cục đa hình phức tạp và sử dụng các kỹ pháp tráng men tinh tế.” Sự dẫn dắt tận tâm của ông đã tác động tích cực đến con đường sự nghiệp của những người Mỹ trẻ tuổi theo ông học việc.
Những sinh viên này đã quay trở về các thuộc địa để ghi lưu lại những bức chân dung và lịch sử thành lập của nước Mỹ. Trong số đó có một số họa sĩ danh tiếng bậc nhất nước Mỹ, như Charles Willson Peale, Gilbert Stuart, John Trumbull, Ralph Earl, Washington Allston, Thomas Sully và Samuel F.B. Morse.
Ba làn sóng của thế hệ họa sĩ trẻ
Gilbert Stuart là một họa sĩ trẻ thuộc thế hệ đầu tiên vượt Đại Tây Dương. Năm 1775, West đã mời Stuart nghèo túng vào nhà mình. Sau 5 năm học việc với West và chịu ảnh hưởng phong cách nghệ thuật từ người thầy của mình, Stuart đã thành lập xưởng vẽ ở London của riêng ông.
Bức tranh chân dung của Stuart khắc họa ngài tổng thống George Washington, miêu tả nếp áo sơ mi gấp một cách chi tiết và mái tóc giả đầy tinh tế. Tác phẩm của Stuart nổi bật với nhiều tông màu da, gò má và môi màu hồng tươi, lớp râu bóng mờ chưa cạo quanh miệng, cùng các điểm sáng nổi bật ở mũi và trán. Ông đã thể hiện một kỹ pháp nghệ thuật lão luyện được mài giũa dưới sự hướng dẫn tận tâm của thầy mình.
Vào năm 1780, một thế hệ học viên nhiệt tình khác đã tìm đến West, nổi bật là John Trumbull, một cựu họa sĩ vẽ bản đồ trong Lục quân Lục địa. Chiến tranh giành độc lập ở Mỹ đã diễn ra sôi nổi và Trumbull muốn khắc họa những nhân vật nổi tiếng cùng các trận chiến vang dội.
Ông cũng học hỏi các nghệ sĩ tân cổ điển vĩ đại ở Pháp, nơi ông đã diện kiến Thomas Jefferson, một triết gia và nhà yêu nước người Mỹ, người đã cố vấn cho Trumbull vẽ bức tranh ký Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng hiện nay.
Vào khoảng năm 1809, West đã vang danh ở cả hai bờ Đại Tây Dương, ông đã chào đón làn sóng họa sĩ thứ ba đến xin được thọ giáo. Trong số đó có Thomas Sully, một họa sĩ gốc Anh, mang dòng máu lai Mỹ. Theo tiểu sử của West trên trang web Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Sully đã vẽ chân dung của West và mang theo những ý tưởng cũng như kỹ pháp của West trở lại Hoa Kỳ, “tạo nền tảng cho sự phát triển nghệ thuật ở Mỹ trong thời kỳ Liên bang và kiến lập nên một phong cách nghệ thuật Mỹ hoàn toàn tinh tế ở thời kỳ cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.” Khi Sully trở về Mỹ, ông đã vận dụng những gì đã lĩnh hội được từ West theo một cách khác biệt.: Ông không thu phí học vẽ từ các học viên của mình.
Tình bạn thâm giao với Benjamin Franklin
West bắt đầu vẽ tranh về những nhân vật tham gia đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Anh sau chiến tranh năm 1783, một bức tranh chưa bao giờ được hoàn thành. Bức tranh miêu tả cảnh năm người Mỹ được cử đi đàm phán các điều khoản hòa bình với Vương quốc Anh là ngài John Jay, John Adams, Benjamin Franklin, Henry Laurens và William Temple Franklin (cháu trai của Benjamin Franklin). West đã khắc họa tất cả các nhân vật có thật từ đời thực. Vì các nhà đàm phán Anh đã từ chối làm mẫu cho ông, nên mặc dù ông bắt đầu vẽ tác phẩm vào năm 1783, nhưng vẫn chưa bao giờ hoàn thành bức tranh mà ông dự định tặng cho Quốc hội. John Quincy Adams đã viết về bức tranh đó trong nhật ký của mình như sau: “Tôi vô cùng bày tỏ niềm tiếc nuối của mình về bức tranh không được trọn vẹn này.”
Khi Benjamin Franklin đến thăm London, ông đã gặp gỡ West và trở thành đôi bạn thâm tình. Để tưởng nhớ sự ra đi của Franklin vào năm 1790, West đã sáng tác một bức tranh ngoạn mục, nhưng tình tiết trong đó là không có thật. Đó là khung cảnh Franklin chứng minh cách tia sét tạo ra dòng điện — một lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới. Theo trang web Joy Of Museums, thí nghiệm nguy hiểm này được cho là đã diễn ra vào năm 1752. “Franklin đã lưu tâm đến những mối nguy hiểm và đã không thực hiện thí nghiệm như trong hình ảnh của các bản văn học phổ thông. Thay vào đó, ông đã sử dụng chiếc diều để thu thập lượng điện nhỏ từ một đám mây bão, chỉ đủ để chứng minh rằng tia sét là điện.” Bức tranh sơn dầu trên đá phiến là nghiên cứu cho một tác phẩm lớn nhưng không bao giờ có thực.
West đã miêu tả cảnh Franklin khám phá ra dòng điện như một món quà mà Thiên thượng ban tặng. Franklin đang ngả mình trên mây với vầng hào quang quanh đầu.Trong một trận giông bão, những thiên sứ nhỏ đã giúp ông thu thập dòng điện từ một cánh diều trên bầu trời. Ở bên trái, hai thiên thần đang mày mò với các công cụ khoa học. Khung cảnh dường như bùng nổ với dòng năng lượng thổi bay những lọn tóc của Franklin, chiếc áo choàng màu đỏ thẫm của ông tung lên, và con diều bay phần phật giữa bầu trời đen. Vẻ mặt của Franklin ánh lên sự tự tin và bình tĩnh lạ thường. Ông không hề lo sợ bị điện giật và sẵn lòng chào đón sự trợ giúp của những thiên thần.
Ngay cả khi Franklin trở về nước Mỹ, West và Franklin vẫn luôn giữ mối quan hệ tình bạn thâm giao cho đến cuối đời.
Cộng đồng Quaker là cái nôi nuôi dưỡng West, cũng như trả ơn lại cho chính đất nước đã ưu ái họ. Quaker được cho là đã giới thiệu Tuyên ngôn Nhân quyền và Hiến pháp đến chính phủ mới.
Những gì mà West, Franklin và Quakers đã làm có thể được coi là một “nền kinh tế quà tặng” ngày nay. Cho đi những may mắn mà mình đã tìm thấy được, đem lại lợi ích cho cả người trao và người nhận. Mọi người trong xã hội có thể học hỏi từ tấm gương của danh họa Quaker, người đã cho đi nhiều gấp ba lần số tiền mà ông nhận được và còn hơn thế nữa.
Chú thích của dịch giả:
Quaker: Hội Tôn giáo của các Tín hữu hoặc Giáo Hữu Hội.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: