Tin Việt Nam ngày 31/7: Hơn 8,600 ca mắc mới, 145 ca tử vong, Hà Nội thu hơn 8 tỷ đồng tiền vi phạm phòng dịch, 22 tỉnh/thành giãn cách theo Chỉ thị 16 và 16 tăng cường, Giảm giá điện, giá gas tăng
Nội dung tối 31/7:
|
-
Thêm 4,564 ca mắc mới, Bình Dương và Tp HCM gần 2,900 ca
19h ngày 31/7, Việt Nam ghi nhận 4,564 ca mắc mới COVID-19 gồm 4 ca nhập cảng và 4,560 ca mắc tại các tỉnh gồm: Tp HCM (1,677), Bình Dương (1,207), Long An (544), Khánh Hòa (335), Đồng Nai (234), Đồng Tháp (115), Tây Ninh (72), Đà Nẵng (55), Hà Nội (43), Bà Rịa – Vũng Tàu (39), Bình Thuận (37), Phú Yên (30), Đắk Lắk (21), Bình Định (19), Cần Thơ (17), Hậu Giang (17), Bình Phước (14), Gia Lai (13), Nghệ An (11), Quảng Nam (10), Thừa Thiên – Huế (9), Đắk Nông (8 ), Ninh Thuận (5), Thanh Hóa (5), Vĩnh Phúc (4), Lâm Đồng (3), Hà Nam (3), Hải Dương (3), Hà Tĩnh (2), Ninh Bình (2), An Giang (2), Quảng Ngãi (1), Quảng Bình (1), Hải Phòng (1), Bạc Liêu (1).
Như vậy trong ngày 31/7, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 8,624 ca mắc mới, trong đó có 8,620 ca tại 41 tỉnh/thành. Tp HCM vẫn là địa phương có số ca mắc mới trong ngày nhiều nhất với 4,180 ca, tiếp đến là Bình Dương 2,075 ca, Long An 544 ca, Đồng Nai 456 ca, Khánh Hòa 335 ca, Đồng Tháp 146 ca, Tiền Giang 123 ca, Bà Rịa – Vũng Tàu 115 ca… Hà Nội hôm nay có 46 ca bệnh được công bố.
Tính từ 27/4 đến chiều ngày 31/7, Việt Nam có tổng cộng 141,877 ca bệnh COVID-19. 4 tỉnh/thành qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới là Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
-
Bộ Y tế thông báo về 145 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Tối 31/7, Bộ Y tế thông báo có 145 bệnh nhân COVID-19 tử vong số 1162-1306, ghi nhận từ ngày 19-31/7 tại 6 tỉnh/thành sau:
- Tp HCM có 90 ca, ghi nhận trong 13 ngày, từ 19-31/7;
- Tiền Giang có 47 ca, ghi nhận trong 10 ngày, từ 21-30/7;
- Tỉnh Đồng Tháp có 4 ca, ghi nhận trong ngày 31/7;
- Tỉnh Long An có 2 ca, ghi nhận trong ngày 30/7;
- Tỉnh Quảng Nam có 1 ca, ghi nhận trong ngày 30/7;
- Tỉnh Trà Vinh có 1 ca, ghi nhận trong ngày 31/7.
Với 145 ca tử vong mới được công bố, hiện số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Việt Nam là 1,306 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 441 ca; có 21 ca bệnh nguy kịch đang điều trị ECMO.
-
Hà Nội thêm 25 ca mắc mới, thu hơn 8 tỷ đồng tiền vi phạm phòng dịch
Tối 31/7, Hà Nội ghi nhận thêm 25 ca mắc mới COVID-19, trong đó 4 ca phát hiện tại khu cách ly và 21 ca phát hiện tại cộng đồng.
25 ca mắc mới được phát hiện tại 3 chùm ca bệnh gồm: Sàng lọc ho sốt cộng đồng (2); Ho sốt thứ phát (22); Liên quan Nguyễn Khuyến, Đống Đa (1).
Như vậy, trong ngày 31/7, thành phố Hà Nội ghi nhận tổng cộng 74 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số F0 tại Hà Nội từ ngày 29/4 đến nay là 1,174 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 700 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 474 ca.
Ngày 31/7, Cảnh sát Tp Hà Nội cho biết, từ 11h ngày 30/7 đến 11h ngày 31/7, giới chức thành phố lập hồ sơ xử phạt 689 trường hợp vi phạm phòng dịch với số tiền hơn 1.1 tỷ đồng. Cụ thể:
- Xử phạt 105 trường hợp về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, số tiền hơn 179 triệu đồng;
- Xử phạt 9 cơ sở không chấp hành việc tạm dừng hoạt động kinh doanh, số tiền 65 triệu đồng;
- Xử phạt 575 trường hợp về các hành vi vi phạm khác liên quan phòng dịch như: không thực hiện cách ly, tập trung đông người nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng quy cách…, số tiền 856.7 triệu đồng
Như vậy, sau 1 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Tp Hà Nội đã thu hơn 8 tỷ đồng tiền xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch.
-
Đã có 22 tỉnh/thành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16 tăng cường sau ngày 1/8
Ghi nhận lúc 18h ngày 31/7, tại Việt Nam, đã có 22 tỉnh/thành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 16 tăng cường sau ngày 1/8. Cụ thể như sau:
8 tỉnh/thành áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 gồm: Hà Nội (từ ngày 24/7), Quảng Nam-Hội An (từ ngày 31/7), Phú Yên (từ ngày 23/7), Tp Cần Thơ (từ 19/7 và tiếp tục thêm 14 ngày từ 31/7), Kiên Giang (từ ngày 31/7 và tiếp tục thêm 14 ngày), Đồng Tháp (tiếp tục thêm 14 ngày), Sóc Trăng (tiếp tục từ ngày 19/7), Trà Vinh (tiếp tục từ ngày 19/7)
14 tỉnh/thành áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 tăng cường (cấm và hạn chế ra đường sau 18h) gồm: Tp HCM (từ ngày 9/7), Bình Dương, Bình Phước (tiếp tục thêm 7 ngày, từ 2/8), Đồng Nai (tiếp tục thêm 15 ngày, từ 2/8), Tây Ninh, Đà Nẵng (từ ngày 31/7), Cà Mau, Bạc Liêu (tiếp tục từ 2/8), Vĩnh Long (tiếp tục thêm 7 ngày), An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Hậu Giang.
Trước đó, ngày 17/7, Việt Nam quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh/thành theo Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh/thành gồm: Tp HCM, Bình Dương, Đồng Nai (đã thực hiện); bổ sung TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Thời gian áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh/thành này từ 0h ngày 19/7, dự kiến kéo dài 14 ngày.
-
An Giang quy định khung giờ lưu thông hàng nông sản
Trong quyết định mới đưa ra chiều 31/7, tỉnh An Giang cho biết, tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh thêm 14 ngày, đến hết ngày 15/8.
Theo đó, người dân không được phép ra đường (lưu thông trên bộ và trên sông) từ 18h cho đến 5h sáng hôm sau, trừ trường hợp thật cần thiết; giảm số người làm việc tại các đơn vị dưới 50%, người ở nhà phải làm việc trực tuyến và không tự ý ra ngoài khi không thật sự cần thiết.
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang quy định, các phương tiện vận tải thủy, bộ vận chuyển hàng hóa gồm: lúa, gạo, nếp, cá, rau, củ và trái cây được phép lưu thông trong khung giờ từ 18h đến 5h sáng hôm sau.
Người điều khiển phương tiện vận chuyển các loại hàng hóa này phải bảo đảm các quy định về phòng dịch COVID-19.
-
Giảm giá điện, giảm tiền điện với khu vực đang giãn cách theo Chỉ thị 16
Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc giảm giá điện, tiền điện cho một số khách hàng sử dụng điện. Cụ thể:
Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, việc giảm tiền điện áp dụng tại các tỉnh/thành đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với mức giảm:
- Giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng;
- Giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên 200 kWh/tháng.
Thời gian hỗ trợ giảm cho nhóm khách hàng này là 2 tháng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 8 và tháng 9/2021.
Đối với các cơ sở cách ly người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 có thu một phần chi phí của người cách ly cũng sẽ được giảm 100% tiền điện trong các trường hợp: Doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly y tế tập trung không thu phí hoặc có thu một số khoản phí của người phải cách ly; mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc EVN và các đơn vị bán lẻ điện khác.
Thời gian hỗ trợ giảm cho nhóm khách hàng này là 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tháng 6/2021 đến kỳ hóa đơn tháng 12/2021.
-
Ngày mai, giá gas bán lẻ tăng thêm 12,000 đồng
Theo thông báo của Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương, từ ngày mai (1/8), giá gas Pacific Petro, City Petro, Vimexco Gas tăng 12,000 đồng/bình loại 12 kg và tăng 40,000 đồng/bình loại 45 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng tối đa 440,000 đồng/bình 12 kg và 1,648,500 đồng/bình 45 kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam thông báo giá bán PetroVIETNAM Gas cũng tăng với mức như trên. Theo đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng là 416,400 đồng/bình 12 kg và 1,561,795 đồng/bình 45 kg.
Còn đối với Saigon Petro, từ 1/8, giá gas tăng 12,000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 417,000 đồng/bình 12kg.