Tin Việt Nam ngày 2/10: Thêm 5,490 ca mắc mới, 164 ca tử vong, số mắc thấp nhất trong 70 ngày, Nestlé thêm 132 triệu USD vào chế biến cà phê tại Việt Nam
Nội dung tối 2/10
Thêm 5,490 ca mắc mới, 164 ca tử vong, số mắc thấp nhất trong 70 ngày
Tối 2/10, Bộ Y tế thông báo về 5,490 ca mắc mới gồm 13 ca nhập cảng và 5,477 ca tại 40 tỉnh/thành, trong đó có 3,004 ca cộng đồng.
Các ca mắc mới được ghi nhận chủ yếu tại Bình Dương (1,517), Đồng Nai (509), An Giang (139), Long An (107), Kiên Giang (77), Đắk Lắk (59), Bình Thuận (47)…
Ngày 2/10, số mắc tại Việt Nam ghi nhận thấp nhất trong 70 ngày qua và giảm 1,464 ca so với ngày 1/10, trong đó, Tp HCM giảm 947 ca (cũng là ngày có số nhiễm thấp nhất trong gần 80 ngày qua), Bình Dương giảm 270 ca, Đồng Nai giảm 226 ca; Đắck Lắck tăng 59 ca, An Giang tăng 23 ca, Khánh Hòa tăng 21.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 803,202 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) là 798,626 ca. Có 664,938 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 2/10, Việt Nam ghi nhận 164 ca tử vong tại 10 tỉnh/thành, trong đó nhiều nhất là Tp HCM (123), Bình Dương (24), Đồng Nai (5), Long An (5)…
Tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19,601 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca nhiễm. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6,337 ca, trong đó, số thở oxy là 5,366 ca, số thở máy và ECMO là 1,070 ca.
Sài Gòn ngày thứ 2 nới lỏng giãn cách, nhiều dịch vụ đông nghẹt khách
Ngày 2/10, là ngày thứ 2 Tp HCM nới lỏng giãn cách, nhiều hoạt động được mở cửa trở lại. Trên các tuyến đường, các phương tiện giao thông nối đuôi ùn ùn, nhiều loại hình dịch vụ được phép mở cửa trở lại.
Tại các hàng quán, tiệm sửa xe, nhà sách, tiệm hớt tóc, cửa hàng điện thoại, phụ kiện điện tử… đông nghẹt khách.
Cũng trong ngày này, CSGT thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên, và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm giao thông như đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu.
Người dân có thẻ xanh, thẻ vàng hoặc F0 khỏi bệnh lưu thông bình thường.
Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc trong ngày, hỗ trợ BV Việt Đức về điểm cách ly
Tại Hà Nội, liên quan đến chùm lây nhiễm mới ở Bệnh viện Việt Đức, tối 2/10, CDC ghi nhận thêm 1 ca dương tính mới, nâng số mắc trong ngày lên 20 ca.
Trước đó, từ sáng đến trưa cùng ngày, 19 ca được ghi nhận gồm: 6 người nhà, 9 bệnh nhân, 3 nhân viên, một nhân viên phục vụ nhà ăn của bệnh viện.
Như vậy trong 3 ngày qua, đã có 29 ca nhiễm liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong đó 23 ca ở Hà Nội, 3 ca ở Nam Định, Hà Tĩnh, Hưng Yên và Hải Dương mỗi nơi một ca.
Đến 11h trưa 2/10, Hà Nội đã lấy 7,141 mẫu tại bệnh viện, trong đó, 4,384 mẫu của nhân viên, người bệnh và người nhà trong viện; 1,385 mẫu của dân cư xung quanh bệnh viện và 1,372 mẫu người về từ bệnh viện. Kết quả xét nghiệm, 6,303 mẫu âm tính, 22 mẫu dương tính, số còn lại chưa có kết quả.
Hôm 1/10, Bộ Y tế đã đề nghị Hà Nội hỗ trợ bệnh viện Việt Đức về địa điểm cách ly cho người nhà bệnh nhân và khách sạn cho nhân viên.
Tích hợp thẻ xanh COVID-19 trên căn cước công dân
Chiều 2/10, đại diện Cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, công dân đã chích 2 liều vaccine COVID-19 sẽ được tích hợp thẻ xanh, chích một liều được tích hợp thẻ vàng trên căn cước gắn chip.
Hiện Bộ Công an đang triển khai các ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ căn cước công dân gắn chip như: tích hợp thông tin thẻ xanh COVID-19, chích chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe, thông tin về người được hưởng chính sách; tích hợp người phụ thuộc đi cùng với người có căn cước công dân gắn chip (con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự…).
Nestlé thêm 132 triệu USD vào chế biến cà phê tại Việt Nam
Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 132 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai.
Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư quốc tế của công ty Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu USD.
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, từ năm ngoái đến nay, tác động của dịch bệnh làm doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức.
Nestlé cũng gặp phải nhiều vấn đề như nhu cầu tiêu dùng giảm, vấn đề an toàn tại nơi làm việc, thiếu nhân công và nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng. Việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong thời gian dài đã gây ra nhiều khó khăn đối với việc vận hành cũng như gây ảnh hưởng đối với các nhân viên, dẫn đến chi phí tăng và năng suất lao động giảm.
Ông Binu Jacob chia sẻ, mong muốn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng an toàn, chất lượng cao và đáp ứng khẩu vị của nhiều nhóm khách hàng, và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung.
Xem thêm