Tin Việt Nam ngày 23/8: Gần 10,300 ca mắc mới, thêm 389 ca tử vong, Đà Nẵng gần chạm mốc 3,000 ca, phát hiện thêm 51 điểm nóng, Cà Mau lại siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16, xăng dầu tồn kho, Bộ Công Thương đề nghị ưu tiên sử dụng nguồn nội địa
Nội dung tối 23/8:
|
-
Gần 10,400 ca mắc mới, hơn 6,000 ca cộng đồng
18h30 ngày 23/8, Bộ Y tế thông báo về 10,280 ca mắc mới COVID-19 gồm 14 ca nhập cảng và 10,266 ca tại 39 tỉnh/thành, trong đó có 6,021 ca cộng đồng.
Trong đó tại TPHCM là 4.251 ca, Bình Dương (3.183), Đồng Nai (623), Tiền Giang (459), Long An (388), Bà Rịa – Vũng Tàu (154), Đà Nẵng (152), Đắk Lắk (128), Khánh Hòa (125), Nghệ An (111), Đồng Tháp (100), Cần Thơ (85), An Giang (75), Bến Tre (65), Kiên Giang (57), Phú Yên (43), Hà Nội (40), Bình Thuận (36), Trà Vinh (34), Sơn La (21), Bình Định (19), Tây Ninh (17), Thừa Thiên Huế (17), Bình Phước (13), Vĩnh Long (10), Bắc Giang (9), Quảng Nam (8 ), Đắk Nông (7), Ninh Bình (6), Quảng Bình (6), Gia Lai (5), Bạc Liêu (5), Hà Tĩnh (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (2), Thanh Hóa (1), Hà Nam (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1).
Ngoài ra, CDC Khánh Hòa đăng ký bổ sung 117 ca được lấy mẫu từ các ngày trước, nâng tổng số mắc trong ngày lên 10,397 ca.
Như vậy, so với ngày 22/8, số mắc trong ngày 23/8 giảm 942 ca, trong đó, Bình Dương giảm 612 ca, Đồng Nai giảm 226 ca, Tiền Giang giảm 250 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 358,456 ca nhiễm, riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, Việt Nam ghi nhận 354,355 ca, trong đó có 151,838 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành có số ca mắc lớn nhất là Tp HCM (180,245), Bình Dương (73,425), Đồng Nai (18,311), Long An (18,193) và Tiền Giang (7,743)
-
Thêm 389 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Ngày 23/8, Bộ Y tế thông báo về 389 ca tử vong ghi nhận tại 9 tỉnh/thành gồm: Tp HCM (340), Bình Dương (34), Long An (6), Đà Nẵng (3), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (1), Bà Rịa ), Vũng Tàu (1).
Tính đến 23/8, tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam là 8,666 ca, chiếm tỷ lệ 2.4% so với tổng số ca mắc.
Về tình hình điều trị, trong ngày có 6,945 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 154,612 trường hợp. Số ca bệnh nặng đang điều trị ICU là 711, số ca bệnh nguy kịch đang điều trị ECMO là 26 ca.
-
Đà Nẵng gần chạm mốc 3,000 ca, phát hiện thêm 51 điểm nóng
Chiều 23/8, tỉnh Đà Nẵng cho biết, trong ngày, thành phố ghi nhận 152 ca mắc mới, trong đó có 34 ca cộng đồng. Ngoài ra, có 31 ca chưa rõ nguồn lây
Trong ngày, chuỗi lây nhiễm liên quan chợ đầu mối Hòa Cường ghi nhận thêm 79 ca mắc mới, nâng tổng số mắc của chuỗi lây nhiễm này lên 901 ca. Ngành y tế Đà Nẵng khẳng định, đây vẫn đang là chuỗi lây nhiễm ở mức có nguy cơ rất cao.
Cũng trong ngày, Đà Nẵng phát hiện thêm 51 điểm nóng mới, đồng thời gỡ phong tỏa 13 điểm nóng, 81 ca mắc được ra viện và hiện có 1,765 ca đang điều trị.
Tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 2,996 ca mắc COVID-19. Hôm nay (23/8) là ngày thứ 8 Đà Nẵng thực hiện dừng tất cả hoạt động, “ai ở đâu ở yên đó”.
-
Cà Mau lại siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16 sau 3 ngày nới lỏng
Từ 0h ngày mai (24/8), tỉnh Cà Mau áp dụng trở lại Chỉ thị 16, trừ khu vực phong tỏa, cách ly theo quy định riêng.
Trước đó, từ 0h ngày 21/8, tỉnh Cà Mau áp dụng nới lỏng giãn cách toàn tỉnh từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15. Tuy nhiên, sau 3 ngày nới lỏng, đến hôm nay 23/8, các ca dương tính ghi nhận trên địa bàn tỉnh không giảm mà còn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, theo số liệu của tỉnh Cà Mau, trước khi nới lỏng giãn cách (đến ngày 20/8), toàn tỉnh có 74 ca mắc, đến hết ngày 22/8, số mắc là 98 ca. Tức trong 2 ngày 21 và 22/8, Cà Mau có đến 24 ca mắc, cao nhất từ đầu mùa dịch đến nay (tính theo ngày).
-
Xăng dầu tồn kho, Bộ Công Thương đề nghị ưu tiên sử dụng nguồn nội địa
Ngày 23/8, Bộ Công Thương áp dụng Chỉ thị về tăng cường quản lý xuất nhập cảng một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng nội địa.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị này là yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu nội địa để bảo đảm cân đối cung cầu.
Cụ thể, Bộ Công thương yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, các tập đoàn, tổng công ty, các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập cảng xăng dầu, chia sẻ với hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất nội địa, ưu tiên sử dụng nguồn hàng nội địa thay thế cho nguồn hàng nhập cảng.
Trước đó, tại cuộc họp diễn ra vào giữa tháng 8 với Bộ Công thương, ông Lê Xuân Huyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến nhu cầu đi lại, tiêu thụ xăng dầu tại thị trường nội địa giảm sâu.
Tại kho của các doanh nghiệp đầu mối và kho của 2 nhà máy lọc dầu nội địa, việc tồn xăng dầu tăng cao.