‘Tinh thần đang cao, hãy chiến đấu’: TT Trump điện đàm cùng các thành viên ĐCH về việc phản đối Đại cử tri đoàn
Dân biểu Mo Brooks (Cộng Hòa-Alabama) cho biết Tổng thống Donald Trump và các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã tổ chức một cuộc điện đàm để thảo luận về việc phản đối phiếu Đại cử tri đoàn trong Phiên họp chung ngày 06/01 của Quốc hội, ám chỉ cuộc chiến của họ đang đạt được hiệu quả.
Ông Brooks nói rằng ít nhất 50 nhà lập pháp, trong đó có Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio), Chủ tịch Ủy ban Tham mưu Tòa Bạch Ốc Mark Meadows, và bản thân Tổng thống Trump đã có mặt trong cuộc họp. Ông không cho biết những nhà lập pháp Hạ viện khác nào đã tham gia cuộc điện đàm.
“Động lực để chống lại gian lận cử tri và hành vi trộm cắp bầu cử đang tăng lên nhanh chóng. Kết quả là, số lượng người ủng hộ mà chúng tôi có hôm qua hầu như luôn được bổ sung chi viện hôm nay và cả ngày mai,” ông Brooks nói với đài Fox News hôm Chủ Nhật (03/01/2021).
Ông Brooks cho biết ông tin rằng nhiều nhà lập pháp ở Hạ viện sẽ tham gia vào kế hoạch này. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc Hạ viện có đạt được đa số phiếu để bác bỏ các kết quả bầu cử của một tiểu bang hay không vẫn là chưa rõ ràng.
“Theo đánh giá của tôi, lý do chính mà nhiều dân biểu và thượng nghị sỹ hiện đang bước ra để chiến đấu trong cuộc chiến này là vì rất nhiều công dân Hoa Kỳ đã biết được rằng cuộc chiến này là quan trọng đối với tương lai của Hoa Kỳ,” ông Brooks nói. Trong vài tuần nay, thành viên Đảng Cộng Hòa Alabama này đã nói ông sẽ thách thức các phiếu đại cử tri của những tiểu bang quan trọng.
Những bình luận của ông được đưa ra khi Thượng nghị sỹ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) và 11 thượng nghị sỹ cho biết họ sẽ phản đối các phiếu đại cử tri.
“Hoa Kỳ là một nước Cộng Hòa mà các nhà lãnh đạo được chọn qua các cuộc bầu cử dân chủ. Các cuộc bầu cử đó phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật liên bang và tiểu bang,” nhóm các thượng nghị sỹ viết trong một tuyên bố chung vào hôm thứ Bảy (02/01). “Khi các cử tri quyết định một cách công bằng một cuộc bầu cử, theo quy định của pháp luật, thì ứng cử viên thua cuộc nên thừa nhận và tôn trọng tính hợp pháp của cuộc bầu cử đó. Và, nếu các cử tri chọn bầu một người mới để nhậm chức, thì Quốc gia của chúng ta sẽ có một sự chuyển giao quyền lực yên ổn.”
“Cuộc bầu cử năm 2020, cũng giống như cuộc bầu cử năm 2016, đã diễn ra gay go, và đã được quyết định trong gang tấc ở nhiều tiểu bang chiến địa. Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 2020 đã đưa ra những cáo buộc chưa từng có về gian lận cử tri, những vi phạm, và việc thực thi lơi lỏng luật bầu cử, cùng những điều bất bình thường khác về cuộc bầu cử,” nhóm đó cho biết.
Các thượng nghị sỹ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin), James Lankford (Cộng Hòa-Oklahoma), Steve Daines (Cộng Hòa-Montana), John Kennedy (Cộng Hòa-Louisiana), Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee), và Mike Braun (Cộng Hòa-Indiana) cho biết họ sẽ tham gia thách thức của ông Cruz. Các Thượng nghị sỹ đắc cử Cynthia Lummis (Cộng Hòa-Wyoming), Roger Marshall (Cộng Hòa-Kansas), Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee), và Tommy Tuberville (Cộng Hòa-Alabama) cũng có kế hoạch tham gia.
Những thượng nghị sỹ này cho biết họ sẽ phản đối các phiếu đại cử tri của các tiểu bang trừ khi một cuộc thanh tra khẩn cấp kéo dài 10 ngày được thực hiện để xem xét các cáo buộc gian lận bầu cử.
Sự việc trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thượng nghị sỹ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) thông báo rằng ông về cơ bản sẽ trở thành thượng nghị sỹ đầu tiên tham gia nỗ lực do Hạ viện dẫn đầu. Kế hoạch này yêu cầu ít nhất một thượng nghị sỹ và một dân biểu thực hiện và nó sẽ kích hoạt một cuộc tranh luận kéo dài 2 giờ cho mỗi tiểu bang có tranh chấp.
Sau cuộc tranh luận, Hạ viện và Thượng viện sau đó sẽ bỏ phiếu về việc xác nhận các kết quả của một tiểu bang và những phản đối sẽ cần phải đạt được đa số phiếu bầu ở lưỡng viện. Nếu không có đủ sự ủng hộ cho một phản đối, chúng sẽ bị loại bỏ và các kết quả hiện có sẽ được thông qua và trở thành kết quả chung cuộc.
Một số thượng nghị sỹ và nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích những nỗ lực này. Cuối tuần qua, Thượng nghị sỹ Mitt Romney (Cộng Hòa-Utah) cho biết hành động này là không khôn ngoan, và khẳng định, “Quyền bác bỏ đại cử tri của Quốc hội chỉ được dành cho những trường hợp bất thường và tồi tệ nhất. Những vấn đề này còn lâu mới đạt được đến tình trạng đó. Nhiều người dân Hoa Kỳ tham gia cuộc bầu cử này hơn bao giờ hết, và họ đã đưa ra sự lựa chọn của mình.”
Từ quan điểm chiến lược, Thượng nghị sỹ John Thune (Cộng Hòa-South Dakota), Phó Lãnh đạo Đa số Thượng viện, cho biết kế hoạch của họ sẽ thất bại “ê chề.”
Jack Phillips
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: