Tin Việt Nam ngày 21/8: Hơn 13,400 ca mắc mới, Hà Nội ra công điện tiếp tục cách ly thành phố, Sài Gòn ngừng hoạt động shipper tại Tp Thủ Đức và 7 quận/huyện, ‘Đà Nẵng chưa kiểm soát được dịch’, VFF chi 350 triệu đồng thuê sân Mỹ Đình không khán giả
Nội dung tối 21/8:
|
-
Hơn 13,400 ca mắc mới, số mắc tại Bình Dương và Tp HCM đều tăng mạnh
18h ngày 21/8, Bộ Y tế thông báo về 13,439 ca mắc mới gồm: 2,118 ca bổ sung từ Bình Dương được lấy mẫu từ những ngày trước, 22 ca nhập cảng và 11,299 ca tại 39 tỉnh/thành, trong đó có 7,428 ca cộng đồng.
11,299 ca ghi nhận trong ngày 21/8 tại 39 tỉnh/thành gồm: Bình Dương (4,505), Tp HCM (4,084), Tiền Giang (589), Đồng Nai (551), Long An (393), Đà Nẵng (197), Đồng Tháp (109), Cần Thơ (100), Tây Ninh (83), Hà Nội (76), Khánh Hòa (76), An Giang (71), Nghệ An (60), Bà Rịa – Vũng Tàu (57), Phú Yên (45), Kiên Giang (43), Bình Thuận (43), Bến Tre (42), Đắk Lắk (32), Quảng Nam (32), Trà Vinh (24), Hậu Giang (12), Gia Lai (11), Lâm Đồng (10), Bình Phước (8 ), Lạng Sơn (7), Cà Mau (6), Thừa Thiên Huế (6), Quảng Bình (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (3), Quảng Ngãi (3), Thanh Hóa (3), Hà Tĩnh (3), Ninh Bình (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Hải Dương (1), Phú Thọ (1).
Như vậy, so với ngày 20/8, số mắc mới tại Việt Nam ngày 21/8 tăng 2,767 ca, trong đó Bình Dương tăng 2,400 ca, Tp HCM tăng 709 ca, Tiền Giang tăng 222 ca, Đồng Nai giảm 135 ca, Long An tăng 26 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 336,707 ca nhiễm, riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, ghi nhận 332,626 ca, trong đó, 137,313 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành ghi nhận số ca mắc cao là Tp HCM (171,801), Bình Dương (66,447), Long An (17,440), Đồng Nai (16,839), Tiền Giang (6,575).
Về tình hình điều trị, trong ngày 21/8, Việt Nam có 7,272 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 140,087 ca. Số ca bệnh nặng đang điều trị ICU là 687, số ca bệnh nguy kịch đang điều trị ECMO là 24.
Trong ngày 21/8, số ca tử vong chưa được cập nhật. Hiện tổng số tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam vẫn là 7,540 ca, chiếm tỷ lệ 2.3% so với tổng số ca mắc.
-
Hà Nội thêm 64 ca dương tính, ra công điện tiếp tục cách ly đến ngày 6/9
Ngày 21/8, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 64 ca mắc mới, trong đó 28 ca lây nhiễm cộng đồng. Chiều cùng ngày, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch thành phố Hà Nội ra công điện tiếp tục cách ly xã hội thành phố đến 6h ngày 6/9.
Trong công điện, Chủ tịch thành phố yêu cầu người dân, các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo nguyên tắc “người cách ly với người”, “ai ở đâu thì ở đó”.
Trước đó, từ ngày 24/7, Hà Nội bắt đầu cách ly xã hội với 2 đợt, trong đó, đợt thứ 2 dự kiến kết thúc vào ngày 23/8. Với quyết định trên, đợt 3 kéo dài đến 6h ngày 6/9.
Tính từ 27/4 đến tối 21/8 (đợt dịch thứ tư), Hà Nội ghi nhận 2,554 ca bệnh (không tính ca bệnh tại các bệnh viện trung ương), trong đó có 1,305 cộng đồng.
-
Sài Gòn ngừng hoạt động của shipper tại Tp Thủ Đức và 7 quận/huyện
Ngày 21/8, Tp HCM áp dụng văn bản trong đó yêu cầu, từ 0h ngày 23/8, nhân viên giao hàng ứng dụng công nghệ (shipper) ngưng hoạt động tại Tp Thủ Đức và 7 quận/huyện gồm: Quận 8, quận 12, quận Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh và huyện Hóc Môn.
Ngoài ra, cũng từ 0h ngày 23/8 đến 6/9, các nhóm người được phép ra đường vẫn bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định. Tất cả đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” (tối đa 1/4 tổng số nhân viên, người làm việc của đơn vị) và phải có mặt tại đơn vị trước 0h ngày 23/8.
Đối với các quận huyện còn lại, shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và phải có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định của thành phố.
-
Thêm gần 200 ca mắc mới trong ngày, ‘Đà Nẵng chưa kiểm soát được dịch’
Ngày 21/8, Tp Đà Nẵng ghi nhận 197 ca dương tính mới, trong đó có 43 ca phát hiện ngoài cộng đồng.
Trong ngày, quận Hải Châu tiếp tục là điểm nóng về dịch bệnh với 57 ca mắc mới. Chuỗi ca bệnh liên quan đến chợ đầu mối Hòa Cường phát sinh 104 trường hợp nâng tổng số mắc lên 699 người.
Hiện tại Tp Đà Nẵng, dịch bệnh đã lây ra 55/56 xã phường, chỉ còn xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang là chưa ghi nhận ca mắc. Trong ngày, ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã xét nghiệm 140,000 người.
Theo số liệu được công bố, từ ngày 31/7 (thời điểm dịch bùng phát trở lại) đến nay, tại Đà Nẵng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khi những ngày qua số ca mắc mới ở quận Sơn Trà giảm thì hôm nay tăng lên 12 ca. Tại quận Liên Chiểu hôm nay số ca mắc mới cũng tăng lên. Riêng các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ liên tục ghi nhận số ca mắc mới tăng cao. Nhiều ca không rõ nguồn lây.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng kết luận, hiện nay Đà Nẵng chưa kiểm soát được dịch.
-
Shipper tự do ở Tp Vinh bị dừng hoạt động từ ngày mai 22/8
Ngày 21/8, ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch Tp Vinh, tỉnh Nghệ An vừa áp dụng văn bản, trong đó bổ sung, điều chỉnh một số biện pháp ứng phó dịch bệnh.
Theo đó, 25 xã/phường dừng cấp thẻ hành nghề cho các shipper tự do, theo kế hoạch; đối với các shipper đã được các phường/xã cấp thẻ thì dừng hoạt động kể từ ngày 22/8.
Tất cả shipper thuộc các doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển hàng hóa được cấp phép kinh doanh, khi lưu thông trên đường phải có các loại giấy tờ sau: Giấy báo kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ; thẻ hành nghề có xác nhận của chủ doanh nghiệp và sổ nhật trình giao nhận hàng hóa. Thời gian hoạt động từ 7-18h hàng ngày.
Hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, kể cả bán mang về đều tạm dừng. Phường/xã tiếp tục phát thẻ đi chợ cho từng gia đình, tối đa 3 ngày/lần. Thẻ này chỉ dùng đi chợ, vào cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn cư trú. Tiểu thương khi lấy hàng hóa tại các điểm cung ứng, tập kết phải có giấy xét nghiệm hoặc test nhanh âm tính trong 72 giờ.
Hiện Tp Vinh đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 17/8.
-
VFF chi 350 triệu đồng thuê sân Mỹ Đình không khán giả cho trận Việt Nam – Úc
Ngày 21/8, thông tin với truyền thông Việt Nam, một lãnh đạo VFF cho biết, đã ký hợp đồng với Khu liên hợp thể thao quốc gia để thuê sân. Theo đó, VFF phải trả cho Khu liên hợp 350 triệu đồng để tổ chức trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam – Úc.
Trước đó, Khu liên hợp đưa ra khung giá để thuê sân Mỹ Đình từ 350-500 triệu đồng/trận. Giá được điều chỉnh tùy vào quy mô trận đấu nhiều hay ít khán giả.
Cho rằng mắc giá này quá cao, VFF đã đề nghị Khu liên hợp giảm xuống khoảng 200 triệu, tuy nhiên, sau thương thảo, VFF vẫn phải trả cho Khu liên hợp số tiền thuê sân là 350 triệu đồng. Số tiền này là chi phí cho các công tác như: điện, nước, vệ sinh sân bãi…
Một thành viên của VFF cho hay, tại trận Việt Nam – Úc, ngoài phí thuê sân bãi, chi phí về y tế, an ninh, ăn ở cho các thành viên làm việc tại trận đấu là rất lớn, đặc biệt là chi phí xét nghiệm COVID-19.
Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam – Úc sẽ diễn ra lúc 19h ngày 7/9 trên sân Mỹ Đình không khán giả. Toàn bộ quá trình di chuyển của đội tuyển Việt Nam, đội tuyển Úc, quan chức FIFA, AFC tham gia trận đấu sẽ diễn ra theo quy trình khép kín “bong bóng”.
Xem thêm