Tin Việt Nam ngày 13/9: Hơn 11,000 ca mắc mới, 381 ca tử vong, Hà Nội đang xem xét nới lỏng từ 15/9, shipper Sài Gòn sẽ được chạy liên quận từ 16/9, số mắc mới tại Đà Nẵng giảm mạnh, sản phẩm ‘Hảo Hảo tôm chua cay’ nội địa không chứa chất cấm ethylene oxide
Nội dung tối 13/9:
|
-
Hơn 11,000 ca mắc mới, số mắc tiếp tục giảm tại Tp HCM
17h ngày 13/9, Bộ Y tế thông báo về 11,172 ca mắc mới gồm 4 ca nhập cảng và 11,168 ca ghi nhận tại 35 tỉnh/thành, trong đó có 5,926 ca trong cộng đồng.
Hơn 11,000 ca trong ngày 13/9 ghi nhận chủ yếu tại Tp HCM (5,446), Bình Dương (3,651), Đồng Nai (768), Long An (327), Tiền Giang (161), Tây Ninh (142), Kiên Giang (77), Cần Thơ (68), Đồng Tháp (59), Quảng Bình (57)….
So với ngày 12/9, số mắc tại Việt Nam ngày 13/9 giảm 301 ca, trong đó Tp HCM giảm 712 ca, Bình Dương tăng 463 ca, Đồng Nai giảm 206 ca, Long An tăng 42 ca, Tiền Giang tăng 81 ca.
Tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 624,547 ca nhiễm, trong đón riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 620,165 ca. Có 385,778 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành có số mắc cao là Tp HCM (303,475), Bình Dương (160,669), Đồng Nai (35,584), Long An (28,486), Tiền Giang (12,366).
-
Gần 300 ca tử vong trong ngày, bổ sung thêm 83 ca trước đó
Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 298 ca tử vong tại 13 tỉnh/thành, tập trung chủ yếu tại Tp HCM 228 ca, Bình Dương 32 ca, Đồng Nai 10 ca, Long An 7 ca, Tiền Giang và Đồng Tháp đều 5 ca…
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng bổ sung thêm 83 ca tử vong từ trước đó tại 3 tỉnh là Bình Dương (9), Đồng Tháp (52), An Giang (22).
Tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15,660 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6,035 ca, trong đó, 4,936 trường hợp thở oxy, 1,099 ca thở máy và ECMO.
-
Số ca mắc cộng đồng xu hướng giảm, Hà Nội đang xem xét nới lỏng từ 15/9
Tại cuộc họp về ứng phó dịch bệnh diễn ra chiều 13/9, Thành ủy Hà Nội cho biết, sẽ xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trên địa bàn thành phố lần lượt sau ngày 15 và 21/9.
Đánh giá tình hình dịch bệnh của thành phố, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nhận định “cơ bản được kiểm soát”; số ca mắc ngoài cộng đồng có xu hướng giảm.
Theo Phó giám đốc CDC, sau khi kết thúc đợt xét nghiệm toàn dân, nếu số ca bệnh trong cộng đồng tiếp tục giảm như hiện nay, CDC sẽ đề nghị nới lỏng giãn cách xã hội, chỉ phong tỏa những nơi có bệnh nhân mới.
Ông Tuấn cho hay, trước mắt không thể xóa hết ngay ‘vùng đỏ’, tuy nhiên thành phố có thể thay đổi giãn cách theo quy mô. Quận/huyện nào vẫn còn ‘vùng đỏ’ thì vẫn phải phong tỏa và sẽ nới lỏng dần từng bước.
Trong ngày 13/9, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 37 ca dương tính mới, nâng tổng số mắc trong đợt dịch thứ 4 (từ 29/4) đến nay lên 3,817 ca, trong đó có 1,595 ca nhiễm cộng đồng.
Các chùm lây có diễn biến phức tạp gồm: Chùm lây tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình) từ 28/8 đến nay có 57 ca; Chùm lây tại Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) từ 23/8 đến nay có 565 ca; Chùm lây tại phường Văn Miếu và Văn Chương (Đống Đa), đến nay có 213 ca; Chùm lây tại Tân Lập (Đan Phượng) từ 28/8 đến nay có 20 ca; Chùm lây tại Thanh Oai (Thanh Trì) từ 5/9 đến nay ghi nhận 9 ca; Chùm sàng lọc ho, sốt cộng đồng từ 1/8 đến nay ghi nhận 182 ca.
-
Shipper Sài Gòn sẽ được chạy liên quận từ 16/9
Tối 13/9, trong chương trình giải đáp trực tuyến các thắc mắc về kế hoạch ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch Tp HCM cho biết, từ ngày 16/9, shipper sẽ được chạy liên quận với điều kiện bảo đảm an toàn phòng dịch. Từ ngày 16 đến ngày 30/9, thành phố tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho shipper.
Về lộ trình dự kiến nới lỏng giãn cách xã hội, Phó Chủ tịch cho hay, sẽ theo 3 giai đoạn như đã thông tin, trong đó, từ ngày 16/9 đến 30/9 sẽ thử nghiệm ở quận 7, Củ Chi và Cần Giờ.
Theo ông Bình, thành phố đang xây dựng các tiêu chí an toàn để doanh nghiệp trở lại hoạt động trong thời gian tới, tập trung vào 8 lĩnh vực, cùng 4 phương thức sản xuất.
Hiện tại, Tp HCM đang xem xét lại kế hoạch cho người dân đi chợ 1 tuần/lần ở ‘vùng xanh’ nhằm giảm lệ thuộc vào shipper, giảm chi phí tiêu dùng.
-
Ngày thứ 2 liên tiếp Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc cộng đồng, số mắc mới giảm mạnh
Chiều 13/9, Đà Nẵng cho biết, trong ngày, thành phố ghi nhận 13 ca mắc mới, trong đó có 12 ca trong khu cách ly tập trung và 1 ca trong khu vực phong tỏa. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc cộng đồng, các ca mắc mới trong khu phong tỏa, khu cách ly cũng liên tục giảm trong 3 ngày qua.
Trước đó, ngày 11/9, Đà Nẵng ghi nhận 19 ca mắc mới, ngày 12/9 là 12 ca và hôm nay (13/9) có 13 ca.
Hiện Đà Nẵng có 24/56 phường, xã đã qua 14 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc cộng đồng và không có thêm khu vực bị phong tỏa. Tính từ ngày 10/7 đến nay, thành phố ghi nhận 4,574 ca mắc COVID-19.
-
Mì Hảo Hảo tôm chua cay nội địa không chứa chất cấm ethylene oxide
Đó là kết quả thử nghiệm của Trung tâm phân tích Eurofins được công ty Acecook Việt Nam cho biết vào ngày 12/9. Theo kết quả thử nghiệm trên, sản phẩm Hảo Hảo tôm chua cay nội địa có sự hiện diện của một lượng rất nhỏ 2-chloroetanol (2-CE) với hàm lượng 1.17 ppm.
Hàm lượng 2-CE này có giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với tiêu chuẩn của Hoa Kỳ (940 ppm), Canada (940 ppm) và một số quốc gia khác. Acecook Việt Nam khẳng định, sản phẩm “Hảo Hảo tôm chua cay” nội địa hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và bảo đảm an toàn về chất lượng.
Theo lý giải của Acecook Việt Nam, lý do sản phẩm xuất cảng của đơn vị bị thu hồi tại Liên minh châu Âu (EU) là vì có chất 2-CE. Do EU có quy định đặc thù về cách tính hàm lượng của EO là giá trị gộp của cả EO và 2-CE, nên sự có mặt của chất 2-CE được nhận định là không phù hợp với quy định của EU.
Về nguyên nhân xuất hiện chất 2-CE trong sản phẩm, Acecook cho hay, đã có nhà cung cấp sử dụng EO để khử khuẩn trong một số nguyên liệu. Bên cạnh đó, kết quả phân tích nguyên liệu của nhà cung cấp cũng phát hiện sự hiện diện của 2-CE. Acecook Việt Nam cần thêm thời gian để xác minh, làm rõ nguyên nhân.
Nội dung sáng 13/9:
|
-
Vượt 613,000 ca nhiễm, gần 15,300 ca tử vong
Tính đến sáng 13/9, Việt Nam có 613,375 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số mắc là 608,997 ca. Có 374,578 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 15,279 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc.
Trong ngày hôm qua (12/9), Việt Nam ghi nhận 12,017 ca mắc mới, trong đó 11,469 ca ghi nhận tại 33 tỉnh thành và 548 ca Tiền Giang đăng ký bổ sung, trong đó có 6,650 ca cộng đồng; tăng 90 ca so với ngày 11/9, riêng Tp HCM tăng 529 ca, Bình Dương giảm 783 ca, Đồng Nai tăng 14 ca, Long An giảm 52 ca, Kiên Giang giảm 48 ca.
Ngày 12/9 Việt Nam có 261 ca tử vong ghi nhận tại 11 tỉnh/thành, Tp HCM vẫn nhiều nhất với 200 ca, tiếp đến là Bình Dương 39 ca, Đồng Nai 6 ca, Long An 5 ca.
Trong số 6,057 bệnh nhân nặng đang điều trị, có 4,958 ca thở oxy và 1,099 ca thở máy và ECMO.
-
Hà Nội lên phương án nới lỏng giãn cách sau 21/9, chuyên gia nói ‘khả quan’
Chiều 12/9, tại cuộc họp giao ban thành phố, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Hà Nội đã giao sở, ngành và các địa phương nghiên cứu, xây dựng các phương án nới lỏng một số hoạt động sau ngày 21/9.
Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu, các ngành kinh tế, dịch vụ sẵn sàng phương án nới lỏng và chuẩn bị kịch bản chi tiết ngay từ bây giờ.
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, việc xét nghiệm của Hà Nội chưa đạt yêu cầu, đề nghị các địa phương xây dựng trạm y tế lưu động ở ‘vùng đỏ’ để chuẩn bị cho các phương án trong thời gian tới.
Về khả năng Hà Nội nới lỏng giãn cách sau ngày 21/9, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đánh giá là hoàn toàn khả quan, vì thành phố đang thực hiện xét nghiệm, tầm soát diện rộng, số ca bệnh ngoài cộng đồng đang giảm đáng kể.
Tuy nhiên PGS Phu lưu ý, để gỡ bỏ giãn cách sau ngày 21/9, các chỉ số nguy cơ bùng phát dịch phải giảm xuống ở mức tối thiểu. Ngoài ra, việc kiểm soát những ca bệnh từ bên ngoài thành phố là tối quan trọng, nếu không, những nỗ lực trong gần 2 tháng qua coi như bằng không.
Ông Phu khuyến cáo, Hà Nội cần xây dựng các phương án, kế hoạch, chiến lược cụ thể để biết sau khi nới lỏng giãn cách, thành phố sẽ đi theo hướng nào.
Sáng nay 13/9, CDC Hà Nội ghi nhận thêm 22 ca dương tính mới, nâng tổng số mắc tính từ ngày 29/4 đến nay lên 3,802 ca, trong đó có 1,595 ca cộng đồng.
-
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, Sài Gòn điều chỉnh giãn cách sau 15/9 như thế nào?
Tối 12/9, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Tp HCM cho biết, từ ngày 15/9 đến cuối tháng 9, thành phố vẫn sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đồng thời, một số nơi vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách với chỉ thị 16+ và một số nơi dịch bệnh ổn định hơn như Cần Giờ, Củ Chi… có thể áp dụng chỉ thị 16- hoặc chỉ thị 15+.
Ngoài ra, ông Đức cho biết thêm, thành phố chưa thể lập tức áp dụng các phương án nới lỏng giãn cách dựa trên “thẻ xanh”, “thẻ vàng”. Các tiêu chí dự kiến để cấp “thẻ xanh” là người dân phải chích đủ 2 liều vaccine và phải sau liều thứ hai thêm 2 tuần thì “thẻ xanh” mới có hiệu lực. Do đó, theo ông Đức, sau 15/9, số người có “thẻ xanh” là không lớn.
Về phương án giãn cách xã hội sau 15/9, cũng trong ngày 12/9, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Tp HCM cho hay, thành phố sẽ điều chỉnh tùy vào hiệu quả phòng dịch của khu vực.
Theo ông Nên, nhiều khả năng sẽ thu hẹp lại số khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16. Ở những nơi kiểm soát được dịch, khu vực giãn cách theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 sẽ được mở rộng.
Trước đó, tại cuộc họp mở rộng chiều 11/9, ông Nguyễn Văn Nên thừa nhận, thành phố đã không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch trước ngày 15/9, mà chỉ có một số quận, huyện hoàn thành. Do đó, thành phố phải “xin thêm một thời gian nữa”, có thể tới hết tháng 9/2021 để hoàn thành. Hiện thành phố có hơn 100,000 F0 cần quản lý, điều trị.
Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 (27/4) đến nay, Tp HCM ghi nhận 291,871 ca mắc COVID-19, trong đó 11,792 người tử vong và có chiều hướng giảm đáng kể.
-
Tp HCM chưa cho phép shipper hoạt động liên quận, thí điểm mở cửa du lịch tại huyện Cần Giờ
Tại buổi họp báo chiều 12/9, Cảnh sát Tp HCM cho biết, hiện shipper chưa được phép hoạt động liên quận/huyện vì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Theo cảnh sát thành phố, từ nay đến 15/9 và sau ngày 15/9, việc shipper chạy liên quận/huyện hay không phải dựa vào phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh của chính quyền, cảnh sát chỉ là đơn vị triển khai.
Từ 6/9 đến 11/9, tại các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng đã xử phạt 3,986 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 6.8 tỷ đồng.
Liên quan đến thời gian và lộ trình mở cửa chợ truyền thống, tối 12/9 phó Giám đốc Sở Công Thương Tp HCM khẳng định, “chưa bao giờ có chủ trương đóng cửa hay ngưng hoạt động các chợ, cửa hàng, siêu thị… nên không có kế hoạch tổ chức mở cửa hoạt động trở lại”.
Theo Phó Giám đốc Sở, thời gian qua các chợ ngưng hoạt động là do phát hiện ca lây nhiễm; hoặc chưa đáp ứng được việc phòng dịch.
Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 (27/4) đến nay, Tp HCM ghi nhận 291,871 ca mắc COVID-19, trong đó 11,792 người tử vong và có chiều hướng giảm.
Tại một diễn biến khác, trong ngày 12/9, ông Lê Minh Dũng, Bí thư huyện Cần Giờ cho biết, huyện dự kiến thí điểm tour du lịch khép kín vào ngày 30/9 tới. Theo ông Dũng, huyện có kế hoạch xây dựng tour du lịch khép kín, cung đường khép kín, du khách chỉ ở trong khu vực nhất định.
Cùng với Củ Chi và quận 7, huyện Cần Giờ đã công bố kiểm soát được dịch và đang chuẩn bị kế hoạch cho việc phục hồi kinh tế sau ngày 15/9. Tại Tp HCM, huyện Cần Giờ là địa phương ghi nhận ít ca nhiễm nhất trong đợt bùng phát dịch thứ 4.
-
Khánh Hòa muốn đón khách du lịch vào dịp cuối năm
Ngày 12/9, tại cuộc họp bàn về giải pháp phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh địa phương, tỉnh Khánh Hòa đồng thuận việc đón khách quốc tế và nội địa đã chích đủ 2 liều vaccine COVID-19.
Thời gian đón khách dự kiến cuối năm nay (2021), tại khu vực Bãi Dài, nơi có các khách sạn, cụm du lịch, nghỉ dưỡng nằm xa khu dân cư, cơ sở hạ tầng dễ kiểm soát.
Khách quốc tế sẽ phải có hộ chiếu vaccine COVID-19, còn du khách nội địa thì phải có chứng nhận chích đủ vaccine và đi bằng các chuyến bay riêng. Du lịch nội tỉnh được phép hoạt động trở lại, song du khách phải có chứng nhận chích vaccine, hoặc giấy xét nghiệm âm tính.
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đón 457,000 lượt khách lưu trú, giảm 38.5% so với cùng thời kỳ năm 2020 và chỉ đạt 9.1% kế hoạch năm 2021.
-
Bà Rịa- Vũng Tàu bắt đầu mở lại nhiều hoạt động kinh tế
Ngày 12/9, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đồng thuận để 4 địa phương ‘vùng xanh’ gồm: Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo (nơi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15) được mở lại một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ ngày 15/9.
Về hoạt động thương mại – dịch vụ, du lịch tại siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các chợ truyền thống, các loại hình được phép hoạt động kinh doanh trở lại khi bảo đảm quy định về phòng dịch. Các dịch vụ ăn, uống được hoạt động thông qua hình thức đặt hàng trực tuyến.
Các công trình xây dựng hoạt động trở lại với điều kiện người làm việc là người dân đang sinh sống trên địa bàn của một huyện.
T
Tính tới 18h ngày 12/9, toàn tỉnh ghi nhận 3,796 ca mắc, trong đó 3,380 ca đã khỏi bệnh.
-
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông tăng thêm 7.8 triệu USD chi phí vì chậm tiến độ
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, do chậm tiến độ, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông phải kéo dài thời gian thực hiện làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát thêm 7.835 triệu USD.
Do nguồn vốn đối ứng của dự án từ phía Việt Nam còn lại rất ít trong khi Hiệp định vay bổ sung còn dư khoảng 26.421 triệu USD. Do đó, Bộ GTVT đã đề nghị Ngân hàng Xuất nhập cảnh Trung Quốc bổ sung Hợp đồng tư vấn giám sát vào phạm vi tài trợ của Hiệp định vay.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc không đồng ý đưa phần chi phí tư vấn giám sát tăng thêm vào khoản vay, với lý do là hợp đồng này không thể được tài trợ bởi khoản vay.
Tuyến Cát Linh – Hà Đông dài 13 km với tổng mức đầu tư ban đầu 8,770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD). Sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư lên 18,002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD), trong đó, vốn vay ODA Trung Quốc là 13,867 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 4,134 tỷ đồng.
Sau 1 thập kỷ khởi công, Dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã tạo ra những ý kiến “tiêu cực” bởi sự trì trệ trong tiến độ thực hiện và liên tiếp đội vốn lên mức cao. Nhiều người cho rằng, đây là dự án “hứa và hẹn”, nhưng hứa mãi, hẹn mãi mà vẫn chưa đến đích.
Và với việc phát sinh thêm chi phí từ các khoản vay phía Trung Quốc, đây cũng là mối lo lớn vì thực tế đã có nhiều quốc gia đã sập bẫy nợ Trung Quốc và gần đây nhất là Montenegro buộc phải gán đất để trả khoản vay làm đường cho Bắc Kinh.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm