Tin Việt Nam ngày 17/7: 3,718 ca mắc mới, thêm 16 tỉnh/thành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Hà Nội đề nghị xét nghiệm toàn bộ nhân viên xe buýt, Grab dừng dịch vụ giao hàng từ TP. HCM đến 3 tỉnh, vùng áp thấp gây thời tiết nguy hiểm trên Biển Đông
Nội dung tối 17/7:
|
-
Thêm 1,612 ca mắc mới, riêng TP. HCM có 1,025 ca
19h ngày 17/7, Bộ Y tế thông báo về 1,612 ca mắc mới COVID-19 (BN46293-47904) gồm 12 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại TP. HCM (8 ), Hà Nội (2), Kiên Giang (1), An Giang (1) và 1,600 ca trong nước tại TP. HCM (1,017), Đồng Tháp (139), Long An (134), Khánh Hòa (78), Đồng Nai (64), Đà Nẵng (33), Phú Yên (30), Bà Rịa – Vũng Tàu (23), Trà Vinh (15), Hưng Yên (13), Hà Nội (13), Gia Lai (5), Bình Thuận (5), An Giang (5), Hà Nam (5), Đắk Nông (4), Hải Phòng (3), Bình Phước (3), Quảng Ngãi (3), Bắc Ninh (2), Cần Thơ (2), Bắc Giang (1), Lạng Sơn (1), Ninh Thuận (1), Vĩnh Phúc (1); trong đó, 1,279 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy trong ngày 17/7, Việt Nam ghi nhận 3,718 ca mắc mới, với 3,705 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (2,786), Đồng Tháp (180), Long An (134), Bình Dương (124), Đồng Nai (107), Khánh Hòa (100), Vĩnh Long (42), Bến Tre (34), Đà Nẵng (33), Phú Yên (31), Bà Rịa – Vũng Tàu (23), Hà Nội (15), Trà Vinh (15), Hưng Yên (13), Bình Phước (10), An Giang (8 ), Sóc Trăng (6), Cần Thơ (6), Gia Lai (6), Đắk Nông (5), Bình Thuận (5), Hà Nam (5), Bắc Ninh (4), Hải Phòng (3), Quảng Ngãi (3), Bình Định (2), Lâm Đồng (1), Bắc Giang (1), Lạng Sơn (1), Ninh Thuận (1), Vĩnh Phúc (1); trong đó, 2,959 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 19h ngày 17/7, Việt Nam có tổng cộng 44,314 ca bệnh, 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
-
Thêm 16 tỉnh/thành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 19/7
Ngày 17/7, Chính phủ Việt Nam quyết định giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 đối với 16 tỉnh/thành gồm: thành phố Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Thời gian thực hiện giãn cách là 14 ngày. Thời điểm áp dụng giãn cách xã hội đối với 16 tỉnh/thành nêu trên do Chủ tịch cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0 giờ ngày 19/7.
Với 3 tỉnh/thành đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày 17/7 gồm TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, căn cứ kết quả phòng dịch trên địa bàn, Chủ tịch cấp tỉnh chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định tiếp tục giãn cách xã hội như trước, hoặc kéo dài thời gian cùng với 16 tỉnh mới được bổ sung.
-
CDC Hà Nội đề nghị xét nghiệm toàn bộ nhân viên xe buýt
Ngày 17/7, CDC Hà Nội cho biết, chùm ca bệnh mới hiện đã ghi nhận 9 ca nhiễm, trong đó, 2 người là nhân viên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội là T.T.M.H (mẹ của nữ nhân viên ngân hàng Vietinbank) và T.T.D (là F1 của BN T.T.M.H).
Theo đó, CDC Hà Nội đã đề xuất Sở Y tế phối hợp với Sở GTVT triển khai xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên, các lái xe, nhân viên soát vé xe buýt trên toàn thành phố để sàng lọc F0 có thể có trong cộng đồng, khoanh vùng, tránh để dịch lan rộng.
Hiện Hà Nội cũng đang xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho 10,000 người có nguy cơ cao gồm: Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh cư trú trên địa bàn các quận, huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; Người làm dịch vụ vận tải, lái xe/phụ xe đường dài, nhân viên bán vé, người làm việc thường xuyên tại một số bến xe lớn của thành phố hoặc lái tàu, nhân viên phục vụ, kiểm soát trên tàu hoặc nhà ga…
-
Bình Thuận cho phép tàu Hồng Kông cập cảng
Chiều 17/7, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong vừa ký văn bản đồng ý tiếp nhận tàu Pareast Honesty vào bến cảng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
Cụ thể, tỉnh Bình Thuận chấp thuận tiếp nhận thuyền viên và đưa tàu Pareast Honesty vào bến cảng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 để bốc dỡ hàng nhằm đảm bảo cung cấp nhiêu liệu cho nhà máy.
Chủ tịch tỉnh giao Cảng vụ Hàng hải chủ trì, phối hợp Bộ đội Biên phòng, CDC tỉnh, Chi cục Hải quan, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và đại lý hàng hải của tàu Pareast Honesty cho tàu cập cảng đúng quy trình. Đặc biệt, chú ý các biện pháp phòng dịch COVID-19.
CDC Bình Thuận đã đưa 3 thuyền viên mắc COVID-19 vào đất liền điều trị. Ngành Y tế sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm 18 thuyền viên còn lại, đồng thời phun khử khuẩn cho tàu. Hiện tàu Pareast Honesty đang neo đậu tại phao số 0 vùng biển Vĩnh Tân.
-
Grab dừng dịch vụ giao hàng từ TP. HCM đến 3 tỉnh
Chiều 17/7, Grab Việt Nam vừa thông báo đến khách hàng về việc dịch vụ giao hàng Express sẽ tạm ngưng nhận đơn hàng từ TP. HCM đi các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Trong nội thành TP.HCM, việc giao hàng vẫn hoạt động bình thường.
Hiện tại, dịch vụ giao hàng và “đi chợ giúp” của Grab, Be, Now vẫn hoạt động bình thường. Các ứng dụng khuyến khích người dùng lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt để giảm tiếp xúc không an toàn.
-
Gần 2,500 thí sinh TP. HCM đăng ký thi tốt nghiệp THPT đợt 2
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. HCM cho biết, sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, thành phố còn khoảng gần 2,500 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2.
Theo Sở này, đối tượng thi đợt 2 là thí sinh thuộc diện F0, F1, F2; thí sinh đang ở vùng bị phong tỏa; thí sinh học lớp 12 tại TP. HCM đang cư trú tại các tỉnh/thành khác và thí sinh không xét nghiệm nhanh COVID-19.
Sau khi thí sinh nộp đơn và hoàn tất giấy tờ chứng minh thuộc những diện trên, Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP. HCM năm 2021 sẽ chấp thuận và thông báo thí sinh có hồ sơ hợp lệ để tham gia dự thi đợt 2.
Trước đó, khi Bộ GD&ĐT dự kiến thi tốt nghiệp THPT đợt 2 vào các ngày từ 5 đến 7/8, hiệu trưởng nhiều trường THPT tại TP. HCM cho rằng, mốc thời gian này là quá sớm. Riêng tại TP. HCM, hiệu lực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải đến hết ngày 24/7. Trong khi đó, còn nhiều thí sinh, giáo viên tại TP. HCM đang trong khu vực phong tỏa, khó kịp dự thi tại mốc thời gian mà Bộ dự kiến.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, nếu vẫn tổ chức thi đợt 2 như dự kiến, Bộ GD&ĐT cần tính đến phương án thi đợt 3 cho những thí sinh không thể dự thi đợt 2.
-
Vi phạm 8 hành vi, một công ty ở Hải Dương bị phạt 344 triệu đồng
Ngày 17/7, tỉnh Hải Dương đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam (Khu công nghiệp Phúc Điền, H.Cẩm Giàng) 344 triệu đồng về 8 hành vi vi phạm môi trường. Cụ thể:
- Phạt 70 triệu đồng về hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo ĐTM và các yêu cầu trong quyết định được chấp thuận;
- Phạt 100 triệu đồng về hành vi báo cáo không đúng thực tế về tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại năm 2019, 2020;
- Phạt 120 triệu đồng về hành vi bố trí không bảo đảm trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;
- Phạt 15 triệu đồng về hành vi không tổ chức hoặc không cử người tham gia các khóa huấn luyện an toàn hóa chất định kỳ thuộc trường hợp dưới 10 người;
- Phạt 4 triệu đồng về hành vi không lưu giữ đầy đủ hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất;
- Phạt 12 triệu đồng về hành vi huấn luyện các nội dung về an toàn hóa chất không đúng quy định với từng nhóm đối tượng;
- Phạt 8 triệu đồng về hành vi không sử dụng hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất;
- Phạt 15 triệu đồng về hành vi tồn trữ các loại hóa chất nguy hiểm là nguyên liệu, hóa chất trung gian và hóa chất thành phẩm chưa kê khai hoặc lưu trữ với khối lượng tồn trữ lớn hơn khối lượng đã kê khai trong biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được ban hành.
-
Vùng áp thấp gây thời tiết nguy hiểm trên Biển Đông
Lúc 13h chiều nay (17/7), vùng áp thấp nằm trên rãnh áp thấp có trục ở khoảng 17,0-20,0 độ Vĩ Bắc. Trong 24h tới, vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, từ nay đến ngày 20/7 ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Từ ngày 18/7 đến khoảng ngày 24-25/7, gió mùa Tây Nam trên khu vực Giữa và Nam Biển Đông mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.
Đêm nay và ngày mai (18/7), do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió lên đến 3,000m nên vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Từ chiều tối mai (18/7) đến 21/7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác; riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Cảnh báo: Khoảng từ ngày 22-24/7, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. Khu vực Hà Nội: Từ chiều tối mai (18/7) đến 21/7, có lúc có mưa rào và dông.
Ngoài ra: Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên từ nay đến ngày 19/7, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 20-40mm/24h, có nơi trên 60mm/24h (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối).
Nội dung trưa 17/7:
|
-
Toàn tỉnh Bình Dương giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16
Tỉnh Bình Dương quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày trên toàn tỉnh, từ 0h ngày 19/7.
Theo đó, Bình Dương cách ly xã hội theo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, tổ với tổ, khu phố với khu phố, xã với xã, thị xã với thị xã, huyện với huyện, thành phố với thành phố…
Các doanh nghiệp, phân xưởng, nhà máy chỉ được hoạt động sản xuất khi bảo đảm phương án “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc có xe đưa đón công nhân từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại theo quy trình khép kín, bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Tỉnh Bình Dương yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Tính đến hết ngày 16/7, Bình Dương ghi nhận 2,175 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó, 4 ca tử vong.
-
Hải Phòng ghi nhận 3 ca dương tính sau 21 ngày không có ca mắc mới
Đêm 17/7, Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng ghi nhận 3 trường hợp qua xét nghiệm test nhanh phát hiện kháng nguyên virus viêm phổi Vũ Hán.
3 trường hợp này cho kết quả dương tính với COVID-19 gồm: Hồ Trung T. (sinh năm 1973, địa chỉ: khu 3, Bình Chiểu, Thủ Đức, TP. HCM, làm nghề lái xe); Nguyễn Hoàng D. (sinh năm 1985, địa chỉ: Độc Lập, Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu, làm nghề lái xe) và Nguyễn Viết V. (sinh năm 1992, địa chỉ: Trung Đức, Kỳ Tân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, làm công nhân xây dựng của Công ty Kiến Hưng trong khu công nghiệp DEEP C, Phường Đông Hải, Hải An, Hải Phòng).
Sau khi phát hiện bệnh nhân dương tính, ngành y tế và các địa phương tiếp tục điều tra truy vết, cách ly y tế đối với F1, F2 và phun thuốc khử khuẩn, xử lý ổ dịch.
-
Hà Nội xác định nguồn lây của F0 là nữ nhân viên ngân hàng Vietinbank
Sáng 17/7, Hà Nội ghi nhận thêm 13 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó có 6 F1 của bệnh nhân T.T.H. thuộc chùm ca bệnh liên quan đến chung cư Sunshine.
CDC Hà Nội cho biết, hiện thành phố có 2 chùm ca bệnh mới liên quan đến nữ nhân viên ngân hàng Vietinbank (tại số 25 Lý Thường Kiệt, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lây nhiễm cho nhiều người và ca bệnh là người bán xổ số (Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) khá phức tạp.
Theo CDC Hà Nội, hiện chưa có kết quả rõ ràng về nguồn lây của ca bệnh là người bán xổ số (Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), được xác định sống gần Chung cư Sunshine Palace nơi bệnh nhân sinh sống.
Trường hợp ca bệnh là nữ nhân viên ngân hàng Vietinbank, hiện CDC đã xác định được nguồn lây là ổ dịch tập trung tại gia đình bệnh nhân, vì hiện nay 7 người thân đã bị lây nhiễm, một người khác liên quan cũng dương tính với COVID-19.
Chùm ca bệnh liên quan nữ nhân viên ngân hàng đang tiếp tục được điều tra và truy vết. Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho hay, hầu hết các ca bệnh trong đợt này đều có xuất hiện triệu chứng như ho, sốt.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 376 ca mắc COVID-19. Từ ngày 14/7, Hà Nội thành lập 22 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt… để kiểm soát phương tiện, người dân vào thành phố.
-
Bệnh viện Đa Khoa Phú Yên phong tỏa Khoa tim mạch
Sáng 17/7, ông Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên xác nhận có 2 bệnh nhân ở khoa tim mạch – lão học của bệnh viện dương tính với COVID-19 nên toàn khoa này bị phong tỏa từ tối 16/7.
Đến sáng 17/7, toàn bộ 150 bệnh nhân, người nhà và 10 nhân viên của khoa tim mạch – lão học Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên… đã được lấy mẫu để xét nghiệm COVID-19.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên từng bị phong tỏa từ ngày 23/6 đến 5/7 do có ca F0 được phát hiện ở các khoa hồi sức cấp cứu, thần kinh – nội tiết.
Tính từ ngày 23/6 đến sáng 17/7, tỉnh Phú Yên đã ghi nhận 727 ca mắc COVID-19.
-
Bình Thuận lên phương án cho tàu Hồng Kông nhập cảng Vĩnh Tân 4
Sáng nay 17/7, Cảng vụ hàng hải Bình Thuận đã trình phương án, cho phép tàu MV. Fareast Honesty (Hồng Kông) chở than từ Indonesia cập cảng than Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 với các điều kiện nghiêm về phòng dịch.
Cụ thể, Bình Thuận đồng ý cho tàu MV. Fareast honesty cập cảng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 bốc dỡ than cho nhà máy với điều kiện: Cả 18 thuyền viên trên tàu đều âm tính với COVID-19.
Trong trường hợp còn người dương tính, sẽ tiếp tục cách ly để điều trị đối với thuyền viên đó. Khi tàu cập cảng than Vĩnh Tân 4, những người trên bờ không được tiếp xúc với thuyền viên trên tàu.
Đối với hoa tiêu hàng hải, trước khi lên tàu phải có kết quả xét nghiệp PCR âm tính, tàu phải được phun khử khuẩn. Hoa tiêu lên tàu phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch theo quy định và chỉ được đứng ngoài cánh gà điều khiển tàu, không được lên ca bin và buồng lái.
Trước đó, tàu MV. Fareast honesty (có 21 thuyền viên, đều mang quốc tịch Trung Quốc) vận chuyển 55,000 tấn than từ Indonesia cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, neo đậu tại “phao số 0” khu vực vùng nước cảng biển Vĩnh Tân để làm thủ tục kiểm dịch theo quy định.
Đến ngày 12/7, CDC tỉnh Bình Thuận lấy mẫu để xét nghiệm PCR đối với các thuyền viên trên tàu, kết quả có 3 thuyền viên dương tính với COVID-19.
Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã thông báo đến chủ tàu, thuyền trưởng tàu MV. Fareast Honesty và đại lý hàng hải tạm dừng nhập cảnh đối với tàu Fareast Honesty để chờ chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
CDC Bình Thuận đã không cho tàu này cập cảng và đề nghị quay trở về điểm xuất phát. Sau đó, Tập đoàn EVN, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và đại diện chủ tàu MV. Fareast Honesty đều có công văn gửi Chủ tịch tỉnh Bình Thuận đề nghị cho tàu vào cảng để bốc dỡ than.
Cho tới 11h30 trưa nay (17/7), tỉnh Bình Thuận vẫn chưa có quyết định chấp thuận cho tàu MV. Fareast Honesty cập cảng nhiệt điện Vĩnh Tân 4 để bốc dỡ than hay không.
-
Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tế trái cây để dụ khỉ về rừng
Sáng 17/7, thành phố Vũng Tàu đã đưa 3 bao trái cây, khoảng 75 kg gồm táo, chuối, củ cải… lên núi Lớn để “tiếp tế” cho hàng trăm con khỉ đang đói ăn tại đây.
Số trái cây trên khi vừa đến nơi, hơn 100 con khỉ lao ra, vây quanh. Trên núi này có khoảng 300 con khỉ sinh sống.
Trước đó, ngày 16/7, một đàn khỉ khoảng hơn 10 con xuống từ núi Lớn để tìm kiếm thức ăn sau nhiều ngày bị đói vì không còn người dân đi bộ, leo núi cho ăn như thường lệ do TP Vũng Tàu đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Đàn khỉ này xuống đường ở khu vực công viên Bãi Trước, sau đó đi trên dây điện, mái nhà đọc đường Hạ Long, theo hướng về Bãi Sau, Vũng Tàu. Đây là chuyện chưa từng xảy ra trước đây.
-
Biển Đông xuất hiện vùng áp thấp, Bắc Bộ đón mưa lớn kéo dài 1 tuần
Sáng nay 17/7, một vùng áp thấp đã hình thành trên khu vực bắc Biển Đông. Vào lúc 10h, vùng áp thấp nằm trên rãnh áp thấp và có khả năng mạnh lên trong 24 giờ tới.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của vùng áp thấp, nền từ ngày mai (18/7) đến 21/7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Khoảng từ ngày 22 đến 24/7, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình nên ngày và đêm nay (17/7), ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 20-40mm/24h, có nơi trên 60mm/24h (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối). Từ ngày 18 và 19/7, mưa dông ở các khu vực này có xu hướng gia tăng.
Nội dung sáng 17/7:
|
-
Hơn 2,100 ca mắc mới, TP. HCM vẫn nhiều nhất với gần 1,800 ca
6h ngày 17/7, Bộ Y tế thông báo về 2,106 ca mắc mới COVID-19 (BN44187-46292) gồm 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại An Giang và 2,105 ca trong nước tại TP. HCM (1,769), Bình Dương (124), Đồng Nai (43), Vĩnh Long (42), Đồng Tháp (41), Bến Tre (34), Khánh Hòa (22), Bình Phước (7), Sóc Trăng (6), Cần Thơ (4), An Giang (3), Hà Nội (2), Bắc Ninh (2), Bình Định (2), Phú Yên (1), Lâm Đồng (1), Đắk Nông (1), Gia Lai (1); trong đó, 1,680 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy, tính từ 27/4 đến 6h ngày 17/7, Việt Nam có tổng cộng 42,714 ca bệnh. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới và 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thêm 3 triệu liều vaccine Moderna
Ngày 16/7, Bộ Ngoại giao cho hay, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thêm 3 triệu liều vaccine Moderna. Số vaccine này sẽ được chuyển đến Việt Nam trong thời gian sớm nhất để hỗ trợ phòng dịch.
Trước đó, sáng 10/7, Hoa Kỳ đã chuyển đến Việt Nam lô vaccine với 2 triệu liều Moderna.
Vaccine Moderna (tên khác là Spikevax) sử dụng công nghệ mRNA giống với Pfizer, được WHO phê duyệt ngày 30/4/2021.
Tới nay, Việt Nam đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều (38.9 triệu liều qua cơ chế COVAX, 30 triệu liều AstraZeneca ký hợp đồng với VNVC, 31 triệu liều Pfizer ký với Chính phủ, 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho Công ty Zuellig Pharma Việt Nam), và đang đàm phán mua 55 triệu liều.
-
Bộ Y tế đề nghị dùng khu nghỉ dưỡng, khách sạn, ký túc xá… để điều trị F0
Ngày 16/7, Bộ Y tế đã có Tờ trình gửi Chính phủ về việc thành lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân COVID-19.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ cho mở rộng các cơ sở được thu dung với nhiều địa điểm như doanh trại quân đội, nhà nghỉ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, ký túc xá trường học, khu ở của nhà máy, xí nghiệp…
Các cơ sở này tiếp nhận, theo dõi và điều trị bệnh nhân COVID-19 ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng, để giảm cho tải khu vực bệnh viện tập trung điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ vừa và nặng.
Chi phí sẽ do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài Chính xây dựng, hướng dẫn.
-
Phạt bệnh viện đa khoa ở An Giang 50 triệu đồng vì đăng tin chích vaccine giá 1.5 triệu đồng/liều
Tối 16/7, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang cho biết, đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Bệnh viện Hạnh Phúc An Giang (Bệnh viện Hạnh Phúc) về việc đăng thông báo chích vaccine Covid-19 dịch vụ giá 1.5 triệu đồng/liều với mức phạt 2 hành vi là 50 triệu đồng, đồng thời buộc Bệnh viện Hạnh Phúc gỡ bỏ ngay thông tin và đường link nêu trên.
2 hành vi bị xử phạt của Bệnh viện Hạnh Phúc là “Đăng thông tin sai sự thật” và “Cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật…”.
-
Cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa bị bắt
Ngày 16/7, Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa và các công ty, đơn vị liên quan.
Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Hằng (54 tuổi), cựu giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa (hiện là phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).
Cơ quan điều tra cũng khởi tố 8 người khác, trong đó:
- 6 người bị bắt tạm giam gồm: Trịnh Hữu Nghĩa (trưởng phòng kế hoạch – tài chính Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa); Nguyễn Văn Phụng (phó trưởng phòng); Bùi Trí Thức (chuyên viên); Nguyễn Quốc Việt (thẩm định viên Công ty cổ phần thẩm định giá BTCValue); Lê Thế Sơn (giám đốc Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa); Vũ Thị Ninh (kế toán trưởng Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa).
- 2 người được tại ngoại gồm: Lê Văn Cương (nguyên trưởng phòng kế hoạch – tài chính Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa); Hồ Thị Sáu (giám đốc khối thẩm định III, Công ty cổ phần thẩm định giá BTCValue).
Những người này là cán bộ thuộc phòng kế hoạch – tài chính Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa và 4 người thuộc Công ty cổ phần thẩm định giá BTCValue, Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học tỉnh Thanh Hóa.
-
Giá vàng giảm mạnh khi đồng bạc xanh tiếp tục đà tăng
Khoảng 6h ngày 17/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đóng cửa tại 1,813 USD/ounce, ghi nhận phiên giao dịch cuối tuần giảm mạnh 17 USD/ounce, trong khi đó, đồng USD tiếp tục đà tăng giá.
Tại Việt Nam, trước giờ mở cửa, giá vàng SJC ở TP. HCM được niêm yết 56.75-57.50 triệu đồng/lượng ở 2 chiều mua-bán, giảm 100 ngàn đồng 2 chiều so với cùng thời điểm phiên trước.
Trong khi đó, giá vàng Doji ở Hà Nội giữ nguyên chiều mua vào và tăng 150 ngàn đồng chiều bán ra lên 56.75-57.50 triệu đồng/lượng.
Bà Yanet Yellen – Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ cảnh báo, lạm phát tại quốc gia này còn tăng mạnh trong các tháng cuối năm 2021.
Theo chiến lược gia hàng hóa của TD Securities Daniel Ghali, vàng không thể hưởng lợi đáng kể từ sự suy yếu của lợi suất thực của Hoa Kỳ và điều này gợi ý rằng vàng vẫn dễ bị tác động bởi một đợt giảm giá nữa.
Tuy nhiên, ông này nói thêm rằng sự cải thiện của nhu cầu vàng, đặc biệt là từ những người tiêu dùng hàng đầu ở Trung Quốc và hoạt động thu mua của ngân hàng trung ương có thể hạn chế sự sụt giảm của kim loại quý.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm