Tin Việt Nam ngày 29/9: Hơn 8,700 ca mắc mới, 162 ca tử vong, bổ sung kinh phí mua 20 triệu liều Vero Cell, quân đội tiếp tục ở lại Sài Gòn
Nội dung sáng 29/9
Vượt 770,000 ca nhiễm, có gần 560,000 ca khỏi bệnh
Tính đến sáng 29/9, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 770,640 ca nhiễm, 559,945 ca đã khỏi bệnh, 191,759 ca đang điều trị và 18,936 ca tử vong. Tính riêng đợt dịch thứ 4 (kể từ 27/4) đến nay, số ca nhiễm là 766,110 ca.
Hôm qua 28/9, Bộ Y tế thông báo về 4,589 ca mắc mới (giảm hơn 4,600 ca so với ngày 27/9), gồm 6 ca nhập cảng và 4,583 ca tại 34 tỉnh/thành, trong đó có 717 ca cộng đồng.
Các tỉnh/thành ghi nhận số mắc nhiều nhất gồm Bình Dương (2,575), Đồng Nai (787), Tp HCM (377), An Giang (232), Long An (159), Kiên Giang (70), Tây Ninh (55), Cần Thơ (52), Bình Thuận (48)… Ngoài ra, trong ngày, Tp HCM test nhanh kháng nguyên tại vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, ghi nhận 3,417 trường hợp dương tính và chưa được Bộ Y tế công bố mã bệnh.
Cũng trong ngày 28/9, Việt Nam có 21,487 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, số ca tử vong là 178 ca ghi nhận tại 13 tỉnh/thành, nhiều nhất là Tp HCM (131), Bình Dương (15).
Bộ Y tế đề nghị đưa test nhanh kháng nguyên vào mặt hàng bình ổn giá
Tối 28/9, trả lời chính thức về một số nội dung liên quan đến giá test nhanh kháng nguyên khác nhau được phản ánh gần đây, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đến nay Bộ Y tế chưa thực hiện việc mua sắm test nhanh kháng nguyên. Số test sử dụng thời gian qua là do địa phương mua sắm đấu thầu và được tài trợ.
Theo ông Thuấn, hiện Bộ Y tế đã hoàn thiện các loại định mức xét nghiệm và đã dự thảo Thông tư về mức giá xét nghiệm xin ý kiến trước khi áp dụng, đồng thời, Bộ đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test nhanh kháng nguyên vào mặt hàng bình ổn giá do mặt hàng này chưa được quy định trong luật.
Tính đến nay, có 97 test xét nghiệm COVID-19 đã được cấp phép, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).
Tp HCM và 3 tỉnh đề nghị người dân không tự phát về quê
Chiều 28/9, chính quyền Tp HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đề nghị người dân đang ở trong địa bàn tiếp tục ở lại, không tự phát về quê sau ngày 30/9.
Đồng thời, các địa phương này sẽ đón công nhân ở các tỉnh khác trở lại làm việc, cam kết bảo đảm an sinh xã hội và sớm khôi phục sản xuất, tạo công ăn việc làm.
Theo thống kê, hiện có 3.5 triệu người các tỉnh/thành trên toàn quốc đang làm việc tại Tp HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, trong đó có 2.1 triệu người đang có nguyện vọng về quê.
Hà Nội bỏ áp dụng ‘3 tại chỗ’ cho các doanh nghiệp
Ngày 28/9, trong phương án sản xuất an toàn gửi các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong khu công nghiệp (KCN), Ban quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội cho biết, có nới lỏng một số biện pháp phòng dịch và bỏ áp dụng phương án ‘3 tại chỗ’.
Ngoài ra, Ban quản lý quy định các DN sử dụng lao động như sau:
- Với người làm việc ngoại tỉnh, phải được đưa đón tập trung, khuyến khích tạm ở lại Hà Nội, hạn chế tối đa việc di chuyển giữa các tỉnh.
- Với người làm việc lưu trú trên địa bàn Hà Nội nhưng thuộc ‘vùng đỏ’, tạm dừng sử dụng hoặc phải thực hiện ‘3 tại chỗ’.
- Với người làm việc mà tại nơi lưu trú có F0 hoặc bản thân là F1 thì không được đến DN.
Đà Nẵng cho phép người dân tắm biển, mở lại nhiều hoạt động
Từ 0h ngày 30/9, Đà Nẵng sẽ chuyển sang trạng thái mới, mở lại một số hoạt động.
Đối với vùng đang thực hiện cách ly, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm “ai ở đâu ở đấy”, hoặc được thiết lập khi có ca mắc mới cộng đồng.
Đối với các vùng còn lại, ngoài 8 nhóm lĩnh vực được hoạt động trở lại và 7 nhóm chưa được phép hoạt động, thành phố cho phép mở lại chợ truyền thống với luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng/quầy hàng; có vách ngăn giữa người bán, người mua. Hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, tập trung không quá 30 người cùng một thời điểm.
Đáng chú ý, Đà Nẵng cho phép người dân tắm biển hàng ngày trong khung giờ từ 4h30 đến không quá 6h30. Chỉ tắm biển tại các khu vực được phép theo quy định và rời đi ngay sau khi tắm biển. Chưa cho phép dịch vụ tắm nước ngọt và các dịch vụ khác tại bãi biển..
Với hoạt động các cơ sở cắt tóc, gội đầu, yêu cầu chủ cơ sở, nhân viên đã được chích ít nhất 1 liều vaccine sau 14 ngày; không phục vụ quá 3 người cùng một thời điểm.
Giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân
Theo quyết định mới áp dụng, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân… đang thuê đất hàng năm của Chính phủ sẽ được giảm 30% tiền thuê đất năm 2021.
Quy định này áp dụng cho cả người thuê đất không thuộc diện miễn, giảm và trường hợp đang được giảm tiền thuê đất theo quy định nhưng không áp dụng với các khoản nợ phát sinh trước năm 2021 và tiền chậm nộp.
Với quyết định giảm 30% tiền thuê đất năm 2021, ước tính số tiền thuê đất giảm khoảng 700 tỷ đồng. Năm 2020, các nhóm chịu tác động của COVID-19 cũng nhận mức giảm tiền thuê đất 15%.
Giá vàng thế giới đảo chiều, bất ngờ lao dốc khi đồng USD tăng mạnh
Đầu ngày 29/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giao dịch tại 1,734 USD/ounce, ghi nhận một phiên giảm 16 USD/ounce.
Trước đó trong ngày 28-9, giá vàng thế giới đột ngột lao dốc khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ lần thứ 3 trong tháng 9/2021 thúc giục Quốc hội sớm nâng trần nợ công, nếu không muốn đối mặt với nguy cơ vỡ nợ và một cuộc khủng hoảng tài chính.
Giá vàng thế giới lao dốc xuống đáy 6 tuần trong bối cảnh lợi tức trái phiếu và đồng USD tăng vọt. Vàng giảm mạnh sau khi đánh mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1,750 và 1,740 USD/ounce.
Tại Việt Nam, giá vàng SJC cuối phiên giao dịch ngày 28/9 “giậm chân tại chỗ” với 57.1 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng Việt Nam cao hơn 9.4 triệu đồng/lượng.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm