Tin Việt Nam ngày 5/8: Hơn 7,200 ca mắc mới, gần 400 ca tử vong; Tp HCM tổ chức lại quy trình cấp cứu, tiếp nhận lô thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 đầu tiên; Hà Nội trưng dụng bến xe, sân vận động làm điểm trung chuyển nông sản
Nội dung trưa 5/8:
|
-
Hơn 3,300 ca mắc mới tại 32 tỉnh/thành, có 554 ca cộng đồng
18h ngày 5/8, Việt Nam ghi nhận 3,301 ca mắc mới gồm 3 ca nhập cảng và 3,298 ca ghi nhận tại 32 tỉnh/thành gồm: Tp HCM (1,537), Long An (526), Bình Dương (325), Đồng Nai (248), Khánh Hòa (96), Đồng Tháp (82), Bình Thuận (75), Hà Nội (69), Cần Thơ (52), Bà Rịa – Vũng Tàu (46), Phú Yên (38), Bến Tre (36), Ninh Thuận (32), Gia Lai (24), Đắk Lắk (23), Hải Dương (21), Quảng Ngãi (10), Quảng Nam (9), Bình Phước (8 ), Thái Bình (7), Đắk Nông (7), Thừa Thiên Huế (6), Hà Tĩnh (5), Lào Cai (5), Quảng Bình (2), Bắc Ninh (2), Bắc Giang (2), Thanh Hóa (1), Hưng Yên (1), Yên Bái (1), Bạc Liêu (1), Cà Mau (1). Trong đó có 554 ca trong cộng đồng.
Trong ngày 5/8, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 7,244 ca mắc mới gồm 5 ca nhập cảng và 7,239 ca (giảm 379 ca so với 4/8), trong đó, Tp HCM vẫn là địa phương nhiều nhất với 3,886, tiếp đến là Bình Dương 822 ca (giảm 60% so với 4/8), Long An 715 ca, Đồng Nai 358 ca, Tây Ninh 235 ca, Tiền Giang 169 ca, Đồng Tháp 114 ca, Bà Rịa – Vũng Tàu 112 ca. Hôm nay Hà Nội có 69 được công bố.
Tính đến chiều 5/8, Việt Nam có 185,057 ca nhiễm trong đó, tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay) là 181,153 ca. Hiện chỉ có 2 tỉnh/thành qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới là Quảng Ninh và Bắc Kạn; có 11 tỉnh/thành không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Bộ Y tế bổ sung gần 400 ca tử vong, Tp HCM và Bình Dương có 326 ca
Chiều 5/8, Bộ Y tế thông báo bổ sung thêm 393 bệnh nhân COVID-19 tử vong ghi nhận từ ngày 1-5/8 tại 16 tỉnh/thành, trong đó, Tp HCM nhiều nhất với 214 ca (từ ngày 4-5/8), tiếp đến là Bình Dương 112 ca (từ ngày 1-5/8), Tiền Giang 27 ca, Long An 9 ca, Đồng Tháp và Đồng Nai đều 8 ca, Bến Tre 4 ca, Vĩnh Long 3 ca; 8 tỉnh/thành gồm Sóc Trăng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Tp Hà Nội, Tp Đà Nẵng, Tp Cần Thơ mỗi nơi 1 ca.
Với 393 ca tử vong mới ghi nhận, hiện số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam là 2,720 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 486 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.
-
Tp HCM tổ chức lại quy trình cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19
Tại họp báo chiều 5/8, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thành ủy Tp HCM cho biết, về việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, thành phố cần tổ chức lại, rút ngắn một số quy trình, sắp xếp lại không gian để có thể tiếp nhận người bệnh, nhất là sơ cấp cứu và cấp cứu, đồng thời cần đảm bảo sự liên thông giữa các tầng điều trị.
Theo ông Mãi, trong 5 tầng điều trị, tầng 3, 4, 5 gần như đầy công suất. Hiện số ca điều trị tại thành phố ngày càng tăng, số người chuyển nặng nhiều, trong khi năng lực tiếp nhận, đội ngũ, trang thiết bị hạn chế. Ông Mãi cho rằng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa.
Sắp tới, thành phố sẽ có 5 bệnh viện tổng quy mô 1,000 giường bệnh, cuối tuần này có thể đưa vào vận hành thêm 1,000 giường điều trị tại tầng 3.
Ngoài ra, bên cạnh 4 bệnh viện ở tầng 5, Bệnh viện hồi sức cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu đã đạt quy mô 500 giường. Ngành y tế đang khẩn trương mở rộng theo kế hoạch 1,000 giường.
-
Lô thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 đầu tiên đã về tới Tp HCM
Bộ Y tế tối 5/8, cho biết 10,000 lọ thuốc kháng virus Remdesivir từ Ấn Độ đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là lô đầu tiên trong tổng số 1 triệu liều Remdesivir mà doanh nghiệp dược Ấn Độ cam kết cung cấp cho Việt Nam.
Trong đêm 5/8, sẽ có thêm 40,000 liều Remdesivir từ Ấn Độ đến Việt Nam. Số thuốc còn lại trong 1 triệu liều sẽ về Việt Nam trong tháng 8.
Trao đổi với truyền thông, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, số thuốc Remdesivir nói trên sẽ được phân bổ cho Tp HCM và các tỉnh đang có dịch COVID-19, gồm cả Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Y tế, ngày mai (6/8), thuốc này sẽ được bổ sung vào phác đồ điều trị COVID-19. Sắp tới, Việt Nam cũng nhận thêm 500,000 lọ Remdesivir do một tập đoàn lớn mua từ Ấn Độ gửi tặng Bộ Y tế.
Remdesivir là thuốc kháng virus chích qua đường tĩnh mạch, được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận từ cuối tháng 10/2020 để điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trung bình và nặng cần hỗ trợ oxy.
Hiện hơn 50 quốc gia gồm các nước EU, Hoa Kỳ, Úc, Singapore… sử dụng thuốc này trong phác đồ điều trị. Hiệu quả ban đầu cho thấy, các bệnh nhân dùng Remdesivir hồi phục nhanh hơn khoảng 4 ngày. Giá mỗi lọ thuốc Remdesivir khoảng 390 USD, trung bình mỗi bệnh nhân có liệu trình điều trị khoảng 5 ngày.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và sử dụng thuốc Remdesivir nếu không có chỉ định của bác sĩ.
-
Hà Nội thêm 24 F0 mới, tìm người đến điểm chích ngừa tại quận Hoàn Kiếm
Tối 5/8, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 24 ca dương tính mới (gồm 12 ca tại cộng đồng, 12 ca tại khu cách ly), phân bố tại 6 chùm ca bệnh, trong đó, chùm ho, sốt thứ phát (19); chùm nhà thuốc 95 Láng Hạ (1); chùm Bệnh viện Phổi Hà Nội (1); chùm Tân Mai, Hoàng Mai (1); chùm B6 Trại Găng, Hai Bà Trưng (1); chùm liên quan Tp HCM (1).
Như vậy, trong ngày 5/8, Hà Nội đã ghi nhận 71 F0 mới, nâng tổng số F0 tại thành phố trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 1,538 ca, trong đó có 924 F0 phát hiện trong cộng đồng và 614 F0 trong khu cách ly.
Chiều cùng ngày, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã phát đi thông báo khẩn, tìm người đến điểm chích ngừa vaccine COVID-19 tại trường THCS Trưng Vương, phường Hàng Bài từ 14h30 đến 16h ngày 3/8.
Theo thông báo, chính quyền quận Hoàn Kiếm yêu cầu người dân từng đến điểm chích ngừa trong khoảng thời gian trên cần tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế phường, Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm hoặc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội để khai báo và được hướng dẫn.
-
Khánh Hòa giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày mai
Ngày 5/8, tỉnh Khánh Hòa có công điện về việc thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 trong vòng 14 ngày kể từ 0h ngày mai (6/8).
Tỉnh Khánh Hòa nhận định, qua 2 lần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 15, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến rất phức tạp, số ca dương tính tiếp tục xuất hiện tại một số địa phương như Tp Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Nạn Ninh, huyện Diên Khánh. Theo đó, tỉnh này yêu cầu:
- Đối với Tp Nha Trang, áp dụng bổ sung các biện pháp ở mức cao hơn Chỉ thị 16;
- Đối với Tp Cam Ranh, các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh cần chủ động áp dụng các biện pháp bổ sung nâng cao;
- Đối với thị xã Ninh Hòa, cần tiếp tục rà soát, không để xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng và trong khu vực phong tỏa.
Tính đến ngày 5/8, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 2,916 ca mắc COVID-19, trong đó, thị xã Ninh Hòa và Tp Nha Trang vẫn là 2 địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất lần lượt là 1,404 và 1,228 ca.
-
Hà Nội trưng dụng bến xe, sân vận động làm điểm trung chuyển nông sản
Ngày 5/8, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị cho phép sử dụng Trung tâm Xúc tiến thương mại của Bộ NN&PTNT (địa chỉ: 489 Hoàng Quốc Việt, Q. Cầu Giấy) làm nơi tập kết trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh, các huyện lân cận để giảm tải cho chợ đầu mối bị phong tỏa.
Ngoài ra, Sở này đề nghị 5 vị trí trung chuyển hàng hóa là bến xe Yên Nghĩa (Q. Hà Đông), sân vận động huyện Thanh Trì, sân vận động huyện Hoài Đức và một số điểm khác của huyện Gia Lâm.