Tin Việt Nam ngày 4/10: BV Việt Đức đề nghị di chuyển bệnh nhân, 4 tuyến xe buýt đầu tiên ở Sài Gòn hoạt động trở lại
Nội dung chiều 4/10
Hà Nội tiếp tục ghi nhận ca mắc mới, BV Việt Đức đề nghị di chuyển bệnh nhân
Sáng 4/10, tại buổi làm việc với Bộ Y tế, lãnh đạo Bệnh viện (BV) Việt Đức cho biết, đã làm việc với BV Đại học Y Hà Nội chuyển bệnh nhân đến điều trị, dự kiến khoảng 200 người gồm cả bệnh nhân và người nhà; chuyển BV Thanh Nhàn 450 người; chuyển BV Đức Giang 350 người.
Trước đó, những F0 liên quan đến BV Việt Đức trên địa bàn Hà Nội đã chuyển sang BV Bệnh Nhiệt đới điều trị, các F1 tại BV này cũng đã di chuyển đến địa điểm cách ly tập trung từ rạng sáng 3/10 (khoảng 150 người).
Hiện còn 1,054 bệnh nhân, 1,018 người nhà, hơn 1,000 nhân viên đang có mặt trong khuôn viên BV. Đến nay tất cả những trường hợp này đã lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Trong ngày mai (5/10), BV Việt Đức sẽ phối hợp lấy mẫu xét nghiệm lần 3.
Trưa nay, CDC Hà Nội ghi nhận thêm 2 ca dương tính mới là người nhà và bệnh nhân tại BV Việt Đức, nâng số mắc từ sáng đến trưa 4/10 lên 7 ca.
Đến nay, 4 tỉnh/thành ghi nhận tổng cộng 41 ca nhiễm trong 5 ngày liên quan đến BV Việt Đức, trong đó, Hà Nội 33 ca, Nam Định 4 ca, Hà Tĩnh 2 ca, Hưng Yên và Hải Dương mỗi nơi 1 ca.
Người dân Sài Gòn dùng chung một mã QR, 4 tuyến xe buýt đầu tiên hoạt động trở lại
Ngày 4/10, Sở Thông tin Truyền thông Tp HCM đã ra văn bản gửi các đơn vị về việc triển khai đồng bộ dữ liệu y tế vào ứng dụng PC-COVID.
Theo đó, người dân Tp HCM sẽ sử dụng một mã QR trên toàn quốc. Mã QR này sẽ được quét tại các điểm đến như chợ, nơi mua sắm hàng hóa, khám chữa bệnh, vận chuyển hàng hóa, lưu thông. Trong trường hợp không có điện thoại di động, người dân in mã QR cá nhân ra giấy hoặc nhựa để quét mã.
Mã QR sẽ được hiển thị màu xanh nếu người dân là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã chích ít nhất một liều sau 14 ngày; hiển thị màu đen với trường hợp chưa chích, hoặc đã chích một liều nhưng chưa đủ 14 ngày, hoặc hệ thống chưa có dữ liệu chích.
Cũng tại Tp HCM vào sáng cùng ngày, Sở Giao thông Vận tải cho biết, từ ngày mai (5/10), 4 tuyến buýt gồm 77, 90, 127 và 128 hoạt động trở lại ở huyện Cần Giờ với tần suất 60-90 chuyến/ngày.
Trước đó, từ ngày 16/9, huyện Cần Giờ đã nới lỏng và cho hoạt động một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, du lịch.
Sau 1/10, tại Tp HCM xe buýt dần chạy trở lại; taxi, xe du lịch cũng được chạy trở lại nhưng không vượt quá 20-30%. Ô tô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ cũng không quá 10% số xe doanh nghiệp…
Tp HCM hiện có 128 tuyến xe buýt, gồm 91 tuyến trợ giá và 37 tuyến không trợ giá.
An Giang cho F0 không triệu chứng cách ly tại nhà vì khu cách ly quá tải
Sáng 4/10, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch tỉnh An Giang cho biết, nhiều khả năng tỉnh sẽ chọn phương án cho người dân về nhà cách ly khi có kết quả PCR âm tính, chích đủ 2 liều vaccine để giảm tải cho các khu cách ly tập trung.
Trước đó, chiều 3/10, Sở y tế An Giang áp dụng cho F0 không triệu chứng được cách ly tại nhà.
Tỉnh An Giang cho biết, từ đêm 3 đến rạng sáng 4/10, dòng người ở Tp HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An tiếp tục đổ về qua cửa ngõ Đồng Tháp khoảng 40,000 người, trong đó có trên 5,000 người là người dân Đồng Tháp. Số dân hồi hương còn lại đi về An Giang, Kiên Giang và một số tỉnh khác.
Riêng An Giang đã đón trên 8,000 người, nâng tổng số người dân về quê từ ngày 1/10 đến sáng ngày 4/10 lên 26,000 người. Đáng chú ý, tại 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên đã đón gần 10,000 người. Hiện 2 huyện này đã trưng dụng hàng chục trường học làm nơi cách ly tập trung, nhưng đã có dấu hiệu quá tải.
Hồ thuỷ điện thiếu hụt nước, nguy cơ không bảo đảm cho các tháng mùa khô
Ngày 4/10, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, trong mùa mưa năm nay, tổng lượng nước về nhánh sông Đà chỉ bằng 61-80% so với trung bình nhiều năm, thiếu hụt khoảng 15 tỉ m3.
Đến đầu tháng 10/2021, tổng lượng nước tích được ở các hồ thuỷ điện Sơn La, Hoà Bình mới chỉ đạt khoảng 8.40 tỉ m3, thiếu hụt khoảng 4.19 tỉ m3 so với mực nước dâng bình thường
Nếu tần suất nước về tiếp tục duy trì, cùng với việc các nhà máy khai thác theo quy trình vận hành liên hồ, dự kiến đến ngày 31/12, tổng lượng nước tích được chỉ đạt 13.3 tỉ m3, thiếu hụt khoảng 1.78 tỉ m3 so với mực nước dâng bình thường.
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, trong thời gian tới, khả năng không bảo đảm được yêu cầu tích nước của các hồ chứa để chuẩn bị nguồn nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (dự kiến cần 3.4 tỉ m3), cũng như bảo đảm nước trong các tháng mùa khô 2022.
Để giải quyết khó khăn, ông Nguyễn Xuân Quý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết, tháng 3/2021 vừa qua, tỉnh Hoà Bình đã chấp thuận giải pháp hạ thấp đáy sông tại khu vực cửa kênh, khơi thông dòng chảy, dẫn nước vào trong cửa kênh, tiếp tục xử lý bằng bơm động lực đưa nước vào kênh.
Tuy nhiên, ông Quý cho hay, đến nay, Công ty vẫn chưa nhận được văn bản chấp thuận của tỉnh Hòa Bình.
Trạm thu phí cao tốc Tp HCM – Long Thành hoạt động lại sau 2 tháng tạm dừng
Trưa 4/10, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết, từ 0h ngày mai (5/10), điểm thu phí trên quốc lộ 51 của cao tốc Tp HCM – Long Thành – Dầu Giây hoạt động trở lại.
Cùng với trạm thu phí Long Phước, và trạm Dầu Giây, trạm thu phí quốc lộ 51 trên đặt tại huyện Long Thành (Đồng Nai) là 3 điểm thu phí của cao tốc Tp HCM – Long Thành – Dầu Giây đã bị tạm dừng hơn 2 tháng qua do dịch bệnh.
Trước đó hôm 1/10, trạm thu phí Long Phước ở Tp Thủ Đức hoạt động lại khi Tp HCM bắt đầu nới lỏng giãn cách.
Trạm Dầu Giây ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai thu phí trở lại từ hôm 20/9, đến ngày 2/10 tiếp tục tạm ngưng để phòng dịch.
Từ khi hoạt động trở lại, người dân tại các tỉnh Đông Nam Bộ vẫn chưa được tự đi lại giữa các địa phương nên xe chạy trên cao tốc chủ yếu thuộc diện “luồng xanh” chở hàng hoá cùng các nhóm công việc hỗ trợ phòng chống dịch, xe đưa người dân về quê.
Xem thêm