Tin Việt Nam ngày 29/8: Gần 12,800 ca mắc mới, 344 ca tử vong, Hà Nội xử phạt gần 1,000 trường hợp vi phạm giãn cách trong 24 giờ, Đồng Nai mượn Tp HCM 500,000 liều vaccine của Trung Quốc, Thái Bình dừng dịch vụ ăn uống tại chỗ, người dân Tp Vinh ở yên trong nhà thêm 3 ngày
Nội dung tối 29/8:
|
-
Gần 12,800 ca mắc mới, Bình Dương nhiều nhất với hơn 5,400 ca
18h ngày 29/8, Bộ Y tế thông báo về 12,796 ca mắc mới gồm 44 ca nhập cảng và 12,752 ca tại 39 tỉnh/thành, trong đó có 5,719 ca cộng đồng.
12,752 ca phân bổ chủ yếu tại Bình Dương (5,414), Tp HCM (4,957), Long An (533), Đồng Nai (377), Tây Ninh (234), Tiền Giang (155), Hà Nội (133), Đà Nẵng (106), An Giang (103), Đồng Tháp (93), Khánh Hòa (92), Bình Thụân (78), Quảng Bình (58), Bà Rịa – Vũng Tàu (55), Đắk Lắk (52), Nghệ An (50)…
Như vậy, so với ngày 28/8, số mắc mới ngày 29/8 tại Việt Nam tăng 655 ca, trong đó, Bình Dương tăng 1,365 ca, Tp HCM giảm 524 ca, Long An tăng 82 ca, Đồng Nai giảm 420 ca, Tây Ninh tăng 234 ca.
Tính từ đầu mùa dịch, Việt Nam có 435,265 ca nhiễm, riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, Việt Nam ghi nhận 431,072 ca, trong đó có 217,028 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
-
Thêm 344 bệnh nhân COVID-19 tử vong, hơn 6,300 ca bệnh nặng
Trong ngày 28-29/8, Việt Nam ghi nhận 344 ca tử vong liên quan đến COVID-19, trong đó, Tp HCM (256), Bình Dương (31), Tiền Giang ngày 28-29/8 (18), Long An ngày 28-29/8 (13), Đồng Nai (5), Kiên Giang (4), Vĩnh Long (4), Đà Nẵng (3), Đồng Tháp (3), Tây Ninh ngày 28-29/8 (3), Khánh Hòa (1), Ninh Thuận (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Phúc (1).
Tính đến nay, tổng số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Việt Nam là 10,749 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc.
Trong ngày 29/8, Việt Nam có 8,813 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 219,802 ca tính từ đầu mùa dịch.
Hiện tại, số ca bệnh nặng đang điều trị là 6,309 ca, trong đó, 4,069 trường hợp thở oxy qua mặt nạ, 1,221 ca thở oxy dòng cao HFNC; 118 ca thở máy không xâm lấn, 877 ca thở máy xâm lấn và 24 ca chạy ECMO.
-
Hà Nội thêm 133 ca dương tính, gần 1,000 trường hợp vi phạm quy định giãn cách
Chiều 29/8, Hà Nội ghi nhận thêm 49 ca dương tính mới, riêng chùm lây nhiễm tại Thanh Xuân Trung thêm 39 ca, nâng tổng số F0 tại đây lên gần 260. Đây cũng là ổ dịch lớn nhất tại Hà Nội tính đến thời điểm này.
Tính trong ngày hôm nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 133 ca mắc mới, trong đó có 4 ca cộng đồng và 129 ca khu cách ly. Đây cũng là số mắc mới trong ngày cao nhất ghi nhận từ đầu đợt dịch thứ 4 (27/4) đến nay, cũng như cao nhất sau hơn 1 tháng thực hiện giãn cách.
Trong ngày 29/8, Cảnh sát Tp Hà Nội thông báo, từ 11h ngày 28/8 đến 11h ngày 29/8, trên địa bàn thành phố phát hiện, lập hồ sơ 948 trường hợp vi phạm quy định giãn cách, trong đó, 25 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; 3 cơ sở vi phạm; 920 hành vi vi phạm khác như: không thực hiện biện pháp cách ly; tập trung đông người; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách…
Hiện tổng số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 đến nay là 3,091 ca, trong đó có 1,534 ca cộng đồng.
-
Đến lượt Đồng Nai mượn Tp HCM 500,000 liều vaccine Sinopharm
Chiều 29/8, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai xác nhận, đã tiếp nhận 500,000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm từ Tp HCM để chích cho người dân trên địa bàn tỉnh trong những ngày tới.
Số vaccine trên được Tp HCM cho tỉnh mượn dưới sự chấp thuận của Bộ Y tế và sẽ chích cho người dân từ vùng nguy cơ cao đến vùng nguy cơ thấp.
-
Thái Bình dừng dịch vụ ăn uống tại chỗ từ 30/8
Chiều 29/8, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch tỉnh Thái Bình cho biết, từ 12h trưa mai (ngày 30/8), các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ được phép bán mang về.
Các cơ sở khách sạn, nhà nghỉ không được đón, nhận khách ở lưu trú (chỉ được phép tiếp nhận một số trường hợp đặc biệt như: khách về tỉnh Thái Bình có lý do công vụ, về làm việc và được các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đồng ý) và chỉ phục vụ ăn uống đối với khách lưu trú. Đối với một số hoạt động thể thao, tập gym, yoga, aerobic áp dụng nghiêm các quy định.
Đặc biệt, từ 0h ngày 30/8, tỉnh Thái Bình dừng toàn bộ việc test nhanh COVID-19 tại các chốt liên tỉnh, toàn bộ người vào tỉnh đều phải có kết quả xét nghiệm 72 giờ âm tính, toàn bộ người đi qua các chốt kiểm soát đều phải kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế.
Trước đó, tỉnh Thái Bình đã ra thông báo ngừng tiếp nhận người từ vùng dịch đang bị giãn cách về tỉnh này.
-
Nghệ An yêu cầu người dân Tp Vinh ở yên trong nhà thêm 3 ngày
Chiều 29/8, tỉnh Nghệ An cho biết, bắt đầu từ 0h ngày 30/8 đến hết 1/9, người dân Tp Vinh tiếp tục ở yên trong nhà.
Trước đó, từ 0h ngày 23/8 đến hết hôm nay (29/8), người dân tại thành phố thực hiện “7 ngày không ra khỏi nhà”.
Hiện hơn 272,000 người tại 25 phường xã đã được lấy mẫu xét nghiệm test nhanh COVID-19 cộng đồng. Kết quả phát hiện ít nhất 29 ca dương tính, trong đó, 4 xã phường thuộc diện nguy cơ cao gồm: Hồng Sơn, Vinh Tân, Hưng Bình và xã Nghi Phú đang được sàng lọc lần hai.
Tính từ ngày 13/6 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 1,350 ca nhiễm và nghi nhiễm tại 21 địa phương, trong đó Tp Vinh 419 ca, huyện Yên Thành 167 ca, Quỳnh Lưu 146 ca.
Nội dung chiều 29/8:
|
-
Hà Nội vượt mốc 3,000 ca, phong tỏa cây xăng ở Hà Đông, thông báo tìm người
Trưa nay 29/8, Hà Nội ghi nhận thêm 51 ca dương tính mới, trong đó có 1 ca cộng đồng. Riêng ổ dịch Thanh Xuân Trung thêm 29 ca, nâng tổng số mắc tại chùm lây nhiễm này lên 220 ca bệnh.
Như vậy, tính từ sáng đến trưa, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 84 ca mắc mới. Tổng số ca tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) đến nay là 3,042 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1,533 ca.
Cũng tại Hà Nội, trong ngày 29/8, phường Mộ Lao, quận Hà Đông ra thông báo phong tỏa tạm thời cây xăng số 112 Trần Phú (thuộc tổ 7, phường Mộ Lao) từ 15h30 ngày 28/8 do mới ghi nhận 1 F0 là nhân viên cây xăng tên T.T.T.V (trú tại phường Thanh Xuân Trung, là trường hợp F1).
Trước đó, ngày 22/8, người này đến bán hàng tại cây xăng 112 Trần Phú. Đến ngày 28/8, ca bệnh này có triệu chứng nên kiểm tra test nhanh thì phát hiện dương tính. Hiện đã xác định được 4 F1 (đã được đưa đi cách ly tập trung) và 9 F2 (đang tự cách ly tại nhà).
Cũng trong sáng 29/8, huyện Thanh Trì (Hà Nội) thông báo tìm người từng đến Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, cơ sở Ngọc Hồi, Thanh Trì.
Trong thông báo, chính quyền yêu cầu tất cả người dân từng đi, đến, khám và lấy mẫu test nhanh COVID-19 tại khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện từ ngày 14-28/8, cần tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà và liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.
Trước đó, tối 28/8, Sở Y tế Hà Nội công bố thông tin 3 nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp nhiễm COVID-19. 3 trường hợp này là những người thường xuyên lấy mẫu, vận chuyển bệnh nhân COVID-19 hoặc làm bộ phận sàng lọc ca nghi nhiễm.
-
Đà Nẵng bay thử nghiệm flycam, lắp đặt mới camera giám sát giãn cách
Ngày 29/8, tại quận Hải Châu, Đà Nẵng đã bắt đầu thử nghiệm sử dụng thiết bị flycam để ghi hình việc thực hiện ‘ai ở đâu ở yên đó’ tại các hẻm sâu.
Trong buổi sáng cùng ngày, đội bay gồm 15 flycam đã ghi hình bất ngờ tại các kiệt, hẻm. Các dữ liệu sẽ được truyền về quận Hải Châu.
Ông Vũ Quang Hùng, Bí thư Quận ủy Hải Châu cho biết, các chuyến bay thử nghiệm đã được thực hiện tại tất cả các phường. Theo ông Hùng, việc dùng flycam mới ở mức thử nghiệm. Sau đó, quận sẽ tổng hợp dữ liệu, xem xét có tiếp tục triển khai thực hiện biện pháp giám sát này hay không?
Ngoài ra, tại nhiều tổ dân phố trên địa bàn quận cũng sử dụng camera an ninh để giám sát, quản lý người dân thực hiện nghiêm quy định “ai ở đâu thì ở đó”.
Tại cuộc họp thành phố diễn ra chiều 28/8, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, chỉ đạo các quận, huyện kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các camera đã lắp đặt tại các khu dân cư, xem cơ chế hoạt động thế nào, nếu hỏng thì thay cái mới và tìm vị trí lắp đặt có thể quan sát tốt nhất.
Ông Quảng cho biết, việc lắp đặt hệ thống camera không chỉ dùng cho việc giám sát người dân thực hiện giãn cách mà còn phục vụ cho kiểm soát an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
-
Bình Dương trưng dụng công viên Thủ Dầu Một làm bệnh viện dã chiến
Sáng 29/8, tại tỉnh Bình Dương diễn ra buổi làm việc ở Khu cách ly tập trung công viên Thủ Dầu Một (phường Hiệp Thành) để chuẩn bị cho việc thành lập bệnh viện dã chiến.
Theo kế hoạch của tỉnh, Công viên Thủ Dầu Một với tổng diện tích 31 hecta sẽ được trưng dụng, nâng cấp 1 phần thành bệnh viện dã chiến để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ (tầng 1 và 1+) với quy mô 600 giường. Ngoài ra, 2 sảnh trong công viên này cũng được trưng dụng để thiết kế thành 2 khu vực điều trị bệnh nhân chuyển biến nặng, mỗi khu vực gồm 100 giường.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhận định, khu vực này đủ điều kiện để làm bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên ông Hiếu đề nghị, cần sắp xếp, phân biệt vùng vàng, vùng đỏ, phân biệt lối đi riêng của bệnh nhân và bác sĩ, có khu vực bệnh nhân sinh hoạt riêng, phải lắp đặt camera giám sát, lắp đặt thêm màn hình theo dõi tại khu vực nghỉ ngơi của bác sĩ, thiết kế thêm các khu nhà vệ sinh, nhà tắm riêng biệt.
Bình Dương hiện có 24 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Trước đó, Công viên Thủ Dầu Một đã từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung.
Bình Dương cũng đang chuẩn bị cho kịch bản có 150,000 ca F0 trong hơn 2 tuần tới (hiện số ca mắc là 98,794 ca, tính tới ngày 28/8). Ước tính, tỉnh Bình Dương sẽ cần trên 12,200 tỉ đồng để ứng phó dịch bệnh COVID-19.
Hiện vấn đề cấp bách tại tỉnh này là việc lấy mẫu bóc tách F0 và cung ứng thực phẩm cho người dân tại 15 phường bị “khóa chặt, đông cứng” ở Tp Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên.
-
Bắc Ninh kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 với huyện Lương Tài
Từ 0h hôm nay (29/8), tỉnh Bắc Ninh tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội toàn huyện Lương Tài thêm 7 ngày theo Chỉ thị 16.
Trước đó, tỉnh này ghi nhận 9 ca COVID-19 từ chùm lây nhiễm tại Viettel Post Lương Tài. Sau 14 ngày giãn cách xã hội, đến nay tỉnh Bắc Ninh không ghi nhận thêm ca nhiễm mới.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh tiếp tục kéo dài dãn cách đối với huyện Lương Tài nhằm kiểm soát dịch bệnh, tránh tình trạng người dân có tâm lý chủ quan trong kỳ nghỉ 2/9.
Từ ngày 14/8 đến nay, Bắc Ninh ghi nhận 102 ca COVID-19 từ nguồn lây nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm tính từ đầu mùa dịch đến nay là 1,861 ca, số ca tử vong là 15 người.
-
Lũ quét trong đêm ở Bình Thuận cuốn chìm nhiều tàu thuyền
Từ 21h ngày 28/8 đến rạng sáng nay 29/8, tại khu vực hạ lưu sông Dinh (chảy ra cửa biển La Gi) thuộc thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận xảy ra hiện tượng lũ quét, nước sông từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn cuốn trôi, nhấn chìm khoảng 25 tàu cá, 1 sà lan và hư hỏng, trôi dạt nhiều tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn.
Trong số tàu cá bị cuốn trôi, nhấn chìm có 12 chiếc tàu trên 15m, 13 chiếc tàu dưới 15m.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho hay, những ngày qua ở khu vực đầu nguồn có mưa lớn, lượng nước đổ về khu vực hạ lưu sông Dinh rất lớn, kết hợp đúng thời điểm thủy triều đang xuống khiến dòng nước chảy mạnh cộng với lượng tàu thuyền tập trung neo đậu trong khu vực hạ lưu làm cản trở dòng chảy nên khi thủy triều xuống kết hợp lũ quét, nhiều tàu cá không kịp di chuyển để tránh lũ.
Cảng cá La Gi đang thực hiện việc dừng hoạt động từ trên bờ lẫn dưới sông do ảnh hưởng của dịch bệnh. Địa phương cũng đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó người dân không được ra khỏi nhà trong vòng 7 ngày.
Sáng 29/8, 2 xuồng và 1 xà lan đã được kéo vào bờ, người dân cũng được phép ra ngoài khắc phục và thống kê thiệt hại.
Nội dung sáng 29/8:
|
-
Số mắc vượt 422,000 ca, hơn 6,400 ca bệnh nặng/nguy kịch
Tính đến sáng 29/8 kể từ đầu mùa dịch, tổng số mắc tại Việt Nam đã lên 422,469 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 418,320 ca. Có 208,215 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 10,405 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc. Hiện số bệnh nhân nặng đang được điều trị là 6,408 ca, trong đó, số thở ô xy qua mặt nạ 4,065 ca, số thở ô xy dòng cao HFNC là 1,310 ca, số thở máy không xâm lấn 88 ca, số thở máy xâm lấn là 921 ca, ECMO là 24 ca.
Hôm qua (28/8), Việt Nam ghi nhận 12,103 ca mắc mới và 352 ca tử vong liên quan đến COVID-19.
-
Chính phủ giảm tiền điện đợt 5 với 3 nhóm doanh nghiệp bảo đảm 2 điều kiện
Ngày 28/8, Chính phủ áp dụng nghị quyết về việc giảm tiền điện đợt 5 đối với 3 nhóm doanh nghiệp (DN) gồm: DN chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; DN chế biến và bảo quản rau quả; DN sản xuất hàng xuất cảng có kim ngạch xuất cảng năm 2020 trên 1 tỉ USD.
Theo đó, những DN thuộc 3 nhóm trên được giảm tiền điện cần bảo đảm 2 điều kiện sau:
- Có nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh/thành đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16;
- Mua điện trực tiếp từ các đơn vị phân phối điện của EVN hoặc các đơn vị bán lẻ khác.
Mức giảm là 10% tiền điện (trước thuế VAT), và thời gian giảm là 3 tháng, cho các hóa đơn tiền điện từ tháng 9 đến hết tháng 11/2021. Theo ước tính của EVN, trong đợt giảm thứ 5, số tiền giảm vào khoảng 650 tỉ đồng (chưa bao gồm thuế VAT).
Danh sách nhà máy, cơ sở sản xuất được giảm tiền điện do các tỉnh/thành xác nhận trên cơ sở đăng ký kinh doanh và thực tế sản xuất của DN trên địa bàn và cung cấp cho các đơn vị điện lực. Các nhóm trường hợp được giảm giá điện, giảm tiền điện khác tiếp tục thực hiện theo quy định trước đó.
-
Gần 2.5 triệu người ở 19 tỉnh/thành phía Nam phải ngừng việc
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 28/8, tại các tỉnh phía Nam, đã có gần 2.5 triệu người làm việc trong các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng việc, chiếm 70% số người ngừng việc của toàn quốc. Bên cạnh đó, hơn 79,000 DN rút lui khỏi thị trường do tác động của dịch bệnh, tăng 25.5% so với cùng thời kỳ năm 2020.
Địa phương có số DN phải ngừng kinh doanh đạt kỷ lục trong giai đoạn 2016-2020 là Tp HCM với hơn 23,000 DN, chiếm 29.1% DN trên toàn quốc, tăng 14.8% so với cùng thời kỳ năm 2020, khiến hơn 381,000 người ở các quận/huyện và Tp Thủ Đức cũng như 244,000 người làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN) bị mất việc, ngừng việc.
Phía Nam có 195 KCN, 1 khu công nghệ cao với hơn 2.3 triệu người làm việc; 97 cụm công nghiệp với gần 113,000 người làm việc, tuy nhiên, hiện đã có gần 50% DN dừng hoạt động để ứng phó dịch hoặc thiếu các nguyên liệu sản xuất, gặp khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa hoặc không đáp ứng được tiêu chí “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 địa điểm”.
4 tỉnh/thành phía Nam có mức độ tạm dừng hoạt động sản xuất lớn nhất toàn quốc là Tp HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Tp Cần Thơ.
-
EU gửi cảnh cáo thu hồi 2 sản phẩm chứa chất cấm của Việt Nam
Văn phòng Vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, vừa nhận được cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) đối với sản phẩm mỳ tôm chua cay nhãn hiệu “Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour”.
Theo đó, phía EU cho biết, một số quốc gia tại khu vực này như: Đức, Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Ireland, Đan Mạnh và Thụy Sỹ đang thực hiện thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm mỳ ăn liền nhãn hiệu “Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour”. Sản phẩm được sản xuất tại Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (KCN Tân Bình, phường Tây Thanh, quận Tân Phú, Tp HCM).
Nguyên nhân được phía EU đưa ra là do sản phẩm chứa chất 2-chlorethanol berechnet als ethylenoxid dưới dạng Ethylenne oxide là chất cấm.
Ngoài ra, EU cũng đã tiếp tục gửi cảnh cáo về việc thu hồi sản phẩm mì khô vị bò gà có tên tiếng Anh “Dried noodles with chicken – and beefspices” tại thị trường Na Uy do có chứa 0.052 mg/kg-ppm ethylene oxide.
Sản phẩm này do Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương (Lê Đức Thọ, khu phố 02, Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp HCM) sản xuất.
-
Giá vàng trên mốc 1,800 USD/ounce, đà tăng có kéo dài trong tuần tới?
Sáng 29/8, giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1,816.8-1,817.3 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 tăng mạnh 24.2 USD; ở mức 1,816.8 USD/ounce.
Giá vàng thế giới chốt tuần trên mức 1,810 USD/ounce do đồng USD đang suy yếu và tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Một nguyên nhân khác khiến giá vàng tăng là do căng thẳng chính trị tại Afghanistan. Một số quốc gia châu Âu như Đức, Italy, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy đã dừng việc di tản người dân ra khỏi Afghanistan. Một số khác thừa nhận không thể di tản hết những người cần thiết trước thời hạn chót vào 31/8. Điều này đã khiến hàng nghìn nhân viên từng làm việc cho quân đội các quốc gia trên cùng gia đình của họ phải ở lại Afghanistan.
Kinh tế Hoa Kỳ gặp rủi ro và bất ổn gia tăng sẽ khiến vàng tăng giá. Chốt tuần, giá vàng thế giới đã tăng 40 USD/ounce so với đầu tuần.
Tại Việt Nam, giá vàng trong phiên mở cửa ngày 29/8 được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết như sau:
- Hà Nội ở mức 56.45-57.17 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra); tăng 50,000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với hôm qua.
- Tp HCM ở mức 56.45-57.15 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Tuần này, giá vàng thị trường Việt Nam đi ngang so với giá chốt phiên tuần trước.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm