Tin Việt Nam ngày 9/7: Tăng mạnh hơn 1,600 ca trong ngày, Bộ Y tế đồng ý cho 1 công ty nhập 5 triệu liều vaccine của Trung Quốc, 7 nhóm người trong danh sách nhận gói hỗ trợ 26 ngàn tỉ
Nội dung tối 9/7:
|
-
Thêm 590 ca mắc cộng đồng, riêng TP. HCM vượt 400 ca
19h ngày 9/7, Bộ Y tế thông báo về 591 ca mắc mới COVID-19 (BN25420-26010) gồm 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Đồng Tháp; 590 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (400), Long An (40), Tiền Giang (34), Đồng Tháp (32), Khánh Hòa (25), Phú Yên (22), Hưng Yên (8 ), Bình Dương (7), Cần Thơ (6), Bắc Ninh (5), Hậu Giang (4), Sóc Trăng (2), Đắk Nông (1), Bình Phước (1), Đà Nẵng (1), Nghệ An (1), Bắc Giang (1); trong đó, 500 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy trong ngày 9/7, Việt Nam ghi nhận 1,625 ca mắc mới, với 1,616 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (1229), Long An (77), Bình Dương (73), Tiền Giang (34), Đồng Nai (32), Đồng Tháp (32), Khánh Hòa (29), Phú Yên (28), Bắc Ninh (15), Bắc Giang (10), Trà Vinh (8 ), Hưng Yên (8 ), Quảng Ngãi (7), Cần Thơ (6), An Giang (5), Bà Rịa – Vũng Tàu (4), Hậu Giang (4), Vĩnh Phúc (2), Bạc Liêu (2), Hà Nội (2), Sóc Trăng (2), Gia Lai (1), Lâm Đồng (1), Thanh Hóa (1), Đắk Nông (1), Bình Phước (1), Đà Nẵng (1), Nghệ An (1); trong đó, 1,359 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 18h ngày 9/7, Việt Nam có tổng cộng 22,533 ca bệnh, 75 ca tử vong liên quan COVID-19. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới và 12 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Thêm 5 ca tử vong tại Đồng Tháp và TP. HCM, 1 ca không ghi nhận bệnh lý nền
Chiều 9/7, Bộ Y tế thông báo về 5 ca tử vong mới liên quan đến COVID-19 ở TP. HCM và Đồng Tháp, trong đó có 1 ca không ghi nhận bệnh lý nền. Cụ thể như sau:
- Ca tử vong thứ 106 là BN15569 (nữ, 50 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP. HCM, không ghi nhận bệnh lý nền). Ngày 4/7, BN15569 tử vong sau 12 ngày mắc COVID-19 với chẩn đoán: suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, viêm phổi do nhiễm COVID-19 mức độ nguy kịch, tổn thương đa cơ quan.
- Ca tử vong thứ 107 là BN13938 (nữ, 85 tuổi, ở quận 1, TP. HCM, bệnh lý nền: tai biến mạch máu não, nằm một chỗ đã lâu). Ngày 3/7, BN13938 tử vong sau 11 ngày mắc COVID-19 với chẩn đoán: viêm phổi nhiễm COVID-19 mức độ nguy kịch, suy hô hấp cấp, tổn thương đa cơ quan, suy tim, nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp trên bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não.
- Ca tử vong thứ 108 là BN20587 (nữ, 54 tuổi, ở Châu Thành, Đồng Tháp, bệnh lý nền: tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ). Ngày 4/7, BN20587 tử vong sau 2 ngày nhập viện điều trị COVID-19 với chẩn đoán: COVID-19 biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển, choáng nhiễm trùng trên bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường.
- Ca tử vong thứ 109 là BN20026 (nữ, 43 tuổi, ở Lấp Vò, Đồng Tháp, bệnh lý nền: đái tháo đường đang điều trị, Thalassemia đã cắt lách). Ngày 3/7, BN20026 tử vong sau 2 ngày mắc COVID-19 với chẩn đoán: hội chứng mạch vành cấp trên bệnh nhân nhiễm COVID-19, tăng men gan cấp, đái tháo đường, Thalassemia đã cắt lách, suy kiệt cơ thể.
- Ca tử vong thứ 110 là BN21623 (nữ, 59 tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, bệnh lý nền: đái tháo đường, sống trong vùng có ca mắc COVID-19). Ngày 6/7, BN21623 tử vong sau vài giờ phát hiện mắc COVID-19 với chẩn đoán: nhiễm COVID-19 trên nền bệnh nhân suy hô hấp, suy tim mạn, đái tháo đường, lao đa màng.
5 ca bệnh COVID-19 tử vong mới ghi nhận, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam lên 110 trường hợp tính từ đầu mùa dịch, 75 ca trong đợt dịch thứ 4. (Xem thêm tại đây)
-
Bộ Y tế đồng ý cho một công ty nhập 5 triệu liều vaccine của Trung Quốc
Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế vừa có văn bản đồng ý cho Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (địa chỉ: số 18-20 Nguyễn Trường Tộ, phường 12, quận 4, TP. HCM) nhập khẩu lô vaccine Vero-Cell của Sinopharm (Trung Quốc).
Số lượng nhập của lô hàng là 5 triệu liều vaccine của nhà sản xuất Beijing Institute of Biological Products Co, Ltd- Trung Quốc, thuộc đơn hàng số 272/ĐH-SPC-XNK đề ngày 1/7/2021.
Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vaccine nhập khẩu; đảm bảo việc bảo quản vaccine tại các cơ sở bảo quản theo đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến chất lượng vaccine nhập khẩu; đồng thời bảo đảm việc sử dụng vaccine phục vụ nhu cầu chích ngừa theo chỉ đạo của TP. HCM.
Đơn hàng có giá trị 1 năm và Cục Quản lý dược đề nghị công ty phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về xuất nhập khẩu, lưu thông, phân phối thuốc và các quy định về dược có liên quan.
Trước đó, ngày 20/6, Việt Nam tiếp nhận 500,000 liều vaccine Vero-Cell của Sinopharm. Số vaccine này được chích cho 3 nhóm: người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc và người dân khu vực biên giới.
-
An Giang tạm dừng các bến đò/phà để phòng dịch COVID-19
Ngày 9/7, tỉnh An Giang có công văn gửi các đơn vị và các địa phương về việc tạm dừng hoạt động trong thời gian từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau tất cả bến đò dọc, bến khách ngang sông và bến phà trên địa bàn tỉnh cho đến khi có thông báo mới để phòng dịch bệnh (trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và xe chở bệnh nhân đi cấp cứu).
Đối với bến phà Tân Châu – Hồng Ngự, hoạt động của bến phà này vẫn được tiếp tục 24/24 giờ hàng ngày để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa và những trường hợp khẩn cấp.
Các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh An Giang gồm: bến số 5 (thuộc xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp qua thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang); bến số 17 và bến số 18 (thuộc xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp qua huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).
-
Đà Lạt xử phạt công ty vi phạm quy định phòng dịch
Ngày 9/7, thành phố Đà Lạt ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với Công ty CP phát triển bất động sản Thanh Nien Holdings Dalat (số 30 Trần Hưng Đạo, P.10, TP.Đà Lạt) vì không chấp hành các biện pháp phòng dịch bệnh theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020.
Trước đó, trưa 8/7, khi kiểm tra tại Công ty Thanh Nien Holdings Dalat ghi nhận, có 23 người đang làm việc, trong đó, 10 người không đeo khẩu trang.
Giới chức phường 10 đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời xử phạt hành chính đối với 10 người không đeo khẩu trang với tổng số tiền 20 triệu đồng (2 triệu đồng/người). 23 người này sau đó đã được đưa đi khai báo y tế, điều tra dịch tễ, xét nghiệm cho kết quả âm tính COVID-19.
-
7 đối tượng trong danh sách nhận gói hỗ trợ 26 ngàn tỉ
Mới đây, Việt Nam ban hành quyết định 23 về gói hỗ trợ người làm việc, chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 với tổng kinh phí 26 ngàn tỉ đồng. Theo đó, có 7 nhóm thuộc diện được nhận hỗ trợ gồm:
- Người bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc, nghỉ việc không lương, nghỉ việc 15-30 ngày được hỗ trợ một lần 1.855 triệu đồng/người, trên 1 tháng hỗ trợ 3.71 triệu đồng/người. Người làm việc đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 6 tuổi được nhận thêm 1 triệu đồng.
- Người làm việc ngừng việc để cách ly y tế hoặc trong khu vực bị phong tỏa được hỗ trợ một lần, số tiền 1 triệu đồng.
- Người làm việc phải nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp: được hỗ trợ một lần 3.71 triệu đồng. Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi cần có giấy xác nhận mang thai, giấy khai sinh, chứng nhận nuôi con nuôi để được nhận thêm 1 triệu đồng.
- Các F0, F1, trẻ em dưới 16 tuổi: được hỗ trợ tiền ăn 80 ngàn đồng/ngày trong thời gian điều trị, cách ly. Trẻ em dưới 16 tuổi điều trị hoặc cách ly được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/em.
- Nhân viên hoạt động nghệ thuật trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị trong lực lượng vũ trang), hướng dẫn viên du lịch có thẻ còn hạn sử dụng: hỗ trợ một lần 3.71 triệu đồng.
- Hộ kinh doanh có đăng ký thuế phải dừng hoạt động 15 ngày trở lên được hỗ trợ 3 triệu đồng.
- Doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất. Mức vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng của người lao động, thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 3 tháng, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Nội dung trưa 9/7:
|
-
Thêm 609 ca mắc mới, có 123 ca ngoài khu cách ly, phong tỏa
12h ngày 9/7, Bộ Y tế thông báo về 609 ca mắc mới COVID-19(BN24811-25419) gồm 6 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Hà Tĩnh (3), Quảng Nam (2), Kiên Giang (1); 603 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (479), Bình Dương (66), Đồng Nai (17), Bắc Giang (9), Trà Vinh (8 ), Bắc Ninh (7), Quảng Ngãi (7), Bà Rịa – Vũng Tàu (4), Hà Nội (2), Vĩnh Phúc (1), Bạc Liêu (1), Lâm Đồng (1), Thanh Hóa (1); trong đó, 480 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy, tính từ 27/4 đến 12h ngày 9/7, Việt Nam có tổng cộng 21,943 ca bệnh, 70 ca tử vong liên quan COVID-19. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới; 11 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Thêm 580 ngàn liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam
Sáng 9/7, lô vaccine COVID-19 AstraZeneca với 580 ngàn liều đã về tàu bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. HCM). Đây là lần chuyển giao thứ 3 trong hợp đồng 30 triệu liều Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) đặt mua của AstraZeneca và Đại học Oxford.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc VNVC cho biết, số vaccine này sẽ được chuyển giao phi lợi nhuận cho Bộ Y tế.
Chủ tịch, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam và Các thị trường Châu Á mới nổi Nitin Kapoor cho hay, sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Y tế, WHO, UNICEF và VNVC để cung cấp thêm hàng triệu liều cho Việt Nam trong những tháng tới.
Như vậy, đến nay, Việt Nam đã nhận tổng cộng hơn 5.7 triệu liều vaccine AstraZeneca thông qua: hợp đồng đặt mua trước, cơ chế COVAX, viện trợ song phương giữa chính phủ các nước. Trong đó, gần một triệu liều từ hợp đồng của VNVC và AstraZeneca.
-
Hà Nội ghi nhận 2 nhân viên bảo vệ tại KCN Thăng Long dương tính COVID-19
Trưa 9/7, CDC Hà Nội cho biết, 2 trường hợp dương tính vừa được ghi nhận là bệnh nhân P.V.T. (nam, sinh năm 1999) và bệnh nhân D.Q.C. (nam, sinh năm 1976), đều có địa chỉ tại thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh.
2 ca dương tính trên là bảo vệ tại cổng F5 Nhà máy S., KCN Thăng Long, cùng bệnh nhân H.V.H. (BN21330).
Trước đó, ngày 5/7, các bệnh nhân được xác định là F1, được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính.
Ngày 8/7, các bệnh nhân có triệu chứng, được chuyển điều trị tại Bệnh viện Đông Anh, lấy mẫu xét nghiệm lần 2 và cho kết quả dương tính vào sáng nay (9/7).
Cũng trong sáng nay (9/7), Hà Nội cũng ghi nhận 2 ca dương tính COVID-19 sống cùng nhà tại địa chỉ Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân có lịch sử dịch tễ từng tiếp xúc với F0 từ TP. HCM về.
-
3 người tập thể dục buổi sáng trong công viên ở TP. HCM bị phạt 6 triệu đồng
Sáng 9/7, TP. HCM bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, giới chức phường 9, quận Phú Nhuận đi kiểm tra thì phát hiện, tại công viên Gia Định, dù đã căng dây phong tỏa nhưng vẫn có 3 người vào bên trong chạy bộ tập thể dục. Những người này sau đó đã bị xử phạt 2 triệu đồng/người.
Đại diện phường 9, quận Phú Nhuận cho biết, sẽ triển khai 5 chốt trên địa bàn để kiểm soát, xử phạt người ra đường với lý do không chính đáng, không bảo đảm quy tắc phòng dịch.
Trước đó, ngày 8/7, TP. HCM quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 16 trong 15, bắt đầu ngày từ 0h ngày 9/7 trên địa bàn toàn thành phố. Theo đó, thành phố sẽ xử phạt vi phạm hành chính với người ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định, không có lý do chính đáng.
Chỉ thị nêu rõ người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác. Các trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ), làm việc tại đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao… khi ra khỏi nhà phải bảo đảm 5K.
-
Khởi tố 3 người Hàn là Phó Chủ tịch, Giám đốc… tổ chức nhập cảnh trái phép
Sáng 9/7, Cảnh sát điều tra thành phố Đà Nẵng cho biết, đã thực hiện quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt 3 bị can là người Hàn Quốc liên quan đến vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”, gồm:
- Lee Kwan Young (sinh năm 1968, trú tại P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), Phó Chủ tịch Hội Người Hàn miền Trung;
- Seo Young Jin (sinh năm 1973, trú P. An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng), Giám đốc Công ty TNHH Han In Hue;
- Song Hong Sub (sinh năm 1972, trú chung cư Mường Thanh, P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), chủ Công ty môi giới Khan Vina.
Theo kết quả điều tra, trước đó, cả 3 người Hàn Quốc này có thời gian ở thành phố Đà Nẵng. Nắm rõ sách nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam, 3 bị can đã thực hiện quy trình như sau:
Đầu tiên, Lee Kwan Young và Seo Young Jin khảo sát nhu cầu, tiếp nhận hồ sơ xin cấp thị thực từ các doanh nghiệp, tổ chức toàn bộ quy trình nhập cảnh của khách Hàn Quốc từ sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) đến sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Tiếp đến, Song Hong Sub tiếp nhận thông tin khách hàng có nhu cầu nhập cảnh thông qua quảng cáo trên Internet và gửi thông tin này đến Seo Young Jin làm các giấy tờ trong hồ sơ xin cấp thị thực nhập cảnh.
Các giấy tờ này sau đó được giám đốc các công ty có tên Kuvarose, The Es, Phúc Travel Newlife… ký, đóng dấu bảo lãnh nhập cảnh với tư cách là “chuyên gia” làm việc tại các công ty.
Bằng quy trình này, Lee Kwan Young, Seo Young Jin và Song Hong Sub đã tổ chức cho số khách Hàn Quốc nhập cảnh trái phép Việt Nam trong 4 đợt.
-
Tỉnh Lâm Đồng có thể đón lũ cao lịch sử, yêu cầu sơ tán dân
Sáng 9/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về thiên tai gửi thông báo khẩn tới giới chức tỉnh Lâm Đồng, thông tin về lũ trên khu vực sông Cam Ly, huyện Đức Trọng.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng cho biết, 3 giờ qua, lũ trên sông Cam Ly tiếp tục lên nhanh. Lúc 9h cùng ngày, tại trạm đo Thanh Bình, mực lũ vượt trên báo động 3 là 0.75 m.
Theo cảnh báo của cơ quan khí tượng, chiều nay (9/7), đỉnh lũ trên sông Cam Ly có khả năng vượt trên báo động 3 là 1.25 m và tương đương đỉnh lũ lịch sử. Tại các vùng trũng thấp ven sông Cam Ly thuộc TP. Đà Lạt, huyện Lâm Hà, đặc biệt tại thôn Kim Phát (xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng) có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập cục bộ.
Do đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về thiên tai yêu cầu tỉnh Lâm Đồng sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực ngập sâu, nguy hiểm, đến nơi an toàn.
Trước đó, từ tối 8/7, mưa lớn xuất hiện tại Lâm Đồng và tiếp diễn đêm qua. Từ 20h đến 23h ngày 8/7, lượng mưa một số nơi đã vượt mức 60 mm, riêng trạm đo ở Đông Thanh lượng mưa 119 mm; khu dân cư xã Bình Thạnh cũng đã bị ngập.
Nội dung sáng 9/7:
|
-
Thêm 425 ca mắc mới, 377 ca trong khu cách ly/phong tỏa
6h ngày 9/7, Bộ Y tế thông báo về 425 ca mắc mới COVID-19 (BN24386-24810) gồm 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Thái Bình (1), An Giang (1) và 423 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (350), Long An (37), Đồng Nai (15), Phú Yên (6), An Giang (5), Khánh Hòa (4), Bắc Ninh (3), Vĩnh Phúc (1), Gia Lai (1), Bạc Liêu (1); trong đó, 377 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy, tính từ 27/4 đến 6h ngày 9/7, Việt Nam có tổng cộng 21,340 ca bệnh, 70 ca tử vong. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới; 11 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
TP. HCM lập 12 chốt kiểm soát, các phương tiện nào được hoạt động?
Từ hôm nay (9/7), giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày, TP. HCM đã lập 12 chốt tại địa bàn giáp ranh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai kiểm soát người/phương tiện ra, vào thành phố.
12 chốt kiểm soát gồm: các chốt trên cao tốc Trung Lương, trạm thu phí Long Phước, cầu Đôi (đường Trần Văn Giàu), đường Ba Làng, đường Xuyên Á (quốc lộ 22), cầu Phú Cường, cầu Vĩnh Bình, cầu vượt Sóng Thần, quốc lộ 1K, quốc lộ 50, quốc lộ 1A và cầu Đồng Nai.
Cảnh sát thành phố này cho biết, người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, những ai không thuộc diện được phép ra ngoài mà không ở nhà sẽ bị xử phạt.
Trong 15 ngày thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các phương tiện được phép hoạt động trên địa bàn gồm:
- Xe tải vận chuyển hàng hóa sản xuất kinh doanh (phải tuân thủ đúng quy định phòng dịch);
- Xe liên tỉnh chở nhu yếu phẩm từ TP. HCM đi các tỉnh và ngược lại;
- Xe đưa rước công nhân, chuyên gia;
- Xe chở hàng hóa ra vào cảng;
- Xe quá cảnh (đi qua nhưng không dừng lại);
- Khoảng 400 xe taxi được Sở GTVT công bố hoạt động phục vụ vận chuyển người dân đến, đi từ bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cần thiết;
- Shipper giao hàng thông qua ứng dụng công nghệ;
- Đường thủy tại bến phà Bình Khánh, Cát Lái (bảo đảm tối đa không quá 50% sức chứa; mang khẩu trang; giữ khoảng cách an toàn).
-
Giảm gần 2/3 số hành khách trên đường bay TP. HCM – Hà Nội
Từ 0h hôm nay (ngày 9/7) đến hết ngày 23/7, tại TP. HCM, mỗi chiều của đường bay TP. HCM – Hà Nội các hãng hàng không chỉ được vận chuyển tối đa tổng cộng 1,700 khách/ngày.
Cụ thể, mỗi ngày Vietnam Airines được bán tối đa 700 ghế, Pacific Airlines 200 ghế, Bamboo Airways và Vietjet Air mỗi hãng 400 ghế. Nếu các hãng bán quá số ghế, Cục Hàng không sẽ dừng cấp phép cho những ngày tiếp theo.
Đây là một trong những biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 9/7, theo đó, số lượng chỗ sẽ giảm khoảng 2,300 chỗ so với những ngày trước đó.
Các đường bay từ TP. HCM đi Phù Cát (Bình Định), Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Cam Ranh và Đà Nẵng được giữ nguyên tần suất 1-2 chuyến/ngày như hiện nay. Tất cả hành khách trên chuyến bay từ TP. HCM đến các địa phương khác và ngược lại bắt buộc có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực.
Hiện, TP. HCM có 7 đường bay đi các địa phương với 23 chuyến/ngày một chiều, giảm 12 đường bay so với trước dịch. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, số lượng chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất còn khoảng 59 chuyến/ngày.
-
Hành vi và mức phạt đối với cá nhân/đơn vị khi địa phương thực hiện Chỉ thị 16
Theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế khi thực hiện Chỉ thị 16 quy định như sau:
- Ra đường trong trường hợp không cần thiết (không có lý do chính đáng), bị phạt: 1-3 triệu đồng/người.
- Khoảng cách giao tiếp dưới 2m, bị phạt: 1-3 triệu đồng/người.
- Tụ họp từ 3 người trở lên, bị phạt: 10-20 triệu đồng/người đối với cá nhân, 20-40 triệu đồng đối với đơn vị.
- Không đeo hoặc quên đeo khẩu trang, bị phạt: 1-3 triệu đồng/người.
- Tiếp tục kinh doanh dịch vụ ăn uống mang về, bị phạt: 10-20 triệu đồng/người đối với cá nhân, 20-40 triệu đồng đối với đơn vị.
-
Điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ được công bố vào ngày nào?
Sáng 9/6, truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT vào ngày 26/7 và công bố đề, đáp án chính thức vào thời điểm thích hợp. Môn Văn được công bố trước, các môn khác sẽ công bố sau.
Hôm qua (8/6), đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa kết thúc. Từ ngày mai (10/6), các tỉnh/thành rà soát số lượng thí sinh thi đợt 2.
Tại đợt 1, có hơn 1,021 ngàn thí sinh đăng ký, trong đó, 96.15% dự thi. Số thí sinh bị ảnh hưởng bởi COVID-19 chưa thể dự thi đợt 1 là hơn 23,500, chiếm 2.31%. Trong 2 ngày thi, có 18 thí sinh bị đình chỉ.
-
Giá vàng tăng nhẹ, tiếp tục trên ngưỡng 1,800 USD/ounce
Trong phiên giao dịch lúc 5h sáng 9/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới niêm yết trên sàn Kitco đang tiếp tục neo trên ngưỡng 1,800 USD, niêm yết tại 1,802,8 USD/ounce.
Trong khi đó, giá vàng SJC trong nước chốt phiên 8/7 tăng trong khoảng 50-110 ngàn đồng/lượng tại hầu hết các hệ thống cửa hàng kinh doanh. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh TP. HCM điều chỉnh giá vàng SJC tăng 100 ngàn đồng/lượng ở chiều bán ra và 50 ngàn đồng/lượng ở chiều mua vào, hiện niêm yết tại 56.90-57.55 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC tại hệ thống Bảo tín Minh Châu tiếp đà đi lên và đồng loạt tăng 110 ngàn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán, niêm yết tại 56.96-57.33 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 50.2 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 7.3 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia Leigh Goehring, đối tác quản lý của Rozencwajg Associates dự báo, trong vài năm tới, giá vàng có thể tăng cao hơn đáng kể. “Tất cả chúng ta sẽ quay trở lại với vàng. Chúng ta vẫn biết rằng, vàng sẽ là một loại tài sản mang lại sự bảo vệ an toàn. Điều đó sẽ tạo ra cơn hoảng loạn mua vàng trong tương lai. Mốc thời gian cho điều này là 2023-2025”, chuyên gia Goehring chia sẻ.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm