Tin Việt Nam ngày 18/9: Gần 9,400 ca mắc mới, 220 ca tử vong, Tp HCM với 3 chiến lược điều trị COVID-19 giai đoạn mở cửa, Bình Dương thực hư với chuyện hơn 149,000 liều vaccine hết hạn, hơn 200 xe hàng nông sản, thủy sản ùn ứ ở đường biên
Nội dung tối 18/9
Gần 9,400 ca mắc mới, số mắc giảm hơn 2,000 ca so với hôm qua
Tối 18/9, Bộ Y tế thông báo về 9,373 ca mắc mới gồm 13 ca nhập cảng và 9,360 ca ghi nhận tại 33 tỉnh/thành, trong đó có 4,827 ca cộng đồng. Trong ngày có 14,903 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 448,368 trường hợp.
9,360 ca phân bố chủ yếu tại Tp HCM (4,237), Bình Dương (2,877), Đồng Nai (939), Long An (236), Tiền Giang (197), Kiên Giang (168), An Giang (143), Đắk Lắk (91), Đắk Nông (70), Tây Ninh (66), Quảng Bình (45), Bình Định (45), Cần Thơ (43)…
So với ngày 17/9, số mắc tại Việt Nam ngày 18/9 giảm 2,146 ca, trong đó Tp HCM giảm 1,735 ca, Bình Dương giảm 1,136 ca, Đồng Nai tăng 594 ca, Long An giảm 37 ca, Tiền Giang tăng 79 ca.
Tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 677,023 ca nhiễm, trong đó riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số ca nhiễm là 672,592 ca. Có 445,594 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành ghi nhận số mắc cao là Tp HCM (331,032), Bình Dương (175,963), Đồng Nai (39,020), Long An (30,079), Tiền Giang (12,957).
Thêm 220 ca tử vong, hơn 1,000 ca đang phải thở máy và ECMO
Cũng trong tối 18/9, Việt Nam ghi nhận 220 ca tử vong tại 9 tỉnh/thành, trong đó nhiều nhất là Tp HCM với 165 ca, Bình Dương 39 ca, Kiên Giang 7 ca, Tây Ninh 3 ca…
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16,857 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5,477 ca, trong đó có 4,410 ca thở oxy, 1,037 ca thở máy và ECMO.
3 chiến lược điều trị COVID-19 tại Tp HCM giai đoạn mở cửa
Tại cuộc họp báo chiều 18/9, Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế Tp HCM cho biết, chiến lược điều trị COVID-19 trong thời gian tới sẽ tập trung vào 3 điểm:
- Thứ nhất, quản lý F0 xuất viện tại cộng đồng.
- Thứ hai, tăng cường hệ thống điều trị các tầng của bệnh viện bảo đảm F0 tại nhà được chăm sóc tốt và tự hồi phục. Trường hợp nào diễn tiến nặng thì sớm phát hiện, chuyển điều trị tại bệnh viện tầng hai và ba, hạn chế tỷ lệ tử vong.
- Thứ ba, giám sát liên tục việc lấy mẫu, xét nghiệm phát hiện sớm người nguy cơ cao, kịp thời tiếp nhận, theo dõi, điều trị.
Chia sẻ thêm về số ca tử vong liên quan đến COVID-19, BS Châu cho biết, trong tuần qua, số tử vong tại Tp HCM đang có xu hướng giảm. Số liệu của Sở Y tế cho thấy, ngày 13/9 là 199 ca, ngày 14/9 là 189, ngày 15/9 là 160, ngày 16/9 là 166, ngày 17/9 là 165 ca, và hôm nay ngày 18/9 cũng 165 ca.
Ngoài ra theo thống kê, số bệnh nhân nặng mới nhập viện giảm nhiều tại tầng 2 và 3, so với các giai đoạn dịch trước. Hiện tầng 3 có hơn 1,000 bệnh nhân đang thở máy.
Bình Dương thực hư với chuyện hơn 149,000 liều vaccine hết hạn
Ngày 18/9, Sở Y tế Bình Dương ban hành văn bản số 2281 thay thế công văn số 2215 ngày 14/9 về việc chích liều 2 vaccine COVID-19 cho nhóm người chích liều 1 vaccine Moderna.
Về lý do thay thế, Sở Y tế cho hay, công văn ngày 14/9 có nội dung dễ gây hiểu lầm nên đã ra văn bản thu hồi và đưa ra hướng dẫn mới.
Trước đó, ngày 14/9, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hồng Chương đã ký công văn số 2215 gửi tỉnh cùng các đơn vị chích ngừa, trong đó có đoạn:
“Vaccine Moderna do Bộ Y tế phân bổ cho Bình Dương đợt 11 và 14 đã hết hạn sử dụng ngày 4/9/2021 (vaccine sau khi rã đông sử dụng 30 ngày ở nhiệt độ từ 2-8 độ C). Vì vậy, Sở Y tế đề nghị các đơn vị có thể sử dụng vaccine Pfizer để chích liều 2 cho các đối tượng đã chích liều một bằng vaccine Moderna…”
Sau khi áp dụng, văn bản này gây xôn xao vì dư luận cho rằng, trong khi vaccine đang khan hiếm, ngành y tế tỉnh Bình Dương lại để vaccine Moderna bị quá hạn dẫn đến lãng phí.
Lý giải về việc này, lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương khẳng định, không có chuyện ngành y tế để vaccine Moderna quá hạn, gây lãng phí. Toàn bộ hơn 149,000 liều đã được chích hết từ cuối tháng 8/2021.
Theo vị lãnh đạo này, văn bản ngày 14/9 được ban hành nội bộ ngành y tế tỉnh, nội dung có đoạn vaccine Moderna hết hạn chỉ là lời dẫn nhằm mục đích giải thích cho các cơ sở y tế, đơn vị chích ngừa làm cơ sở cho việc đề xuất chích liều 2 bằng vaccine Pfizer cho người đã chích liều một bằng Moderna.
Quảng Ninh: Hơn 200 xe hàng nông sản, thủy sản ùn ứ ở đường biên
Chiều 18/9, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết, Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra xe hàng để phòng dịch COVID-19 nên thủ tục xuất cảng bị chậm, hơn 200 xe nông sản, thủy sản… bị ùn ứ chưa thể đi qua cầu phao tạm km 3+4 trên sông biên giới Ka Long nối Tp Móng Cái với Tp Đông Hưng (Trung Quốc). Trước đây mỗi ngày khu vực này thông quan khoảng 80 xe, nhưng hiện chỉ được từ 20 đến 30 xe.
Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái, hiện có 37 xe chở thanh long đang nằm chờ để giao hàng, trong đó 29 xe đỗ bên phía Việt Nam; 8 xe nằm ở bãi bên đất Trung Quốc song vẫn chưa giao được hàng vì phải chờ kiểm dịch. Các xe này được bảo quản lạnh nên không ảnh hưởng đến chất lượng thanh long.
Trước đó, ngày 16/9, Bộ Công Thương nhận thông báo từ phía Trung Quốc về việc dừng thông quan trong 7 ngày (từ 15 đến 21/9), do phát hiện COVID-19 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long nhập từ Việt Nam.
Theo thông báo của phía Tp Đông Hưng, sau 23h ngày 21/9, mặt hàng thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan. Tuy nhiên, nếu phía Trung Quốc xét nghiệm PCR và tiếp tục phát hiện virus viêm phổi Vũ Hán trên thanh long hoặc mặt hàng khác thì sẽ gia hạn dừng thông quan thêm một tuần với mặt hàng đó. Trường hợp hàng nông sản xuất cảng bị phát hiện 3 lần dương tính, thời gian tạm dừng thông quan là 4 tuần.
Xem thêm