Tin Việt Nam ngày 22/8: Hơn 11,200 ca mắc mới, 737 ca tử vong, Sài Gòn gần 2,500 F0 nặng/nguy kịch, bổ sung nhóm người được ra đường, thêm 4 phường ở Bình Dương bị ‘khóa chặt’, cuối tháng 8 Sài Gòn có mưa đá
Nội dung tối 22/8:
|
-
Hơn 11,200 ca mắc mới, có 6,387 ca cộng đồng
18h ngày 22/8, Bộ Y tế thông báo về 11,214 ca mắc mới gồm 6 ca nhập cảng và 11,208 ca ghi nhận tại 36 tỉnh/thành, trong đó có 6,387 ca mắc cộng đồng.
Trong 11,208 ca mới, Tp HCM nhiều nhất (4,193 ca), tiếp đến là Bình Dương (3,795), Đồng Nai (849), Tiền Giang (709), Long An (365), Đà Nẵng (183), Khánh Hòa (160), Đồng Tháp (142), Bà Rịa – Vũng Tàu (107), Cần Thơ (97), Tây Ninh (83), An Giang (69), Nghệ An (68), Vĩnh Long (49), Bình Thuận (47), Đắk Nông (39), Trà Vinh (39), Phú Yên (38), Bình Định (20), Hà Tĩnh (20), Quảng Nam (16), Kiên Giang (15), Sơn La (15), Đắk Lắk (12), Bắc Ninh (11), Hà Nội (11), Gia Lai (10), Cà Mau (10), Hậu Giang (7), Lào Cai (6), Bắc Giang (6), Ninh Thuận (5), Lạng Sơn (5), Quảng Ngãi (3), Quảng Trị (3), Thái Bình (1).
Hôm nay, CDC Sóc Trăng đăng ký bổ sung 138 ca mắc được lấy mẫu từ các ngày trước.
Như vậy, so với ngày 21/8, số mắc ngày 22/8 giảm 91 ca, trong đó Tp HCM tăng 109 ca, Bình Dương giảm 710 ca, Đồng Nai tăng 298 ca, Tiền Giang tăng 120 ca, Long An giảm 28 ca.
Tính từ đầu màu dịch, Việt Nam có tổng 348,059 ca mắc, riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, Việt Nam ghi nhận 343,972 ca, trong đó có 144,893 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành có số ca mắc lớn nhất gồm: Tp HCM (175,994), Bình Dương (70,242), Long An (17,805), Đồng Nai (17,688), Tiền Giang (7,284).
-
Thêm 737 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Trong 2 ngày 21 và 22/8, Việt Nam ghi nhận 737 ca tử vong tại 15 tỉnh/thành, trong đó nhiều nhất là Tp HCM (599), Bình Dương (62), Đồng Nai (25), Tiền Giang (22), Đồng Tháp (11), Cần Thơ (4), Long An (4), Hà Nội (2), Bến Tre (2), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Long (1).
Hiện tại Việt Nam, tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tính đến 22/8 là 8,277 ca, chiếm tỷ lệ 2.4% so với tổng số mắc.
Về tình hình điều trị, trong ngày 22/8 có 7,580 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 147,667 ca. Số ca bệnh nặng đang điều trị ICU là 687 ca, số ca bệnh nguy kịch đang điều trị ECMO là 24 ca.
-
Gần 2,500 F0 nặng/nguy kịch, Sài Gòn bổ sung nhóm người được ra đường
Ngày 22/8, HCDC cho biết, hiện trong tổng số 34,605 bệnh nhân đang điều trị, có 2,442 ca nặng đang phải thở máy, 19 trường hợp phải can thiệp ECMO.
So với hôm qua, số F0 nặng và nguy kịch ngày 22/8 tăng thêm 162 ca, là một trong những ngày ghi nhận số tăng nhiều nhất. Chính quyền thành phố đang nỗ lực huy động nhiều biện pháp để giảm F0 nặng, tử vong.
Trong ngày, Tp HCM áp dụng công văn mới trong đó điều chỉnh, bổ sung một số nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9. Những người này bắt buộc phải có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định.
Nhóm người được cấp giấy đi đường, gồm:
- Thành viên của Ban Chỉ đạo ứng phó dịch bệnh các cấp; lực lượng trực tiếp tham gia phòng dịch; xử lý hạ tầng kỹ thuật.
- Cán bộ, nhân viên, người làm việc của đơn vị: không quá 10% trên tổng số.
- Các trường hợp cụ thể khác do lãnh đạo đơn vị tự chịu trách nhiệm cấp giấy và có báo cho cảnh sát Tp HCM.
- Người làm việc thuộc các đơn vị của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái;
- Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ thuộc Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP; lực lượng tiểu thương chợ truyền thống hỗ trợ cung ứng hàng hóa; người dân về quê theo kế hoạch; người đi thu gom rác dân lập; lực lượng kiểm dịch động, thực vật…
Như vậy sau điều chỉnh, có đến 26 mã số giấy đi đường dành cho nhóm người được cấp giấy phép lưu thông trên địa bàn Tp HCM trong thời gian giãn cách.
Từ 0h ngày mai (23/8), Tp HCM yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố…
-
Thêm 4 phường ở Bình Dương bị ‘khóa chặt’ trong 7 ngày
Ngày 22/8, Tp Dĩ An (Bình Dương) áp dụng văn bản siết chặt thực hiện Chỉ thị 16, trong đó “khóa chặt” 4 phường là vùng đỏ của địa phương gồm: Dĩ An, An Bình, Tân Đông Hiệp và Đông Hòa trong 7 ngày.
Việc “khóa chăt” sẽ bắt đầu từ 6h ngày mai (23/8). Chính quyền địa phương yêu cầu người dân ‘ai ở đâu ở yên đó’. Mọi hoạt động đều phải tạm ngưng, người dân không được phép ra ngoài (trừ lực lượng phòng dịch và các trường hợp đặc biệt khác). Lương thực, nước uống sẽ được chuyển đến tận nơi.
Ngoài ra, trong vòng 5 ngày, việc lấy mẫu xét nghiệm phải thực hiện trên diện rộng để tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Trước đó trong ngày, 11 phường bị khóa chặt 15 ngày gồm: 7 phường của thị xã Tân Uyên (Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp, Tân hiệp) và 4 phường của TP Thuận An (Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa).
-
Chuyến bay đưa 192 công dân Bình Định về từ Tp HCM
Chiều 22/8, chuyến bay của Hãng hàng không Bamboo Airways vận chuyển 192 công dân Bình Định ở Tp HCM về quê đã hạ cánh xuống sân bay Phù Cát.
Các công dân nói trên khi xuống sân bay được đi cách ly tập trung 7 ngày tại các cơ sở khác nhau. Toàn bộ chi phí di chuyển, cách ly, ăn uống… trong thời gian cách ly tập trung được miễn phí.
Đây là chuyến bay miễn phí thứ 7 đưa người dân Bình Định gặp khó khăn do dịch bệnh tại Tp HCM về quê. Sau 7 chuyến bay, tỉnh Bình Định đã đón tổng cộng 1,322 người.
Đây là những công dân sinh sống, học tập, làm việc ở Tp HCM có hoàn cảnh già yếu, neo đơn, bị bệnh tật, phụ nữ mang thai, đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và có nguyện vọng về quê.
-
Lần đầu tiên vào tháng 8, Sài Gòn có mưa đá
Tối 22/8, tại Sài Gòn, người dân một số phường trên địa bàn Tp Thủ Đức bất ngờ khi thấy mưa đá xuất hiện.
Theo các video, hình ảnh được người dân đăng lên mạng xã hội, đa phần hạt mưa có kích thước gần bằng 1 đốt tay, có những thời điểm hạt mưa đá to tới gần 2 đốt tay.
Theo nhận định của ông Lê Đình Quyết, thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, đây là cơn mưa đá bất thường ở Sài Gòn vì như mọi năm, ở thời điểm này hiếm xảy ra mưa đá. Thông thường, các cơn mưa đá sẽ xuất hiện vào đầu hoặc khi kết thúc mùa mưa, tức là đầu tháng 5-6 hoặc cuối tháng 10, chứ hiếm khi xảy ra vào tháng 8.
Ông Quyết cho biết, mưa đá xuất hiện do nhiễu động không khí đẩy hơi ẩm lên cao gặp tầng nhiệt độ thấp gây ra. Trong mấy ngày nay có vùng áp cao cận nhiệt đới ở biển Đông lấn tây đẩy ẩm từ biển vào gây mưa cho Nam Bộ, đồng thời khiến không khí trong đất liền bị nhiễu động mạnh.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, từ đầu năm 2021 đến nay, mưa đá đã xuất hiện ở Bình Dương, Đồng Nai. Trước đó, thỉnh thoảng khu vực Tp HCM cũng xuất hiện mưa đá.
Theo dự báo, từ ngày mai 23/8, gió mùa tây nam tăng dần cường độ, do đó thời tiết Nam Bộ sẽ nắng vào ban ngày, chiều tối có mưa rào rải rác, một số nơi có mưa vừa, mưa to và dông, đêm có mưa rào và dông vài nơi. Từ ngày 25/8 trở đi mây thay đổi đến nhiều mây, có mưa, mưa rào nhiều nơi và rải rác có dông, có nơi mưa vừa, mưa to.
Xem thêm