Tin Việt Nam chiều 3/9: Đề nghị mở lại hoạt động sản xuất tại Sài Gòn, Hà Nội phong toả thêm khu dân cư hơn 4,000 dân, Đồng Nai thêm cụm dịch mới ở BV tâm thần, hàng nghìn nhân viên đường sắt không thể tiếp cận gói hỗ trợ, Việt Nam nhập siêu chạm ngưỡng 4 tỷ đô la
Nội dung chiều 3/9:
|
-
Đề nghị mở lại hoạt động sản xuất tại Sài Gòn sau ngày 15/9
Ngày 3/9, Tổ tư vấn về chính sách đã đề nghị chính quyền thành phố tổ chức hoạt động sản xuất trở lại sau ngày 15/9.
Theo phương án hoạt động sản xuất trở lại, các doanh nghiệp (DN) sẽ nâng công suất theo lộ trình 30%-50%-70% và cao hơn, ưu tiên việc trở lại làm việc cho người làm việc sống ở vùng xanh hoặc không bị phong tỏa, không bố trí công việc cho người có mức độ rủi ro phơi nhiễm cao (phụ nữ có thai, bệnh nền, đang sống chung với F0).
Lộ trình tái khởi động hoạt động kinh tế tại Tp HCM được chia thành các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Công suất tối đa 30% so với bình thường và kéo dài ít nhất 5 ngày để ổn định hoạt động trước khi chuyển sang giai đoạn 2.
- Giai đoạn 2: Công suất tối đa 50%. DN không được bước vào GĐ2 cho đến khi xác định được hoạt động ở mức 30% đang vận hành tốt và sẵn sàng để tăng mức sản xuất.
- Giai đoạn 3: Công suất tối đa 70% cho đến khi được phép hoạt động lại 100% công suất. Với những DN chưa sẵn sàng, có thể tiếp tục với công suất như GĐ1 hoặc GĐ2.
Để tham gia vào lộ trình tái khởi động, DN phải đáp ứng các biện pháp bảo đảm an toàn. Tại nơi ở, người làm việc cần tuân thủ quy định về giãn cách.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp HCM (HUBA) đánh giá, việc các DN có thể hoạt động sản xuất trở lại sau ngày 15/9 hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết định và các phương án phòng dịch của thành phố trong thời gian sắp tới.
Theo ông Dũng, động lực lớn nhất để các DN hoạt động trở lại là phải nới lỏng các quy định “3 tại chỗ”. “Nếu sau 15/9, phương án “3 tại chỗ” không được nới lỏng thì câu hỏi đặt ra là DN nên tiếp tục cầm cự hay đóng cửa. Nếu tình hình các điều kiện kinh doanh không được cải thiện, tỷ lệ DN đóng cửa sẽ tiếp tục tăng cao”, Chủ tịch HUBA thẳng thắn nhìn nhận.
Ông Dũng cho rằng, cần có nhiều điều kiện để các DN sớm bắt nhịp hoạt động trở lại, trong đó có điều kiện vay vốn.
-
Hà Nội phong toả thêm khu dân cư hơn 4,000 dân, cách ly phường Thanh Xuân Nam
Sáng ngày 3/9, Chủ tịch quận Tây Hồ cho biết, đã tạm phong tỏa cụm dân cư với ngách 32, ngõ 76, phố An Dương, sau khi phát hiện một ca nhiễm mới là nữ (31 tuổi, bán bún ốc và đã nghỉ làm). Trước đó, bệnh nhân đi xét nghiệm và có kết quả khẳng định dương tính vào ngày 2/9.
Liên quan đến ca dương tính này, trong tối ngày 2/9, Trung tâm y tế quận đã lấy hơn 700 mẫu xét nghiệm sàng lọc. Hôm nay, sẽ tiếp tục lấy hơn 4,000 mẫu trên diện rộng trên địa bàn.
Cũng trong đêm 2/9, phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) đã phong tỏa khu nhà tập thể G7 và ngõ 477 Nguyễn Trãi trong 7 ngày (đến ngày 9/9), sau khi xác định 6 ca dương tính.
Đến trưa nay, Hà Nội ghi nhận thêm 30 ca dương tính mới, nâng tổng số ca mắc từ sáng đến trưa lên 43 ca, trong đó có 6 ca cộng đồng. Quận Thanh Xuân có 19 ca, trong đó 18 trường hợp đều ở phường Thanh Xuân Trung. Như vậy, chùm ca bệnh liên quan đến điểm nóng này đã có 412 F0.
Tổng số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) là 3,409 ca, trong đó số mắc cộng đồng 1,559 ca.
Trưa nay, phường Thanh Xuân Nam vừa thông báo khẩn, tìm người từng có mặt tại cửa hàng rau và hoa quả liên quan ca dương tính mới phát hiện.
Theo thông báo, người dân đã đến mua hàng tại hàng rau và hoa quả, tổ dân phố số 2 ngõ 477 Nguyễn Trãi, từ ngày 18/8 đến 1/9 cần khai báo với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.
-
Đồng Nai thêm cụm dịch mới ở BV tâm thần Trung Ương 2 với 109 ca nhiễm
Sáng 3/9, CDC tỉnh Đồng Nai ghi nhận thêm 975 ca dương tính mới, trong đó có 109 bệnh nhân được phát hiện tại cụm dịch ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Hiện còn 1,102 trường hợp test nhanh, mẫu gộp dương tính đang chờ kết quả khẳng định.
Tính đến nay, tỉnh Đồng Nai có tổng 26,417 ca nhiễm và 217 bệnh nhân tử vong. Trong đó, Tp Biên Hoà vẫn là địa phương có số nhiễm cao nhất với hơn 10,000 ca, tiếp đến là huyện Nhơn Trạch và huyện Vĩnh Cửu với gần 6,000 ca.
-
An Giang cách ly F1 nguy cơ thấp tại nhà
Hôm nay ngày 3/9, Sở Y tế tỉnh An Giang đã cho cách ly tại nhà đối với các F1 nguy cơ thấp khi bảo đảm các điều kiện theo quy định, và được địa phương chấp thuận. Nếu không đảm bảo điều kiện thì phải cách ly tại cơ sở tập trung.
Theo kế hoạch trên, đối tượng áp dụng cách ly tại nhà gồm:
- Người già trên 60 tuổi, trẻ em dưới 16 tuổi, thai phụ, người tàn tật, người mắc bệnh nặng đang điều trị theo toa của bệnh viện cần chăm sóc, hỗ trợ của người thân…, sẽ do cơ quan chức năng địa phương quyết định.
- Người tham gia phòng dịch như: y tế, quân đội, cảnh sát, tình nguyện viên, chuyển bệnh…
- Người ở cùng nhà với F1, người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ F1.
Thời gian cách ly tại nhà là 14 ngày liên tục, riêng người đã được cách ly tập trung 7 ngày thì tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo.
-
Tiền Giang tiếp tục xét nghiệm tầm soát diện rộng
Mới đây, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, ông Trần Thanh Thảo cho biết, địa phương đang đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát diện rộng nhằm tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Theo ông Trần Thanh Thảo, trong đợt 1 xét nghiệm, từ ngày 18/8 đến ngày 30/8/2021, trong 457,601 mẫu gộp được lấy, toàn tỉnh phát hiện 1,552 mẫu dương tính. Tiền Giang đang tiếp tục xét nghiệm đợt 2, tính đến ngày 2/9, trong 83,118 mẫu gộp được lấy, cũng đã phát hiện 218 mẫu dương tính.
Trong những ngày tới, tỉnh tiếp tục xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công. Đồng thời, chuẩn bị xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang.
Bên cạnh đó, Tiền Giang thực hiện phân tầng điều trị, thành lập 7 bệnh viện dã chiến cùng với Bệnh viện Truyền nhiễm số 6 (Bộ Quốc phòng) và Trung tâm Hồi sức bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn. Hiện tỉnh Tiền Giang đang thực hiện kéo dài giãn cách đến ngày 15/9.
Thành phố Mỹ Tho hiện là “điểm nóng”. Tính đến ngày 2/9, địa bàn đã phát hiện 5.110 F0, trong đó đã điều trị khỏi bệnh 1.560 trường hợp, 133 trường hợp tử vong.
Từ ngày 19/8, thành phố Mỹ Tho bắt đầu thực hiện phong tỏa. Sau 10 ngày, địa phương đã phát hiện 1.142 trường hợp dương tính qua xét nghiệm diện rộng. Từ ngày 29/8, thành phố tiếp tục kéo dài giãn cách cho đến khi có thông báo mới nhằm phục vụ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát diện rộng đợt 2.
-
Hàng nghìn nhân viên ngành đường sắt không thể tiếp cận gói hỗ trợ
Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, về việc hỗ trợ cho người lao động từ 1.85-3.7 triệu đồng, đơn vị không thể tiếp cận, bởi theo quy định, doanh nghiệp phải dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi đó đối với ngành đường sắt, không có cơ quan nào yêu cầu phải dừng mặc dù thực tế ngành phải dừng toàn bộ tàu khách. Một số tỉnh/thành dừng tàu khách là do thực hiện Chỉ thị 16 hoặc có văn bản đề nghị tàu không đón/trả khách tại địa phương để phòng dịch. Một số khác vẫn có thể chạy nhưng không có khách nên buộc phải dừng tàu.
Mặt khác, theo ông Hoan, đơn vị không tiếp cận được việc vay vốn để trả lương cho người làm việc vì trong Quyết định 23 có ưu tiên vận tải nhưng lại không ưu tiên người làm việc. Do đó, trước mắt đơn vị sẽ tạm hoãn hợp đồng làm việc (người làm việc không được hưởng gì).
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong đợt dịch thứ 4, ngành đường sắt có hơn 5,500 lượt người phải nghỉ việc do tàu khách dừng chạy hoàn toàn từ 25/8 trên toàn mạng lưới; tàu hàng Bắc-Nam bắt đầu giảm sút. Chỉ tính riêng tháng 9/2021, Hà Nội phải thỏa thuận tạm hoãn với hơn 690/769 nhân viên.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, với phương án dự kiến, giai đoạn này sẽ tạm hoãn hợp đồng với hơn 1,600 lượt lao động.
-
Việt Nam nhập siêu chạm ngưỡng 4 tỷ USD
Tổng cục Hải quan vừa cho biết, trong tháng 8/2021, tổng giá trị xuất nhập cảng giảm 5.8% so với tháng 7, trong đó xuất cảng giảm 6%, nhập cảng giảm 5.5%. Đáng chú ý, so với cùng thời kỳ năm trước, giá trị xuất cảng giảm hơn 5% nhưng nhập cảng lại tăng tới hơn 21%.
Riêng trong tháng 8, Việt Nam đã nhập siêu tới 1.3 tỷ USD, nâng tổng mức nhập trong 8 tháng đầu năm lên hơn 3.7 tỷ USD (trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu gần 13.7 tỷ USD).
Ở chiều xuất, các mặt hàng chủ yếu trong tháng 8 là dầu thô, clanhke và xi măng, gỗ và sản phẩm gỗ; nguyên phụ liệu dệt may, da giày. Ở chiều nhập, các mặt hàng là: xăng dầu, máy tính và điện tử, máy móc và thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, điện thoại và linh kiện, sắt thép, ô tô…
Việt Nam nhập siêu bắt đầu diễn ra từ tháng 6 tới nay, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, trong đó có nhiều khu công nghiệp phải tạm đóng cửa để phòng dịch, nhiều địa phương là trung tâm công nghiệp phải giãn cách xã hội.
Nội dung sáng 3/9:
|
-
Tổng số mắc vượt 486,700 ca, hơn 12,000 ca tử vong
Tính đến sáng nay 3/9, tổng số mắc tại Việt Nam là 486,727 ca, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay là 482,497 ca. Có 256,550 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Về số bệnh nhân COVID-19 tử vong, tính đến sáng cùng ngày, Việt Namcó tổng 12,138 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc.
Hôm qua 2/9, Việt Nam ghi nhận 13,197 ca mắc mới, tăng 1,757 ca so với ngày 1/9. Có 271 ca tử vong tại 18 tỉnh/thành. Hiện, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6,443 ca, trong đó, thở oxy qua mặt nạ 4,145 ca, thở oxy dòng cao HFNC 1,238 ca, thở máy không xâm lấn 176 ca, thở máy xâm lấn 858 ca vàECMO 26 ca.
-
Sài Gòn ghi nhận nhiều F0 là shipper khi test nhanh COVID-19
Những ngày qua , Sài Gòn đã bắt đầu mở lại hoạt động cho shipper tại các “vùng đỏ” và “vùng xanh” trên toàn thành phố. Tuy nhiên, chỉ riêng trong ngày 2/9, trong hơn 3,200 mẫu xét nghiệm phát hiện 30 shipper dương tính.
Phó giám đốc Sở Y tế Tp HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, trong 4 ngày qua (từ 30/8 đến nay), các trạm y tế lưu động đã xét nghiệm nhanh mẫu gộp 3 cho tổng 6,731 shipper và phát hiện 64 ca dương tính.
Việc shipper hoạt động trở lại đã giải quyết đáng kể nhu cầu về thực phẩm, hàng hoá của người dân. Tuy nhiên đây cũng là một trong những lực lượng có nguy cơ lây nhiễm cao nếu là F0.
-
Sở Y tế Tp HCM đề nghị bổ sung thêm 2 loại thuốc vào phác đồ điều trị COVID-19
Sở Y tế Tp HCM vừa áp dụng văn bản khẩn về việc xem xét sử dụng thuốc Reamberin và Cytoflavin trong điều trị bệnh nhân COVID-19 gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Cục Quản lý Dược.
Sở này cho biết, thuốc Reamberin và thuốc Cytoflavin đã được sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Nga, trong đó, Reamberin có chỉ định giảm oxy huyết và giải độc trong các trường hợp ngộ độc cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Còn Cytoflavin có chỉ định phòng đột quỵ thiếu máu cục giai đoạn cấp.
Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế xem xét bổ sung 2 thuốc trên vào phác đồ điều trị cho F0, để thành phố đưa thuốc vào sử dụng tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Trước đó ngày 24/8, Sở nàyđã nhận được công văn của Sở Ngoại vụ về việc xem xét khả năng tiếp nhận viện trợ thuốc Reamberin và thuốc Cytoflavin của Công ty Polysan (Nga).
Hiện thành phố đang sử dụng 2 loại thuốc kháng virus để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
-
Nghệ An thêm 2 ca tử vong, hơn 1,000 F0 đang điều trị
Tối 2/9, CDC Nghệ An cho biết, tỉnh đã ghi nhận 24 ca dương tính mới trong ngày, nâng tổng số nhiễm tính từ đầu mùa dịch lên1,594 ca tại 21 địa phương.
Ngoài ra, trong ngày 2/9, Nghệ An thêm 2 bệnh nhân nặng đã tử vong, nâng số bệnh nhân tử vong liên quan COVID-19 tại tỉnh lên 5 bệnh nhân. Hiện có 1,089 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị.
Tỉnh Nghệ An chưa có lò hỏa thiêu, với ca tử vong cần “hỏa táng”, đều phải chuyển vào Hà Tĩnh hoặc ra tận Thanh Hóa để thực hiện.
-
Thêm 3 ca liên quan Bệnh viện Hợp Lực, Thanh Hóa giãn cách thêm 1 huyện
Từ 18h ngày 2/9, tỉnh Thanh Hóa áp dụng thực hiện các biện pháp giãn cách toàn huyện Hậu Lộc theo Chỉ thị 15 trong 7 ngày sau khi huyện này ghi nhận 3 ca dương tính liên quan đến điểm dịch Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, Tp Thanh Hóa.
Trước huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 với 3 khu vực là Nông Cống, Nga Sơn và Tp Thanh Hóa.
Từ 18h ngày 1/9 đến 18h ngày 2/9, Thanh Hóa ghi nhận thêm 32 ca mắc COVID-19 tại 6 địa phương gồm: thị xã Nghi Sơn, huyện Nga Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc và Yên Định. Hiện tổng số mắc của tỉnh trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay là 357 ca.
-
Giá vàng giảm khi dòng tiền dồn vào chứng khoán
Đầu ngày 3/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1,810 USD/ounce, ghi nhận một phiên giảm 5 USD/ounce.
Đêm qua, giá vàng thế giới biến động không nhiều khi phần lớn nhà đầu tư lo ngại rủi ro trước khi Bộ Lao Động Hoa Kỳ công bố báo cáo số lượng việc làm mới vào cuối ngày hôm nay (3/9).
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư tập trung vốn vào cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đồng loạt “xanh” sàn. Đặc biệt tại Phố Wall, các chỉ số Dowjones tăng 131 điểm, Nasdaq tăng 21 điểm, S&P 500 tăng 12 điểm. Theo dự báo, giá vàng hôm nay không có cơ hội tăng giá
Tại Việt Nam, giá vàng sáng 3/9 không có biến động. ỞHà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56.70–57.42 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), còn ở Sài Gòn,giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56.70 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 57.40 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm