Tình báo Quốc gia chậm ra báo cáo về đe dọa nước ngoài vào bầu cử 2020
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đã cho biết vào cuối ngày thứ Tư rằng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI), ông John Ratcliffe đã được thông báo rằng cộng đồng tình báo sẽ không đáp ứng được thời hạn cho ra báo cáo về các mối đe dọa từ nước ngoài trong cuộc bầu cử tháng 11 vào ngày 18/12 theo sắc lệnh vì “các cơ quan chưa hoàn thành việc phối hợp để cho ra báo cáo”.
Giám đốc Liên lạc chiến lược DNI, bà Amanda Schoch thông báo: “Chiều nay DNI đã được các quan chức tình báo nghiệp vụ thông báo rằng Cộng đồng Tình báo (IC) sẽ không đáp ứng được thời hạn đệ trình đánh giá mật về các mối đe dọa từ nước ngoài đối với cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2020 là ngày 18 tháng 12, theo như sắc lệnh và Quốc hội đặt ra”.
Văn phòng xác nhận rằng báo cáo sắp tới bao gồm thông tin về các mối đe dọa nước ngoài “liên quan” đến cuộc bầu cử gần đây.
Thông báo viết, “IC đã nhận được báo cáo liên quan kể từ cuộc bầu cử và một số cơ quan vẫn chưa hoàn thành việc phối hợp để cho ra báo cáo,” đồng thời cho biết thêm rằng ông Ratcliffe vẫn cam kết nhanh chóng đưa ra báo cáo.
Cựu Quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia, ông Richard Grenell, đã viết trên Twitter ngay trước khi có thông báo rằng ông Ratcliffe “ủng hộ việc các nhà phân tích nghiệp vụ muốn quan điểm của họ được phản ánh chính xác. Nói cách khác, chiến đấu để giữ cho tình báo không bị chính trị hóa ”.
Ông Grenell đã chia sẻ một bài báo của Bloomberg trích dẫn một nguồn ẩn danh nói rằng ông Ratcliffe sẽ không phê duyệt báo cáo trừ khi nó phản ánh đầy đủ hơn mối đe dọa đến an ninh quốc gia bởi những nỗ lực nhằm tác động đến kết quả của cuộc tổng tuyển cử năm 2020 từ chế độ cộng sản Trung Quốc. Ông Grenell nói thêm, “Ông John Ratcliffe có quyền tiếp cận thông tin nhạy cảm nhất. Điều này là quan trọng.”
Văn phòng DNI đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Epoch Times.
Sắc lệnh của TT Trump vào năm 2018 quy định rằng Giám đốc Tình báo Quốc gia sẽ đưa ra đánh giá “về bất kỳ thông tin nào cho thấy rằng một chính phủ nước ngoài, hoặc bất kỳ người nào đóng vai trò là đại diện hoặc thay mặt cho chính phủ nước ngoài, đã hành động với mục đích hoặc có mục đích can thiệp vào cuộc bầu cử đó. ”
Trước đó vào hôm thứ Ba, Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, bà Kayleigh McEnany cho biết chưa nghe nói đến bất kỳ báo cáo nào về vấn đề này từ văn phòng của ông Ratcliffe.
Sắc lệnh được ký vào ngày 12 tháng 9 năm 2018, chỉ đạo chính phủ Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt tự động đối với các quốc gia, cá nhân và tổ chức nước ngoài bị phát hiện có liên quan đến việc cố gắng can thiệp vào các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ.
Ngày 18 tháng 12 đánh dấu 45 ngày sau cuộc tổng tuyển cử ngày 3 tháng 11, mà theo sắc lệnh, DNI dự kiến sẽ đưa ra một báo cáo về “mức độ xác thực tối đa có thể đạt được” về việc liệu có bất kỳ nỗ lực can thiệp nào hay không và bản chất của việc can thiệp, các phương pháp được sử dụng và ai đã tham gia và cho phép các nỗ lực đó.
Sắc lệnh quy định rằng sau khi có đánh giá, Tổng chưởng lý và Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa sẽ có thêm 45 ngày để đánh giá báo cáo và đưa ra quyết định. Nếu hai bộ này phát hiện ra có việc can thiệp vào bầu cử, các biện pháp trừng phạt tự động sẽ được áp dụng để chế tài tài sản của những người liên quan.
Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Ngân khố sau đó sẽ được yêu cầu đưa ra khuyến nghị có cần các biện pháp trừng phạt bổ sung hay không.
Trong sắc lệnh, ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với mối đe dọa can thiệp bầu cử và tuyên bố rằng “khả năng của những người ở bên ngoài Hoa Kỳ, toàn bộ hoặc một phần đáng kể, có thể can thiệp hoặc làm suy yếu niềm tin của công chúng vào các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, bao gồm thông qua việc truy cập trái phép vào cơ sở hạ tầng bầu cử và chiến dịch bầu cử; hoặc việc phát tán bí mật thông tin tuyên truyền và sai lệch, tạo thành mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.”
Lan Châu biên dịch