Tin Việt Nam ngày 6/9: Gần 12,500 ca mắc mới, hơn 300 ca tử vong, Thủ tướng yêu cầu thí điểm đón 2-3 triệu lượt khách quốc tế đến Phú Quốc, Đồng Nai cho hơn 1,000 công nhân DN ‘3 tại chỗ’ về địa phương, hàng triệu học sinh học trực tuyến sẽ bị ảnh hưởng, bão Conson gần Biển Đông
Nội dung tối 6/9:
|
-
Gần 12,500 ca mắc mới, Tp HCM nhiều nhất với hơn 7,100 ca
17h ngày 6/9, Bộ Y tế thông báo về 12,481 ca mắc mới gồm 4 ca nhập cảng và 12,477 ca ghi nhận tại 39 tỉnh/thành, trong đó có 8,099 ca cộng đồng.
Cụ thể, 12,477 ca phân bố chủ yếu tại Tp HCM (7,122), Bình Dương (2,194), Đồng Nai (871), Long An (857), Tiền Giang (234), Kiên Giang (201), Tây Ninh (134), Khánh Hòa (97), Đồng Tháp (95), An Giang (87), Đắk Lắk (79), Cần Thơ (70), Đà Nẵng (63), Bình Thuận (48), Hà Nội (42)…
So với ngày 5/9, số mắc tại Việt Nam trong ngày 6/9 giảm 624 ca, trong đó, Tp HCM tăng 896 ca, Bình Dương giảm 1,346 ca, Đồng Nai giảm 372 ca, Long An tăng 101 ca, Tiền Giang tăng 101 ca.
Tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 536,788 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 532,490 ca. Có 298,683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành ghi nhận số mắc cao là Tp HCM (258,536), Bình Dương (134,627), Đồng Nai (29,420), Long An (25,942), Tiền Giang (10,805).
-
Thêm 311 bệnh nhân COVID-19 tử vong, hơn 6,407 ca nặng và nguy kịch
Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 311 ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại 15 tỉnh/thành, trong đó nhiều nhất là Tp HCM 233 ca, tiếp đến là Bình Dương 39 ca, Khánh Hòa (ngày 5 và 6/9) 7 ca, Đồng Nai 6 ca, Long An và Tiền Giang đều 5 ca…
Tính đến nay, tổng số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Việt Nam là 13,385 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc.
Về tình hình điều trị, trong ngày có 9,730 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số được điều trị khỏi lên 301,457 ca. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6,407 ca, trong đó, số ca thở oxy là 5,324, số ca thở máy và ECMO là 1,083.
-
Thủ tướng yêu cầu thí điểm đón 2-3 triệu lượt khách quốc tế đến Phú Quốc
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra vào ngày 6/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra yêu cầu thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.
Cụ thể, theo yêu cầu của Thủ tướng, từ nay đến cuối năm, thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc dự kiến từ 2-3 triệu lượt người.
-
Bộ Y tế sẽ thí điểm cho lưu thông bình thường với người chích 2 liều vaccine
Tại phiên họp Chính phủ ngày 6/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam cho người chích đủ 2 liều vaccine, đồng thời tiếp tục khuyến cáo bảo đảm phòng dịch.
Theo ông Long, những người chích đủ 2 liều vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc và lây nhiễm đã giảm.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, khi hết giãn cách, người dân sẽ ra đường để đi làm, trong trạng thái bình thường mới, những người đã chích 2 liều sẽ được ưu tiên hơn những người đã chích 1 liều hoặc chưa chích.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Long, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh, dù có ưu tiên đi làm thì những người đã chích 2 liều vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng dịch để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, vaccine COVID-19 là loại vaccine mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chưa chắc chắn rằng việc chích có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không, và mức độ miễn dịch bền vững như thế nào, kéo dài được bao lâu…
Theo nghiên cứu mới đây của CDC Hoa Kỳ, nồng độ virus của một số người đã chích vaccine và những người chưa chích khi bị nhiễm cao như nhau. Điều này nghĩa là khả năng lây lan cho người khác là như nhau.
-
Đồng Nai chấp thuận cho hơn 1,000 công nhân DN ‘3 tại chỗ’ về địa phương
Ngày 6/9, Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) đã kiến nghị giải quyết một số khó khăn của doanh nghiệp (DN) và người lao động khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Ông Lê Văn Danh, phó trưởng ban DIZA cho biết, hiện nay có khá nhiều DN đề nghị dừng thực hiện “3 tại chỗ” do hết đơn hàng hoặc không đủ điều kiện tiếp tục hoạt động, trong đó có khoảng 16 DN với hơn 1,000 công nhân vì nhiều lý do như hết đơn hàng hay ở trong DN quá lâu (đến 2 tháng) nên muốn về nhà. Ngoài ra, có một số người bên ngoài muốn vào DN “3 tại chỗ” làm việc do nghỉ lâu không có thu nhập.
Vì vậy, DIZA đề nghị chính quyền tỉnh Đồng Nai đồng thuận giữa các địa phương giải quyết khó khăn của DN, ổn định tâm lý của người làm việc và ổn định tình hình chung tại các khu công nghiệp.
Về vấn đề này, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai nhận định, đối với DN “3 tại chỗ” không còn đơn hàng, ngừng sản xuất và xin nghỉ thì không có lý do gì không cho nghỉ. Tuy nhiên, để kiểm soát công nhân về địa phương bảo đảm an toàn phòng dịch thì DN phải thông báo trước thời gian đóng cửa, từ đó sẽ yêu cầu DN xét nghiệm cho công nhân, bố trí chỗ ăn ở người làm việc về lại địa phương.
Về việc thay thế người làm việc, DN phải thông báo trước thời gian, thông tin công nhân để chuẩn bị thay thế. “Đưa vào doanh nghiệp chắc chắn phải là quân xanh, khi về cũng phải là quân xanh, chứ không lấy quân xanh đổi quân đỏ sẽ tanh bành doanh nghiệp hoặc khu dân cư”, ông Dũng nói.
-
Hàng triệu học sinh học trực tuyến sẽ bị ảnh hưởng do đứt cáp quang biển
Ngày 6/9, một nhà mạng viễn thông cho biết, tuyến cáp quang biển AAE-1 đã xảy ra sự cố, gây ảnh hưởng đến kết nối Internet các dịch vụ quốc tế tại Việt Nam.
Cụ thể, sáng 4/9, tuyến cáp quang biển AAE-1 gặp sự cố trên nhánh kết nối đi hướng Singapore. Nguyên nhân đến thời điểm này vẫn chưa được xác định.
Các nhà mạng cho biết, đã triển khai các biện pháp san tải nhằm hạn chế tối thiểu ảnh hưởng của sự cố đứt cáp.
Theo nhận định của các nhà mạng, sự cố này không gây ảnh hưởng lớn đến lưu lượng kết nối chung của Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực, hiện lưu lượng kết nối Internet đi quốc tế của người dùng Việt Nam đang rất cao trong thời gian giãn cách xã hội. Nay lại thêm việc học trực tuyến của hàng triệu học sinh khiến tốc độ kết nối chung ít nhiều bị ảnh hưởng.
-
Bão Conson gần Biển Đông, miền Bắc sắp hứng mưa lớn liên tiếp
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chiều nay (6/9), áp thấp nhiệt đới trên vùng biển miền Trung Philippines đã mạnh lên thành bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Cơn bão có tên quốc tế là Conson.
Dự báo: Từ đêm 8/9 đến ngày 9/9, bão Côn Sơn sẽ đi vào khu vực phía Bắc Biển Đông và có khả năng mạnh thêm.
Tiếp đó, bão Conson sẽ di chuyển theo phía Tây, hướng về các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Trong những ngày cuối tuần này và đầu tuần tới, bão có khả năng gây ra một đợt mưa lớn diện rộng tại các tỉnh miền Bắc.
Còn theo dự báo của trang Windy, rạng sáng 9/9, cơn bão ở phía ngoài Philippines đi vào Biển Đông, sau đó di chuyển chậm và hướng vào vịnh Bắc Bộ. Ngày 11-13/9, hoàn lưu bão có thể gây ra đợt mưa lớn diện rộng cho các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Trên đất liền, hôm nay (6/9) và ngày mai (7/9), Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 30-70 mm, có nơi trên 90 mm (mưa tập trung vào đêm và sáng sớm).
Hôm nay tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to; Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chiều tối và tối nay có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 40-80mm, có nơi trên 120mm.
Cảnh báo: Từ đêm 7-9/9, mưa dông ở các khu vực có khả năng gia tăng; riêng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng mưa to, cục bộ có mưa rất to.
Nội dung chiều 6/9:
|
-
Quảng Ngãi thêm cụm dịch mới ở KCN thứ 2, xét nghiệm hơn 5,400 dân
Sáng 6/9, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vừa phát hiện thêm 31 ca dương tính mới trên địa bàn, trong đó có 15 ca là công nhân Công ty TNHH Ten Trai (14 ca) và Công ty Tiến Thành (1 ca). Cả hai công ty đều đóng tại khu công nghiệp Quảng Phú, Tp Quảng Ngãi.
Đáng chú ý, trường hợp là công nhân thuộc Công ty Tiến Thành được phát hiện dương tính qua xét nghiệm tầm soát định kỳ, chưa rõ nguồn lây.
Sau khi phát hiện 15 ca dương tính, trong sáng cùng ngày, ngành chức năng đã phong tỏa tạm thời KCN Quảng Phú để xét nghiệm sàng lọc cho 5,400 công nhân thuộc 33 doanh nghiệp hoạt động tại đây.
Ông Ngô Văn Trọng, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã yêu cầu tất cả người làm việc trong KCN Quảng Phú ai ở đâu ở yên đó để xét nghiệm COVID-19, hạn cuối là 12h hôm nay (6/9) lấy xong mẫu xét nghiệm.
Từ ngày 26/6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 800 ca, trong đó, 54 ca liên quan tới ổ dịch xã Nghĩa An (Tp Quảng Ngãi), 164 ca liên quan tới ổ dịch Công ty Hoya Lens Việt Nam – chi nhánh Quảng Ngãi (131 nhân viên công ty và 33 F1 liên quan).
-
Hà Nội thêm 40 ca dương tính, đề nghị hướng dẫn đi lại với người chích 2 liều
Trưa nay (6/9), Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 38 ca dương tính mới, cùng với 2 ca nhiễm buổi sáng, nâng tổng số nhiễm ghi nhận từ sáng đến trưa lên 40 ca, trong đó, chùm lây nhiễm phường Thanh Xuân Trung có 14 ca, Thanh Xuân Nam 7 ca.
Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 tính từ 29/4, Hà Nội ghi nhận 3,567 ca nhiễm (không tính số ca nhiễm tại các bệnh viện tuyến trung ương), trong đó có 1,564 ca cộng đồng.
Các chùm lây có số ca nhiễm tiếp tục tăng gồm:
- Chùm lây phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) tính từ 23/8 đến nay lên 477 ca;
- Chùm lây tại phường Văn Miếu và Văn Chương (quận Đống Đa), đến nay 207 ca;
- Chùm lây tại Tân Lập (huyện Đan Phượng) từ 28/8 đến nay 20 ca;
- Chùm sàng lọc người ho, sốt tại cộng đồng từ 1/8 đến nay ghi nhận 166 ca.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 5/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, thành phố đã kiến nghị Bộ y tế hướng dẫn cụ thể đối với những người đã chích đủ 2 liều vaccine thì “được phép đi lại, tham gia các hoạt động, sản xuất, tham gia công tác ứng phó dịch” như thế nào?.
Theo ông Dũng, đây là vấn đề đang được người dân trên địa bàn quan tâm nên “đề nghị Bộ sớm có quy định cụ thể”.
Đến nay, Hà Nội đã chích hơn 2.2 triệu liều, chiếm 26.65% dân số; công suất khoảng 150,000 liều/ngày. Bí thư Hà Nội cho rằng, tỷ lệ chích ngừa ở thủ đô còn thấp nên buộc phải thực hiện chặt chẽ các biện pháp khoanh vùng, cách ly.
-
Phát hiện F0 trong trường, 3 huyện ở Đắk Nông tạm dừng dạy học
Ngày 6/9, Sở GD&ĐT Đắk Nông cho biết, đã yêu cầu các đơn vị trên địa bàn 3 huyện Đắk R’lấp, Krông Nô và Cư Jút dừng dạy học trực tiếp tại trường từ ngày 6/9 đến khi có thông báo mới.
Các cơ sở giáo dục còn lại sẽ tổ chức học theo phương án giãn cách bảo đảm không quá 50% số học sinh/lớp/buổi.
Trước đó, vào sáng 5/9, một nữ sinh lớp 6 (ở xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp) dự lễ khai giảng năm học mới được test nhanh tại trường cho kết quả dương tính. Đến chiều cùng ngày, kết quả xét nghiệm PCR từ CDC Đắk Nông cũng cho dương tính.
Ngoài ca bệnh trên, giới chức địa phương xác định thêm 16 ca mắc COVID-19 liên quan đến chùm lây tại xã Quảng Tín. CDC Đắk Nông nhận định, đây là chùm lây nhiễm lớn, phức tạp, chưa rõ nguồn lây, cần phải mở rộng xét nghiệm diện rộng.
Chính quyền huyện Đắk R’lấp cũng đã áp dụng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đối với toàn xã Quảng Tín. Thời gian thực hiện là 14 ngày, tính từ 21h hôm qua (5/9).
-
Hàng ngàn đơn hàng SGK ở Đà Nẵng chưa giao được cho học sinh
Hôm nay 6/9, ngày đầu tiên học sinh Đà Nẵng cũng như học sinh của hầu hết các tỉnh/thành trên cả nước bước vào năm học mới với hình thức học trực tuyến.
Tuy nhiên, theo các công ty sách và thiết bị trường học tại Đà Nẵng, hiện còn hàng ngàn đơn hàng sách giáo khoa (SGK) đã chốt với phụ huynh nhưng chưa thể giao với lý do chưa được cấp phép hoạt động trong điều kiện địa phương đang giãn cách phòng dịch.
Còn theo khảo sát từ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, hiện có khoảng 40% học sinh toàn thành phố chưa mua được SGK mới, 50% học sinh chưa mua được đồ dùng học tập.
Ông Lê Ngọc Thạnh, đại diện nhà sách Fahasa tại Đà Nẵng cho biết, hiện 3 chi nhánh của Fahasa tại quận Thanh Khê và Hải Châu có gần 1,000 đơn SGK nhưng không thể giao cho phụ huynh và học sinh vì không nằm trong diện được phép hoạt động theo quy định của thành phố.
Fahasa đã đăng ký, chờ phê duyệt để hoạt động 30% nhân lực soạn đơn hàng. Đơn vị vận chuyển để giao cũng đã có.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Cần, Giám đốc Công ty sách, thiết bị trường học Đà Nẵng cho biết, hơn tháng nay Công ty có đến gần 2,000 đơn ở 6 quận/huyện nhưng đều phải ngưng lại, không mở cửa được, không soạn đơn được.
Theo ông Cần, đơn vị đang xin phép hoạt động 30% nhân lực để có thể soạn đơn hàng, chuẩn bị sách và đồ dùng học tập cho học sinh. Ông Cần cho biết thêm, hiện hệ thống nhà sách của đơn vị đã có mặt ở các quận/huyện, nhân lực liên quan cũng được chích vaccine.
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trong 2 tuần đầu, học sinh sẽ được ôn tập, củng cố kiến thức. Sau đó, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Sở sẽ đề nghị thành phố cho phép các đơn vị vận chuyển SGK và đồ dùng học tập cho học sinh.
-
Giá vàng duy trì mức cao nhất trong 1 tháng, SJC tăng mạnh
Sau khi đột phá trong phiên cuối tuần trước, sáng nay (6/9), giá vàng thế giới dao động trong khoảng cao nhất 1 tháng, từ 1,825-1,830 USD/ounce.
Cuối tuần qua, sau khi thông tin về thị trường làm việc ở Hoa Kỳ được công bố, các nhà phân tích cho rằng, vàng có thể đang khởi động một đợt tăng mới với mục tiêu hoàn toàn khả thi là 1,900 USD/ounce khi Fed trì hoãn kế hoạch giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng.
Chiến lược gia tiền tệ tại Forexlive.com Adam Button cho biết, tăng trưởng của Hoa Kỳ có thêm các dấu hiệu khác đáng thất vọng trong quý 3 lan sang quý 4, vàng sẽ phá vỡ ngưỡng kháng cự ở mức 1,834 USD và tiếp tục tăng cao hơn.
Tại Việt Nam, mở cửa giao dịch ngày đầu tuần 6/9, giá vàng SJC được công ty Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá: Mua vào 56.8 triệu đồng/lượng, bán ra 57.7 triệu đồng/lượng, tăng 200,000 đồng/lượng, so với những ngày qua thì đây là mức tăng mạnh nhất.
Trong khi đó, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mức: Mua vào 56.75 triệu đồng/lượng, bán ra 57.45 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuối tuần trước.
-
2 áp thấp nhiệt đới đang hoạt động, biển Đông sắp đón cơn bão mới
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hôm nay (6/9) tại vùng biển đông nam Philippines có hai cơn áp thấp nhiệt đới đang hoạt động.
Dự báo: Từ đêm 8 đến ngày 9/9, một trong 2 áp thấp nhiệt đới này sẽ đi vào phía bắc Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến ngày tiếp theo, bão tiếp tục đi theo hướng về khu vực vịnh Bắc bộ và các tỉnh Bắc bộ.
Ngoài ra, Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo thêm, từ đêm ngày 7-9/9, mưa dông ở các khu vực có khả năng gia tăng, riêng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng mưa to, cục bộ có mưa rất to.
Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to nguy cơ cao sạt lở đất lũ quét ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng, thấp.
Nội dung sáng 6/9:
|
-
Vượt 524,300 ca nhiễm, gần 13,100 ca tử vong
Tính từ đầu dịch đến sáng 6/9, Việt Nam có 524,307 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số mắc là 520,013 ca. Có 288,953 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 13,074 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc.
Trong ngày hôm qua (5/9), Việt Nam ghi nhận 13,137 ca mắc mới tại 37 tỉnh/thành, trong đó có 7,521 ca cộng đồng; tăng 3,580 ca so với ngày 4/9, riêng Tp HCM tăng 2,122 ca, Bình Dương tăng 1,055 ca, Đồng Nai tăng 251 ca, Long An tăng 212 ca, Kiên Giang tăng 220 ca. Ngày 5/9 Việt Nam có 281 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại 11 tỉnh/thành.
Trong số 6,291 bệnh nhân COVID-19 nặng đang được điều trị, có 5,222 ca thở oxy; 1,069 ca thở máy và ECMO.
-
Hà Nội chưa xử phạt người không có giấy đi đường theo mẫu mới
Sáng nay (6/9), Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách theo 3 phân vùng như sau:
- Phân vùng 1 (vùng đỏ): Áp dụng theo Chỉ thị 16 và một số biện pháp mức cao hơn tại 10 quận/huyện (Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai) và tại một phần của 5 quận/huyện (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín).
- Phân vùng 2 (vùng vàng): Áp dụng theo Chỉ thị 15 và 15+ tại 5 quận/huyện (Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh).
- Phân vùng 3 (vùng xanh): Áp dụng chỉ thị 15 hoặc cao hơn tùy đặc điểm từng phân khu tại 10 quận/huyện (Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên) và tại một phần của 5 quận/huyện thuộc phân vùng 1 (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín).
Trước đó, tối 5/9, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, trong 2 ngày 6-7/9, thành phố chỉ kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện giấy đi đường mẫu mới và xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.
Bắt đầu trong sáng nay (6/9), các chốt kiểm soát sẽ bắt đầu kiểm tra người đi đường, dừng xe để đo thân nhiệt, kiểm tra giấy đi đường có mã nhận diện QR theo mẫu mới. Đối với những trường hợp chưa có mẫu giấy mới thì vẫn thực hiện kiểm tra theo mẫu giấy cũ.
-
Hà Nội cho phép hàng quán ở ‘vùng xanh’ Gia Lâm bán đồ ăn mang về
Từ hôm nay ngày 6/9, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ ăn mang về tại 19/22 xã, thị trấn “vùng xanh” trên địa bàn. Các khu vực được áp dụng mức độ giãn cách như sau:
- Vùng đỏ: giữ nguyên mức Chỉ thị 16, sẽ có chốt cứng tại các tuyến đường ngang, ngõ tắt;
- Vùng cam: thực hiện Chỉ thị 15+, cho phép các hoạt động sản xuất thiết yếu, các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tư nhân được phép hoạt động, nhưng phải đảm bảo “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”;
- Vùng xanh: sẽ thực hiện như trên.
-
Bình Dương nới lỏng giãn cách, cấp thể xanh cho người chích đủ 2 liều vaccine
Từ hôm nay ngày 6/9, tỉnh Bình Dương nới lỏng giãn cách xã hội tại 4 huyện gồm: Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên, chuyển sang chỉ Chỉ thị 15+.
Tại 4 huyền này, đối với người ở trong “vùng xanh” đã chích đủ 2 liều vaccine sẽ được cấp “thẻ xanh” để ra đường, còn người đã chích 1 mũi sẽ được cấp “thẻ vàng”, khi ra đường phải kèm theo giấy xét nghiệm. Trường hợp người dân chưa chích thì không được ra đường.
Ngoài ra, từ ngày 6-9/9 người dân tại 4 huyện này sẽ chỉ được lưu thông trong huyện, từ ngày 10/9 đến 15/9 được lưu thông liên huyện nhưng phải áp dụng phân luồng. Đối với các “vùng xanh” cũng sẽ giảm bớt các chốt kiểm soát.
Riêng với các đô thị còn lại của Bình Dương là những vùng đông dân, đang là “vùng đỏ đậm đặc”, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường tới ít nhất ngày 15/9, bao gồm: thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, thị xã Tân Uyên và Bến Cát. Người dân trong khu vực này, kể cả đã chích vaccine thì cũng chưa thể ra đường.
Sau khi có thông tin việc Bình Dương sẽ cho thông hành đối với những người đã chích vaccine, trong ngày 5/9, người dân đã tập trung rất đông ở các điểm chích ngừa.
Tối cùng ngày, sau khi Sở Y tế Bình Dương thông tin về 3,540 ca mắc mới trong ngày (tăng trở lại hơn 42% so với ngày 4/9), tỉnh đã tiếp tục đưa vào vận hành Bệnh viện dã chiến số 5 với quy mô 1,580 giường.
Như vậy, đến nay, tỉnh Bình Dương đã thành lập 7 bệnh viện dã chiến với hơn 20,000 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ở cả 3 tầng. Hiện có 51,957 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh.
-
Khánh Hòa: 6 xã/phường ở Nha Trang về ‘mức bình thường mới’
Ngày 6/9, lãnh đạo Tp Nha Trang cho biết, 6/27 xã, phường sẽ trở lại ‘mức bình thường mới’. Ngoài ra, thành phố này đang xem xét nới lỏng phong tỏa, cho phép chợ truyền thống hoạt động trở lại ở một số khu vực.
Theo CDC Khánh Hoà, tính đến ngày 5/9, toàn tỉnh ghi nhận 6,881 ca dương tính. Nha Trang vẫn là địa phương có số nhiễm nhiều nhất với 3,972 ca.
-
Trạm thu phí cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoạt động trở lại
Từ 6h hôm nay ngày 6/9, trạm Km6 cao tốc Nội Bài – Lào Cai thu phí trở lại sau hơn 45 ngày dừng hoạt động để ứng phó dịch bệnh.
Theo đó, các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc sẽ thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ từ trạm thu phí đầu vào đến nút giao xe ra.
Khu vực trạm thu phí này thuộc vùng 2 theo quy định tại Chỉ thị 20 của TP Hà Nội, nên sẽ áp dụng các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 15 kể từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9.
Trước đó, ngày 19/7, trạm cao tốc Nội Bài – Lào Cai dừng hoạt động theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Cụ thể, việc tạm dừng thu phí được thực hiện đến khi địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Hiện toàn quốc có 26 dự án BOT, 3 dự án đường cao tốc và 23 trạm đang tạm dừng thu phí.
-
Long An đề nghị được hỗ trợ thêm gần 2,400 tấn gạo
Ngày 5/9, tỉnh Long An có văn bản đề nghị hỗ trợ gần 2,400 tấn gạo cho gần 160,000 người là công nhân, người làm việc tự do đang tạm trú tại các nhà trọ trên địa bàn, định mức hỗ trợ là 15 kg/người.
Trước đó, tỉnh Long An đã nhận 807 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho hơn 17,600 gia đình nghèo, cận nghèo với 53,800 người.
Từ ngày 19/7, Long An thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm