Tin Việt Nam ngày 9/8: Ghi nhận kỷ lục mới với 9,340 ca COVID-19, thêm 360 ca tử vong, tiếp nhận hơn 203,000 bộ kit test nhanh về từ Đức; nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Tp HCM được ra đường sau 18h, thêm 3 chợ truyền thống mở cửa trở lại
Nội dung tối 9/8:
|
-
Thêm 4,200 ca mắc mới, có 770 ca cộng đồng
18h30 ngày 9/8, Việt Nam ghi nhận thêm 4,185 ca mắc mới gồm 2 ca nhập cảng và 4,183 ca ghi nhận tại Tp HCM (1,642), Bình Dương (1,162), Đồng Nai (355), Tiền Giang (251), Tây Ninh (133), Hà Nội (74), Cần Thơ (71), Bà Rịa – Vũng Tàu (65), Đà Nẵng (60), Đồng Tháp (59), Phú Yên (53), Bình Định (45), Bình Thuận (34), Khánh Hòa (33), Lâm Đồng (30), Quảng Ngãi (18), Trà Vinh (15), Hà Tĩnh (15), Nghệ An (12), Quảng Nam (11), Ninh Bình (10), Thừa Thiên Huế (10), Hải Dương (7), Bình Phước (5), Quảng Bình (3), Đắk Lắk (3), Hậu Giang (3), Thái Bình (2), Kiên Giang (1), Bắc Giang (1), trong đó có 770 ca trong cộng đồng.
Trong ngày 9/8, Việt Nam ghi nhận 9,340 ca, trong đó có 9,323 ca ghi nhận tại 39 tỉnh/thành. Tp HCM vẫn là địa phương có số ca mắc mới nhiều nhất với 3,991 ca, tiếp đến là Bình Dương 2,887 ca, Đồng Nai 538 ca, Tây Ninh 290 ca, Long An 287 ca, Tiền Giang 251 ca, Bà Rịa – Vũng Tàu 242 ca… Hôm nay Hà Nội có số ca mắc mới giảm với 78 ca.
Tính đến chiều ngày 9/8, Việt Nam có 219,745 ca nhiễm trong đó, tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ 27/4) đến nay là 215,813 ca. Quảng Ninh và Bắc Kạn vẫn là 2 tỉnh qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
-
Bộ Y tế thông báo bổ sung 360 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Chiều 9/8, Bộ Y tế thông báo bổ sung 360 ca tử vong tại 11 tỉnh/thành gồm: Tp HCM (269), Tiền Giang (39), Đồng Nai (38), Long An (3), Tp Cần Thơ (2), Bình Định (2), Đồng Tháp (2), Vĩnh Long (2), Tp Hà Nội (1), Khánh Hòa (1), Tây Ninh (1); nâng tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam lên 3,757 trường hợp.
Hiện Việt Nam có 75,920 ca khỏi bệnh, số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 509 ca, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 23 ca.
-
Hơn 203,000 bộ kit test nhanh do Đức viện trợ đã tới Tp HCM
Chiều nay, ngày 9/8, hơn 203,000 bộ kit test nhanh COVID-19 với tổng khối lượng 4.5 tấn được Vietnam Airlines vận chuyển miễn phí trên tàu bay từ Frankfurt (Đức) hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, Tp HCM.
Đây là lô hàng thứ 2 trong số 1 triệu bộ kit test nhanh do chính quyền các bang của Đức trao tặng cho Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ ứng phó dịch COVID-19. Trước đó, 170,000 bộ kit test nhanh cũng đã được hãng này vận chuyển về Hà Nội vào ngày 27/6.
Đây là lô hàng viện trợ với tổng giá trị khoảng 560,000 Euro, sẽ được phân bổ cho Tp HCM và Bình Dương.
-
Hà Nội thêm 22 ca dương tính, chia khu vực lấy mẫu xét nghiệm diện rộng
Chiều 9/8, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 22 ca dương tính, trong đó 9 ca tại khu cách ly, 13 ca tại cộng đồng, phân bổ tại 4 chùm ca bệnh gồm: ho, sốt thứ phát (19), liên quan nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ (01), sàng lọc ho, sốt (1), Tân Mai, Hoàng Mai (1).
Như vậy, trong ngày 9/8, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 70 ca dương tính COVID-19, nâng tổng số ca mắc tính từ ngày 29/4 đến nay lên 1,853 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1,095 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 758 ca.
Theo kế hoạch thực hiện 7 ngày cao điểm rà soát các ca mắc, CDC Hà Nội cùng với các quận/huyện sẽ đánh giá nguy cơ trên địa bàn thành 3 khu vực gồm: khu vực đỏ (nguy cơ cao nhất trong vùng phong tỏa), khu vực vàng (nguy cơ cao) và khu vực khác (có nguy cơ).
Dự kiến số lượng mẫu khu vực nguy cơ là 186,000, số lượng người nguy cơ là 114,000, tổng số lượng mẫu là 300,000. Trong 3 ngày tới đây, thành phố sẽ lấy khoảng 30,000-50,000 mẫu để truy vết các ca trong động đồng.
-
Nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Tp HCM được ra đường làm việc sau 18h
Ngày 9/8, Tp HCM chấp thuận đề xuất của Sở Công thương về việc cho phép một số nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi được lưu thông trên đường từ 18h đến 6h hôm sau để sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh.
Căn cứ danh sách do Sở Công thương xác nhận, người đứng đầu các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi cấp thẻ làm việc hoặc giấy xác nhận cho những nhân viên trong danh sách này.
Trước đó, nhiều đơn vị như công ty Vissan, Vinmart… cho biết, phần lớn thời gian giao nhận hàng của các siêu thị, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Do đó, quy định về thời gian đi lại của thành phố đã ảnh hưởng đến việc vận tải, cung ứng hàng hóa thiết yếu.
-
Thêm 3 chợ được mở cửa trở lại, Tp HCM hiện có 37 chợ truyền thống hoạt động
Theo báo cáo nhanh của các quận, huyện, Tp Thủ Đức, tính đến 12h ngày 9/8, trên địa bàn Tp HCM có thêm 3 chợ truyền thống khôi phục hoạt động để cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống.
Cụ thể, chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12) cho 30 tiểu thương ngành hàng tươi sống kinh doanh, chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) cho 16 tiểu thương, chợ Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) 4 tiểu thương hoạt động.
Việc mở cửa trở lại 3 chợ này đã nâng số chợ đang hoạt động trên địa bàn TP lên 37/234 chợ truyền thống.
-
Gần 50 doanh nghiệp ở Cà Mau thực hiện ‘3 tại chỗ’ và ‘1 cung đường, 2 điểm đến’
Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có gần 50 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” với khoảng 10,300 người. Trong số đó, phần lớn là doanh nghiệp chế biến xuất cảng thủy sản. Trước khi thực hiện, công nhân đã được xét nghiệm sàng lọc và chích vaccine.
Để thực hiện phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất cảng đã thuê nhiều khách sạn ở Tp Cà Mau cho công nhân lưu trú.
Các đơn vị, công ty, xí nghiệp chưa được chấp thuận phương án “3 tại chỗ”, hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” sẽ tạm ngưng hoạt động để thực hiện phòng dịch. Khi nào phương án của doanh nghiệp được thẩm định đủ điều kiện thì sẽ hoạt động trở lại.
Xem thêm