Tin Việt Nam ngày 11/8: Gần 8,800 ca mắc mới, thêm 342 ca tử vong, tiếp nhận gần 218,000 liều vaccine Pfizer, số ca mắc mới tại Hà Nội giảm mạnh, Đà Nẵng phát hiện 5 F0 tại KCN Hoà Cầm, giá phân bón tăng ‘phi mã’
Nội dung tối 11/8:
|
-
Thêm gần 4,000 ca mắc mới, có 651 ca phát hiện trong cộng đồng
18h30 ngày 11/8, Việt Nam ghi nhận 3,964 ca mắc mới gồm 4 ca nhập cảng và 3,960 ca ghi nhận tại 26 tỉnh/thành với 651 ca cộng đồng. Trong đó, Tp HCM (1,288), Bình Dương (961), Đồng Nai (551), Long An (448), Đồng Tháp (176), Cần Thơ (103), Bà Rịa – Vũng Tàu (79), Khánh Hòa (61), Đà Nẵng (56), Bình Thuận (41), An Giang (39), Hà Nội (37), Phú Yên (33), Bình Phước (19), Ninh Thuận (19), Nghệ An (14), Thanh Hóa (13), Quảng Ngãi (5), Hải Dương (4), Quảng Nam (4), Hà Tĩnh (2), Nam Định (2), Bạc Liêu (2), Thừa Thiên Huế (1), Quảng Trị (1), Cà Mau (1).
Tính chung trong ngày 11/8, Việt Nam ghi nhận 8,766 ca mắc mới, trong đó, 14 ca nhập cảng và 8,752 ca ghi nhận tại 33 tỉnh/thành. Trong ngày, Tp HCM vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất với 3,416 ca, tiếp đến là Bình Dương 1,897 ca, Đồng Nai 979 ca, Long An 963 ca, Tây Ninh 263 ca, Đồng Tháp 191 ca, Bà Rịa – Vũng Tàu 181 ca, Tiền Giang 177 ca, Cần Thơ 103 ca, Khánh Hòa 102 ca… Hà Nội có 40 ca được công bố.
Tính đến chiều 11/8, Việt Nam có 236,901 ca COVID-19. Tính riêng đợt dịch thứ 4 (kể từ 27/4) đến nay, Việt Nam có 232,950 ca bệnh, trong đó, 82,380 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
-
Bộ Y tế thông báo bổ sung 342 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Chiều 11/8, Bộ Y tế thông báo bổ sung 342 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại 9 tỉnh/thành, trong đó, Tp HCM nhiều nhất với 261 ca, tiếp đến là Cần Thơ 24, Bình Dương (22), Đồng Nai (11), Đồng Tháp (10), Long An (10), Tiền Giang (2), Đà Nẵng (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), nâng tổng số ca tử vong tại Việt Nam lên 4,487 người.
Trong ngày 11/8, Việt Nam có 4,806 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 489 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 21 ca.
-
Việt Nam tiếp nhận thêm gần 218,000 liều vaccine Pfizer
Hôm nay (11/8), có 217,620 liều vaccine COVID-19 của Pfizer về Việt Nam và được bảo quản tại kho của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Cùng với 5 đợt vaccine Pfizer đã về trước đó, đến nay Việt Nam tiếp nhận gần 1,270,000 liều.
Trước đó, sáng 2/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong quý IV, số lượng vaccine sẽ về dồn dập. Riêng vaccine Pfizer, sẽ có khoảng 47-50 triệu liều về Việt Nam.
Theo thông tin từ Bộ y tế, đến nay có khoảng hơn 18 triệu liều vaccine COVID-19 về Việt nam từ 3 nguồn chính: Hợp đồng mua bán, qua cơ chế Covax, hỗ trợ từ Chính phủ các nước.
Hiện Tp HCM là địa phương nhận số vaccine nhiều nhất với 5,075,270 liều, là địa phương có tỷ lệ chích ngừa cao nhất, tuy nhiên thành phố này cũng là địa phương có số ca dương tính và số ca tử vong cao nhất Việt Nam.
-
Hà Nội thêm 40 ca dương tính trong ngày, Đà Nẵng phát hiện 5 F0 tại KCN Hoà Cầm
Tối 11/8, Sở Y tế Hà Nội thông báo về 12 ca dương tính mới tại Hoàn Kiếm (5), Đông Anh (2); Ba Đình (1), Hoàng Mai (1), Long Biên (1), Thạch Thất (1), Ứng Hòa (1), đều đã cách ly tập trung, nâng tổng số mắc mới trong ngày lên 40 ca.
Còn tại Đà Nẵng, chiều 11/8, Sở Y tế cho biết, thành phố ghi nhận thêm 56 ca dương tính, gồm 31 ca đã cách ly, 19 người trong khu phong tỏa và 6 ca ghi nhận trong cộng đồng.
Đáng chú ý, 6 trường hợp dương tính ghi nhận ngoài cộng đồng chưa được cách ly, trong đó có 5 công nhân làm việc tại Công ty Fujikura Automotive (KCN Hòa Cầm) được phát hiện khi test nhanh và lấy mẫu diện rộng.
Đây là chuỗi lây nhiễm mới, liên qua đến bệnh nhân N.T.A. được ghi nhận trước đó. Cơ quan chức năng đánh giá chuỗi lây nhiễm có nguy cơ rất cao. Người còn lại trong 6 ca cộng đồng là điều dưỡng học việc tại Bệnh viện 199, Bộ Công an.
Tính từ 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 1,473 ca mắc COVID-19.
-
Từ trưa mai 12/8, hàng quán ở Thanh Hóa chỉ được bán mang về
Chiều 11/8, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa gửi công điện khẩn tới các địa phương yêu cầu, kể từ 12h ngày 12/8:
- Tạm dừng bán hàng ăn, uống tại chỗ, chỉ được bán cho khách mang về tại tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn, uống trên địa bàn tỉnh.
- Hạn chế người tham gia các sự kiện tập trung đông người như đám tang, đám cưới, sinh nhật, chỉ tổ chức nội bộ trong gia đình; hạn chế việc tập trung ăn, uống đông người.
- Các F1 tiếp tục thực hiện cách ly ở các khu cách ly tập trung, trường hợp cần thiết cách ly tại nhà thì F1 chỉ ở một mình (trừ phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng), không được tiếp xúc với người khác, không được ra khỏi nhà.
- Các cơ sở là trường học đã được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung trước đó thì bàn giao lại cho ngành giáo dục xong trước ngày 18/8, để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới.
Từ ngày 27/4 cho đến sáng 11/8, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận hơn 150 ca nhiễm COVID-19, trong đó, hơn 60 ca đã được điều trị khỏi và xuất viện.
-
Giá phân bón tăng mạnh, 2 Bộ họp khẩn tìm giải pháp hạ nhiệt
Ngày 11/8, lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp khẩn với các tập đoàn, doanh nghiệp, tìm giải pháp bình ổn thị trường phân bón tại Việt Nam.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, từ đầu 2021, giá phân bón tại Việt Nam đã tăng trung bình 50-73%, làm tăng chi phí sản xuất, tác động tiêu cực đến đời sống của người nông dân.
Ở điểm cầu An Giang, đại diện Sở Công Thương nêu rõ, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến vận chuyển khó khăn, kéo theo giá thành lưu kho bãi, vận chuyển tăng, làm giá phân bón tăng cao.
Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa Chất (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng. Ngoài ra, các vấn đề vận chuyển, logistics gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã có hàng nhưng không vận chuyển được khiến giá tăng cao.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Bùi Thế Chuyên cho rằng, nguồn cung phân bón không thiếu so với nhu cầu, tuy nhiên giá trên thế giới biến động ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất, làm tăng giá bán sản phẩm.
Về phía Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, hiện giá một số mặt hàng nông sản phục hồi, được giá nên người dân đầu tư, chăm sóc kỹ hơn, kéo theo nhu cầu sử dụng phân bón tăng.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị, các doanh nghiệp tuyệt đối không tăng giá, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ, tích trữ.
Về giải pháp dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón.
Xem thêm