Tin Việt Nam ngày 15/7: Hơn 3,400 ca mắc mới trong ngày, Việt Nam chấp thuận vaccine của Johnson & Johnson, học sinh Bắc Ninh trở lại trường từ 19/7, TP. HCM truy tìm tử tù nhiễm COVID-19
Nội dung tối 15/7:
|
-
Thêm 1,922 ca mắc mới, riêng TP. HCM có 1,399 ca
Tối 15/7, Bộ Y tế thông báo về 1,922 ca mắc mới COVID-19 (BN36606-37434) gồm 33 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Thanh Hóa (19), HCM (10), Hà Nội (2), Quảng Nam (1), Bình Định (1) và 1,889 ca trong nước tại TP. HCM (1,399), Bình Dương (122), Đồng Tháp (63), Đồng Nai (60), Long An (41), Đà Nẵng (33), Bến Tre (30), Phú Yên (30), Vĩnh Long (17), Bình Thuận (17), Bình Phước (13), Hưng Yên (12), Cần Thơ (11), Ninh Thuận (10), Hà Nội (7), Sóc Trăng (4), Quảng Ngãi (4), Khánh Hòa (4), Bắc Ninh (3), Trà Vinh (3), Bình Định (1), Cà Mau (1), Vĩnh Phúc (1), Lâm Đồng (1), Đắk Lắk (1), Bắc Giang (1); trong đó, 1,685 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính chung trong ngày, Việt Nam ghi nhận 3,416 ca mắc mới, với 37 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 3,379 ca ghi nhận trong nước. TP. HCM đăng ký bổ sung 689 ca đã được phát hiện trước đó tại các khu cách ly (BN38240-40850).
Tính từ 27/4 đến 19h30 ngày 15/7, Việt Nam có tổng cộng 37,288 ca bệnh, trong đó có 103 ca tử vong. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới và 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Thêm 69 ca tử vong ở TP. HCM, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
Chiều 15/7, Bộ Y tế cho biết, từ ngày 7/6 đến 15/7, TP. HCM ghi nhận thêm 69 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Cụ thể, qua rà soát, từ 20h ngày 14/7 đến 5h30 ngày 15/7, hệ thống phần mềm quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận thêm 69 trường hợp bệnh nhân COVID-19 tử vong ở các cơ sở điều trị trên địa bàn TP. HCM, rải rác từ ngày 7/6 tới ngày 15/7.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đề nghị các CDC tại các tỉnh/thành và các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 rà soát các ca có xét nghiệm dương tính, các ca khỏi bệnh và chết do COVID-19 (nếu có).
-
Việt Nam chấp thuận vaccine của Johnson & Johnson
Ngày 15/7, Bộ Y tế vừa chấp thuận có điều kiện vaccine Janssen trên cơ sở đề nghị của Công ty TNHH Johnson & Johnson (Việt Nam).
Đây là loại vaccine COVID-19 thứ 6 được Việt Nam chấp thuận có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng dịch.
Vaccine được bào chế dưới dạng hỗn dịch chích, mỗi liều 0.5ml chứa Adenovirus chủng 26 được mã hóa glycoprotein cầu gai của COVID-19 (Ad26.COV2-S), lượng không nhỏ hơn 8.92 log10 đơn vị nhiễm khuẩn (Inf.U)
Vaccine này do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất. Bộ Y tế cho biết, có 9 điều kiện đi kèm việc phê duyệt vaccine COVID-19 Vaccine Janssen.
Trước đó, Việt Nam đã chấp thuận có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng dịch đối với 5 loại vaccine gồm: Comirnaty của Pfizer/BioNtech, A2D1222 của AstraZeneca, Sputnik-V của Gamalaya, Vero-Cell của Sinopharm, vaccine Spikevax của Moderna.
-
Học sinh Bắc Ninh trở lại trường từ 19/7
Ngày 15/7, tỉnh Bắc Ninh có văn bản đồng ý cho học sinh trên địa bàn tỉnh trở lại trường từ ngày 19/7. Cụ thể như sau:
- Học sinh tiểu học, học sinh lớp 6, 7, 8 tại cấp THCS; học sinh, học viên lớp 10, 11 cấp THPT tiếp tục tới trường để hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá cuối năm học 2020-2021.
- Học sinh lớp 9 ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra vào ngày 27 và 28/7.
Các trường được yêu cầu phối hợp với trung tâm y tế vệ sinh, khử khuẩn khu lớp học, định kỳ xét nghiệm ngẫu nhiên 20% số nhân viên, giáo viên và học sinh; bố trí cho học sinh ngồi giãn cách, thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch…
Đối với học sinh thuộc diện F0, F1, F2 và học sinh ở những nơi bị phong tỏa hoặc cách ly xã hội, lãnh đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch ôn tập, kiểm tra đánh giá cuối năm học cho học sinh.
-
TP. HCM truy tìm tử tù nhiễm COVID-19
Ngày 15/7, cảnh sát TP. HCM cho biết, đang truy tìm Nguyễn Kim An (26 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận, tạm trú quận Tân Bình, TP. HCM).
Đặc điểm nhận dạng: cao 1.63m, da trắng, tóc đen cắt ngắn, dáng người hơi mập, chân phải đi hơi khập khiễng do bị chấn thương có vết hằn ở cổ chân, có chòm râu đen dưới cằm (đối tượng có thể cạo râu khi lẩn trốn)…
Trước đó, hồi tháng 9/2015, An bị TAND TP. HCM tuyên án tử hình về tội “Giết người và Cướp tài sản”. Hiện tại Nguyễn Kim An đã vượt ngục và đang mắc COVID-19.
Nội dung trưa 15/7:
|
-
Hà Nội thêm 7 ca dương tính
Sáng 15/7, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận thêm 7 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó có 5 ca tại Công ty SEI, 1 ca tại Công ty MEDA là chùm liên quan đến Bắc Giang và 1 trường hợp tại Thanh Xuân liên quan đến TP. HCM.
Tính từ ngày 29/4 (đợt dịch thứ 4) đến nay, Hà Nội ghi nhận 353 ca dương tính. Riêng từ ngày 5/7 đến nay là 94 trường hợp, trong đó chùm ca bệnh liên quan đến Bắc Giang có 49 ca (Công ty SEI: 40; Công ty MEDA: 5; Công ty MOLEX: 1; cộng đồng: 3).
Chùm ca bệnh liên quan đến TP. HCM có 35 ca (liên quan đến ổ dịch Hoa Vôi – Quốc Oai: 15; Nguyễn Du – Hai Bà Trưng: 6; Hòa Xá – Ứng Hòa: 5; các quận, huyện khác: 9), ổ dịch tại An Mỹ – Mỹ Đức: 10 trường hợp.
-
3 điều dưỡng của Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang dương tính COVID-19
Trưa 15/7, Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang cho biết, vừa phát hiện 3 điều dưỡng của Khoa Chấn thương dương tính COVID-19.
Trước đó, ngày 13/7, bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 định kỳ cho toàn bộ nhân viên bệnh viện và test nhanh kháng nguyên COVID-19 cho tất cả bệnh nhân, người nuôi bệnh. Kết quả các mẫu test nhanh đều âm tính.
Đến 1h45 ngày 14/7, kết quả xét nghiệm PCR mẫu gộp của nhân viên bệnh viện phát hiện 1 mẫu gộp dương tính, các mẫu còn lại đều âm tính.
Bệnh viện đã phong tỏa Khoa Chấn thương, nơi có mẫu gộp dương tính, và lấy mẫu đơn xét nghiệm PCR cho 5 cá nhân trong mẫu gộp.
Đến 15h cùng ngày, kết quả xét nghiệm PCR phát hiện 3/5 cá nhân trong mẫu gộp dương tính, đều là điều dưỡng của Khoa Chấn thương.
Bệnh viện đã truy vết được 27 F1 của 3 điều dưỡng, trong đó có 4 bác sĩ. Ngoài ra trên 30 bệnh nhân đã xuất viện tại Khoa Chấn thương từ ngày 8/7 cùng người nuôi bệnh đã được chuyển danh sách đến CDC Tiền Giang thực hiện truy vết trong cộng đồng. Hiện chưa xác định được nguồn lây của ổ dịch này.
-
Đà Nẵng ghi nhận thêm 14 ca dương tính trong một công ty 4,000 người ở KCN
Trưa 15/7, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng xác nhận, kết quả xét nghiệm có thêm 14 trường hợp dương tính ở Công ty điện tử Việt Hoa, Khu công nghiệp Hòa Khánh.
14 trường hợp dương tính này nằm trong số 1,700 người được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 vào tối 14/7.
Trước đó, chiều tối 14/7, thành phố Đà Nẵng phát hiện một công nhân Công ty điện tử Việt Hoa (đóng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) dương tính với COVID-19. Sau đó, 1,700 công nhân làm việc trong ca cùng ngày của công ty phải ở lại để lấy mẫu xét nghiệm.
Từ 12h trưa nay (15/7), thành phố Đà Nẵng cũng cấm tắm biển, hớt tóc, hoạt động thể thao trong và ngoài trời.
-
Thêm 921,400 liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam
Sáng 15/7, 921,400 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca đã về đến tàu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. HCM).
Đây là lần giao vaccine thứ tư với số lượng lớn nhất từ trước đến nay trong hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca và VNVC. Tính đến nay, Việt Nam đã nhận 1,906,000 liều, tương đương gần 30% số lượng vaccine AstraZeneca từ hợp đồng này. Cụ thể: đợt 1 có 117,000 liều; đợt 2 có 287,600 liều; đợt 3 có 580,000 liều và đợt 4 là 921,400 liều.
Cho đến nay, tổng cộng đã có gần 6.4 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam thông qua hợp đồng đặt mua trước với VNVC; Cơ chế COVAX và viện trợ song phương giữa chính phủ các nước.
Vaccine của AstraZeneca hiện chiếm 71% nguồn cung vaccine COVID-19 trên cả nước.
-
Công ty đông công nhân nhất TP. HCM tạm dừng hoạt động
Ngày 15/7, HCDC cho biết, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam ở quận Bình Tân (TP. HCM) dừng hoạt động trong vòng 10 ngày kể từ tối 14/7 do không thể bố trí công nhân ăn ở, làm việc tại chỗ.
Để hoạt động, công ty cần bố trí được cho tất cả lao động ở lại nhà máy và thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19 với tần suất 3 ngày/lần.
Trước đó, chiều 14/7, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. HCM ban hành công văn, cho phép các doanh nghiệp tại khu chế xuất, khu công nghiệp được phép hoạt động nếu đảm bảo vừa sản xuất, vừa tổ chức cho người lao động lưu trú tại chỗ.
Theo chỉ đạo của chính quyền thành phố, các doanh nghiệp này được phép hoạt động nếu đảm bảo vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” là sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ.
Công ty Pouyuen Việt Nam thuộc tập đoàn Pouchen (Đài Loan) là doanh nghiệp đông công nhân nhất TP. HCM hiện nay với gần 60,000 người. Tập đoàn Pouchen còn mở rộng sản xuất, có nhiều nhà máy tại Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh với tổng quy mô có lúc đạt gần 200,000 người.
-
Mưa lớn các tỉnh miền núi phía bắc, 2 người thương vong, giao thông hư hỏng
Ngày 15/7, huyện Xín Mần (Hà Giang) cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn (trung bình trên 80-100 mm) từ đêm 14/7 đến rạng sáng nay khiến 1 người chết, 1 người bị thương tại thôn Tân Sơn, xã Tả Nhìu. Ngoài ra, mưa lớn còn khiến 3 ngôi nhà bị sạt, đổ tường.
Tại xã Bản Ngò, sạt lở đất vùi lấp nhiều vật nuôi. Mưa lớn khiến đoạn đường ở xã Pà Vầy Sủ sạt ta luy dương, đất đá lấp mặt đường khoảng 30 m, khối lượng ước tính 200 m3, hiện tại ô tô không qua được.
Còn tại Lào Cai, rạng sáng 15/7, trên địa bàn thị xã Sa Pa xảy ra mưa lớn cục bộ khiến một số tuyến đường trên địa bàn bị hư hỏng, sụt lún ách tắc kéo dài.
Mưa lớn kéo dài trong khoảng từ 4-5h sáng khiến lưu lượng nước ở các khe suối đổ về nhiều. Lượng mưa đo được tại phường Ô Quý Hồ khu vực đèo Ô Quý Hồ là 104.8 mm; phường Hoàng Liên là 77.0 mm; xã Ngũ Chỉ Sơn khu vực Bản Khoang cũ là 61.6 mm.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng và thủy văn tỉnh Lào Cai, ngày và đêm 15/7, tỉnh này tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Thời gian có mưa tập trung chủ yếu vào đêm và sáng sớm nên cần đề phòng gió giật mạnh, lốc tố và sét đánh khi trời có mưa dông. Vùng núi cảnh giác với mưa lớn cục bộ gây lũ quét, trượt lở đất đá bất ngờ. Phòng ngừa ngập úng ở các vùng trũng thấp, khu vực nội đô các thị trấn, thị xã và thành phố.
-
50,000 lít dầu DO trái phép bị bắt giữ tại vùng biển Kiên Giang
Lúc 17h ngày 14/7, tại khu vực biển cách Tây Bắc đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 26 hải lý, Cảnh sát biển kiểm tra tàu vỏ gỗ số hiệu KG 95945TS phát hiện tàu đang vận chuyển khoảng 50,000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Vào thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên do ông Đàm Thanh Hoài, quê An Biên (tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Các thuyền viên không có chứng chỉ chuyên môn hành nghề.
Thuyền trưởng Hoài khai nhận, số dầu trên được thu mua từ tàu không có số hiệu trên biển, trong lúc vận chuyển tiêu thụ cho các tàu cá thì bị cảnh sát biển bắt giữ.
Nội dung sáng 15/7:
|
-
Thêm 805 ca mắc mới, Hà Nội thêm 11 ca
6h ngày 15/7, Bộ Y tế thông báo về 805 ca mắc mới COVID-19 (BN37435-38239) gồm 4 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại An Giang (2), Ninh Bình (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1) và 801 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (603), Đồng Nai (72), Đồng Tháp (36), Phú Yên (18), Khánh Hòa (18), Bà Rịa – Vũng Tàu (17), Hà Nội (11), Hưng Yên (10), An Giang (8), Ninh Thuận (7), Đắk Nông (1); trong đó, 725 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy, tính từ 27/4 đến 6h ngày 15/7, Việt Nam có tổng cộng 34,710 ca bệnh, trong đó có 103 ca tử vong. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không có ca mắc mới và 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Campuchia ngừng xuất nhập cảnh với một số trường hợp công dân Việt Nam
Tối 13/7, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia ra thông báo gửi các cơ quan Việt Nam về quyết định tạm thời ngừng xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam là nhân viên và chuyên gia các công ty Việt Nam đang hoạt động tại Campuchia trong vòng một tháng, kể từ ngày 18/7 tới.
Thông báo nêu rõ biện pháp này không áp dụng đối với trường hợp bệnh nhân cần đi điều trị tại Việt Nam, các nhà ngoại giao, công chức nhà nước thực hiện nhiệm vụ theo lời mời của chính quyền hai nước, các học viên và sinh viên đã hoàn thành chương trình học tập hoặc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt được chính phủ hai nước cho phép.
Với trường hợp nhân viên và chuyên gia các công ty Việt Nam đã nhập cảnh vào Campuchia, cả với những người đã hoàn thành cách ly và đang trong thời gian cách ly cũng không được phép trở lại Việt Nam trong thời gian tạm ngừng xuất nhập cảnh nói trên.
-
23 ô tô phải quay đầu trên cao tốc khi sắp vào Hà Nội
Tối 14/7, chốt kiểm soát dịch số 2 đặt ở Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết, trong ngày đầu tiên lập chốt, đã có 23 phương tiện đến từ 14 tỉnh/thành có dịch bệnh phải quay đầu.
Theo quy định, đối với các phương tiện di chuyển từ 14 tỉnh/thành có dịch theo công bố của Bộ Y tế, nhân viên chốt kiểm soát sẽ yêu cầu lái xe quay đầu nếu không có giấy kết quả xét nghiệm PCR trong thời hạn 3 ngày trước khi về Hà Nội.
Còn lái xe đi từ các vùng khác tới sẽ kiểm tra giấy tờ, đo thân nhiệt, khai báo y tế và có thể test nhanh nếu cần thiết.
Các trường hợp nghi ngờ như thân nhiệt cao, đều được thực hiện test nhanh. Quy trình test nhanh sẽ diễn ra trong vòng hơn 30 phút.
-
Bình Thuận giãn cách xã hội toàn thị xã La Gi theo Chỉ thị 16
Từ 0h ngày 15/7, tỉnh Bình Thuận thực hiện giãn cách xã hội toàn thị xã La Gi theo Chỉ thị 16, thời gian giãn cách là 14 ngày.
Theo đó, gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố cách ly với tổ dân phố; khu phố – thôn cách ly với khu phố – thôn; xã – phường cách ly với xã – phường. Riêng phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Người dân ở thị xã La Gi được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.
Trước đó, sáng 14/7, thị xã La Gi (Bình Thuận) đã ghi nhận 6 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng. Đến chiều cùng ngày, thị xã La Gi đã phong tỏa các điểm, phun khử khuẩn các khu vực liên quan và toàn bộ khu vực chợ La Gi.
Ngoài ra, Sở Y tế đã thành lập 2 điểm test nhanh COVID-19 ở khu vực chợ La Gi để xét nghiệm những gia đình trong khu vực phong tỏa.
-
Vàng tăng vọt khi Hoa Kỳ công bố lạm phát, USD lao dốc
6h sáng 15/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang giao dịch ở ngưỡng 1,827 USD/ounce, tăng 20 USD/ounce so với đầu giờ sáng 14/7; vượt xa ngưỡng 1,800 USD/ounce sau khi Hoa Kỳ công bố nhiều thông tin, trong đó có lạm phát cao và chỉ số giá sản xuất tăng mạnh.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) Jerome Powell tuyên bố, lạm phát chỉ là tạm thời và nói với Quốc hội rằng, ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tiếp cận thận trọng với chính sách tiền tệ.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 56.75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.35 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng hôm nay ở mức: 56.65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.42 triệu đồng/lượng (bán ra).
Ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 14/7, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 50.8 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 6.6 triệu đồng/lượng.
Dự đoán: Will Rhind, Giám đốc điều hành của GraniteShares nhận định, vàng là một hàng rào chống lại lạm phát, vì vậy, giá có thể tiếp tục tăng nếu lạm phát không hạ nhiệt vào cuối năm 2021.
Các nhà phân tích tại BMO Capital Markets cũng dự báo, thị trường kim loại quý dự kiến giao dịch tương đối tốt vào năm 2021.
-
3 giải pháp tiết kiệm điện ngày nắng nóng
Theo dự báo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 7/2021 này, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống điện quốc gia sẽ ở mức 785.3 triệu kWh/ngày, công suất tiêu thụ lớn nhất toàn hệ thống quốc gia ước khoảng 43,000 MW.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng điện, tiết kiệm điện ngày nắng nóng, các chuyên gia khuyến cáo như sau:
- Khi bật điều hoà chỉ nên đặt ở mức 27 độ C trở lên và nên sử dụng kết hợp với quạt, vừa đảm bảo đủ mát, vừa giảm đáng kể điện năng tiêu thụ.
- Không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn như điều hòa, bếp đun điện… để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện; đồng thời, hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với ngày bình thường.
- Tắt bớt các thiết bị không sử dụng.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm