Tin Việt Nam ngày 8/10: Hơn 4,800 ca mắc mới, 114 ca tử vong, Hà Nội chấp thuận mở đường bay nội địa, thế giới có thể xuất hiện virus mới SARS-CoV-3
Nội dung sáng 8/10
Gần chạm mốc 827,000 ca nhiễm, số mắc mới trong ngày tiếp tục giảm
Tính đến sáng 8/10, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 826,837 ca nhiễm, 758,488 ca đã khỏi bệnh, 5,605 ca nặng đang điều trị và 20,223 ca tử vong. Tính riêng đợt dịch thứ 4 (kể từ 27/4) đến nay, số ca nhiễm là 822,238 ca.
Hôm qua 7/10, Bộ Y tế thông báo về 4,150 ca mắc mới gồm 3 ca nhập cảng và 4,147 ca tại 43 tỉnh/thành, trong đó có 1,986 ca cộng đồng.
Số mắc ngày 7/10 tại Việt Nam giảm 209 ca so với ngày 6/10, trong đó, Tp HCM giảm 230 ca, Trà Vinh giảm 31 ca, Bình Thuận giảm 28 ca, Đồng Nai tăng 55 ca, Tây Ninh tăng 43, Hậu Giang tăng 30 ca.
Cũng trong ngày 7/10, Việt Nam có 1,402 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, số tử vong là 125 ca tại 9 tỉnh/thành, trong đó chủ yếu là Tp HCM (92) và Bình Dương (19).
BV tư Sài Gòn được thu phí điều trị COVID-19, xe ô tô công nghệ hoạt động
Mới đây, chính quyền Tp HCM ra chỉ thị về việc chi trả chi phí cho cơ sở y tế tư nhân điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó, thành phố sẽ thanh toán chi phí tương đương với mức thực hiện của các cơ sở y tế công lập.
Phần chênh lệch so với chi phí thực tế phát sinh trong điều trị, các cơ sở y tế tư nhân sẽ được phép thu từ người bệnh.
Trong trường hợp bệnh nhân cam kết tự chi trả toàn bộ chi phí (không sử dụng ngân sách), các cơ sở y tế tư nhân được phép thực hiện theo cam kết.
Trước đây, Sở Y tế yêu cầu bệnh viện tư không được từ chối hoặc yêu cầu người mắc COVID-19 ký cam kết tự nguyện trả toàn bộ chi phí, không được thu thêm chi phí điều trị của người bệnh.
Cũng tại Tp HCM, chiều 7/10, Grab Việt Nam thông báo dịch vụ GrabCar đã được mở lại trên địa bàn thành phố nhưng được yêu cầu giới hạn số lượng xe, tài xế và phải bảo đảm yêu cầu phòng dịch.
Grab cho biết, mỗi tài xế đều đã chích đủ 2 liều vaccine (đủ 14 ngày sau khi chích), test nhanh âm tính 7 ngày/lần. Xe hoạt động có mã QR và chỉ chở khách đi lại ở Tp HCM.
Hãng này cho hay, đã đưa dịch vụ GrabCar Protect với toàn bộ xe được trang bị vách ngăn giữa tài xế và hành khách để giảm thiểu các tiếp xúc.
Hà Nội dùng xe buýt đưa gần 2,000 người về quê
Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, tính đến 15h ngày 7/10, Hà Nội đã sử dụng xe buýt để đưa đón hơn 1,900 người dân từ các tỉnh phía Nam ra Hà Nội về lại các tỉnh phía Bắc và cách ly theo quy định.
Theo đó, xe buýt Hà Nội sẽ đón người dân tại chốt kiểm soát Pháp Vân-Cầu Giẽ (Phú Xuyên). Từ đây, xe buýt sẽ di chuyển theo đường 32-Sơn Tây-Quốc lộ 32 hướng về cầu Trung Hà để tiếp tục chuyển cho các tỉnh đón nhận.
Với những người dân thuộc Hà Nội, xe buýt sẽ đưa về các địa phương cách ly theo quy định.
Sáng nay 8/10, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận thêm 3 ca dương tính mới tại cộng đồng là người trong cùng gia đình, ở quận Hà Đông.
Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tính từ ngày 30/9 đến 6h ngày 8/10, tổng cộng đã ghi nhận 55 ca mắc; trong đó 43 ca tại Hà Nội, 12 ca tại Nam Định (7), Hà Tĩnh (2), Hưng Yên (1), Hải Dương (2).
Hiện tổng số ca mắc COVID-19 của Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) đến nay là 4,029 ca; trong đó có 1,606 ca cộng đồng.
Thanh Long Bình Thuận được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào Nhật Bản
Ngày 7/10, Bộ Khoa học – Công Nghệ (KH-CN) Việt Nam cho biết, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký, thanh long Bình Thuận đã được Bộ Nông – lâm – ngư nghiệp Nhật Bản chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản sau vải thiều Lục Ngạn.
Bộ KH-CN cho hay, ngoài việc tránh bị “đánh cắp” thương hiệu khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn và được người dân sở tại ưa chuộng.
Mức tiêu thụ điện toàn quốc giảm mạnh
Chiều tối 7/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo, lượng tiêu thụ điện quý 3 năm 2021 phạm vi toàn quốc và ở miền Nam đều giảm mạnh so với quý 2 cũng như cùng thời kỳ quý 3 năm 2020.
Cụ thể, mức tiêu thụ điện trung bình ngày ở riêng khu vực miền Nam của quý 3 năm 2021 giảm 23.41% so với quý 2, và giảm 13.59% so với cùng thời kỳ quý 3 năm 2020.
Trên quy mô toàn quốc, sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày của quý 3 năm 2021 giảm 10.53% so với quý 2 và giảm 4.14% so với cùng thời kỳ quý 3 năm 2020.
Bão số 7 vào biển Đông, giật cấp 11 hướng Vịnh Bắc Bộ
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, lúc 7h hôm nay (8/10), vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 9/10, vị trí tâm bão ở ngay trên khu vực Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 7h ngày 10/10, vị trí tâm bão ở trên huyện đảo Bạch Long Vĩ với sức gió mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.
Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau đó đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến 7h ngày 11/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8 và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Do ảnh hưởng của cơn bão, trong ngày và đêm nay (8/10), ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 50-80 mm, có nơi trên 100 mm. Từ tối và đêm mưa lớn giảm nhanh ở những khu vực trên.
Từ chiều 9/10 đến ngày 11/10, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm. Từ ngày 10-11/10, phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.
Từ ngày 10-12/10, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-350 mm, có nơi trên 350 mm.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm