Tin Việt Nam ngày 13/7: Hơn 2,300 ca mắc mới, TP. HCM được thí điểm cách ly F0 tại nhà, giảm thời gian nằm viện với bệnh nhân không triệu chứng, Việt Nam xuất quân tham dự Olympic Tokyo 2020
Nội dung tối 13/7:
|
-
852 ca mắc mới, Hà Nội thêm 6 ca
18h ngày 13/7, Bộ Y tế thông báo về 852 ca mắc mới COVID-19 (BN33649-34500) gồm 3 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Tây Ninh; 849 ca trong nước tại TP. HCM (546), Bình Dương (186), Long An (49), Đồng Tháp (19), Phú Yên (15), Hưng Yên (8 ), Hà Nội (6), Cần Thơ (5), An Giang (4), Đà Nẵng (4), Trà Vinh (3), Kiên Giang (3), Bắc Giang (1); trong đó, 759 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy trong ngày 13/7, Việt Nam ghi nhận 2,301 ca mắc mới, có 2,296 ca trong nước tại TP. HCM (1,797), Bình Dương (186), Long An (130), Đồng Tháp (31), Bà Rịa – Vũng Tàu (27), Phú Yên (26), Vĩnh Long (23), Đồng Nai (12), Bến Tre (11), Hà Nội (8 ), Hưng Yên (8 ), Tây Ninh (5), Cần Thơ (5), An Giang (4), Đà Nẵng (4), Trà Vinh (3), Kiên Giang (3), Quảng Ngãi (2), Bình Thuận (2), Bắc Ninh (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Nghệ An (1), Lào Cai 1), Bình Phước (1), Thanh Hóa (1); trong đó 2,095 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 18h ngày 13/7, Việt Nam có tổng cộng 30,985 ca bệnh, trong đó có 95 ca tử vong. Có 11 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới và 8 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
TP. HCM được thí điểm cách ly F0 tại nhà
Chiều 13/7, về đề xuất thí điểm cách ly F0 tại nhà của TP. HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ông đồng ý. Thứ trưởng Sơn cho hay, Bộ Y tế sẽ giao Cục quản lý Khám, chữa bệnh ban hành hướng dẫn chi tiết cách ly F0 tại nhà và sẽ ban hành sớm.
Về phương án, theo ông Sơn, sau khi điều trị tại bệnh viện từ 10-14 ngày và không có triệu chứng, F0 sẽ được cho về cách ly tương tự như F1, và phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất.
Về đối tượng áp dụng, ban đầu có thể sẽ áp dụng cho nhóm bệnh nhân như nhân viên y tế và những người có khả năng tự theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, y tế địa phương theo dõi trực tiếp sức khỏe F0; khi F0 có những triệu chứng báo động về y tế thì phải được đưa cấp cứu, điều trị kịp thời…
Tính đến sáng 13/7, TP. HCM đang điều trị 14,396 bệnh nhân COVID-19 (F0), có 25 bệnh nhân tử vong đã được công bố.
-
Giảm thời gian nằm viện với bệnh nhân không triệu chứng
Chiều muộn 13/7, tại buổi làm việc ở TP. HCM, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị, cách ly với bệnh nhân COVID-19. Cụ thể:
Với các trường hợp không có triệu chứng đang được điều trị tại các cơ sở y tế, sẽ xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 9 và ngày thứ 10; sẽ được xuất viện và không phải thực hiện cách ly (nhưng vẫn theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày) nếu đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
- Kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính.
- Kết quả xét nghiệm lần 2 dương tính nhưng chỉ số nồng độ virus thấp (giá trị CT >=30).
Với trường hợp dương tính phát hiện tại cộng đồng, những trường hợp có chỉ số nồng độ virus thấp (giá trị CT >=30) vẫn được chuyển đến cơ sở y tế, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24 giờ; sẽ được xuất viện, thực hiện theo dõi, giám sát y tế như trên nếu đáp ứng một trong 2 điều kiện sau:
- Kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính.
- Kết quả xét nghiệm lần 2 dương tính nhưng nồng độ virus vẫn thấp (giá trị CT>=30).
-
Giảm thời gian cách ly xuống còn 14 ngày
Cũng tại cuộc họp chiều 13/7, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian cách ly xuống 14 ngày với mọi hình thức cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) cho các đối tượng là người nhập cảnh và các trường hợp F1.
Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly và bàn giao, theo dõi y tế sau cách ly theo quy định.
Với các trường hợp tái nhiễm trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương không phải thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch; chỉ cần tiếp tục theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.
-
Việt Nam xuất quân tham dự Olympic Tokyo 2020
Tối 13/7, Ủy ban Olympic Việt Nam đã tổ chức lễ xuất quân đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2021 với tổng cộng 43 thành viên gồm 2 bác sĩ, 4 nhân viên, 1 phóng viên, 18 vận động viên (VĐV), 18 người còn lại là huấn luyện viên (HLV), chuyên gia, lãnh đội.
Theo kế hoạch, đêm 18/7 đoàn thể thao Việt Nam sẽ lên đường sang Tokyo. Tại tàu bay, đoàn thể thao Việt Nam sẽ được xét nghiệm COVID-19.
Sau khi có kết quả, đoàn trở về làng VĐV và thực hiện cách ly 72 giờ, làm đủ các xét nghiệm COVID-19 theo quy định của Ban tổ chức Olympic Tokyo. Trường hợp không có VĐV dương tính, các VĐV Việt Nam sẽ được chính thức tham gia tranh tài tại Olympic.
-
Truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và 7 đồng phạm
Ngày 13/7, VKSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố 8 bị can trong vụ án nâng khống giá thiết bị y tế, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.
Trong đó, bị can Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3, điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt 10-15 năm.
Các bị can còn lại bị truy tố cùng tội danh gồm: Nguyễn Ngọc Hiền (cựu Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), Trịnh Thị Thuận (cựu Trưởng phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai), Lý Thị Ngọc Thủy (cựu Phó phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai), Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS), Ngô Thị Thu Huyền (Phó giám đốc Công ty BMS), Trần Lê Hoàng (thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS), Phạm Minh Dung (cựu Tổng giám đốc Công ty VFS).
VKS đánh giá, trong vụ án này, Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết. Bị can Phạm Đức Tuấn giữ vai trò giúp sức tích cực, tạo điều kiện để cho Bệnh viện Bạch Mai ký được hợp đồng.
Nội dung trưa 13/7:
|
-
Thêm 983 ca mắc mới, riêng TP. HCM 886 ca
12h57 ngày 13/7, Bộ Y tế thông báo về 983 ca mắc mới COVID-1 (BN32666-33648) gồm 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Thanh Hóa và 982 ca trong nước tại TP. HCM (886), Long An (29), Bà Rịa – Vũng Tàu (27), Đồng Tháp (12), Bến Tre (11), Phú Yên (4), Quảng Ngãi (2), Bình Thuận (2), Bắc Ninh (2), Nam Định (1), Nghệ An (1), Bắc Giang (1), Hà Nội (1), Lào Cai (1), Bình Phước (1), Thanh Hóa (1); trong đó, 920 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy, tính từ 27/4 đến 13h ngày 13/7, Việt Nam có tổng cộng 30,136 ca bệnh, trong đó có 90 ca tử vong. Có 11 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới và 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Nhật Bản tiếp tục tặng Việt Nam một triệu liều vaccine COVID-19
Sáng 13/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi công bố viện trợ thêm một triệu liều vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 cho Việt Nam. Lô vaccine thứ 4 này sẽ được chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam (tàu bay Tân Sơn Nhất) vào rạng sáng 16/7. Như vậy, tổng số liều vaccine phía Nhật viện trợ cho Việt Nam là 3 triệu liều.
Đến nay đã có 97,110 liều Pfizer và 2,000,040 liều vaccine Moderna về đến Việt Nam. Hơn 2 triệu liều vaccine Moderna là số vaccine do Hoa Kỳ hỗ trợ. Bộ Y tế đã chuyển khẩn cấp một triệu liều Moderna này đến TP. HCM.
-
Tiền Giang ghi nhận ca tử vong thứ 2 liên quan COVID-19
Sáng 13/7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, bệnh nhân COVID-19 tên L.T.L. (41 tuổi, là giáo viên, thường trú tại P.10, TP. Mỹ Tho, bệnh lý nền viêm họng hạt mãn tính) đã tử vong tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Tiền Giang vào 0h30 cùng ngày và được chôn cất vài giờ sau đó.
Trước đó, sáng 27/6, ông L. được test nhanh COVID-19 tại Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho cho kết quả dương tính. Sau đó TP. Mỹ Tho lấy mẫu xét nghiệm PT-PCR của ông L. cùng vợ và 2 người con. Kết quả cả gia đình 4 người đều dương tính với COVID-19 và đã được chuyển điều trị tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh Tiền Giang.
Đến hiện tại, Tiền Giang có 2 bệnh nhân COVID-19 tử vong, trước đó là 1 bệnh nhân tại P.9 tử vong ngày 21/6.
-
TP. HCM dỡ bỏ 266 chốt giám sát nội thành, chuyển sang xử lý lưu động
Ngày 13/7, trên địa bàn TP. HCM, toàn bộ 266 chốt giám sát người lưu thông giữa các quận/huyện và thành phố Thủ Đức được giải tỏa. Các lực lượng chức năng chuyển từ đứng chốt kiểm soát sang tuần tra kiểm soát, xử lý lưu động các trường hợp vi phạm trên đường.
Trong sáng 13/7, đội CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường phát hiện 4 trường hợp vi phạm ra đường không cần thiết và xử phạt 8 triệu đồng.
Cảnh sát TP. HCM cho biết, 12 chốt, trạm kiểm soát phòng dịch COVID-19 tại các cửa ngõ thành phố vẫn hoạt động bình thường.
-
Hà Nội yêu cầu người về từ 14 tỉnh/thành phải quay đầu
Từ 6h ngày mai (14/7), Hà Nội triển khai 22 chốt ở các cửa ngõ để kiểm tra, xét nghiệm nhanh người từ các địa phương về Hà Nội.
Tại các chốt kiểm soát này, nhân viên kiểm soát sẽ dừng xe, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra việc chấp hành quy định phòng dịch COVID-19 trên xe, có thể xét nghiệm nhanh COVID-19 trong trường hợp nghi ngờ, khử trùng trong trường hợp cần thiết; kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người từ các tỉnh/thành khác trở về Hà Nội.
Đối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng đường bộ từ 14 tỉnh/thành có dịch bệnh, Hà Nội yêu cầu phải quay đầu, không được di chuyển vào Hà Nội (trừ trường hợp xe hợp đồng chuyên gia, nhân viên, người lao động của các cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất).
14 tỉnh/thành có dịch bệnh gồm: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắc Lắk, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam.
Trường hợp công dân hết cách ly tại các tỉnh trở về Hà Nội phải có quyết định kết thúc cách ly, trường hợp không có quyết định kết thúc cách ly phải giữ lại, phối hợp lực lượng y tế đưa về trụ sở chính quyền gần nhất để xác minh.
-
12h trưa nay, tỉnh Đắk Nông giãn cách xã hội toàn tỉnh
Từ 12h trưa nay (13/7), tỉnh Đắk Nông áp dụng giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 15 cho đến khi có thông báo mới.
Đối với người từ TP. HCM đi/về, tỉnh yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tại các chốt kiểm soát, đến cách ly tập trung tại cơ sở cách ly y tế. Khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì cách ly y tế tại nhà và xét nghiệm RT-PCR theo quy định.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 3 trường hợp dương tính với COVID-19 đều từ TP. HCM về.
-
Đêm nay tại Việt Nam, quan sát Sao Kim và Sao Hỏa nhập một
Ngày 12 (hoặc 13) tháng 7 là thời điểm nhiều quốc gia trên thế giới có thể quan sát hiện tượng hiếm gặp: 2 hành tinh có thể quan sát rõ ràng là Sao Kim và Sao Hỏa gần như kết dính lại với nhau, thậm chí khỏa lấp nhau trên bầu trời, theo Sputnik News.
Tờ Astronomy cho biết, sự “kết hợp hành tinh” này sẽ bắt đầu diễn ra vào khoảng 2h sáng 13/7 theo giờ EDT (tức 13h trưa 13/7 theo giờ Việt Nam). Khi đó, những quốc gia đang là buổi tối có thể thấy 2 thiên thể này chỉ còn cách nhau một khoảng nhỏ bằng bề ngang của mặt trăng.
Khoảng 6 tiếng sau, tức khoảng 19h tối nay 13/7 (theo giờ Việt Nam), 2 hành tinh sẽ trở niên gần gũi nhau nhất. Vì cả 2 đều quá sáng, nên khi nhìn bằng mắt thường sẽ khó nhận ra khoảng cách, mà thấy chúng như 2 ngôi sao sáng đang bị dính lại, một mang ánh sáng trắng ngả vàng (Sao Kim), một màu đỏ (Sao Hỏa).
Tuy nhiên do Sao Kim sáng hơn Sao Hỏa tới 190 lần khi hướng vào Trái Đất, nên ở một số thời điểm, Sao Hỏa có thể trông như hoàn toàn biến mất trong vùng sáng của Sao Kim.
Nội dung sáng 13/7:
|
-
Thêm 466 ca mắc mới tại 7 địa phương, chủ yếu ở TP. HCM và Long An
6h ngày 13/7, Bộ Y tế thông báo về 466 ca mắc mới (BN32200-32665) gồm ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Tây Ninh và 465 ca trong nước tại TP. HCM (365), Long An (52), Vĩnh Long (23), Đồng Nai (12), Phú Yên (7), Tây Ninh (5), Hà Nội (1); trong đó, 416 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy, tính từ 27/4 đến 6h ngày 13/7, Việt Nam có tổng cộng 29,154 ca bệnh, trong đó có 90 ca tử vong. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới và 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
3 ca COVID-19 ở Phú Yên tử vong
Tối 12/7, Sở Y tế tỉnh Phú Yên thông tin về 3 trường hợp tử vong do COVID-19 tại tỉnh này là BN21321, BN31605 và BN20532 nâng tổng số ca tử vong tính từ ngày phát hiện ca dương tính đầu tiên vào ngày 23/6 đến nay là 4 ca.
Hiện, Phú Yên có 3 trường hợp nặng, nguy kịch; 4 người viêm phổi nặng và 15 người viêm phổi trung bình, nhẹ; số bệnh nhân còn lại có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Trước đó, từ 8h đến 17h ngày 12/7, Phú Yên ghi nhận thêm 46 trường hợp dương tính, nâng tổng số ca dương tính toàn tỉnh lên 603 ca. Trong 46 ca dương tính mới, có 7 ca phát hiện khi xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, còn lại là người trong khu cách ly, phong tỏa.
-
Hà Nội lập 22 chốt kiểm soát ra vào thành phố
Từ 0h hôm nay (ngày 13/7), Hà Nội dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Mức độ và quy mô tạm dừng hoặc đóng các dịch vụ có thể sẽ tăng lên nếu dịch tiếp tục diễn biến xấu.
Theo đó, Hà Nội kiểm soát người từ tỉnh khác vào TP (có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 tối đa 3 ngày), yêu cầu người dân từ TP. HCM hoặc các vùng dịch khác khai báo y tế…
Lái xe công nghệ, nhân viên thu gom rác, nhân viên vệ sinh… sẽ được xét nghiệm sàng lọc (xét nghiệm nhanh và PCR).
Từ 14/7, thành phố Hà Nội sẽ lập 22 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra/vào thủ đô, kết hợp test nhanh và kiểm tra giấy xác nhận xét nghiệm âm tính.
-
Thêm 7 huyện ở Đồng Tháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày mai
Tối 12/7, tỉnh Đồng Tháp quyết định sẽ cách ly xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16 thêm 7 huyện/thị gồm: thành phố Cao Lãnh, thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tân Hồng, Tháp Mười. Nâng mức độ giãn cách lên toàn tỉnh với tinh thần “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.
Trước đó, ngày 11/7, những địa phương này đã áp dụng Chỉ thị 15; 5 huyện/thị là thành phố Sa Đéc, Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò và huyện Cao Lãnh đã thực hiện Chỉ thị 16.
Trong đợt bùng phát thứ 4, tính từ ngày 31/5 từ khi Đồng Tháp phát hiện ca mắc đầu tiên đến nay, tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 620 ca, hầu hết lây nhiễm trong cộng đồng.
-
Bà Rịa – Vũng Tàu giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ ngày mai
Tại cuộc họp khuya 12/7, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với toàn thành phố từ 0h ngày 14/7.
Tại cuộc họp này, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch TP. Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn này đã có 35 ca COVID-19 cộng đồng. Riêng trong sáng 12/7 ghi nhận thêm 26 ca bệnh, trong đó, nhiều ca có lịch trình phức tạp, chưa xác định được nguồn lây.
-
Vàng quay đầu giảm nhẹ trong bối cảnh đồng USD phục hồi, chứng khoán tăng điểm
6h sáng 13/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang giao dịch ở ngưỡng 1,807 USD/ounce, gần như không đổi so với đầu giờ sáng qua. Tuy nhiên, tính cả phiên, giá vàng có xu hướng giảm khi có thời điểm đã mất mốc 1,800 USD/ounce, về 1,792 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD phục hồi và thị trường chứng khoán tăng điểm.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 12/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 56.70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.30 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng ở mức 56.60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.37 triệu đồng/lượng (bán ra).
Quy đổi theo giá USD ngân hàng, vàng thế giới có giá 50.8 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và phí), thấp hơn khoảng 6.6 triệu đồng/lượng so với giá vàng tại Việt Nam tính tới cuối giờ chiều phiên 12/7.
Dự đoán: Các tín hiệu về xu hướng của giá vàng bất ngờ thay đổi. Áp lực điều chỉnh xuất hiện khi dòng tiền chảy sang các kênh đầu tư đem nhiều lợi nhuận như chứng khoán… Tuy nhiên, việc lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm tiếp tục xuống thấp là một yếu tố sẽ giúp vàng đi lên.
Hướng Dương tổng hợp
Xem thêm