Tin Việt Nam ngày 27/7: Hơn 7,900 ca mắc trong ngày; TP. HCM dừng hoạt động thi công xây dựng; Kiên Giang, Bình Dương giới nghiêm từ ngày mai; 5 tỉnh miền Tây áp dụng khung giờ không ra đường
Nội dung tối 27/7:
|
-
Thêm 5,149 ca trong nước, có 525 ca cộng đồng
19h ngày 27/7, Việt Nam ghi nhận thêm 5,149 ca mắc COVID-19 trong nước tại TP. HCM (4,469), Đồng Nai (120), Long An (75), Bình Dương (79), Đồng Tháp (154), Cần Thơ (54), Bình Thuận (45), Đà Nẵng (26), Phú Yên (23), Sóc Trăng (22), Hà Nội (19), Ninh Thuận (13), Vĩnh Phúc (11), Gia Lai (5), Đắk Nông (5), Bình Định (4), Huế (4), Quảng Nam (3), Hậu Giang (3), Quảng Ngãi (3), Kon Tum (2), Lạng Sơn (2), Kiên Giang (2), Thái Nguyên (1), Bạc Liêu (1), Thanh Hóa (1), Lâm Đồng (1), Hà Tĩnh (1), Đắk Lắk (1), trong đó có 525 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong ngày 27/7, cả nước có 7,913 ca mắc mới, trong đó có 1,063 ca trong cộng đồng, nâng tổng ca mắc tính từ 27/4 đến 27/7 lên 110,487 ca. Đến nay có 7 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới và 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 211 ca, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 17 ca.
-
TP. HCM dừng hoạt động thi công xây dựng, sử dụng taxi vận chuyển bệnh nhân
Sở Xây dựng TP. HCM vừa có văn bản gửi các quận/huyện, Thành phố Thủ Đức, Ban quản lý các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất,… yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng và các đơn vị liên quan tạm dừng các hoạt động thi công tại các công trường, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.
Riêng các công trình xây dựng phục vụ công tác phòng dịch COVID-19, công trường, công trình thật sự cấp bách theo danh mục do TP. HCM chấp thuận được tiếp tục thi công nhưng phải đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”.
Sáng 27/7, tại buổi làm việc với Chủ tịch TP. HCM Nguyễn Thành Phong, ông Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP. HCM cho biết, Sở Y tế đang có kế hoạch nâng cấp xe taxi truyền thống thành xe taxi y tế.
Theo kế hoạch, TP. HCM sẽ có 200 xe taxi y tế gồm tài xế, nhân viên y tế theo xe, mỗi xe có 2 bình oxy 7 lít, bộ test nhanh, khử trùng và các phương tiện thiết yếu khác.
Ông Long cho hay, sáng 27/7 đã có 25 xe taxi y tế và chiều có thể lên 50 xe. Nhiệm vụ các xe này là chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện phù hợp.
-
Kiên Giang, Bình Dương giới nghiêm từ ngày mai, người dân không được ra đường sau 18h
Ngày 27/7, tỉnh Bình Dương ban hành văn bản yêu cầu người dân không ra đường sau 18h hôm trước đến 5h sáng hàng ngày, trừ trường hợp cấp cứu, công vụ hoặc theo yêu cầu phòng dịch. Thời gian áp dụng dự kiến bắt đầu từ ngày mai (28/7).
Đối với hoạt động của người giao hàng (shipper), tỉnh này yêu cầu các sở công thương, giao thông vận tải tham mưu, ban hành quy định, cấp phù hiệu nhận diện phương tiện được phép lưu thông. Tính từ 27/4 đến sáng 27/7, Bình Dương đã có 8,330 ca mắc COVID-19.
Cũng trong ngày 27/7, tỉnh Kiên Giang đã ký công văn chỉ đạo thực hiện việc hạn chế lưu thông trên địa bàn toàn tỉnh kể từ 0h ngày 28/7 cho đến khi có thông báo mới. Theo đó, người dân không được ra đường từ 18h đến 6h sáng ngày hôm sau.
