Tin Việt Nam ngày 2/9: Gần 13,200 ca mắc mới, 271 ca tử vong, Hà Nội chia vùng thực hiện giãn cách sau 6/9, Quảng Nam đưa vào sử dụng cầu hơn trăm tỉ giữa mùa cách ly, giá dầu châu Á giảm sau khi OPEC+ đồng thuận duy trì chính sách nới lỏng
Nội dung tối 2/9:
|
-
Gần 13,200 ca mắc mới, hơn 10,600 ca khỏi bệnh
17h ngày 2/9, Bộ Y tế thông báo về 13,197 ca mắc mới gồm 11 ca nhập cảng và 13,186 ca tại 39 tỉnh/thành, trong đó, 7,255 ca cộng đồng.
Cụ thể, 13,186 ca phân bố chủ yếu tại Tp HCM (5,963), Bình Dương (4,504), Đồng Nai (803), Long An (583), Tiền Giang (290), Kiên Giang (122), Đồng Tháp (102), Bình Phước (70), Nghệ An (66), Tây Ninh (62), Khánh Hòa (58), Bà Rịa – Vũng Tàu (57), Quảng Bình (56), An Giang (51), Thanh Hóa (50), Hà Nội (48), Đà Nẵng (42), Cần Thơ (42)…
So với ngày 1/9, số mắc tại Việt Nam ngày hôm nay tăng 1,757 ca, trong đó, Tp HCM tăng 595 ca, Bình Dương tăng 1,064 ca, Đồng Nai tăng 44 ca, Long An giảm 11 ca, Tiền Giang tăng 96 ca.
Tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 486,727 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay là 482,497 ca. Có 256,550 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
-
Thêm 271 bệnh nhân COVID-19 tử vong, đính chính ca tử vong ở Lào Cai
Cũng trong ngày 2/9, Việt Nam ghi nhận 271 ca tử vong tại 18 tỉnh/thành, trong đó nhiều nhất là Tp HCM (197), tiếp đến là Bình Dương (34), Đồng Nai (8), Tiền Giang (7), Đồng Tháp (6), Đà Nẵng (4)…
Tính đến nay, tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam là 12,138 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc.
Về tình hình điều trị, trong ngày có 10,602 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 259,324 trường hợp.
Hiện, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6,443 ca, trong đó, thở oxy qua mặt nạ 4,145 ca, thở oxy dòng cao HFNC 1,238 ca, thở máy không xâm lấn 176 ca, thở máy xâm lấn 858 ca và ECMO 26 ca.
Trong ngày, Bộ Y tế đính chính thông tin: Lào Cai không có ca tử vong vào ngày 1/9. Trước đó, do nhầm lẫn trong khi nhập dữ liệu của Bệnh viện dã chiến Phú Thọ, bệnh nhân quê ở Lào Cai tử vong do tai nạn giao thông tại Phú Thọ.
-
Hà Nội chia vùng áp dụng quy định giãn cách sau ngày 6/9
Theo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra ngày 1/9, sau đợt giãn cách thứ ba (tức là sau ngày 6/9), thành phố sẽ tiếp tục giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16 với nguyên tắc “ai đâu ở đó” đối với “vùng đỏ” có nguy cơ rất cao.
Tại các khu vực nguy cơ cao “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh”, thành phố áp dụng giãn cách ở mức cao hơn Chỉ thị 15.
Đồng thời, thành phố sẽ thiết lập 3 vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý – dân cư – sinh hoạt – sản xuất gồm:
- Vùng nội đô: khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ;
- Vùng phía Bắc sông Hồng: tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp;
- Vùng phía Tây, phía Nam (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).
Tối nay (2/9), Hà Nội ghi nhận 8 ca dương tính mới, trong đó có một ca cộng đồng. Quận Thanh Xuân có 6 ca tại Thanh Xuân Trung (5) và Thanh Xuân Nam (1). Hiện Thanh Xuân Nam có 6 ca, là thành viên của 2 gia đình.
Số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 3,366 ca, trong đó có 1,553 F0 cộng đồng.
-
Quảng Nam đưa vào sử dụng cầu hơn trăm tỉ giữa mùa cách ly
Ngày 2/9, tỉnh Quảng Nam đưa vào sử dụng cầu Nông Sơn (mới) bắc qua sông Thu Bồn (xã Quế Trung, H.Nông Sơn). Cầu mới nằm song song cầu cũ được xây dựng từ sự góp sức của các cá nhân sau vụ chìm đò ở khu vực bến Cà Tang trên sông Thu Bồn (xã Quế Trung) chiều 19/5/2003, khiến 18 học sinh tử vong.
Cầu được khởi công xây dựng vào tháng 11/2019, là công trình giao thông cấp 2, chiều dài cầu 337.9 m, rộng 9 m với 10 nhịp, mức đầu tư hơn 128 tỉ đồng.
Trước đó, Sở GTVT Quảng Nam đề nghị tháo dỡ cầu Nông Sơn cũ, tuy nhiên đa số người dân không đồng thuận. Hiện cầu cũ được chuyển thành cầu dành cho người đi bộ.
-
Giá dầu châu Á giảm sau khi OPEC+ đồng thuận duy trì chính sách nới lỏng
Trong phiên chiều 2/9, giá dầu châu Á giảm sau khi Tổ chức các Nước Xuất cảng Dầu mỏ và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+) đồng thuận duy trì chính sách nới lỏng dần thỏa thuận cắt giảm sản lượng, đưa nguồn cung trở lại thị trường theo lộ trình tại thời điểm số ca mắc COVID-19 trên thế giới gia tăng và nhiều nhà máy lọc dầu của Hoa Kỳ vẫn đóng cửa.
Cụ thể, giá dầu châu Á ghi nhận vào lúc 13h50 (theo giờ Việt Nam) như sau:
- Dầu Brent biển Bắc giảm 15 xu (0.2%) xuống 71.44 USD/thùng, sau khi giảm 4 xu trong phiên 1/9.
- Dầu thô ngọt nhẹ của Hoa Kỳ (WTI) giảm 20 xu (0.3%) xuống 68.39 USD/thùng, sau khi tăng 9 xu trong phiên trước đó.
Sau đồng thuận duy trì chính sách nới lỏng dần thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ ngày 1/9, sẽ có thêm 400,000 thùng dầu/ngày được bơm vào thị trường hàng tháng. OPEC+ cũng đã nâng dự báo nhu cầu dầu cho năm 2022, trong khi phải đứng trước sự hối thúc tăng sản lượng từ Hoa Kỳ.
Cũng trong ngày 1/9, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm khoảng 7.2 triệu thùng và các sản phẩm dầu mỏ do các nhà máy lọc dầu cung cấp đã tăng lên mức cao kỷ lục bất chấp số ca mắc COVID-19 gia tăng trên toàn quốc.
Nội dung sáng 2/9:
|
-
Tổng số mắc lên 473,530 ca, hơn 6,330 ca nặng
Tính đến sáng 2/9, tổng số mắc tại Việt Nam kể từ đầu mùa dịch đã lên 473,530 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 469,312 ca. Có 245,948 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành ghi nhận số mắc cao là Tp HCM (226,622), Bình Dương (118,228), Đồng Nai (24,525), Long An (22,638), Tiền Giang (9,846).
Tổng số tử vong tại Việt Nam tính đến sáng 2/9 là 11,868 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc. Hiện tổng số bệnh nhân nặng đang được điều trị là 6,334 ca, trong đó, thở oxy qua mặt nạ 4,032 ca; thở oxy dòng cao HFNC 1,227 ca; thở máy không xâm lấn 144 ca; thở máy xâm lấn 907 ca; ECMO 24 ca.
Hôm qua (1/9), Việt Nam ghi nhận 11,434 ca ca mắc mới, trong đó có 6,759 ca cộng đồng. Số ca tử vong liên quan COVID-19 trong ngày 31/8 là 440 ca tử vong (số công bố lúc 18h30 là 433 ca) và trong ngày 1/9 là 364 ca tử vong.
-
Sài Gòn có hơn 91,000 F0 đang điều trị tại nhà
Ngày 1/9, HCDC ghi nhận hơn 91,000 F0 theo dõi tại nhà, trong đó, hơn 64,700 người cách ly tại nhà ngay từ đầu khi xét nghiệm dương tính; hơn 26,700 trường hợp sau xuất viện về tiếp tục theo dõi tại nhà.
Vào cuối tuần trước, tại Tp HCM, số F0 cách ly tại nhà là hơn 22,000 người. Như vậy, trong tuần này, số F0 này đã tăng gấp 3.
Nguyên nhân số F0 tăng nhanh liên tục từng ngày, từ ngày 23/8, được lãnh đạo thành phố lý giải là do tăng tốc xét nghiệm toàn thành phố.
Tại các bệnh viện, số F0 nặng và nguy kịch vẫn đang tăng mỗi ngày. Hiện, 2,752 bệnh nhân nặng thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Những trung tâm hồi sức tích cực tuyến cuối thuộc tầng 3 đang tiếp tục nâng công suất điều trị. Các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 thuộc tầng 2 cũng gấp rút tăng số lượng giường oxy, máy móc điều trị bệnh nhân nặng.
Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến sáng nay, Tp HCM ghi nhận hơn 221,000 ca nhiễm cộng đồng. Hôm qua (1/9), thành phố ghi nhận 335 trường hợp tử vong, nâng số tử vong lên 9,2024 ca.
-
Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội, di tản khẩn hơn 1,000 dân khỏi vùng ‘nóng’
Chiều 1/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký chỉ thị số 06. Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục giãn cách, đồng thời siết chặt, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (“vùng đỏ”, “vùng da cam”). Đồng thời, có thể giãn cách xã hội cao hơn 1 mức trong dịp 2/9.
Trong ngày 1/9, Hà Nội ghi nhận 59 ca dương tính, trong đó, chùm lây nhiễm phường Thanh Xuân Trung có 2 ca. Hiện chùm lây này đã phát hiện 381 ca tính từ 23/8 đến nay và trở thành điểm nóng của Hà Nội.
Trong tối 1/9, hơn 1,000 người dân vùng dịch này đã được di tản. Việc di chuyển chia thành 10 đợt, 10 xe buýt loại 45 chỗ được điều động. Thời gian di chuyển kéo dài từ tối 1/9 đến 21h ngày 3/9.
Tổng số mắc tại Hà Nội từ đợt dịch thứ 4 đến nay là 3,327 trong đó số ca ghi nhận ngoài cộng đồng là 1,548 ca.
-
Kiên Giang chi hơn 100 tỷ đồng xét nghiệm sàng lọc cộng đồng
Ngày 2/9, tỉnh Kiên Giang cho biết, dự kiến chi trên 100 tỷ đồng để sàng lọc quy mô lớn.
Theo quy định của Bộ Y tế, vùng xanh sàng lọc 5%, tuy nhiên tỉnh này đã thực hiện 10-15%. Tại Tp Rạch Giá được đánh giá là địa bàn trọng điểm của tỉnh, mỗi người dân phải xét nghiệm 5 lần.
Lãnh đạo tỉnh này cho biết, trước đây, tỉnh xét nghiệm với giá trên 600,000 đồng/mẫu (chưa tính tiền công lấy mẫu). Hiện tiền mua sinh phẩm, xét nghiệm bao nhiêu, tỉnh sẽ tính tiền bấy nhiêu.
Ngày 1/9, tỉnh Kiên Giang bước vào giai đoạn 2 xét nghiệm cộng đồng quy mô lớn. Trong đợt 1, ngành y tế địa phương đã xét nghiệm cho 716,000 người bằng phương pháp RT-PCR. Trong đó phát hiện 446 F0 (10 ngày đầu)
Trong những ngày cuối tháng 8, Kiên Giang ghi nhận 225 F0 qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng.
-
Bộ Y tế cảnh báo ‘thuốc điều trị COVID-19 giả’
Ngày 1/9, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cảnh báo về việc xuất hiện thuốc điều trị COVID-19 giả, quảng cáo sai sự thật.
Cục An toàn Thực phẩm khẳng định, không có loại thực phẩm chức năng nào (bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học) có tác dụng điều trị COVID-19.
-
Giá vàng đi ngang dù USD suy yếu
Sáng 2/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1,815 USD/ounce, bằng mức giá cùng thời điểm hôm 1/9.
Trước đó trong ngày 1/9, Hoa Kỳ công bố trong tháng 8 khu vực doanh nghiệp nhỏ (dưới 50 lao động) chỉ tạo ra 364,000 việc làm mới, thấp hơn rất nhiều so với dự báo là 613,000 việc làm.
Theo đó, giới đầu tư tài chính suy đoán, trong vài tháng tới tiền mặt khả năng tiếp tục dồi dào nên bán USD khiến đồng tiền này giảm giá so với nhiều ngoại tệ khác. Giá vàng thế giới vì thế có lúc vụt lên 1,820 USD/ounce.
Tuy nhiên đến sáng nay, đà tăng của giá vàng trững lại khi dòng tiền trên thị trường đổ vào các kênh đầu tư khác như cổ phiếu.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 1/9, giá vàng duy trì ổn định. Cụ thể, giá vàng DOJI và giá vàng PNJ đều giữ nguyên ở cả 2 chiều mua-bán so với phiên sáng và niêm yết cùng mức 56.5-57.5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC tiếp tục giao dịch quanh mức 56.70 triệu đồng/lượng chiều mua và 57.40-57.42 triệu đồng/lượng ở chiều bán.
So với thế giới, giá vàng tại thị trường Việt Nam cao hơn 7.4 triệu đồng/lượng.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm