Tin Việt Nam ngày 5/9: Hơn 13,100 ca mắc mới, thêm 281 ca tử vong, Sài Gòn không đổi giấy đi đường, mở lại chợ đầu mối Bình Điền, Hà Nội phong tỏa 1 tòa chung cư ở Time City, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh điều chỉnh giãn cách, An Giang, Bạc Liêu chuyển áp dụng từ CT16 xuống CT15
Nội dung tối 5/9:
|
-
Hơn 13,100 ca mắc mới, riêng Tp HCM hơn 6,000 ca
17h ngày 5/9, Bộ Y tế thông báo về 13,137 ca mắc mới gồm 36 ca nhập cảng và 13,101 ca tại 37 tỉnh/thành, trong đó có 7,521 ca cộng đồng.
Cụ thể, hơn 13,000 ca mới phân bổ chủ yếu tại Tp HCM (6,226), Bình Dương (3,540), Đồng Nai (1,243), Long An (756), Kiên Giang (345), Tiền Giang (133), Cần Thơ (100), Tây Ninh (91), Đồng Tháp (78), Khánh Hòa (74), An Giang (73), Đà Nẵng (64), Hà Nội (53), Bà Rịa – Vũng Tàu (51), Nghệ An (48)…
So với ngày 4/9, số mắc trong ngày 5/9 tại Việt Nam tăng 3,580 ca, trong đó, riêng Tp HCM tăng 2,122 ca, Bình Dương tăng 1,055 ca, Đồng Nai tăng 251 ca, Long An tăng 212 ca, Kiên Giang tăng 220 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có tổng cộng 524,307 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 520,013 ca. Có 288,953 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành ghi nhận số mắc cao là Tp HCM (251,414), Bình Dương (132,433), Đồng Nai (28,549), Long An (25,085), Tiền Giang (10,571).
-
Thêm 281 bệnh nhân COVID-19 tử vong, riêng Tp HCM 222 ca
Về số bệnh nhân tử vong, trong ngày, theo số liệu được công bố, Việt Nam ghi nhận 281 ca tử vong tại 11 tỉnh/thành, riêng Tp HCM 222 ca, Bình Dương 38 ca, Tiền Giang 5 ca, Cần Thơ 4 ca…
Đến nay, tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam là 13,074 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc.
Về tình hình điều trị, trong ngày có 9,211 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 291,727 ca. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6,291 ca, trong đó, số bênh nhân thở oxy qua mặt nạ 5,222 ca, số ca thở máy và ECMO là 1,069 ca.
-
Tp HCM không đổi giấy đi đường, mở lại chợ đầu mối Bình Điền
Tại cuộc họp báo chiều 5/9, ông Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát Tp HCM cho biết, vẫn giữ nguyên giấy đi đường đang sử dụng nếu thành phố gia hạn thời gian giãn cách xã hội sau ngày 6/9.
Theo ông Hà, thành phố kéo dài thời gian giãn cách đến ngày nào thì cảnh sát thành phố sẽ kéo dài thời hạn của giấy đi đường đến ngày giãn cách đó.
Trước đó, Tp HCM siết giãn cách xã hội từ 23/8 đến 6/9. Giấy đi đường do cảnh sát cấp cũng có thời hạn đến ngày 6/9.
Cũng trong chiều 5/9, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương Tp HCM cho biết, đã tham mưu cho thành phố về việc mở lại chợ truyền thống tại các quận/huyện.
Theo ông Phương, sau khi mô hình đi chợ hộ ổn định, thành phố sẽ tính toán mở lại chợ truyền thống, dự kiến ngày 7/9 mở lại chợ đầu mối Bình Điền để cung ứng nguyên liệu cho các bếp ăn, các cửa hàng.
-
Hà Nội thêm 53 ca dương tính trong ngày, phong tỏa 1 tòa chung cư ở Time City
Chiều 5/9, Hà Nội ghi nhận thêm 7 ca dương tính mới, nâng tổng số nhiễm cả ngày lên 53 ca, trong đó có 2 ca cộng đồng, 38 ca trong khu vực cách ly, 13 ca khu vực phong tỏa.
Hiện tổng số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) đến nay là 3,527 ca, trong đó số mắc cộng đồng là 1,563 ca.
Chiều cùng ngày, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cách ly tòa T1, khu đô thị Times City sau khi xác định 4 ca dương tính mới đều trong một gia đình ở tầng 27, gồm vợ, chồng và hai con gái (9 và 14 tuổi).
Theo ghi nhận vào chiều 5/9, trước sảnh tòa nhà T1, cảnh sát dựng rào chắn, nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm, hơn 1,800 cư dân ở 450 căn hộ được yêu cầu không ra khỏi khu vực.
Thực phẩm do các gia đình mua trực tuyến sẽ được chuyển đến và Ban quản lý toà nhà sẽ liên hệ với từng căn hộ. Các gia đình để rác thải vào túi nylon, xịt khử khuẩn và để trước cửa vào thời gian cố định trong ngày.
-
Nghệ An điều chỉnh giãn cách, nới lỏng ở 23 khu vực tại Tp Vinh
Chiều 5/9, tỉnh Nghệ An thông báo điều chỉnh áp dụng biện pháp giãn cách trên địa bàn 21 huyện, thành phố và thị xã kể từ 0h ngày 6/9, sau nhiều ngày tại nhiều địa phương không có ca COVID-19 trong cộng đồng. Cụ thể:
- Giãn cách theo Chỉ thị 16 với 6 khu vực: Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn và thị xã Cửa Lò;
- Giãn cách theo Chỉ thị 15 với 3 khu vực: Đô Lương, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai;
- Giãn cách theo Chỉ thị 19 gồm 11 huyện còn lại ở “vùng xanh”.
Tại Tp Vinh, phường Hồng Sơn, Vinh Tân và 32 khối xóm của 12 phường, xã, thành phố vẫn áp dụng cao hơn một mức so với Chỉ thị 16 (Chỉ thị 16 nâng cao) trong 3 ngày, từ 0h ngày 6/9.
22 phường, xã còn lại của thành phố Vinh sẽ chuyển từ Chỉ thị 16 nâng cao về Chỉ thị 16, riêng xã Hưng Hòa áp dụng Chỉ thị 15. Thời gian từ 0h ngày 6/9 cho đến khi có thông báo mới.
Theo kế hoạch, ngày mai (6/9) các siêu thị, trung tâm thương mại, quán tạp hóa tại Tp Vinh sẽ được mở cửa bán trở lại với điều kiện bảo đảm phòng dịch theo quy định.
Dự kiến, Tp Vinh sẽ phát thẻ mua hàng cho người dân, giống như hình thức thẻ đi chợ. Thẻ này sẽ dùng để mua sắm tại các siêu thị và được cắt góc. Tuy nhiên đến chiều 5/9, người dân thành phố vẫn chưa nhận được thẻ mua hàng này.
Trước đó, từ ngày 20/8, tỉnh Nghệ An áp dụng giãn cách toàn tỉnh theo 2 mức với 14 huyện, thành, thị theo Chỉ thị 16; 7 đơn vị cấp huyện còn lại áp dụng Chỉ thị 15.
Từ 13/6 đến nay, Nghệ An có 1,681 ca nhiễm và nghi nhiễm tại 21 địa phương, trong đó, Tp Vinh có 600 ca, huyện Yên Thành 196 ca, Quỳnh Lưu 146 ca.
-
Thanh Hóa gỡ bỏ kiểm soát 4 khung giờ trong ngày
Chiều 5/9, thành phố Thanh Hoá thông báo thay đổi việc kiểm soát người và phương tiện đi lại trong nội thành trong thời gian giãn cách từ ngày 6/9 đến hết 8/9.
Cụ thể, trong 4 khung giờ, buổi sáng 6h30-7h15, 11h15-12h; buổi chiều 13h-13h40 và 16h30-17h30, người dân qua các chốt kiểm soát trong khu vực nội thành sẽ không cần xuất trình giấy tờ.
Ngoài các khung giờ nêu trên, nếu phải đi làm tại cơ quan, cán bộ, nhân viên phải có giấy giới thiệu do cơ quan chủ quản cấp. Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị người dân đi làm sớm hơn và tan muộn hơn các khung giờ quy định để giảm mật độ giao thông.
Từ 27/4 đến chiều 5/9, Thanh Hóa ghi nhận hơn 380 ca COVID-19, hơn 220 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phổi, gần 140 người ra viện, 1 ca tử vong. Tỉnh Thanh Hoá đang giãn cách, phong tỏa 3 huyện Nông Cống, Nga Sơn, Hậu Lộc và thành phố Thanh Hóa.
-
Hà Tĩnh kết thúc cách ly với hơn 9,600 dân xã Tùng Lộc
Ngày 5/9, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh vừa quyết định dỡ bỏ cách ly theo Chỉ thị 16 đối với xã Tùng Lộc gồm 10 thôn với 2,316 gia đình và 9,699 người, bắt đầu từ 0h ngày 6/9.
Trước đó, ngày 3/9, tỉnh Hà Tĩnh cũng quyết định kết thúc cách ly với thị xã Hồng Lĩnh theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Toàn xã Tùng Lộc bị cách ly theo Chỉ thị 16 của Chính phủ từ ngày 19/8, còn Thị xã Hồng Lĩnh bị cách ly theo Chỉ thị 16 kể từ ngày 18/8 sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
-
An Giang, Bạc Liêu nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15
Chiều 5/9, tỉnh An Giang đồng thuận việc áp dụng thực hiện các biện pháp phòng dịch sau ngày 5/9 theo Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh. Thời gian áp dụng: từ 0h ngày 7/9 cho đến khi có thông báo mới.
Đối với các xã, phường, thị trấn thuộc “vùng cam”, “vùng đỏ”, tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Người dân vẫn tiếp tục bị hạn chế việc ra đường, yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; người dân không được ra đường sau 18h đến 5h sáng hôm sau.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát được hoạt động kinh doanh theo hình thức bán mang đi hoặc giao hàng tại nhà, không được phục vụ tại chỗ; bảo đảm khoảng cách.
Tương tự tại tỉnh Bạc Liêu, chiều cùng ngày, tỉnh này đã áp dụng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh theo mức độ nguy cơ. Cụ thể:
- Áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với 6 phường của Tp Bạc Liêu gồm: phường 1, 2, 3, 5, 7 và 8.
- Áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 tại các xã, phường còn lại của Tp Bạc Liêu và các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Đông Hải, thị xã Giá Rai. Thời gian: từ 3h ngày 6/9 đến 0h ngày 13/9.
Tính từ 27/4 đến nay, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 183 ca mắc COVID-19.
Nội dung chiều 5/9:
|
-
Bộ Y tế khuyến khích người dân tự test nhanh tại nhà
Ngày 4/9, trong bức thư gửi người dân Tp HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, xét nghiệm là chìa khóa để xác định nguồn lây nhiễm, cách ly và điều trị F0 kịp thời.
Ông Sơn cho biết, do dân số thành phố đông, nguồn nhân lực có hạn nên khả năng lặp lại xét nghiệm để loại bỏ nguồn lây nhiễm gặp hạn chế. Ngoài ra, tại một số nơi, điểm lấy mẫu xét nghiệm chưa bảo đảm an toàn sinh học có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm cho cả người lấy mẫu và người được lấy mẫu.
Theo đó, Thứ trưởng Sơn khuyến khích người dân tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên tại nhà.
Đến nay, Tp HCM đã trải qua hơn 3 tháng siết chặt giãn cách, từ 23/8 đến nay, người dân được yêu cầu “ai ở đâu yên đó”.
-
Tp HCM dự kiến kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu tại quận 7
Sáng 5/9, Chủ tịch quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết, dự kiến từ 20/9 tới, quận sẽ cho hoạt động kinh doanh trở lại đối với mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố.
Điều kiện để mở cửa là chích vaccine 2 liều, hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” và tuân thủ 5K. Thời gian đầu, quận cho phép hoạt động từ 6 đến 18h hàng ngày, khuyến cáo bán hàng trực tuyến, không bán trực tiếp, chỉ bán mang về.
Theo Chủ tịch quận 7, sau khi đủ điều kiện, cửa hàng sẽ được gắn bảng hộ kinh doanh ‘xanh’ hoặc hộ kinh doanh an toàn. Việc mở cửa trở lại thực hiện từng bước, từng ngành theo lộ trình.
Ông Anh cho biết thêm, tương tự, chợ truyền thống khi mở bán trở lại cũng cần có phương án cụ thể, đảm bảo phân luồng, có thể hoạt động theo ngày chẵn, ngày lẻ…
Trước đó, cách đây 3 ngày, quận 7 cùng huyện Củ Chi công bố kiểm soát được dịch. Đến hôm qua (4/9), làm việc với chính quyền Củ Chi, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, có thể chọn 2 địa phương này làm thí điểm việc chuẩn bị kịch bản “bình thường mới” tại Tp HCM sau ngày 15/9.
Trong đợt bùng phát dịch thứ 4, quận 7 ghi nhận 10,828 ca nhiễm, xếp thứ 11/22 quận, huyện tại Tp HCM.
-
Hà Nội thông báo 3 nhóm người làm lại giấy đi đường, DN lo lắng bị gián đoạn
Sáng 5/9, Cảnh sát Hà Nội thông báo về việc cấp giấy đi đường cho 6 nhóm người dân trong vùng 1 (gồm 10 quận/huyện). Cụ thể, 3 nhóm đơn vị nhà nước (gồm nhóm 1, 3, 4) giữ nguyên giấy cũ; 3 nhóm còn lại (gồm nhóm 2, 4, 6) sẽ cấp mẫu giấy mới.
- Nhóm 2: Các cán bộ, nhân viên, người làm việc của đơn vị, doanh nghiệp (DN) trực tiếp hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu. Nhóm này do Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cấp giấy đi đường.
- Nhóm 5: Người đi mua lương thực, thuốc sẽ do UBND cấp phường cấp.
- Nhóm 6: Người làm việc trong các cơ quan, DN và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ hoạt động công vụ hoặc công ích thiết yếu sẽ do cảnh sát xã, phường, thị trấn cấp.
Cảnh sát Hà Nội đề nghị người dân được cấp giấy đi đường cần khai báo y tế qua website suckhoe.dancuquocgia.gov.vn trước khi di chuyển.
Dự kiến từ ngày 6/9, Hà Nội sẽ bắt đầu kiểm tra giấy đi đường theo mẫu mới, tuy nhiên, một số DN lo lắng sẽ gián đoạn hoạt động khi nhân viên do chưa kịp hoàn tất giấy đi đường mới. Hoặc đến hôm nay (ngày 5/9) một số DN vẫn chưa nhận được phản hồi về hồ sơ xin xét duyệt giấy đi đường.
Trưa 5/9, Hà Nội ghi nhận 40 ca mắc mới nâng tổng số mắc từ sáng đến trưa lên 46 ca. Hiện Hà Nội có tổng số nhiễm là 3,722 ca, trong đó có 41 người đã tử vong.
-
Quảng Ngãi phong tỏa bệnh viện tư nhân lớn nhất tỉnh
Sáng 5/9, Sở Y tế Quảng Ngãi vừa ghi nhận thêm 15 ca dương tính mới, trong đó có 1 ca là nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa tư nhân Phúc Hưng và là F1 của ca F0 trước đó.
Trước đó, ngày 30/8, ca F0 trên ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) đến khám tại Bệnh viện Phúc Hưng và có tiếp xúc gần với nhân viên y tế này. Đến ngày 31/8, F0 trên mắc COVID-19, nhân viên y tế trên được cách ly tại bệnh viện.
Đến chiều 4/9, nhân viên y tế này có biểu hiện sốt nên được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính. Ngành y tế Quảng Ngãi đã phong tỏa toàn bộ Bệnh viện đa khoa tư nhân Phúc Hưng, xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ nhân viên tại đây.
Ngoài 1 ca là nhân viên y tế, có 2 ca trong khu vực phong tỏa và 11 ca liên quan tới chuỗi lây nhiễm tại Công ty Hoya Lens, tại KCN VSIP Quảng Ngãi, đã cách ly tập trung.
Tính từ ngày 26/6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 759 ca mắc mới, trong đó, 24 ca ở ổ dịch xã Nghĩa An (Tp Quảng Ngãi), 157 ca liên quan tới ổ dịch Chi nhánh Công ty Hoya Lens.
-
Đà Nẵng mở cửa trở lại nhiều hoạt động sau 20 ngày phong tỏa cứng
Bắt đầu từ 8h sáng nay (5/9), nhiều người ở vùng xanh được cấp mới giấy đi đường và đi chợ truyền thống, một số hoạt động cũng được mở cửa trở lại.
Người dân ở vùng xanh được đi chợ truyền thống với tần suất 5 ngày/lần; mỗi gia đình chỉ được 1 người đi chợ và phải có Giấy đi chợ QRCode theo quy định.
Các hoạt động như dịch vụ bổ trợ tư pháp, ngân hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ bổ trợ doanh nghiệp của các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất được mở trở lại.
-
Sóc Trăng điều chỉnh mức độ nguy cơ, mở cửa trở lại khách sạn, nhà hàng
Từ sáng nay (5/9), tỉnh Sóc Trăng thực hiện điều chỉnh mức độ nguy cơ dịch COVID-19 trên phạm vi 10 phường thuộc Tp Sóc Trăng từ mức “nguy cơ cao – vùng cam” sang mức “nguy cơ – vùng vàng”.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động nhưng phải bảo đảm an toàn phòng dịch.
Quán ăn, uống được phục vụ tại chỗ nhưng mỗi bàn không quá 2 người và các bàn cách nhau 4 m. Riêng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống ven các tuyến đường thuộc luồng xanh quốc gia không được bán phục vụ tại chỗ.
Học sinh được đến trường nhưng phải giảm số lượng trong phòng, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, không tập trung đông người. Các nhà máy, xí nghiệp, công ty được hoạt động bảo đảm phòng dịch.
Người dân không được tập trung quá 10 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất được lưu thông nhưng phải bảo đảm quy định.
Ông Nguyễn Văn Quận, Chủ tịch TP Sóc Trăng cho biết, từ ngày 5/9, thành phố sẽ có 32,000 học sinh làm thủ tục nhập học, tương đương với 32,000 phụ huynh đưa các em đến trường. Bên cạnh đó, có 10,000 doanh nghiệp sẽ mở cửa hoạt động trở lại và ít nhất mỗi doanh nghiệp có 4 công nhân thì sẽ có thêm 40,000 người ra đường. Theo ông Quận, từ 5/9, ước tính có thêm gần 100,000 người ra đường.
Từ ngày 27/4 đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng ghi nhận 959 F0. Trong đó, 461 người được điều trị khỏi bệnh.
-
Bình Thuận tìm người ở 12 địa điểm gồm chợ, cơ sở y tế liên quan ca nghi nhiễm
Trong 2 ngày 4 và 5/9, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận ra các thông báo yêu cầu những ai từng đến 11 địa điểm dưới đây liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để khai báo y tế, xét nghiệm và thực hiện cách ly do liên quan đến ca nghi nhiễm.
12 địa điểm gồm:
- Quán cà phê bà Linh, xã Phước Thể, từ 24/8 đến 2/9.
- Quán cháo Chị Yến, xã Phước Thể, từ 5h30 đến 6h30, các ngày từ 25-30/8.
- Quán Cơm Chị Tương, xã Phước Thể, từ 7h đến 7h30, các ngày từ 25-30/8.
- Chợ Phước Thể: Sạp cá bà Hường, sạp rau bà Ảnh, từ 8-9h, các ngày từ 25-30/8.
- Chợ Phước Thể: Sạp cá bà Sen, sạp rau bà Ảnh, thời gian từ 9h30 đến 10h, ngày 2/9.
- Phòng khám bác sĩ Thanh, xã Phước Thể, từ 6h ngày 30/8 đến hết 31/8.
- Tiệm tạp hóa Việt Nhiên, xã Phước Thể, từ 8-8h30, ngày 29/8.
- Bảo hiểm xã hội huyện Tuy Phong, thị trấn Liên Hương, từ 9-10h ngày 1/9.
- Tiệm vàng Thu Dung, thị trấn Liên Hương, từ 7h30-8h ngày 2/9.
- Phòng khám bác sĩ Nhân, thị trấn Liên Hương, từ 8-9h, ngày 2/9.
- Tiệm Mỹ phẩm Ngọc Hồ, khu phố 9, thị trấn Liên Hương, từ 16-16h30, ngày 2/9.
- Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong (phòng khám bệnh số 1, số 3, khoa xét nghiệm, khoa dược), từ 6h30-9h30, ngày 31/8.
Trước đó ngày 4/9, huyện Tuy Phong cách ly xã Phước Thể với hơn 3,000 gia đình, lập 5 chốt kiểm soát tại vị trí đường vào các khu dân cư…
Từ ngày 27/4 đến 18h ngày 4/9, huyện Tuy Phong ghi nhận 48 ca dương tính, trong đó có 7 ca sàng lọc cộng đồng ghi nhận vào ngày 4/9.
Nội dung sáng 5/9:
|
-
Vượt 511,200 ca nhiễm, gần 12,800 ca tử vong
Tính từ đầu dịch đến sáng 5/9, Việt Nam có 511,170 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số mắc là 506,912 ca. Có 279,742 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 12,793 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc.
Trong ngày hôm qua (4/9), Việt Nam ghi nhận 9,521 ca mắc mới tại 39 tỉnh/thành, trong đó có 4,734 ca cộng đồng; giảm 5,373 ca so với ngày 3/9. Tp HCM giảm nhiều nhất với 4,395 ca, Bình Dương giảm 1,191 ca, Đồng Nai tăng 6 ca, Long An giảm 20 ca, Tiền Giang giảm 6 ca. Ngày 4/9 Việt Nam có 347 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại 16 tỉnh/thành.
Trong số 6,572 bệnh nhân COVID-19 nặng đang được điều trị, có 1,101 ca thở máy và ECMO, 5,471 ca thở oxy.
-
Việt Nam đón chuyến bay quốc tế ‘hộ chiếu vaccine’ đầu tiên tại sân bay Vân Đồn
Chiều 4/9, máy bay số hiệu VN5311 chở 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đây là chuyến bay quốc tế đầu tiên áp dụng thí điểm “hộ chiếu vaccine”.
Theo quy định, những hành khách này phải chích đủ 2 liều vaccine COVID-19, trong đó liều cuối cùng chích trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảng.
Ngoài ra, hành khách phải có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính có hiệu lực trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảng và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận.
Sau khi làm thủ tục nhập cảng, toàn bộ số hành khách trên được đưa đi cách ly 7 ngày tại cơ sở cách ly của tỉnh Quảng Ninh. Toàn bộ nhà ga và thiết bị đón chuyến bay đều được phun khử trùng, khử khuẩn.
Từ tháng 2/2020 đến 4/9/2021, sân bay Vân Đồn đã đón 228 chuyến bay với 45,872 hành khách từ các nước trên thế giới trở về Việt Nam. Dự kiến, ngày 12/9 tới đây, sân bay Vân Đồn sẽ đón chuyến bay tiếp theo đưa các công dân về từ Hoa Kỳ.
-
Sài Gòn chọn Củ Chi và quận 7 thực hiện thí điểm ‘bình thường mới’
Sau ngày 15/9, Tp HCM dự kiến chọn Củ Chi và quận 7 thí điểm thực hiện “bình thường mới”.
Chính quyền thành phố cho biết, ở 3 đợt trước, huyện Củ Chi hầu như không xuất hiện dịch. Đến đợt thứ 4, dịch lây lan và huyện thực hiện Chỉ thị 16. Trong gần 6,000 F0 được ghi nhận, tỉnh không có trường hợp quá nặng và tử vong.
Bộ Y tế đề nghị Củ Chi tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; xét nghiệm cho các lực lượng tuyến đầu; kiểm soát người dân ra vào địa bàn và triển khai hộ chiếu vaccine…
-
Bình Dương huỷ bỏ ‘thẻ thông hành’ đã cấp, mở rộng bệnh viện hồi sức cấp cứu
Ngày 4/9, tỉnh Bình Dương yêu cầu tạm dừng việc cấp “thẻ thông hành” cho 6 nhóm người được phép ra đường sau 1 ngày thực hiện. Theo đó, tất cả số thẻ đã phát đều không có hiệu lực, người dân vẫn dùng giấy đi đường cũ.
Như vậy, từ 6h đến 18h, người dân được phép ra đường cho việc thiết yếu như mua nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh… Các chốt tiếp tục kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính có hiệu lực 3 ngày. Tại 15 phường phong toả cứng của Tp Thuận An, Dĩ An và Tx Tân Uyên, người dân ở trong nhà.
Tối cùng ngày 4/9, tỉnh Bình Dương cho hay, đã áp dụng việc bổ sung giường bệnh tại bệnh viện Hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bình Dương là Bệnh viện Quốc tế Becamex (đường Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An).
Cụ thể, Bình Dương bổ sung 482 giường điều trị bệnh nhân ở tầng 3 mô hình cơ sở điều trị tháp 3 tầng, trong đó có 37 giường điều trị, cấp cứu bệnh nhân mức nguy kịch và 345 giường mức độ nặng.
Hiện tại, Bệnh viện Hồi sức cấp cứu này đang có 437 giường, gồm 37 giường mức độ nguy kịch, 300 giường mức độ nặng (tầng 3); 100 giường mức độ vừa (tầng 2+).
Ngày 4/9, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, toàn tỉnh ghi nhận 2,485 ca mắc mới, giảm 32.4% so với hôm 3/9, nâng tổng số mắc trong đợt dịch thứ 4 lên 128,893 ca, hơn 75,000 bệnh nhân xuất viện, 1,059 người tử vong. Đáng chú ý, số ca cộng đồng đang có xu hướng giảm.
-
Gần 20 triệu học sinh của hơn 50 tỉnh/thành bước vào năm học mới
Sáng nay 5/9, gần 20 triệu học sinh tại 50 tỉnh/thành bước vào năm học mới với lễ khai giảng bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình.
Trong đó, Hà Nội và hơn 20 tỉnh/thành khác, chủ yếu ở miền Trung và Nam thực hiện khai giảng trực tuyến và qua truyền hình. Sau buổi lễ, hầu hết học sinh phải học trực tuyến.
Tại Quảng Ninh và hơn 20 địa phương ở miền núi phía Bắc, học sinh dự khai giảng trực tiếp với các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách…
TP HCM, vùng dịch lớn nhất cả nước với gần 250,000 ca COVID-19, 1.3 triệu học sinh bước vào năm học mà không có lễ khai giảng, chương trình học bắt đầu từ ngày 6/9. Học sinh tiểu học vào lớp muộn hơn 2 ngày, có 2 tuần làm quen với môi trường học trực tuyến trước khi bước vào chương trình. Ngoài ra Quảng Bình và Cà Mau cũng không tổ chức khai giảng.
Nhiều tỉnh phía Nam như Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Đồng Nai và Hậu Giang sẽ khai giảng muộn hơn, từ 13 đến 20/9, chưa quyết định tổ chức theo hình thức nào.
-
Cần Thơ giải thể một số bệnh viện dã chiến do số ca mắc giảm
Ngày 4/9, thành phố Cần Thơ quyết định áp dụng việc điều chỉnh điều trị COVID-19 ở các bệnh viện dã chiến trên địa bàn thành phố. Cụ thể:
- Các bệnh viện dã chiến: Bình Thủy, Cái Răng, Thới Lai, Thốt Nốt và Bệnh viện dã chiến số 1, Bệnh viện dã chiến số 2 giữ nguyên khả năng tiếp nhận bệnh nhân theo số giường điều trị;
- Bệnh viện dã chiến Phong Điền và Quân Dân Y kết thúc việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19, chuẩn bị cho việc khám, chữa bệnh trở lại;
- Bệnh viện Tai Mũi Họng giải thể và bàn giao Bệnh viện dã chiến số 4 cho quận Cái Răng để làm cơ sở cách ly tập trung;
- Bệnh viện Mắt – Răng Hàm Mặt giải thể và bàn giao Bệnh viện dã chiến số 5 cho Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ;
- Bệnh viện Ung bướu bàn giao Bệnh viện dã chiến số 6 cho cảnh sát thành phố để làm cơ sở cách ly tập trung F1.
- …
Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã thành lập 12 bệnh viện dã chiến, với quy mô công suất khoảng 2,500 giường. Việc giải thể bệnh viện dã chiến, khôi phục hoạt động khám chữa bệnh ở một số bệnh viện là do số ca mắc COVID-19 trên địa bàn đã giảm.
Tính đến chiều 3/9, các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID-19 đang điều trị 877 bệnh nhân, chiếm gần 17% tổng số giường bệnh.
Đường Phong tổng hợp
Xem thêm