Cũng theo công văn, các huyện, thành phố căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương để quy định cụ thể về thời gian người dân đi mua lương thực, hàng hóa thiết yếu theo nguyên tắc mỗi gia đình có 1 người đi mua lương thực, hàng hoá thiết yếu; từ 5-10 ngày đi chợ/lần; thực hiện luân phiên ngày chẵn, ngày lẻ; giới hạn thời gian đi mua lương thực, hàng hóa thiết yếu mỗi ngày 6 giờ (buổi sáng 3 giờ, buổi chiều 3 giờ).
-
5 tỉnh miền Tây áp dụng khung giờ không được ra đường
Từ hôm nay, các tỉnh ở miền Tây gồm Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre bắt đầu áp dụng khung giờ không được ra đường. Cụ thể:
Tại Hậu Giang, người dân được yêu cầu không ra đường từ 18h hôm trước đến 5h ngày hôm sau, trừ trường hợp cấp thiết theo quy định. Thời điểm bắt đầu thực hiện quy định trên là từ 18h hôm nay (27/4) đến ngày 2/8.
Tại Bến Tre, người dân được yêu cầu không ra đường từ 18h hôm trước đến 5h hôm sau, trừ trường hợp cấp cứu, đi mua thuốc trị bệnh, thi hành công vụ, chuyên chở hàng hóa thiết yếu… và các vấn đề cấp thiết khác. Tỉnh này quy định khung giờ đi chợ từ 6-10h và từ 14-17h hàng ngày. Thời điểm bắt đầu thực hiện quy định trên là từ 6h ngày 28/7.
Bên cạnh đó, TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long cũng áp dụng khung giờ không được ra đường từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau, bắt đầu từ 27/7 đến hết ngày 1/8.
-
Đồng Nai bắt đầu thí điểm cách ly F1 tại nhà
Từ hôm nay (27/7), thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bắt đầu thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà. Một trong các trường hợp cách ly tại nhà trên địa bàn phường Hố Nai, TP Biên Hoà là anh N.S.H., nhà có 9 người gồm các anh chị em ở xung quanh.
Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Chủ tịch TP Biên Hòa cho biết, các F1 phải thực hiện cách ly tại nhà đủ 14 ngày liên tục kể từ ngày bắt đầu cách ly. Ngành y tế thực hiện lấy mẫu gộp xét nghiệm COVID-19 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi người cách ly bắt đầu cách ly.
Từ ngày mai (28/7), 29 phường/xã còn lại trên địa bàn thành phố Biên Hòa sẽ thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà người dân.
Theo thống kê sơ bộ, hiện thành phố Biên Hòa có khoảng 4,000 người thuộc diện F1 phải thực hiện cách ly. Tuy nhiên, số cơ sở cách ly của thành phố cũng như của các phường, xã đã bắt đầu quá tải.
-
Hậu Giang yêu cầu người thu hoạch nông sản phải có xét nghiệm âm tính
Ngày 27/7, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, đã có hướng dẫn cho chủ máy thu hoạch, tài xế, tài công, nhân viên bốc vác (gọi chung là người thu hoạch) khi di chuyển vào vùng thu hoạch nông sản phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 không quá 72 giờ, kể cả khi có giấy xác nhận đã chích đủ 2 liều vaccine.
Theo hướng dẫn trên, người thu hoạch không có giấy xét nghiệm kết quả âm tính trong 72 giờ không được di chuyển qua chốt kiểm soát dịch COVID-19, mà phải khai báo y tế, đồng thời xét nghiệm COVID-19 có trả phí.
Ngoài ra, người thu hoạch phải có giấy cam kết được đơn vị, doanh nghiệp… xác nhận nơi đi, tuyến đi, nơi đến; phương tiện thu hoạch trước khi vào điểm thu hoạch phải được sát khuẩn.
Đối với việc thu hoạch dài ngày như cắt lúa thì chủ phương tiện máy cắt, máy kéo phải đảm bảo “3 tại chỗ” cho người thu hoạch đi cùng trong suốt quá trình cắt lúa tại khu vực đăng ký.