Tin Việt Nam ngày 7/9: Hà Nội tiếp tục dùng giấy đi đường mẫu cũ, Sài Gòn lắp thêm 100 camera đọc mã QR, shipper vẫn được test nhanh miễn phí
Nội dung tối 7/9:
|
-
Hơn 14,200 ca mắc mới, có 8,161 ca cộng đồng
17h ngày 7/9, Bộ Y tế thông báo về 14,208 ca mắc mới gồm 15 ca nhập cảng và 14,193 ca ghi nhận tại 40 tỉnh/thành, trong đó có 8,161 ca trong cộng đồng.
Cụ thể, 14,193 ca phân bố chủ yếu tại Tp HCM (7,310), Bình Dương (3,966), Đồng Nai (945), Long An (490), Kiên Giang (242), Tiền Giang (183), Quảng Bình (182), Tây Ninh (164), An Giang (87), Cần Thơ (74), Đồng Tháp (71), Khánh Hòa (61), Đắk Nông (51), Bình Phước (48), Bình Thuận (46)….
So với ngày 6/9, số mắc tại Việt Nam trong ngày 7/9 tăng 1,716 ca, trong đó, Tp HCM tăng 188 ca, Bình Dương tăng 1,772 ca, Đồng Nai tăng 74 ca, Long An giảm 367 ca, Kiên Giang tăng 41 ca.
Tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 550,996 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 546,683 ca. Có 308,936 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành ghi nhận số mắc cao là Tp HCM (265,846), Bình Dương (138,593), Đồng Nai (30,365), Long An (26,432).
-
Thêm 316 bệnh nhân COVID-19 tử vong, riêng Tp HCM 253 ca
Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 316 ca bệnh COVID-19 tử vong tại 9 tỉnh/thành, trong đó nhiều nhất là Tp HCM 253 ca, tiếp đến là Bình Dương 40 ca, Long An và Tiền Giang đều 7 ca…, nâng tổng số tử vong toàn quốc tính đến nay lên 13,701 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc.
Về tình hình điều trị, trong ngày số ca bệnh được công bố khỏi bệnh là 10,253 ca, nâng tổng số được điều trị khỏi lên 311,710. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6,369 ca, trong đó có 5,289 ca thở oxy, 1,080 ca thở máy và ECMO.
-
Ngày mai người dân Hà Nội tiếp tục dùng giấy đi đường mẫu cũ
Ngày 7/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, trước mắt, thành phố tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư.
Như vậy từ 6h ngày mai (8/9), lực lượng chức năng sẽ kiểm tra việc sử dụng mẫu giấy đi đường cả mới và cũ; người dân chưa có giấy đi đường mẫu mới thì tiếp tục sử dụng giấy trước đây (đơn vị tự cấp) khi tham gia giao thông.
Người dân có giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến. Thành phố chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị 16.
Đây là lần thứ năm trong vòng gần 50 ngày kể từ khi áp dụng Chỉ thị 16, Hà Nội thay đổi phương thức cấp giấy đi đường; và là lần thứ hai Hà Nội phải điều chỉnh quy định chỉ sau một vài ngày áp dụng. Trước đó, đầu tháng 8, thành phố đã phải bỏ yêu cầu người đi đường phải có lịch trực, lịch làm việc chỉ sau một ngày áp dụng quy định.
-
Sài Gòn lắp thêm 100 camera đọc mã QR, shipper vẫn được test nhanh miễn phí
Ngày 7/9, Cảnh sát Tp HCM cho biết, đang lắp đặt 100 camera đọc mã QR tại các chốt kiểm soát phòng dịch COVID-19.
Theo cảnh sát thành phố, hệ thống sử dụng máy tính (máy tính xách tay) và camera có dây nối kéo dài, đặt cố định giữ được khoảng cách, tránh tiếp xúc. Việc sử dụng quét QR code qua webcam cải thiện tốc độ so với quét qua camera của điện thoại và camera có sẵn trên máy tính xách tay.
Trước đó, cảnh sát thành phố đã thí điểm lắp đặt camera đọc mã QR tại địa bàn quận 1 và quận 3.
Cũng tại Tp HCM, vào chiều cùng ngày, Sở Công thương cho biết, chính quyền thành phố đã chấp thuận gia hạn việc tổ chức test nhanh COVID-19 miễn phí cho shipper trên địa bàn đến hết ngày 15/9.
Đối với đề nghị nới lỏng hoạt động của các nhân viên thực phẩm thiết yếu, siêu thị, doanh nghiệp… sau ngày 6/9, Sở Công thương cho hay, đơn vị đã cấp thêm giấy đi đường cho các nhân viên siêu thị, các đơn vị hoạt động thiết yếu từ nay đến hết 15/9. Riêng đối với các nhân viên siêu thị, trước kia làm từ 5h sáng đến 18h thì nay được kéo dài đến 21h để chuẩn bị hàng hóa, dọn dẹp kho hàng…
-
Khánh Hòa cho phép ra đường với người chích 2 liều vaccine COVID-19 sau 14 ngày
Tỉnh Khánh Hòa vừa áp dụng các biện pháp phòng dịch tương ứng với từng mức độ nguy cơ ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh này từ 0h ngày 8/9 cho đến khi có thông báo mới. Cụ thể:
- Người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, không tập trung quá 2 người nơi công cộng, giữ khoảng cách 2 m và các quy định phòng dịch.
- Tiếp tục dừng các hoạt động quán bar, club, vũ trường, karaoke, phòng trà ca nhạc, câu lạc bộ hát với nhau, mát xa, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, gym, yoga, bị da, bóng đá; việc tổ chức liên hoan ăn uống, tiệc cưới, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, sự kiện văn hóa, thể thao đông người, các dịch vụ không thiết yếu và kể cả động tắm biển.
- Dừng các quán ăn, uống trên các tuyến quốc lộ qua địa phận tỉnh, riêng các dịch vụ phục vụ vận tải trên tuyến quốc lộ chỉ được tổ chức tại các trạm dừng chân.
- Các chốt trạm kiểm soát liên tỉnh, liên huyện tiếp tục duy trì hoạt động
Đặc biệt, từ ngày mai (8/9), các trường hợp di chuyển qua chốt/trạm kiểm soát liên huyện (giáp ranh 2 huyện) cần có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ hoặc chứng minh đã được chích liều 2 vaccine sau 14 ngày hoặc người đã điều trị khỏi và hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.
-
Cần Thơ tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 11 ngày
Tối 7/9, Cần Thơ áp dụng việc kéo dài thực hiện giãn cách trên địa bàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 8/9 đến 0h ngày 18/9 (11 ngày).
Theo Sở Y tế, ngày 7/9, Tp Cần Thơ ghi nhận thêm 59 ca dương tính mới, nâng tổng số mắc trong đợt dịch thứ 4 đến ngày 7/9 lên 4,582 ca, trong đó có 68 ca tử vong. Thành phố này hiện đang điều trị cho 838 F0.
-
Cập nhật thông tin về cơn bão Conson
Trong bản tin phát đi lúc 20h ngày 7/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia cho biết, hồi 19h, vị trí tâm bão trên khu vực miền trung Philippin với sức gió mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11 vùng gần tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km. Đến 19h ngày 8/9, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Nam đảo Lu-dông (Philippin) với sức gió mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10 vùng gần tâm bão.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đến 19h ngày 9/9, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530 km về phía Đông với sức gió mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11 vùng gần tâm bão.
Đến 19h ngày 10/9, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220 km về phía Đông Đông Bắc với sức gió mạnh cấp 10-11 (90-120 km/giờ), giật cấp 13 vùng gần tâm bão.
Trong 72-120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và tiếp tục mạnh thêm.
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm ngày 9/9, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 3.0-5.0m; biển động rất mạnh.
Nội dung chiều 7/9:
|
-
Bão Conson giật cấp 11 sắp vào Biển Đông, dự báo hướng vào Bắc Bộ
Trong bản tin phát đi lúc 14h, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 13h ngày 7/9, vị trí tâm bão ở trên khu vực miền trung Philippin với sức gió mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11 vùng gần tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13h ngày 8/9, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Nam đảo Lu-dông (Philippin) với sức gió mạnh cấp cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10 vùng gần tâm bão.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, sau đó đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm.
Đến 13h ngày 9/9, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600 km về phía Đông với sức gió mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11 vùng gần tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm 9/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 3.0-5.0m; biển động mạnh.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đến 13h ngày 10/9, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260 km về phía Đông Đông Bắc với sức gió mạnh cấp 10-11 (90-120 km/giờ), giật cấp 13… và tiếp tục mạnh thêm.
Trưa nay 7/9, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, sau khi quét qua quần đảo Hoàng Sa, cơn bão này tiếp tục di chuyển vào đất liền Việt Nam, cụ thể là đi vào khu vực phía nam vịnh Bắc Bộ. Phạm vi ảnh hưởng của bão là các tỉnh từ phía bắc đèo Hải Vân trở ra.
Bà Lan cảnh báo, tàu thuyền đang hoạt động tại khu vực này nên di chuyển về phía nam, trú ở vùng biển Nha Trang, Cam Ranh thì sẽ an toàn hơn.
Ngoài ra, ngoài khơi Philippines, một cơn bão khác có tên quốc tế CHANTHU đang hoạt động. Dự báo trong 4-5 ngày nữa sẽ vào Đài Loan, không đi vào Biển Đông nhưng khiến gió mùa tây nam mạnh lên gây mưa cho vùng biển và đất liền Việt Nam.
-
Hà Nội chốt giấy đi đường cho phương tiện
Ngày 7/9, Sở GTVT Hà Nội đã có thông báo hướng dẫn cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển trong vùng 1. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) hoạt động vận tải thực hiện theo 4 bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị file mềm/bản scan các tài liệu gồm: Công văn đề nghị (ký tên, đóng dấu); danh sách nhân viên đi làm, phương tiện vận chuyển bằng xe môtô, xe máy, ôtô.
Bước 2: Gửi tài liệu về email: [email protected]. Lĩnh vực tư vấn, thiết kế, giám sát thi công, thi công công trình giao thông gửi về email: [email protected]
Bước 3: Sở Giao thông Vận tải tiếp nhận và xử lý hồ sơ, nếu đủ điều kiện giải quyết, sẽ gửi Công an thành phố cấp xác nhận theo quy định. Trường hợp không thuộc lĩnh vực quản lý hoặc không hợp lệ, Sở sẽ niêm yết danh sách trong đó nêu rõ lý do trên website: www.sogtvt.hanoi.gov.vn và gửi email trả lời.
Bước 4: Gửi thông báo cho DN qua email của đơn vị, DN đã đăng ký và liên hệ với đầu mối của đơn vị, DN để trả kết quả.
-
Công trình xây dựng vùng cam, vùng xanh ở Hà Nội được thi công trở lại
Cũng tại Hà Nội, thành phố vừa có văn bản về việc thực hiện các biện pháp ứng phó dịch bệnh tại các công trường xây dựng trên địa bàn trong tình hình mới như sau:
Đối với vùng 1 (vùng đỏ): Dừng thi công tất cả các công trình xây dựng, trừ các công trình xây dựng phục vụ ứng phó dịch; cấp quốc gia, dự án đầu tư trọng điểm của thành phố; công trình theo lệnh khẩn cấp…; công trình quốc phòng, an ninh đã triển khai; dự án, công trình trọng điểm, cấp bách…
Đối với vùng 2 (cam), vùng 3 (xanh): được hoạt động lại sau khi có phương án, kế hoạch thi công của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu bảo đảm yêu cầu phòng dịch được cấp huyện xác nhận. Riêng đối với công trình theo tuyến liên thông giữa các vùng phải thực hiện theo nguyên tắc “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”….
-
Thêm 34 ca dương tính, Hà Nội thu gần 70 tỷ đồng tiền vi phạm trong 3 đợt giãn cách
12h trưa nay (7/9), Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 29 ca dương tính mới, cùng với 5 ca dương tính ghi nhận vào sáng cùng ngày, nâng tổng số mắc từ sáng đến trưa lên 34 ca, trong đó nhiều nhất là quận Thanh Xuân (23 ca), tiếp đến là Thanh Trì (4), Hà Đông (3)…
Đáng chú ý, trong 4 ca cộng đồng có 2 ca là 2 vợ chồng, ở Nhân Hòa, Nhân Chính, Thanh Xuân. 2 người này lần lượt xuất hiện triệu chứng hắt hơi, được lấy mẫu gộp dương tính và lấy mẫu đơn cho kết quả khẳng định dương tính.
Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 từ 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 3,614 ca nhiễm, trong đó có 1,569 ca cộng đồng.
Các lây nhiễm có diễn biến phức tạp tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới gồm: chùm lây tại phường Thanh Xuân Trung thuộc quận Thanh Xuân có 508 ca (từ 23/8 đến nay); chùm lây tại phường Văn Miếu và Văn Chương thuộc quận Đống Đa có 207 ca; chùm lây tại Tân Lập thuộc huyện Đan Phượng từ 28/8 đến nay 20 ca; chùm sàng lọc ho, sốt cộng đồng từ 1/8 đến nay có 169 ca.
Về tình hình thực hiện quy định giãn cách trên địa bàn Hà Nội, ngày 6/9, cảnh sát thành phố cho biết, sau 3 đợt giãn cách (từ 24/7 đến 15h ngày 5/9), cảnh sát đã xử phạt 44,612 vụ vi phạm quy định phòng dịch, trong đó, 300 vụ cảnh cáo, 44,302 vụ xử lý vi phạm hành chính với số tiền 68.5 tỷ đồng; chuyển xử lý hình sự 10 vụ.
Các hành vi bị xử phạt gồm: ra ngoài khi không thực sự cần thiết, không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách khi tiếp xúc, vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định, không thực hiện biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng, các hành vi khác.
Ngoài ra, từ 15h ngày 5/9 đến 15h ngày 6/9, Hà Nội tiếp xục xử lý 675 vụ vi phạm phòng dịch, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng.
-
Thanh Hóa tiếp nhận 2 thuyền viên nước ngoài dương tính tại cảng Nghi Sơn
Sáng 7/9, CDC Thanh Hóa cho biết, vừa tiếp nhận 2 thuyền viên từ tàu AUVIRGO (Indonesia) dương tính COVID-19 tại cảng Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn).
2 bệnh nhân này đã được đưa về Bệnh viện Phổi Thanh Hóa để cách ly và điều trị; lực lượng chức năng phun khử khuẩn toàn bộ con tàu, khu vực cầu cảng tàu neo đậu cùng các khu vực có liên quan. 19 thuyền viên khác được hướng dẫn tự cách ly tại tàu theo quy định.
Trước đó, lúc 12h30 ngày 6/9, nhận tin báo tàu AUVIRGO cập cảng Nghi Sơn, CDC Thanh Hóa đã lấy mẫu test nhanh cho toàn bộ 21 người trên tàu thì phát hiện bếp trưởng và một thủy thủ tàu dương tính. Xét nghiệm khẳng định cũng cho kết quả tương tự vào 23h cùng ngày.
Trước khi cập cảng Nghi Sơn, tàu AUVIRGO di chuyển từ cảng Belawan (Indonesia) đến Singapore để chở gần 4.300 tấn dầu ăn đến cảng Nghi Sơn.
-
Bạc Liêu sắp đón 257 công dân trở về từ Sài Gòn
Ngày 11/9 tới đây, tỉnh Bạc Liêu sẽ đón 257 công dân bị kẹt và có nhu cầu về tỉnh trên 13 chuyến xe khách tại Tp HCM.
Trong văn bản gửi đi ngày 6/9, tỉnh Bạc Liêu đề nghị các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng hỗ trợ đoàn xe trên đường về, bao gồm qua các chốt kiểm dịch và được dừng chân tại một điểm ở Tiền Giang để người dân được vệ sinh cá nhân.
Đây là đợt 1 tỉnh Bạc Liêu thực hiện kế hoạch đón công dân từ đầu tháng 8/2021, tỉnh sẽ còn có các đợt đón công dân tiếp theo khi các điều kiện an toàn dịch bệnh cho phép.
Nội dung sáng 7/9:
|
-
Vượt 536,700 ca nhiễm, hơn 1,080 ca thở máy và ECMO
Tính đến sáng 7/9, Việt Nam có 536,788 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số mắc là 532,490 ca. Có 298,683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 13,385 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc.
Trong ngày hôm qua (6/9), Việt Nam ghi nhận 12,481 ca mắc mới tại 39 tỉnh/thành, trong đó có tới 8,099 ca cộng đồng; giảm 624 ca so với ngày 5/9, riêng Tp HCM tăng 896 ca, Bình Dương giảm 1,346 ca, Đồng Nai giảm 372 ca, Long An tăng 101 ca, Tiền Giang tăng 101 ca. Ngày 6/9 Việt Nam có 311 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại 15 tỉnh/thành.
Trong số 6,407 bệnh nhân COVID-19 nặng đang được điều trị, có 5,324 ca thở oxy; 1,083 ca thở máy và ECMO.
-
Cục Hàng không đề nghị mở lại chuyến bay nội địa theo 3 phân vùng
Mới đây, Cục Hàng không đề xuất Bộ GTVT phân chia các sân bay theo 3 vùng “đỏ, vàng, xanh” để vận chuyển hành khách nội địa. Sân bay sẽ phân thành 3 nhóm như sau:
- Nhóm A (vùng xanh): gồm các sân bay thuộc các tỉnh/thành không có khu vực áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
- Nhóm B (vùng vàng): gồm các sân bay thuộc các tỉnh/thành chỉ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từng khu vực (cấp quận/huyện trở lên).
- Nhóm C (vùng đỏ): gồm các sân bay thuộc các tỉnh/thành đang áp dụng giãn cách xã hội toàn bộ theo Chỉ thị 16.
Theo phân vùng thì:
Theo kiến nghị của Cục Hàng không, với chặng bay từ nhóm A đến nhóm A, B và C, không giới hạn hành khách. Với chặng bay từ nhóm B đến A, B và C; từ nhóm C đến nhóm A và B thì áp dụng với khách công vụ, lực lượng ứng phó dịch.
Bên cạnh đó, hành khách phải bảo đảm các yêu cầu gồm: có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và đi xe chuyên dụng từ cơ sở cách ly đến thẳng sân bay; hoặc có chứng nhận chích đủ liều vaccine, liều cuối cùng ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng; hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Với chặng bay giữa nhóm C với nhau, áp dụng với khách công vụ, lực lượng ứng phó dịch và người có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến. Hành khách thuộc chặng này cũng phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
-
Sài Gòn tiếp tục thực hiện giãn cách ‘ai ở đâu ở yên đó’ đến hết 15/9
Tại cuộc họp chiều 6/9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Tp HCM cho biết, từ nay đến ngày 15/9, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó dịch bênh theo Chỉ thị 16 tăng cường, ‘ai ở đâu ở yên đó’ như đã áp dụng trong 14 ngày qua (từ 23/8).
Tuy nhiên, theo ông Mãi, từ nay đến 15/9 sẽ có 2 điều chỉnh theo hướng nới lỏng. Cụ thể:
- Các siêu thị sẽ mở đến từng xã, phường, thị trấn để shipper mua hàng giúp người dân và người dân “vùng xanh” đi chợ 1 lần/tuần.
- Các địa bàn quận 7, huyện Củ Chi và các quận huyện “vùng xanh” có thể quy định đi chợ 2 lần/tuần nếu đủ điều kiện.
- Thành phố cho bán hàng mang về và mở 2 trung tâm tiếp nhận phân phối hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn.
Về vấn đề nới lỏng giãn cách ông Mãi nói thêm rằng, thành phố mở từng bước dựa trên nguyên tắc an toàn đến đâu mở đến đó.
-
Đề nghị siêu thị, shipper ở Tp HCM được mở rộng thời gian hoạt động đến 21h
Cũng trong ngày, Sở Công thương Tp HCM đề nghị chính quyền thành phố chấp thuận hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được mở rộng thời gian và phương thức hoạt động trở lại từ 6h đến 21h hằng ngày.
Cùng với đó, cho phép đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) hoạt động theo phạm vi nội quận đến 21h tương ứng để hỗ trợ phân phối hàng hóa kịp thời đến người dân.
Sở Công thương cho biết, phương thức “Đi chợ hộ” mua theo combo trong 2 tuần thành phố thực hiện siết giãn cách (từ 23/8 đến 6/9) cũng gây khó khăn cho người dân trong điều kiện cần tính toán tiết kiệm chi tiêu, mua những thứ thật sự cần thiết.
Bên cạnh đó, các siêu thị, cửa hàng vẫn đang đối mặt tình trạng thiếu nhân viên, số đơn hàng hoàn thành giao cho các phường và người dân chưa cao.
-
Bình Dương tiếp tục hỗ trợ cho người dân tại 15 phường ‘khóa cứng’
Tối 6/9, tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ hỗ trợ người nghèo, cận nghèo và người dân đang ở trọ thuộc 15 phường bị ‘khoá cứng’ của Tp. Thuận An, thị xã Dĩ An và Thị xã Tân Uyên.
Mức hỗ trợ là 50,000 đồng/người/ngày bằng lương thực, thực phẩm hoặc bằng tiền và tổ chức mua hàng hộ. Thời gian áp dụng tối đa trong 10 ngày, bắt đầu từ 6/9.
Ngày 6/9, Bình Dương có thêm 2,194 ca nhiễm, 39 ca tử vong. Số nhiễm trong ngày 6/9 giảm 1,346 ca so với ngày 5/9. Hiện tổng số nhiễm toàn tỉnh trong đợt dịch thứ 4 đến nay là 134,627 ca, trong đó có 1,136 người đã tử vong.
-
Mưa trải dài khắp 3 miền Việt Nam
Lúc 3h30 ngày 7/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia cho biết, ngày hôm nay, phía Đông Bắc Bộ và Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 30-70 mm, có nơi trên 90 mm.
Từ đêm nay đến ngày 9/9, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình, Sơn La có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa 50-100 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt; các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa 100-150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa rào và dông.
Khu vực Hà Nội: Ngày hôm nay, có lúc có mưa rào và dông. Từ đêm đến ngày 9/9, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Ngoài ra, từ nay đến ngày 9/9, ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 40-70mm/24h, có nơi trên 100mm/24h (mưa tập trung vào chiều và tối).
Trên biển, trong ngày và đêm nay (7/9), Vịnh Bắc bộ, khu vực Biển Đông (gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và giông.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm