Tin Việt Nam ngày 16/7: Thêm 3,336 ca mắc mới trong ngày, 18 ca tử vong, Hà Nội phong tỏa trụ sở Bộ Công Thương, dừng toàn bộ hoạt động kiểm toán, thu hồi 6 mô tô Honda giá hàng tỉ đồng, Ford quay lại lắp ráp Ranger
Nội dung tối 16/7:
|
-
Thêm 1,898 ca mới, riêng TP. HCM 1355 ca
18h50 ngày 16/7, Bộ Y tế thông báo về 1,898 ca mắc mới COVID-19 (BN42289-44186) gồm 15 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại TP. HCM (6), Quảng Ninh (5), Thanh Hóa (3), Hà Nội (1) và 1,883 ca trong nước tại TP. HCM (1.349), Tiền Giang (146), Bình Dương (113), Đồng Tháp (92), Đà Nẵng (39), Tây Ninh (33), Phú Yên (22), Hưng Yên (15), Vĩnh Long (13), Cần Thơ (11), Nghệ An (10), Bình Thuận (9), Bắc Ninh (7), Quảng Ngãi (4), Ninh Thuận (3), Bình Phước (3), Hà Nội (3), Trà Vinh (2), Cà Mau (2), Bắc Giang (2), Thanh Hóa (1), Lâm Đồng (1), Lào Cai (1), Đắk Lắk (1), Vĩnh Phúc (1); trong đó 1,665 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính chung trong ngày 16/7, Việt Nam ghi nhận 3,336 ca mắc mới, với 3,321 ca trong nước tại TP. HCM (2,420), Bình Dương (166), Đồng Tháp (158), Tiền Giang (146), Đồng Nai (72), Khánh Hòa (57), Vĩnh Long (49), Phú Yên (44), Đà Nẵng (39), Tây Ninh (33), Cần Thơ (19), Nghệ An (16), Bến Tre (15), Hưng Yên (15), Bình Phước (13), Bình Thuận (9), Kiên Giang (8 ), Hậu Giang (7), Bắc Ninh (7), Hà Nội (6), Quảng Ngãi (4), Ninh Thuận (3), Lâm Đồng (2), Trà Vinh (2), Cà Mau (2), Bắc Giang (2), Đắk Nông (1), Lạng Sơn (1), An Giang (1)Thanh Hóa (1), Lào Cai (1), Đắk Lắk (1), Vĩnh Phúc (1); trong đó, 2,939 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 18h30 ngày 16/7, Việt Nam có tổng cộng 40,609 ca bệnh. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
-
Bộ Y tế công bố 18 ca tử vong liên quan COVID-19 tại 7 tỉnh/thành
Chiều tối 16/7, Bộ Y tế thông báo 18 ca tử vong do COVID-19. Đây là các bệnh nhân tử vong từ ngày 8 đến ngày 14/7 tại 7 tỉnh/thành gồm TP. HCM, Đồng Tháp, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh và Bắc Giang. Cụ thể:
- Ngày 8/7 có 2 ca: BN24058 (TP. HCM) và BN26659 (Đồng Tháp).
- Ngày 10/7 có 1 ca: BN29267 (Long An)
- Ngày 11/7 có 2 ca: BN26665 (Đồng Tháp) và BN19571 (Long An)
- Ngày 12/7 có 7 ca: BN13083 (Bắc Giang), BN21072 (Đồng Nai), BN35461 (Đồng Tháp); 4 ca tại TP. HCM: BN30306, BN21233, BN26399, BN31155.
- Ngày 13/7 có 5 ca: BN31179 (TP. HCM); BN26671 (Đồng Tháp); BN14332 (Long An) và 2 ca tại Bắc Ninh: BN8489, BN10761.
- Ngày 14/7 có 1 ca: BN23084 (Bình Dương).
Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, Việt Nam có 190 ca tử vong liên quan đến COVID-19.
-
Tiền Giang thêm 3 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Ngày 16/7, tỉnh Tiền Giang ghi nhận thêm 3 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Bệnh viện dã chiến số 2, nâng số ca tử vong ở tỉnh này lên 11 người.
Trường hợp thứ nhất, là ông P.V.T (56 tuổi, ngụ huyện Gò Công Đông). Ông T được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 2 điều trị từ 0h30 ngày 15/7, với chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm COVID-19, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Đến tối 15/7, ông T. rơi vào hôn mê, SPO2 30% diễn biến nặng, suy hô hấp không hồi phục và tử vong với chẩn đoán: Suy hô hấp cấp tiến triển mức độ nặng trên nền viêm phổi do SARS-CoV-2, tăng huyết áp độ 3, suy tim độ 3, đái tháo đường type 2.
Trường hợp thứ hai, là bệnh nhân N.H (97 tuổi, ngụ TP. Mỹ Tho). Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện dã chiến 2 vào ngày 16/7, nhưng tử vong trước khi nhập viện. Chẩn đoán theo giấy chuyển tuyến: Suy hô hấp, viêm phổi nặng do SARS-CoV-2, tăng huyết áp.
Trường hợp thứ ba, là bà N.T.C.V (66 tuổi, ngụ TP. Mỹ Tho) được đến điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 từ tối 9/7, với chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi do COVID-19.
Khoảng 0h35 ngày 16/7, bệnh nhân hôn mê, SPO2 60% diễn biến nặng, suy hô hấp không hồi phục và tử vong với chẩn đoán: Suy hô hấp cấp tiến triển mức độ nặng trên nền viêm phổi do COVID-19, tăng huyết áp độ 3, suy tim độ 3, thoái hóa đa khớp trên cơ địa béo phì.
-
Hà Nội phong tỏa trụ sở Bộ Công Thương do có nhân viên là F1, F2
Chiều 16/7, Trụ sở Bộ Công Thương tại 25 Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị tạm phong toả do có nhân viên là F1, F2 của ca mắc COVID-19.
Trường hợp F1 là ông P.T.H., là nhân viên Phòng An toàn Khoáng sản và Vật liệu nổ Công nghiệp, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) thuộc Bộ Công Thương.
Trước đó, 14h30 ngày 14/7, ông N.Đ.M đến Cục ATMT chuyển công văn, hồ sơ và được ông P.T.H. hướng dẫn tại bàn tiếp nhận hồ sơ khu vực tiền sảnh của Cục trong thời gian khoảng 1-2 phút.
Thời điểm tiếp xúc, cả hai có đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi trao đổi công việc. Sau đó ông M. vào Văn phòng Cục nộp hồ sơ cho Văn thư Cục, có đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, nộp xong ra ngay, không trao đổi
Sáng ngày 16/7, Cục ATMT nhận được thông báo nhanh về việc ông M. là F0 và đã chuyển đi điều trị tập trung.
Khoảng 10h50 sáng cùng ngày, ông P.T.H. ở nguyên vị trí để chiều lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn phòng dịch.
-
Cần Thơ lập bệnh viện dã chiến 100 giường điều trị bệnh nhân COVID-19
Chiều 16/7, thành phố Cần Thơ ban hành quyết định về việc thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn với quy mô 100 giường trên cơ sở trưng dụng cơ sở hạ tầng của Trung tâm y tế quận Bình Thủy, tại đường số 44, thuộc Khu dân cư Ngân Thuận, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
Về phạm vi hoạt động, Bệnh viện dã chiến tiếp nhận, phân loại cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc COVID-19 mức độ vừa và nhẹ trên địa bàn thành phố; quy trình vận hành, làm việc của Bệnh viện dã chiến sẽ do Giám đốc Bệnh viện dã chiến quy định.
-
Tây Ninh dừng hoạt động 6 doanh nghiệp chưa bảo đảm điều kiện ‘3 tại chỗ’
Ngày 16/7, tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu 6 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trên địa bàn tạm dừng hoạt động do không đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn nghỉ tại chỗ và chống dịch tại chỗ) để phòng dịch COVID-19.
6 doanh nghiệp với trên 34,400 công nhân đều nằm trên địa bàn các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, gồm:
- Công ty cổ phần Việt Nam – Mộc Bài (Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, xã Lợi Thuận, H.Bến Cầu);
- Công ty TNHH Dệt may Hoa Sen;
- Công ty TNHH Long Tre;
- Công ty TNHH Thời Ích (Khu công nghiệp Trảng Bàng, TX.Trảng Bàng);
- Công ty TNHH Hansae (Khu chế xuất Linh Trung 3);
- Công ty TNHH Pou Hung Việt Nam (Khu công nghiệp Chà Là, H.Dương Minh Châu).
Trước đó, ngày 15/7, Chủ tịch tỉnh Tây Ninh yêu cầu các doanh nghiệp trong thời gian 72 giờ phải xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện “3 tại chỗ”.
Trường hợp không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải tổ chức xe ô tô đưa, đón tập trung cho 100% số công nhân làm việc trong công ty, không để công nhân đi xe cá nhân và yêu cầu công nhân khi về nhà phải tự theo dõi sức khỏe, không di chuyển nhiều nơi để đảm bảo phòng dịch.
-
Dừng toàn bộ hoạt động kiểm toán với những nơi áp dụng Chỉ thị 15, 16
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch COVID-19. Cụ thể:
- Dừng toàn bộ hoạt động kiểm toán đang triển khai và chuẩn bị triển khai tại các đơn vị được kiểm toán có địa điểm thuộc vùng, khu vực, địa phương đang phải áp dụng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16.
- Trường hợp địa phương chỉ áp dụng Chỉ thị 15 đối với một số địa bàn, khu vực, không thuộc địa điểm kiểm toán, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán gửi văn bản lấy ý kiến của Chủ tịch tỉnh/thành trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục kiểm toán tại các địa bàn không áp dụng Chỉ thị 15.
- Tại các địa phương có dịch nhưng chưa thực hiện Chỉ thị 15, việc kiểm toán yêu cầu chấp hành thông điệp 5K và kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh.
-
Ford quay lại Việt Nam lắp ráp Ranger
Mới đây, Ford Việt Nam đã chính thức lắp ráp mẫu xe bán tải (pickup) Ranger tại Việt Nam thay vì nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.
Tổng Giám đốc Ford Việt Nam Phạm Văn Dũng cho biết, mẫu xe Ford Ranger lắp ráp tại Việt Nam không có bất kỳ thay đổi nào so với các phiên bản nhập khẩu Thái Lan trước đây.
Toàn bộ linh kiện lắp ráp đều nhập khẩu, vì thế Ford Ranger vẫn như một mẫu xe nhập nhưng lắp ở Việt Nam thay vì Thái Lan như nhiều năm trước. Phần nội địa hóa mới chỉ có công lắp ráp.
Vào ngày 15/7, hãng xe này cũng vừa xuất xưởng lô Ranger lắp ráp tại nhà máy ở Hải Dương, trong đó có 7 phiên bản với 2 tuỳ chọn động cơ cùng mức giá bán lẻ từ 616-925 triệu đồng/chiếc.
Ranger xuất hiện tại Việt Nam vào 2001 cũng ở dạng lắp ráp, sau đó chuyển sang nhập khẩu từ 2009 tới nay.
-
Thu hồi 6 mô tô Honda giá hàng tỉ đồng tại Việt Nam
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa quyết định thu hồi 6 chiếc Honda CBR1000RR-R phiên bản SP sản xuất từ tháng 3- 6/2021 tại Nhật và được Honda Việt Nam nhập khẩu phân phối chính hãng.
Nguyên nhân xuất phát từ việc tấm nối giảm xóc sau trên mẫu xe này có nguy cơ nứt gãy trong quá trình sử dụng.
Hãng xe Nhật lý giải về lỗi giảm sóc là do trong quá trình lắp ráp tại nhà máy, mặc dù đã có tài liệu hướng dẫn nhưng do sơ xuất nên nhân viên đã lắp tấm nối giảm xóc sau sai tiêu chuẩn. Vì thế, tấm nối giảm xóc bị cố định vào khung xe không đúng cách nên khi có tải trọng lớn đột ngột, phần trục nối tác động lên bề mặt của tấm nối gây tăng lực uốn và ứng suất trên thân của chi tiết. Điều này có thể dẫn đến gãy tấm nối giảm xóc sau một thời gian sử dụng nhất định.
Đợt thu hồi Honda CBR1000RR-R của Honda tại Việt Nam lần này bắt đầu từ ngày 14/7/2021 đến ngày 14/7/2022. Honda Việt Nam ước tính thời gian thay thế tấm nối giảm xóc sau trên mỗi xe mất gần 1 giờ và được thực hiện miễn phí tại các đại lý xe phân khối lớn của Honda (tại Hà Nội và TP. HCM).
Nội dung trưa 16/7:
|
-
Bình Thuận buộc tàu Hồng Kông quay đầu vì có 3 thuyền viên mắc COVID-19
Ngày 16/7, Văn phòng đại diện Công ty SUEK AG tại Hà Nội có trụ sở chính ở Thụy Sỹ vừa có đơn kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch và Sở Y tế tỉnh Bình Thuận liên quan đến việc tàu FAREAST HONESTY có thủy thủ nhiễm COVID-19.
Cụ thể, ngày 14/7, CDC Bình Thuận có văn bản gửi Cảng vụ Hàng hải, Bộ đội Biên phòng và Hải quan Bình Thuận đề nghị không tiếp nhận tàu FAREAST HONESTY cập cảng mà quay lại nơi xuất phát hoặc về nước sở tại
Tàu FAREAST HONESTY, quốc tịch Hong Kong vận chuyển hơn 55,000 tấn than, có 21 thuyền viên mang quốc tịch Trung Quốc do ông Zang Jiyou làm thuyền trưởng.
Trước đó, ngày 8/7, tàu này xuất bến từ Indonesia và đến Cảng Vĩnh Tân (Bình Thuận) vào lúc 10h ngày 12/7. CDC đã lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả thuyền viên trước khi tàu vào cảng bốc dỡ hàng hóa và đến 8h ngày 13/7, kết quả có 3 thuyền viên dương tính với COVID-19.
Trong đơn kiến nghị gửi đến Chính phủ Việt Nam, SUEK AG (chủ hàng của lô hàng được vận chuyển bởi tàu FAREAST HONESTY) cho rằng, yêu cầu tàu quay trở lại nước sở tại hoặc đến nước thứ 3 khi trên tàu có ca nhiễm COVID-19 của CDC Bình Thuận là không phù hợp và không có tính khả thi.
Công ty này cho rằng yêu cầu của CDC Bình Thuận hiện đang làm phát sinh rất nhiều khó khăn và tổn thất cho các bên liên quan với tổng thiệt hại ước tính trên 2 triệu USD.
Hiện tại, tỉnh Bình Thuận chưa có ý kiến chính thức về vụ việc này.
-
Hà Nội thêm 2 ca dương tính liên quan chuỗi lây nhiễm mới
10h ngày 16/7, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính COVID-19 là F1 của bệnh nhân N.T.H.N (liên quan đến Bắc Ninh) vừa được công bố sáng 16/7. Cả 3 người này đều làm cùng 1 đơn vị tại Hà Nội
2 ca mới là bệnh nhân N.Đ.M. (nam, sinh năm 1986, địa chỉ tại Nghĩa Đô, Cầu Giấy) và bệnh nhân T.H.T. (nữ, sinh năm 1991, địa chỉ Mộ Lao, Hà Đông).
Các bệnh nhân làm tại Trung tâm Nghiên cứu thiết kế Cơ khí thuộc Viện Cơ khí năng lượng và mỏ – Vinacomin, địa chỉ tại Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân.
Trước đó, ngày 15/7, cả 2 trường hợp này được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 16/7 có kết quả dương tính với COVID-19.
Qua truy vết xác minh được 38 F1 liên quan đến bệnh nhân N.T.H.N, trong đó có 27 người làm cùng cơ quan. Hiện đã có 2 F1 là người cùng cơ quan với bệnh nhân N.T.H.N dương tính với COVID-19. Hiện việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly đang được thực hiện.
-
Hà Nội tìm người tại 2 địa điểm liên quan đầu bếp kiêm shipper
Trưa 16/7, CDC Hà Nội thông báo khẩn, tìm người tại 2 địa điểm liên quan ca dương tính COVID mới ghi nhận gồm:
- Cửa hàng Pizza Company, địa chỉ số 30 Đoàn Trần Nghiệp, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thời gian từ 5-15/7.
- Tòa nhà 189 Bà Triệu, địa chỉ tại số 189 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, thời gian từ 5-15/7.
Theo thông báo của CDC, Hà Nội yêu cầu người đã đến 2 địa điểm trong thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm y tế quận để khai báo y tế.
Trước đó, Hà Nội đã ghi nhận trường hợp dương tính COVID-19 là bệnh nhân Đ.Q.H. (nam, sinh năm 2000, địa chỉ tại ngõ 94 Hoàng Mai). Bệnh nhân H. làm đầu bếp kiêm shipper tại quán pizza (địa chỉ số 30 Đoàn Trần Nghiệp, Hai Bà Trưng.
Hàng ngày, bệnh nhân đi làm có gửi xe tại Vincom Bà Triệu – nơi BN32710 cũng hay gửi xe ở đây. Ngày 14/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt nên đi khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn và được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19.
-
Kiên Giang dừng đón khách du lịch tại các điểm tham quan
Ngày 16/7, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, vừa ban hành văn bản tạm dừng các hoạt động lữ hành, các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh tới hết ngày 30/7 để phòng dịch COVID-19.
Sở yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục tạm dừng hoạt động kinh doanh các dịch vụ karaoke, xông hơi, massage, spa, quầy bar, vũ trường, phòng tập thể hình, yoga… Bố trí các bàn ăn khu vực nhà hàng đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m, không tổ chức ăn uống theo mô hình buffet.
Không tổ chức các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng, nhắc nhở du khách không tụ tập từ 10 người trở lên, yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người ở nơi công cộng. Khuyến cáo khách du lịch đang lưu trú tại cơ sở hạn chế di chuyển ra ngoài trong thời gian từ nay đến hết ngày 30/7.
Đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, các khu, điểm du lịch trên địa bàn, tạm dừng hoạt động đón khách tham quan du lịch đến hết ngày 30/7. Riêng các trường hợp khách đến Kiên Giang trước 0h ngày 14/7, các đơn vị tiếp tục phục vụ cho đến khi kết thúc hợp đồng.
Riêng đối với người đến Kiên Giang từ vùng dịch, phải thực hiện khai báo và cách ly y tế 21 ngày.
-
Bệnh viện đa khoa ở An Giang gỡ thông tin chích vaccine giá 1.5 triệu đồng/liều
Sáng 16/7, Sở Thông tin và Truyền thông An Giang cho biết, về chuyện Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc đăng thông tin chích vaccine COVID-19 AstraZeneca dịch vụ giá 1.5 triệu đồng/liều, chiều 15/7 ngành chức năng tỉnh đã yêu cầu bệnh viện này gỡ thông tin đã đăng. Ngoài ra, giới chức tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý vi phạm theo quy định.
Trước đó, Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc tại địa chỉ số 234, đường Trần Hưng Đạo, P.Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang (gọi tắt là Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc) đăng tải thông tin về việc chích vaccine COVID-19 AstraZeneca dịch vụ giá 1.5 triệu đồng/liều.
Theo thông tin được đăng tải, khách hàng có nhu cầu đăng ký thông tin cho bệnh viện, khi có vaccine bệnh viện sẽ thông tin cho những người đăng ký đến chích. Bệnh viện này còn thông tin thêm giá 1.5 triệu đồng/liều là chưa chính thức, khi có giá chính thức sẽ thông tin cụ thể.
Tại buổi làm việc với Sở Y tế và Sở Thông tin – Truyền thông An Giang chiều 15/7, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc Lư Quốc Hùng xác nhận, Bệnh viện có đăng tải thông tin trên và mẫu đăng ký chích ngừa vaccine dịch vụ trên trang Facebook, website của bệnh viện.
Theo ông Hùng, mục đích của thông tin này là để thống kê số lượng người dân có nhu cầu với hình thức dịch vụ. Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc cho biết, qua đăng tải thông tin từ ngày 10/7 đến trưa 15/7, đã có 36,000 người đăng ký với bệnh viện để chích ngừa dịch vụ.
Bệnh viện này thừa nhận việc đăng tải thông tin trên là chưa đúng và gây dư luận không tốt. Chiều cùng ngày, bệnh viện đã gỡ bỏ tin đã đăng.
-
Tử tù mắc COVID-19 trốn khỏi trại vừa bị bắt ở thành phố Thủ Đức
Ngày 16/7, Cảnh sát hình sự TP. HCM đã bắt được Nguyễn Kim An (26 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận, tạm trú quận Tân Bình, TP. HCM) đang lẩn trốn tại phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức. An là tử tù mắc COVID-19, trốn khỏi Trại tạm giam Chí Hòa hôm 13/7.
Trước đó, ngày 15/7, Cảnh sát TP. HCM gửi thông báo đến các tỉnh/thành phía Nam phối hợp truy bắt Nguyễn Kim An. Đặc điểm nhận dạng: cao 1.63m, da trắng, tóc đen cắt ngắn, dáng người hơi mập, chân phải đi hơi khập khiễng do bị chấn thương có vết hằn ở cổ chân, có chòm râu đen dưới cằm (đối tượng có thể cạo râu khi lẩn trốn)…
Hồi tháng 9/2015, An bị TAND TP. HCM tuyên án tử hình về tội “Giết người và Cướp tài sản”. Hiện tại Nguyễn Kim An đã vượt ngục và đang mắc COVID-19.
-
Mường Thanh đề nghị thay đổi thời gian khắc phục công trình vi phạm ở Đà Nẵng
Ngày 16/7, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên vừa có công văn gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng, Sở Xây dựng, chính quyền các quận, phường đề nghị thay đổi thời gian khắc phục hoàn trả công năng tòa nhà chung cư Mường Thanh Đà Nẵng.
Với lý do tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang giãn cách xã hội và hạn chế đi lại theo chỉ thị 15, 16…, việc gặp gỡ với chủ các căn hộ để đàm phán mua lại và bàn giao căn hộ gặp nhiều khó khăn, chủ đầu tư cho biết, việc tháo dỡ các căn hộ tại tầng 2, 35 vì thế mà chưa thực hiện đúng như đã cam kết.
Do đó, Doanh nghiệp này đã đề nghị được phép hoàn thành việc tháo dỡ các căn hộ tại tầng 2, 35 của tòa nhà chung cư theo tiến độ như sau:
- Tại tầng 2, hoàn thành trước ngày 31/10/2021;
- Tại tầng 35, tháo dỡ 8/8 căn hộ hoàn thành trước ngày 30/9/2021.
Trước đó, ngày 5/3, quận Ngũ Hành Sơn ban hành kế hoạch tổ chức cưỡng chế tháo dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng tại các tầng 2, 3, 4, 5, 35… Tuy nhiên sau đó, chủ đầu tư đã đề xuất tự nguyện khắc phục hoàn trả công năng tòa nhà chung cư.
Nội dung sáng 16/7:
|
-
Thêm 1,438 ca mắc cộng đồng, riêng TP. HCM có 1,071 ca
6h ngày 16/7, Bộ Y tế thông báo về 1,438 ca mắc mới COVID-19 (BN40851-42288) ghi nhận trong nước tại TP. HCM (1,071), Đồng Nai (72), Đồng Tháp (66), Khánh Hòa (57), Bình Dương (53), Vĩnh Long (36), Phú Yên (22), Bến Tre (15), Bình Phước (10), Kiên Giang (8 ), Cần Thơ (8 ), Hậu Giang (7), Nghệ An (6), Hà Nội (3), Đắk Nông (1), Lạng Sơn (1), An Giang (1), Lâm Đồng (1); trong đó, 1,274 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy, tính từ 27/4 đến 6h ngày 16/7, Việt Nam có tổng cộng 38,726 ca bệnh, trong đó có 103 ca tử vong. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới và 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Bắc Giang lại phát hiện ca mắc mới là công nhân trong KCN Quang Châu
Tối 15/7, tỉnh Bắc Giang cho biết, một công nhân Công ty Samkwang, Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, được phát hiện dương tính khi lấy mẫu test COVID-19 sàng lọc trước khi đi làm trở lại.
Dự báo trong một vài ngày tới, một số F0 sẽ phát sinh, chủ yếu là các trường hợp F1 liên quan đến ổ dịch tại thành phố Bắc Giang đã ở trong khu cách ly tập trung, vùng phong tỏa.
Để thực hiện “mục tiêu kép”, hơn 90,000 công nhân và 343 doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Bắc Giang vẫn được phép hoạt động trở lại khi đảm bảo việc phòng dịch.
Trước đó, kể từ cuối tháng 6/2021, ổ dịch ở huyện Việt Yên đã không phát hiện thêm ca mắc COVID-19, kể cả trong khu cách ly tập trung và ngoài cộng đồng.
-
Phong tỏa 2 phường ở thành phố Thủ Đức với hơn 122,000 người
Từ 12h hôm nay (16/7), thành phố Thủ Đức phong tỏa và cách ly y tế đến khi có thông báo mới đối với toàn bộ phường Hiệp Bình Phước (dân số 18,243 gia đình với 64,130 người) và phường Linh Xuân (dân số 18,524 gia đình với 57,925 người).
Trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly, người dân được yêu cầu:
- Không đi ra khỏi khu vực phong tỏa, cách ly trừ nhân viên y tế, thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.
- Đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cách ly giữa nhà với nhà, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, công ty.
Trong trường hợp cá nhân không tuân thủ yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định pháp luật.
Trước đó, thành phố Thủ Đức cũng phong tỏa phường Bình Chiểu và phường Trường Thạnh với tổng số gần 100,000 người từ 0h ngày 13/7 cho đến khi có thông báo mới.
-
Bình Thuận từ chối tiếp nhận người về từ vùng cách ly theo Chỉ thị 16
Từ 0h hôm nay (16/7), tỉnh Bình Thuận không tiếp nhận người về từ những địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, trừ các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; trường hợp chuyển vật liệu cho sản xuất, lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa dịch vụ thiết yếu khác; thực thi công vụ và những trường hợp có thỏa thuận giữa Bình Thuận với các tỉnh, thành phố.
Trước đó, tối 15/7, Bình Thuận ghi nhận thêm 17 ca mắc COVID-19, trong đó, 16 ca ở thị xã La Gi và 1 ở huyện Hàm Tân. Hiện, toàn tỉnh đã ghi nhận 45 ca nhiễm tại Phan Thiết, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, La Gi, Tánh Linh và Hàm Tân. Trong những ngày gần đây, thị xã La Gi là nơi có số ca nhiễm nhiều nhất và tăng đột biến với 24 ca.
Từ 0h sáng 15/7, chính quyền Bình Thuận đã áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 toàn thị xã do có chùm ca nhiễm phức tạp ở khu vực chợ La Gi.
-
15 dự án giao thông ở TP. HCM bị dừng thi công
Chiều 15/7, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM cho biết, việc tạm dừng được thực hiện theo yêu cầu của Sở Giao thông Vận tải thành phố về việc các chủ đầu tư, nhà thầu phải đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Đây là những công trình nhỏ, chưa đủ điều kiện bố trí nơi ăn nghỉ, làm việc tại chỗ cho công nhân.
Theo ông Phúc, hiện có 15 dự án giao thông, với gần 800 kỹ sư, công nhân tiếp tục thi công do bảo đảm quy định phòng dịch khi TP HCM áp dụng Chỉ thị 16.
Trước đó, thành phố yêu cầu doanh nghiệp phải bảo đảm ăn nghỉ, sản xuất tại chỗ cho công nhân, hay lao động phải ở tập trung, có xe chở từ nơi ở đến sản xuất, mới được hoạt động. Những đơn vị không đáp ứng phải dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7.
TP. HCM đang ở ngày thứ 8 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hiện, thành phố ghi nhận 21,493 ca COVID-19, kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 27/4.
-
3 doanh nghiệp điện gió ở Gia Lai bị phạt 345 triệu đồng vì sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp
Ngày 15/7, tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định xử phạt hành chính với số tiền 345 triệu đồng đối với 3 doanh nghiệp là: Công ty Sinohydro Corporation Limited, Công ty Cổ phần phong điện Ia Pết – Đăk Đoa số 2 và Công ty Trách nhiệm hữu hạn China Việt Nam về hành vi sử dụng lao động người nước ngoài bất hợp pháp.
Cụ thể, Công ty Cổ phần phong điện Ia Pết – Đăk Đoa số 2 sử dụng 19 lao động nước ngoài, Công ty Sinohydro Corporation Limited sử dụng 26 lao động nước ngoài, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Power China Việt Nam sử dụng 18 lao động nước ngoài làm việc tại Dự án vào các ngày 6/5, 11/5 và 12/5 mà không có giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận thuộc diện được cấp giấy phép lao động đang làm việc tại Dự án. Với sai phạm này, các Công ty trên lần lượt bị xử phạt số tiền 105 triệu đồng, 135 triệu đồng và 105 triệu đồng.
-
Giá vàng tiếp tục tăng dù USD đảo chiều đi lên
Khoảng 6 giờ ngày 16/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1,830 USD/ounce, tăng thêm 2 USD/ounce so với phiên trước trong bối cảnh đồng USD đảo chiều tăng giá trở lại.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7, Công ty VBĐQ Sài Gòn điều chỉnh giá vàng SJC mua vào – bán ra đồng loạt chững lại tại cả hai chi nhánh Hà Nội và TP. HCM, đứng tại 56.85-57.60 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC tại hệ thống Bảo tín Minh Châu không thay đổi giá mua nhưng giá bán lại điều chỉnh giảm 20,000 đồng/lượng, đóng cửa tại 56.96-57.52 triệu đồng/lượng.
Tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 15/7, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 50.8 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 6.8 triệu đồng/lượng.
Dự báo: Giới phân tích cho rằng, “giá vàng đang ở ngã ba đường”, nếu mức kháng cự hiện tại mạnh, giá vàng có thể nhanh chóng quay trở lại. Nhưng nếu thị trường được chứng kiến một sự phá vỡ đáng kể trên mức giá hiện tại, điều đó sẽ cho thấy một sự bứt phá vững chắc của giá vàng.
Tuy nhiên, với một quan điểm khá chắc chắn, các chuyên gia của Bannockburn Global Forex lại cho rằng, giá vàng sẽ giảm xuống chỉ còn 1,750 USD vào cuối năm 2021.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm