Tin Việt Nam ngày 17/9: Hơn 11,500 ca mắc mới, 212 ca tử vong, chuyên gia đề nghị Tp HCM dừng xét nghiệm diện rộng, chuyên gia phân tích nguy cơ COVID-19 bám trên bao bì đựng nông sản, Bộ Tài chính làm rõ thông tin ngân sách dự phòng ‘hết tiền’
Hơn 11,500 ca mắc mới, Bình Dương tăng hơn 1,000 ca so với hôm qua
17h ngày 17/9, Bộ Y tế thông báo về 11,521 ca mắc mới gồm 15 ca nhập cảng và 11,506 ca ghi nhận tại 34 tỉnh/thành, trong đó có 6,656 ca cộng đồng.
Cụ thể 11,506 ca phân bố chủ yếu tại Tp HCM (5,972), Bình Dương (4,013), Đồng Nai (345), Long An (273), Kiên Giang (180), Tiền Giang (118), Tây Ninh (114), An Giang (106), Quảng Ngãi (52), Cần Thơ (50)…
So với ngày 16/9, số mắc tại Việt Nam ngày 17/9 tăng 1,024 ca, trong đó Tp HCM tăng 237 ca, Bình Dương tăng 1,015 ca, Đồng Nai giảm 222 ca, Long An giảm 8 ca, Kiên Giang giảm 18 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 667,650 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 663,232 ca. Có 433,465 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành ghi nhận số mắc cao là Tp HCM (326,795), Bình Dương (173,086), Đồng Nai (38,081), Long An (29,843), Tiền Giang (12,760).
Thêm 212 ca bệnh COVID-19 tử vong, số tử vong tại Tp HCM tiếp tục giảm
Trong ngày 17/9, Việt Nam ghi nhận 212 ca tử vong tại 13 tỉnh/thành, trong đó nhiều nhất vẫn là Tp HCM với 166 ca, Bình Dương 28, Đồng Tháp 4 ca…
Tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16,637 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5,505 ca, trong đó có 4,479 ca thở oxy, 1,026 ca thở máy và ECMO.
Chuyên gia đề nghị Tp HCM dừng xét nghiệm diện rộng
Sáng 17/9, tại buổi gặp gỡ, lắng nghe về kế hoạch ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau 15/9, PGS. TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược Tp HCM) nêu ý kiến, Tp HCM không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng và truy vết vì rất tốn kém, chỉ nên tập trung lấy mẫu những người nguy cơ cao, triệu chứng.
Đề nghị trên được đưa ra khi thành phố tiếp tục triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn địa bàn trong nửa sau tháng 9. Trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng, việc ‘sống chung’ với dịch là tất yếu.
Ý kiến trên cũng được PGS Vũ Minh Phúc, cố vấn Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược Tp HCM đồng quan điểm.
Còn GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược cho rằng, nếu theo cách này, việc truy vết phải thực hiện mãi vì kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong 3 ngày. Vì vậy, thành phố cần đồng thuận quan điểm không cần thiết xét nghiệm diện rộng, cần tập trung nguồn lực vào việc phủ vaccine tới người dân, nhất là người nguy cơ cao, trên 65 tuổi.
Trước đó, từ ngày 27/4 đến 15/9, Tp HCM đã lấy tổng cộng gần 2 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR và hơn 9.5 triệu mẫu test nhanh kháng nguyên.
Chuyên gia y tế phân tích nguy cơ COVID-19 bám trên bao bì đựng nông sản
Liên quan đến việc Trung Quốc tạm dừng nhập thanh long tại cửa khẩu Quảng Ninh do phát hiện virus viêm phổi Vũ Hán trên bao bì bọc quả và thùng các-tông đựng thanh long, ngày 17/9, PGS-TS Trần Đắc Phu, Bộ Y tế cho biết, virus SARS-Cov-2 có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người bình thường qua tiếp xúc gần do hít phải giọt bắn có chứa virus của người bệnh.
Ngoài ra, sự lây nhiễm cũng có thể thông qua cơ chế tiếp xúc bàn tay với bề mặt của các vật dụng có chứa virus SARS-CoV-2. Giống như các virus corona khác, COVID-19 có thể sống trên bề mặt khác nhau từ vài giờ đến vài ngày.
Theo PGS Phu, hiện chưa có thông tin về khả năng virus viêm phổi Vũ Hán có thể lây lan qua thực phẩm tươi hoặc thực phẩm đóng gói. Với sản phẩm thanh long, chuyên gia Phu cho rằng cũng không loại trừ người vận chuyển mang virus trong quá trình tiếp xúc với sản phẩm đã khiến mầm bệnh bám trên bề mặt.
Đến nay vẫn chưa có trường hợp nào mắc COVID-19 có nguồn lây được xác định từ thực phẩm, tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân có thể áp dụng các giải pháp như: Đeo khẩu trang, găng tay, rửa tay sát khuẩn khi thu hái và bốc xếp hàng hóa, thực hiện xét nghiệm đối với lái xe, người vận chuyển, thực hiện khử khuẩn phương tiện theo quy định…
Dịch sốt xuất huyết tiếp tục lan rộng tại Hà Nam
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, theo thống kê từ ngày 1/7 đến 15/9, bệnh viện đã điều trị tổng 189 ca sốt xuất huyết. Đến ngày 16/9, vẫn có 56 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Hiện số bệnh nhân mới chưa có dấu hiệu giảm.
Tại Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, từ giữa tháng 7 đến nay, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết, chủ yếu đến từ thành phố Phủ Lý. Trong 10% bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, có 6% phải chuyển tuyến trên. Những bệnh nhân nặng hầu hết tuổi cao, có bệnh lý nền và cũng có nhiều bệnh nhân đến bệnh viện muộn.
Trước đó, vào ngày 21/7, thành phố Phủ Lý ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết đầu tiên tại phường Hai Bà Trưng, tiếp đến là ổ dịch tại phường Minh Khai. Qua gần 2 tháng, đến nay dịch sốt xuất huyết đã lan rộng sang 11/21 xã, phường của thành phố Phủ Lý với tổng số 209 ca bệnh.
Bộ Tài chính làm rõ thông tin ngân sách dự phòng ‘hết tiền’
Trong thông cáo báo chí phát đi trưa 17/9, Bộ Tài chính cho biết, ngân sách dự phòng quốc gia đã chi hết và đang chờ bổ sung, chứ không phải “ngân sách gần như không còn đồng nào”.
Theo giải thích của Bộ Tài chính, trong năm 2021, Việt Nam đã trích 10,700 tỷ đồng từ nguồn dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí phòng dịch và chi 5,100 tỷ đồng mua vaccine COVID-19 từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách quốc gia năm 2020 chuyển sang. Hiện khoản dự phòng này đã chi hết 17,500 tỷ đồng.
Còn theo khẳng định mới nhất của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, không có chuyện ngân sách cạn kiệt, ngân sách vẫn hoàn toàn bảo đảm được các nhiệm vụ chi theo dự toán đã được Quốc hội chấp thuận.
Bộ trưởng Tài chính cho hay, chỉ có khoản dự phòng ngân sách năm 2021 (thường chiếm 2-4% ngân sách), thì đã sử dụng hết cho việc phòng dịch. Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép chuyển khoản tiết kiệm 14,620 tỷ đồng từ nguồn chi thường xuyên để bổ sung dự phòng ngân sách, phục vụ phòng dịch COVID-19.
Trước đó, tại phiên họp Quốc hội ngày 16/9, khi được đề nghị dùng ngân sách bổ sung giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp các chi phí ứng phó dịch bệnh để duy trì sản xuất, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ rằng, ngân sách hiện rất khó khăn, “ngân sách trung ương dự phòng gần như không còn đồng nào”.
Xem thêm