Tin Việt Nam ngày 7/10: Thêm 4,150 ca mắc mới, 125 ca tử vong, Sài Gòn dự kiến mở cửa trường học từ tháng 1/2022
Nội dung tối 7/10
Thêm 4,150 ca mắc mới, 125 ca tử vong, số ca mắc ở Sài Gòn tiếp tục giảm
Tối 7/10, Bộ Y tế thông báo về 4,150 ca mắc mới gồm 3 ca nhập cảnh và 4,147 ca tại 43 tỉnh/thành, trong đó có 1,986 ca cộng đồng.
Hơn 4,000 ca mắc trong ngày ghi nhận chủ yếu tại Tp HCM (1,730), Bình Dương (840), Đồng Nai (589), An Giang (186), Tây Ninh (84), Long An (84), Kiên Giang (83), Tiền Giang (56), Khánh Hòa (51)…
So với ngày 6/10, số ca mắc tại Việt Nam ngày 7/10 giảm 209 ca, trong đó, Tp HCM giảm 230 ca, Trà Vinh giảm 31 ca, Bình Thuận giảm 28 ca, Đồng Nai tăng 55 ca, Tây Ninh tăng 43, Hậu Giang tăng 30 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 826,837 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay là 822,238 ca. Có 758,488 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 120 ca tử vong tại 8 tỉnh/thành, trong đó chủ yếu là Tp HCM (92) và Bình Dương (19). Ngoài ra, thêm 5 ca tử vong tại Ninh Thuận trong thời gian trước đó, nâng tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 20,223 ca, chiếm tỷ lệ 2.4% so với tổng số ca nhiễm.
Về tình hình điều trị, trong ngày có 1,402 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5,605 ca, trong đó có 4,680 ca thở oxy, 925 ca thở máy và ECMO.
Sài Gòn dự kiến mở cửa trường học từ tháng 1/2022
Tại buổi họp báo chiều 7/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, hiện có khoảng 1,500 trường học đang được trưng dụng, phục vụ phòng dịch, trong đó, khoảng 150 trường đã được trả lại để sửa chữa, khôi phục nguyên trạng. Số còn lại sẽ được bàn giao dần, dự kiến đến giữa tháng 11 sẽ hoàn tất.
Theo Sở GD&ĐT, nếu được phép của thành phố, dự kiến đầu tháng 1/2022, các trường học sẽ học trực tiếp trở lại.
Năm 2021, thành phố có 1.71 triệu học sinh với hơn 2,400 trường học. Đến nay, chỉ có 2 trường Tiểu học Thạnh An và THCS-THPT, huyện Cần Giờ đề nghị cho học sinh trở lại trường ở các lớp 1, 2, 6, 9, 12.
Đà Nẵng chấp thuận mở lại đường sắt, đường bay nội địa
Ngày 7/10, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đến nay Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên toàn quốc phản hồi và đồng ý kế hoạch mở lại vận tải đường sắt.
Trước đó ngày 1/10, Cục Đường sắt gửi đề nghị tới 22 địa phương về việc mở lại hoạt động vận tải hành khách như sau:
- Trên tuyến Hà Nội – Sài Gòn chạy lại đôi tàu SE7/SE8 và SE5/6 vào giai đoạn một (từ 7-17/10).
- Trên tuyến Hà Nội – Sài Gòn chạy thêm đôi tàu SE3/4 vào giai đoạn hai (từ 18-27/10).
- Trên tuyến Đà Nẵng – Sài Gòn chạy lại đôi tàu SE21/SE22 từ 15/10.
Cục Đường sắt cho biết, sẽ công bố lịch chạy tàu khách và đánh giá lại mỗi giai đoạn sau khi có ý kiến phản hồi của các địa phương. Hiện tàu khách vẫn dừng chạy trên tất cả tuyến, chỉ có tàu hàng hoạt động.
Về kế hoạch khai thác vận tải hàng không dự kiến áp dụng ngay trong tháng 10 này, chiều nay (7/10), Đà Nẵng đã gửi phản hồi đến Cục hàng không Việt Nam, đồng thuận khai thác vận tải hàng không của Cục.
Riêng với các chuyến bay từ Đà Nẵng đi/đến Hà Nội, Tp HCM, Đà Nẵng đề nghị xem xét giảm tần suất chuyến bay khứ hồi mỗi ngày (so với kế hoạch) cho phù hợp.
Tính cả Đà Nẵng, đến nay, đã có 17 tỉnh/thành phản hồi về kế hoạch mở lại đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam. Trong đó 8 địa phương đồng thuận toàn bộ gồm: Đà Nẵng, Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Cà Mau.
6 địa phương thống nhất từng phần kế hoạch gồm: Tp HCM, Đắk Lắk, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng và Bà Rịa – Vũng Tàu. 3 địa phương đề nghị chưa thực hiện gồm: Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.
Hà Nam giãn cách thêm một tuần với 6 phường của Tp Phủ Lý
Tối 7/10, tỉnh Hà Nam cho biết, sẽ tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đối với một phần các phường có nguy cơ rất cao trên địa bàn Tp Phủ Lý gồm: Lê Hồng Phong, Châu Sơn, Hai Bà Trưng, Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Trần Hưng Đạo. Thời gian thực hiện là 7 ngày, kể từ 0h ngày mai (8/10).
Cũng từ 0h ngày mai, tỉnh Hà Nam kết thúc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với một phần các phường/xã gồm: Thanh Châu, Thanh Tuyền, Liêm Chính, Quang Trung, Phù Vân, Liêm Chung.
Tính đến 17h ngày 7/10, Hà Nam ghi nhận thêm 24 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trong đợt bùng phát dịch từ ngày 19/9 đến nay lên 550 ca.
Nước sông dâng cao chia cắt nhiều thôn bản, Quảng Trị di tản gần 200 gia đình
Tối 7/10, ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch huyện Đakrông cho biết, mưa lớn khiến mực nước sông Ba Lòng và sông Đakrông dâng cao, nhiều đập tràn bị nước nhấn chìm, chia cắt nhiều thôn bản.
Đến cuối giờ chiều 7/10, mực nước tại thủy điện Đakrông 1 cũng vượt tràn hơn 1.5m, các đập tràn qua xã A Bung, Ba Lòng nước sông dâng cao gần 3 m, dân cư bị chia cắt.
Chính quyền địa phương di tản 25 gia đình với hơn 100 người tại xã Tà Long và 170 gia đình ở xã Ba Lòng nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Xem thêm